TTHC đầu tư: Loại rào cản, chuẩn hóa quy trình

Ma trận, chồng chéo, bất cập... là những từ được nhiều doanh nghiệp (DN) dùng để bày tỏ những khó khăn khi nói về các thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Những rào cản này không phải mới nhưng để loại bỏ lại không đơn giản.

Ma trận, chồng chéo, bất cập... là những từ được nhiều doanh nghiệp (DN) dùng để bày tỏ những khó khăn khi nói về các thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Những rào cản này không phải mới nhưng để loại bỏ lại không đơn giản.

Đầu mối chuyên trách nào?

Đánh giá trên cơ sở thực hiện các dự án đầu tư hiện nay áp dụng theo Luật Đầu tư 2005 và các văn bản hướng dẫn do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho biết các quy định về quy trình thực hiện đầu tư hiện nay phức tạp, chồng chéo và không thống nhất. Điều này đã làm hệ thống pháp luật về đầu tư thiếu ổn định, minh bạch và đồng bộ.

Gần như không có quy trình TTHC, không thống nhất từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành dự án. Thậm chí ngay cả quy định của từng thủ tục để công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện cũng không có. Do vậy, thời gian hoàn thành các TTHC kể từ khi có ý tưởng đến khi dự án đi vào vận hành thường rất dài.

Ông Nguyễn Hùng Huế,
Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành, Bộ Tư pháp

Thí dụ, nhà đầu tư có ý định đầu tư cho đến khi xây dựng nhà máy (liên quan đến 4 lĩnh vực về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng), thì riêng quy trình TTHC chịu sự điều chỉnh của 5 bộ luật có liên quan, 10 nghị định, 9 thông tư và rất nhiều văn bản hướng dẫn cấp tỉnh.

Vốn đã phức tạp, các văn bản này lại thường xuyên sửa đổi theo hệ thống văn bản gốc, đã tạo nên sự khác biệt và chồng chéo lớn mà chỉ các cơ quan thực hiện trực tiếp ở địa phương và DN khi áp dụng mới có thể nhận thấy được. Chỉ riêng giai đoạn đầu bước vào thị trường đã bao gồm 18 TTHC trong 4 lĩnh vực: đầu tư (3), đất đai (6), môi trường (2) và xây dựng (7).

Theo nhóm nghiên cứu VCCI, về thủ tục đầu tư, do quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản chuyên ngành nên không được xem xét ngay từ khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư, mà nhà đầu tư phải thực hiện thêm thủ tục ở các cơ quan khác. Nghịch lý là phần lớn thủ tục không khác nhau nhiều so với khâu xét duyệt cấp giấy chứng nhận, thực chất chỉ là thay đổi cơ quan chủ trì thẩm tra.

Việc thực hiện TTHC cũng không có sự rõ ràng về cơ quan đầu mối. Chẳng hạn, theo Điều 70 Luật Quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng có trách giới thiệu địa điểm cho chủ đầu tư; còn theo Khoản 3, Điều 122 Luật Đất đai, trách nhiệm này lại thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường; tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP (quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) lại được hiểu Sở Kế hoạch - Đầu tư là đầu mối. Thậm chí tại một số tỉnh, thành phố trách nhiệm giới thiệu địa điểm lại là trung tâm xúc tiến đầu tư, văn phòng UBND, sở chuyên ngành...

Dễ cho cơ quan nhà nước, trách nhiệm lỏng lẻo

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng với một dự án đầu tư liên quan đến bất động sản, DN nước ngoài phải trải qua khoảng 34 bước và thời gian từ 500-800 ngày mới thực hiện xong; liên quan đến quyền sử dụng đất, TTHC còn phức tạp hơn nhiều.

Cũng theo vị này, Việt Nam mời đầu tư rất tốt, nhưng khi bắt tay thực hiện có quá nhiều TTHC đi theo. Chính điều này đã khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đi xuống và thực tế đó đòi hỏi cần tiếp tục có những cải cách hơn nữa.

Quá trình triển khai dư án bị bủa vây bởi đủ các loại TTHC cho thấy việc quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư chưa được đảm bảo chặt chẽ. Theo ông Tuấn, hầu như không có cơ quan quản lý nhà nước nào nắm toàn bộ hoạt động đầu tư của dự án, chủ yếu là phối hợp thông tin vì mỗi cơ quan nắm một lĩnh vực. Từ đó dẫn đến sự yếu kém trong theo dõi, giám sát, đánh giá dự án đầu tư; không tổng hợp được thông tin đầy đủ, kịp thời.

TTHC trong đất đai và xây dựng phức tạp là một trong những nguyên nhân làm đội giá thành. Ảnh: LONG THANH

TTHC trong đất đai và xây dựng phức tạp là một trong những
nguyên nhân làm đội giá thành. Ảnh: LONG THANH

Tình trạng hàng trăm DN FDI bỏ trốn được nêu lên thời gian qua cũng có thể coi là một trong những hệ quả của tình trạng này. Một số chuyên gia cho rằng, chính vì sự bất cập, thiếu rõ ràng trong các quy định và yếu thế, thiếu công cụ bảo vệ, nên dù phải chịu mọi áp lực, rủi ro, thiệt hại, nhà đầu tư cũng không biết phải quy trách nhiệm thuộc về ai.

Theo ông Nguyễn Hùng Huế, nguyên nhân quan trọng khiến các quy định hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, thiếu minh bạch là do khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, một số bộ, ngành không tính đến yếu tố tổng thể, mà mỗi cơ quan thường đề xuất những quy định có lợi cho ngành mình.

Bày tỏ quan điểm về việc tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính nhưng khó xử lý trách nhiệm, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, cho rằng cán bộ công chức phải làm việc theo quy định, nhưng do quy định không rõ nên thủ trưởng đơn vị hay thanh tra cũng không thể xác định rõ trách nhiệm.

Do vậy, muốn trách nhiệm rõ ràng phải chuẩn hóa các quy trình mới có thể xử lý khi cán bộ, công chức làm sai. Theo VCCI, kết quả khảo sát nghiên cứu gần đây cho thấy, thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng được đánh giá là  nhóm các thủ tục khó khăn hàng đầu với DN trong và ngoài nước.

Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết trên cơ sở báo cáo đánh giá về TTHC, ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC sẽ báo cáo Chính phủ để ra nghị quyết về cải cách TTHC trong đầu tư. Đó sẽ là kim chỉ nam để từ đó có chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành, địa phương về đề án cải cách TTHC.

Cần cuộc đại phẫu cải cách

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, sau 8 năm thực hiện, Luật Đầu tư đã bộc lộ nhiều trở ngại. Sự rườm rà, chồng chéo, hướng dẫn không đồng bộ đã khiến các địa phương có quy định khác nhau trong thực hiện TTHC. Những bất cập này đã khiến tương quan so sánh với các nước trên thế giới, khu vực ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng giảm sức cạnh tranh.

Trước đây Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, nhưng nay có thứ hạng khiêm tốn trong lựa chọn của nhà đầu tư. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, việc sửa Luật Đầu tư và các văn bản liên quan đang là yêu cầu bức thiết để có thủ tục, chính sách đầu tư minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng. Ngoài ra, cần tiến tới bộ thủ tục đầu tư thống nhất, chuẩn hóa trên cả nước.

Để Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa, Việt Nam nên cải cách triệt để về TTHC, các luật liên quan đến hoạt động đầu tư… Bởi một trong những khó khăn mà DN Nhật Bản gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam là luật chưa minh bạch, rõ ràng.

Ông Sato Motonobu,
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam

Theo Ban cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động DN của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, từ nay đến năm 2015 những nỗ lực cải cách cần tập trung vào việc thiết kế và triển khai áp dụng 1 bộ TTHC cho chu trình thực hiện hiệu quả quá trình đầu tư của DN.

Việc thiết kế mô hình chuẩn này với việc áp dụng tại các địa phương sẽ góp phần quan trọng giải quyết các chồng chéo, xung đột, thiếu trình tự trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, cho rằng để cải cách có tính khả thi cần sớm ban hành thông tư liên tịch giữa các bộ như kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, xây dựng, vì nếu chờ sửa luật chưa biết bao giờ mới xong.

Thông tư sẽ đáp ứng được mong đợi của DN, địa phương dù nó không phải đột phá. Tuy nhiên, thách thức cho phương án xây dựng thông tư liên tịch này, theo ông Nguyễn Duy Hoàng, các bộ cùng ngồi với nhau xây dựng rất khó, bởi điểm bất cập, hạn chế lại nằm ở nghị định, do vậy tầm thông tư không thể xử lý được.

Vì vậy, nên xây dựng văn bản ở tầm nghị định để sửa các bất cập đang nằm ở nghị định khác mới triệt tiêu được các hạn chế, sau đó giao cho 1 bộ chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn. Những bất cập nằm trong luật sẽ được sửa trong giai đoạn tiếp theo.

Để đơn giản hóa TTHC trong thực hiện dự án đầu tư cần bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo nội dung xét duyệt của các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư; không yêu cầu nhà đầu tư phải xin giấy phép quy hoạch và các nội dung của giấy phép phải được đưa vào trong nội dung của văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư...

Các tin khác