TTCK: Xây dựng niềm tin, tạo đà phát triển

Theo giới truyền thông theo dõi thị trường chứng khoán (TTCK), ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), luôn được đánh giá là người cởi mở. Ngoại trừ những vấn đề nhạy cảm, vượt thẩm quyền, ông hiếm khi từ chối những vấn đề báo giới nêu ra. Ông cho rằng những gì báo chí quan tâm là thị trường quan tâm. Tâm sự với ĐTTC nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, ông Vũ Bằng chia sẻ:

Theo giới truyền thông theo dõi thị trường chứng khoán (TTCK), ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), luôn được đánh giá là người cởi mở. Ngoại trừ những vấn đề nhạy cảm, vượt thẩm quyền, ông hiếm khi từ chối những vấn đề báo giới nêu ra. Ông cho rằng những gì báo chí quan tâm là thị trường quan tâm. Tâm sự với ĐTTC nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, ông Vũ Bằng chia sẻ:

2012 là năm TTCK gặp khó khăn nhất trong suốt hơn 12 năm hoạt động. Nhìn lại có thể điểm qua một vài sự kiện đáng chú ý.

Thứ nhất, dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2012 chỉ số VN Index vẫn tăng khoảng 17,7% (HNX Index giảm 2,8%). Nếu so với các chỉ số chứng khoán của nhiều nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Brazil... mức tăng này khá tích cực.

Thứ hai, thanh khoản thị trường có sự cải thiện khi quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2011 (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.304 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011). Vốn ngoại cũng là một điểm sáng.

Số liệu tới ngày 15-12 cho thấy vốn nước ngoài vào thuần là 300 triệu USD - cao hơn mức 240 triệu USD của năm 2011. Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 2 tỷ USD, tính chung dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng 10% so với năm 2011.

TTCK năm 2013 còn khó khăn nhưng cũng có triển vọng, song sẽ phụ  thuộc vào kết quả tháo gỡ khó khăn với lĩnh vực bất động sản, xử lý nợ xấu. TTCK hồi phục sẽ góp phần quan trọng việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như vấn đề xử lý nợ xấu. 2 vấn đề này gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Bởi xử lý nợ xấu và khai thông thị trường bất động sản sẽ không thể có kết quả lớn nếu thiếu vai trò của TTCK.

2012 cũng là năm thành công trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động TTCK.

Đó là việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1826 (ngày 6-12-2012) phê duyệt đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký.

Để hỗ trợ việc triển khai đề án này, một loạt nghị định, thông tư mới được ban hành như: Nghị định 58 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư 52 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK; các thông tư về phát hành, kinh doanh, quản trị công ty, quỹ đầu tư.

Đây là những hành lang pháp lý quan trọng cho công cuộc tái cấu trúc TTCK đang vào giai đoạn quan trọng.


PHÓNG VIÊN:
- Xét ở góc độ quản lý, nhiều ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của UBCKNN. Ông nghĩ sao?

Ông VŨ BẰNG: - Dưới góc độ của UBCKNN cũng có những hạn chế do chưa có thẩm quyền tiếp cận thông tin, giám sát được sự dịch chuyển của dòng tiền để nhận diện được những rủi ro lớn hơn, từ đó có cảnh báo, điều chỉnh tốt hơn.

Gần đây, chúng tôi đã chủ động cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc nắm bắt các thông tin. Theo tôi, trên góc độ pháp lý, cần quy định rõ hơn vấn đề sở hữu chéo; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước, giữa cơ quan giám sát ngân hàng và UBCKNN trong dịch chuyển dòng vốn.

Ngoài ra, vấn đề tuân thủ và kiểm soát quản trị trong các ngân hàng cần được tăng cường trên cơ sở điều lệ và quy trình nội bộ chặt chẽ hơn.

- Theo ông, vì sao trong năm 2012 dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh?

- Thứ nhất, có thể do giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đã xuống quá thấp.

Thứ hai, nhà đầu tư ngoại nhìn dài hạn và thấy rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng.

Đặc biệt những động thái gần đây của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý vấn đề bất động sản, nợ xấu ngân hàng...

Thứ ba, trong bối cảnh khủng hoảng, khó khăn, ở khía cạnh tích cực đó có thể là cơ hội, vì thường các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường khi họ cảm thấy thị trường xuống thấp nhất.

Ngoài ra, họ cũng thấy kinh tế vĩ mô đã có cải thiện về vấn đề kiềm chế lạm phát, tỷ giá ổn định, cải thiện cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ tăng...

- Năm 2012 xem như đã hoàn thiện các văn bản pháp lý để tái cấu trúc TTCK tốt hơn. Vậy trọng tâm của UBCKNN trong năm 2013 là gì?

TTCK có lấy lại đà phát triển thời hoàng kim? Ảnh: CAO THĂNG

TTCK có lấy lại đà phát triển thời hoàng kim? Ảnh: CAO THĂNG

- Việc tái cấu trúc TTCK năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục như đề án. Trong đó, trọng tâm được chúng tôi xác định là tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, bởi hoạt động của khối này vẫn tiềm ẩn những rủi ro.

Chúng tôi sẽ quyết liệt xử lý những CTCK vi phạm. Đề án tái cấu trúc khối này cũng nhấn mạnh, hết giai đoạn phân loại xử lý những công ty yếu kém sẽ bước vào giai đoạn nâng tiêu chuẩn hoạt động của các công ty này với thời gian dự kiến tiến hành vào năm 2014-2015.

- Còn việc tái cấu trúc 2 sở giao dịch chứng khoán thì sao, thưa ông?

- Quá trình tái cấu trúc các sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về lộ trình, hàng hóa, công nghệ, tổ chức và con người.

Mỗi bước thực hiện phải thận trọng, không gây xáo trộn. Ban đầu, quan điểm của chúng tôi là năm 2012 sẽ xong đề án, nhưng do kinh tế, TTCK quá khó khăn nên dự định năm 2013 mới trình được đề án lên Chính phủ.

Trở ngại nữa là thời điểm chưa chín muồi vì hợp nhất 2 sở cần phải chú ý đến vị trí địa lý, các yếu tố kinh tế - chính trị để xác định trụ sở chính phải tính toán sao cho hợp lý.

Vì những lý do đó Bộ Tài chính, UBCKNN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn tiến độ triển khai tái cấu trúc 2 sở giao dịch chứng khoán thêm 1 năm so với kế hoạch.

- 2013 được nhìn nhận nền kinh tế tiếp tục khó khăn. UBCKNN có những kiến nghị gì để hỗ trợ thị trường?

- Chúng tôi dự kiến đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Trong đó sẽ tính toán tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Bên cạnh đó có lộ trình để các doanh nghiệp trên sàn khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thua lỗ được tạo điều kiện thuận lợi để niêm yết.

Thứ hai, cải thiện thanh khoản thị trường thông qua việc nghiên cứu các vấn đề về biên độ, tỷ lệ giao dịch ký quỹ, phí...

Thứ ba, tập trung thu hút vốn nước ngoài. Trong đó sẽ đề cập đến việc mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết.

Trong nhóm giải pháp này sẽ có sự nghiên cứu để phân loại danh mục, ngành nghề doanh nghiệp niêm yết, từ đó tăng thêm tỷ lệ nắm giữ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể nắm giữ trên 49%.

Ngoài ra cũng sẽ tính toán hợp lý để nhà đầu tư ngoại thuận lợi trong việc nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác