TT tiền tệ: Kiên định chính sách tín dụng chặt chẽ

Giới tài chính dự đoán khi chỉ số lạm phát đang có xu hướng giảm, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ thay đổi từ chặt chẽ sang dần mở rộng. Những phát ngôn chính thức của NHNN gần đây cũng không dùng từ “thắt chặt” mà thay vào đó là sự “linh hoạt” và “thận trọng” trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đến nay NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20% và giảm tỷ lệ phi sản xuất xuống 16% đến cuối năm 2011 theo lộ trình đề ra.

Giới tài chính dự đoán khi chỉ số lạm phát đang có xu hướng giảm, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ thay đổi từ chặt chẽ sang dần mở rộng. Những phát ngôn chính thức của NHNN gần đây cũng không dùng từ “thắt chặt” mà thay vào đó là sự “linh hoạt” và “thận trọng” trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đến nay NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20% và giảm tỷ lệ phi sản xuất xuống 16% đến cuối năm 2011 theo lộ trình đề ra.

Tín hiệu tích cực lãi suất VNĐ

Tại cuộc họp cuối tuần qua với các ngân hàng thương mại (NHTM), một lãnh đạo của Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từ cuối tháng 5 đến nay đã có diễn biến tích cực theo xu hướng hạ nhiệt, lãi suất qua đêm dưới 13%/năm - thấp hơn trần lãi suất huy động 14%/năm.

 Ảnh minh họa.

 Ảnh minh họa.

Điểm đặc biệt kỳ hạn giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng được kéo dài hơn, phổ biến nhiều NHTM thỏa thuận kỳ hạn cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ 6-8 tháng. Điều này cho thấy thanh khoản của các NHTM đã cải thiện rõ rệt.

Vấn đề đáng quan tâm là lãi suất VNĐ không có chiều hướng tăng nhưng vẫn tương đối cao. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực cũng như thông lệ quốc tế (do trần lãi suất huy động ngoại tệ giảm nhưng các NHTM vẫn không giảm lãi suất cho vay ngoại tệ).

Ngoài ra, quan hệ giữa lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) và lãi suất thị trường tiền gửi dân cư (thị trường 1) chưa hợp lý, các NHTM có nguy cơ rủi ro lãi suất khi chạy theo huy động vốn lãi suất cao trên thị trường 1. Vì vậy, mục tiêu của NHNN là làm sao đưa ra giải pháp điều tiết lãi suất ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực và lãi suất đang có dấu hiệu đi xuống. Đương nhiên có nhiều quan điểm khác nhau về việc lựa chọn phương thức điều hành của thị trường tiền tệ trong bối cảnh chỉ số lạm phát còn đang tăng cao. NHNN cũng đã thể hiện quan điểm lạm phát cao không thể có lãi suất thấp.

Nhưng về góc độ kinh tế vĩ mô, lãi suất cao đã đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn, đã bộc lộ dấu hiệu nợ xấu, nợ quá hạn tăng lên ở các NHTM. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thị trường, vào thời điểm thích hợp NHNN có thể linh hoạt thay đổi chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, như có thể xem xét tính toán lại việc bỏ hay điều chỉnh trần lãi suất huy động. Bởi ngân hàng huy động ở mức 14%/năm hiện nay rất khó hút khách hàng dù CPI đang giảm tốc.

Cũng theo ông Phước, nếu đã xác định tổng phương tiện thanh toán (M2) trong năm nay chỉ tiêu 14-16%, Chính phủ và NHNN cũng cần tính toán việc cung ứng tiền ra hợp lý giữa các tháng, không quá ít như từ đầu năm đến nay cung ứng tiền M2 chỉ 1,6%.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều NHTM cũng cho rằng NHNN cần sử dụng công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bớt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Cửa khó dư nợ phi sản xuất

Đến nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM theo đánh giá của Chính phủ là kiểm soát tốt. 5 tháng đầu năm tăng gần 7% và theo các tổ chức quốc tế nếu tăng thêm 1,5% nữa, tức khoảng 8,5% là con số đẹp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của một số ngân hàng cổ phần vẫn ở mức cao so với tổng dư nợ bình quân toàn hệ thống.

Dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất đang thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để thời gian tới, khi lạm phát đi xuống, NHNN có những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng khuyến khích tín dụng cho vay sản xuất, không khuyến khích cho vay đầu tư.

Ông LÝ XUÂN HẢI, Tổng giám đốc ACB

Theo số liệu mới của NHNN, đến cuối tuần qua vẫn có 10 ngân hàng cổ phần lớn tăng trưởng tín dụng chạm 20%, 2 ngân hàng nhỏ là VietBank và Ngân hàng Phương Tây vượt 20%. Hầu hết NHTM đều thực hiện giảm dần dư nợ phi sản xuất xuống 22% (theo lộ trình quy định đến 30-6-2011 của NHNN) nhưng đến nay vẫn còn 16 ngân hàng cổ phần có dư nợ phi sản xuất trên 22%.

Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc VietABank, cho biết VietABank đang nỗ lực giảm nhanh tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống theo chỉ đạo NHNN. Dự kiến đến 30-6, NHNN chỉ có thể giảm xuống 31% và đến 31-12-2011 các khoản vay đáo hạn dự kiến cũng chỉ xuống được 28%, bởi các kỳ hạn hợp đồng đến hạn chưa thể thu được. Vì vậy, ông Hưng đề xuất NHNN nên xem xét cho ngân hàng vì không thể hồi tố.

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng 5 tháng chỉ mới đi 1/3 chặng đường tăng trưởng tín dụng cả năm và chỉ tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán cũng mới 1,6% trong khi “room” được phép 16%. Như vậy còn dư địa để thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết 11 từ nay đến cuối năm. Vì vậy, NHNN có thể triển khai linh hoạt hơn chính sách tiền tệ.

Quy định của NHNN các NHTM không được tăng trưởng tín dụng quá 20% ở bất kỳ thời điểm nào trong năm là hơi cứng. Những tháng thời vụ NHNN có thể xem xét cho các NHTM tăng hơn một chút và khi thời vụ hết, doanh nghiệp thu được tiền về dư nợ phải tụt xuống, miễn sao tiến lên đích ngày 31-12-2011 các NHTM đều không vượt 20%.

Theo bà Hương thời hạn đến 30-6 dư nợ phi sản xuất xuống 22% là phù hợp nhưng NHNN có thể xem xét lại tỷ lệ giảm 16% đến cuối năm vì nhiều ngân hàng đã ký hợp đồng dài hạn 2-5 năm. Nếu để thực hiện đúng lộ trình quy định của NHNN, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng lách luật tại các NHTM

Áp trần cho vay 18%?

Trước kiến nghị của NHTM, lãnh đạo NHNN khẳng định các NHTM vẫn sẽ phải thực hiện theo đúng quy định tăng trưởng tín dụng 20% và kéo giảm dư nợ phi sản xuất theo lộ trình, nếu không sẽ bị chế tài. Cụ thể, nếu NHTM vi phạm tăng trưởng tín dụng quá 20% sẽ đình chỉ hoạt động tín dụng cho đến khi đạt mức 20% theo quy định.

NHNN không yêu cầu giảm tuyệt đối nhu cầu tín dụng phi sản xuất mà chỉ giảm cơ cấu theo kiểu “siết chặt”. Tới đây NHNN sẽ ban hành nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, với mức phạt dự kiến có thể đến 500 triệu đồng.

Nhiệm vụ của NHNN là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với các chỉ tiêu Thủ tướng công bố về GDP, lạm phát… NHNN sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các chính sách công cụ lãi suất như lãi suất trên thị trường mở (OMO) 10-15%/năm, tái cấp vốn 9-14%/năm. Về nguyên tắc khi CPI có xu hướng giảm dần, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất, đạt sự ổn định tương đối vững chắc, chứ không thay đổi ngay chính sách về lãi suất.

Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN GIÀU

Thực tế từ 3 năm nay NHNN luôn yêu cầu các NHTM cẩn trọng trong cho vay phi sản xuất, vì vậy đến thời điểm này càng không thể dễ dãi. Ngoài ra, NHNN cũng kiên định quan điểm giữ nguyên trần lãi suất huy động không quá 14%/năm.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu xử lý mạnh tay các NHTM huy động lãi suất cao, NHNN yêu cầu tuần này các NHTM phải gửi cho NHNN báo cáo về việc cam kết minh bạch lãi suất huy động và NHNN chi nhánh các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm với Thống đốc NHNN nếu NHTM nào trên địa bàn vi phạm hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng như lách huy động vượt rào.

Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất huy động bình quân VNĐ của các NHTM hiện nay 15,5%/năm, lãi suất cho vay VNĐ 18,74%/năm, tăng 3,74% so với năm 2010; cho vay sản xuất bình quân 18-19%/năm, phi sản xuất 22-25%/năm. NHNN yêu cầu các NHTM cổ phần phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp theo hướng tiết giảm chi phí để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Riêng đối với các NHTM nhà nước, NHNN sẽ có yêu cầu chỉ cho vay 18%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các NHTM xem xét giảm dần quy mô hoạt động trên thị trường liên ngân hàng nhằm đảm bảo phù hợp với quy mô hoạt động của các NHTM trên thị trường 1 cũng như khả năng quản trị rủi ro của các NHTM.

Hiện nay hầu hết NHTM đều đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của NHNN, nhưng trong trường hợp nguy cơ rủi ro tăng sẽ yêu cầu các NHTM nâng cao tỷ lệ an toàn theo quy định.

---------

Mạnh tay xử lý ngân hàng lách luật

Các tin khác