TT phân bón: Doanh nghiệp nội nỗ lực bứt phá

(ĐTTCO) - Năm 2016 thị trường nhiều biến động, cùng với đó là tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn trên quy mô lớn đã khiến các doanh nghiệp (DN) trong ngành phân bón Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Song một số DN vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh đã được đặt ra trước đó.

(ĐTTCO) - Năm 2016 thị trường nhiều biến động, cùng với đó là tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn trên quy mô lớn đã khiến các doanh nghiệp (DN) trong ngành phân bón Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Song một số DN vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh đã được đặt ra trước đó.

Khó khăn bủa vây

Khó khăn cũng như một liều thuốc thử sức mạnh nội lực của DN. Nếu DN nào có chiến lược kinh doanh phù hợp, có những tính toán bài bản và đầu tư hợp lý, dù khó đến đâu cũng có thể hoàn thành kế hoạch, đồng thời khẳng định vị trí của mình ở thị trường nội địa và từng bước tiến ra thị trường khu vực và thế giới.

Tại Hội thảo lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam, các DN phân bón nội đã phản ánh tình hình khó khăn hiện nay. Cụ thể, các DN sản xuất phân bón trong nước đang gặp nhiều áp lực do nhu cầu sử dụng phân bón có xu hướng giảm. Bên cạnh việc phải cạnh tranh với hàng phân bón nhập khẩu, các DN sản xuất phân bón chân chính còn chịu áp lực lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón giả, nhái.

Những áp lực đó không chỉ gây thiệt thòi cho DN phân bón chân chính mà còn gây thiệt hại cho bà con nông dân. Câu chuyện cạnh tranh với phân bón nhập khẩu thực sự đang trở thành một bài toán khó cho nhiều DN, bởi các mặt hàng phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới đều hạ giá như khí, than giảm hơn 40%, phân urê giảm 41,25%, phân DAP giảm 25%, phân kali giảm 19%... khiến giá phân bón nước ngoài nhập khẩu về rất rẻ.

Trong khi đó ở trong nước, giá than, khí không hề giảm, cộng với việc phải chịu Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế nên DN gặp vô vàn khó khăn. Theo Luật số 71, DN được miễn thuế VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0%, nên DN phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào mà lại không được khấu trừ đầu ra. Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí đầu tư, sản xuất phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN nội địa, mặt khác lại góp phần làm phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Có một nghịch lý vẫn đang diễn ra, đó chính là trong khi hàng trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thì cánh cửa nhập khẩu dường như vẫn cứ rộng mở và không có bất cứ hàng rào nào làm chậm bước tiến của phân bón nhập khẩu. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước mỗi năm khoảng 11 triệu tấn các loại, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu.

Trong đó phân đạm (urê) cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn; phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu. Phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn.

Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Đặc biệt, báo cáo thường kỳ tháng 9 của Bộ NN-PTNT cho biết: Tính đến cuối tháng 9, khối lượng nhập khẩu urê ước đạt 443.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tăng 58,8% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn từ Trung Quốc (chiếm 41,5% thị phần). Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón từ Malaysia cũng tăng đến hơn 3 lần về khối lượng và 2,1 lần về giá trị. Trong số các nước trong khu vực còn có Indonesia, tăng 87% về khối lượng và 39% về giá trị. Thậm chí nhập khẩu phân bón từ Lào cũng tăng nhẹ về khối lượng nhưng giá trị lại giảm. Thực tế, từ năm 2015 tổng sản lượng phân urê nhập khẩu đã tăng mạnh, lên tới 652.000 tấn, tăng 3 lần về khối lượng so với năm trước.

DN không ngừng nỗ lực

Trong buổi trao đổi với ĐTTC, ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - thương hiệu Đạm Cà Mau), chia sẻ dù tình hình chung rất khó khăn nhưng năm 2016 Đạm Cà Mau vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ.

Các chỉ tiêu tài chính đạt được tuy thấp hơn so với năm 2015 nhưng đây là kết quả khá khả quan so với mức sụt giảm của giá urê thế giới và trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn. “Ban lãnh đạo công ty đã xác định mục tiêu của Đạm Cà Mau là phải đem đến những giải pháp, những sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, giúp người nông dân sử dụng sản phẩm có lợi và qua đó hiệu quả sẽ đến với DN” - ông Tiến nhấn mạnh.

Ngoài việc công ty có chiến lược kinh doanh hợp lý, không ngừng hoàn thiện và mở rộng hệ thống phân phối, một phần trong thành công này chính là việc công ty đã vận hành thành công hệ thống quản trị SAP ERP và hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn COSO của Hoa Kỳ. Năm 2016, Đạm Cà Mau đã khởi động dự án tái tạo văn hóa DN cũng như các chương trình đào tạo phát triển nhân viên để nâng cao hơn trình độ nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa học tập trong toàn công ty.

Đặc biệt, công ty còn phát động phong trào đổi mới sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Song đã là DN sản xuất, bất cứ DN nào cũng phải khẳng định mình thông qua sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Và cũng chính nhờ nỗ lực giữ chất lượng sản phẩm, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao mà Đạm Cà Mau đã trụ vững trong cuộc chiến giá với hàng nhập khẩu.

Nói về vấn đề này, ông Bùi Minh Tiến chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, Đạm Cà Mau sẽ không ngừng nghiên cứu để cải tiến sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với định hướng phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, cũng như định hướng xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao vào các thị trường khó tính trên thế giới. Song song đó là việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urê hạt đục của Đạm Cà Mau.

Cụ thể, ngoài sản phẩm urê hạt đục, năm 2015 Đạm Cà Mau đã cho ra đời sản phẩm mới N.Humate+Te và tháng 12-2016, công ty tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới N46 Plus tiết kiệm phân bón và tăng năng suất cho cây trồng”.

Theo tìm hiểu thêm của ĐTTC, mặc dù sản phẩm đạm hiện nay đang trong tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh rất gay gắt, nhưng Đạm Cà Mau vẫn đang nghiên cứu triển khai dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp. Đây là dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Với dự án này Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời gian tới, cũng như cơ hội cho xuất khẩu. Hiện nay nhu cầu NPK cả nước vào khoảng 4 triệu tấn, nhưng tổng mức cung NPK cao cấp của các nhà máy sản xuất trong nước chỉ hơn 1 triệu tấn, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm này còn rất rộng mở. Ngoài ra, Đạm Cà Mau còn đẩy mạnh kinh doanh và phân phối các sản phẩm phân bón khác như DAP, Kali để tối ưu hóa khả năng sinh lời, nâng cao giá trị gia tăng.

Các tin khác