TT ngoại tệ: Vẫn trong tầm kiểm soát

Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) đã khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, giá dầu thô và giá vàng biến động mạnh. Điều này cho thấy mức độ tác động của chính sách tỷ giá đầy bất ngờ của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu không hề nhỏ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phải chủ trì cuộc họp để bàn những giải pháp ứng phó tình hình.

Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) đã khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, giá dầu thô và giá vàng biến động mạnh. Điều này cho thấy mức độ tác động của chính sách tỷ giá đầy bất ngờ của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu không hề nhỏ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phải chủ trì cuộc họp để bàn những giải pháp ứng phó tình hình.

Chưa có dấu hiệu căng thẳng

3 ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố nới biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ ±1% lên ±2%, tỷ giá niêm yết tại các NHTM phiên giao dịch cuối tuần đã chính thức chạm trần mức 22.106 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank giá mua, bán USD niêm yết khoảng 22.035-22.106 đồng/USD. Tại Eximbank và ACB, USD  được đẩy lên chạm trần với mức giá mua vào 22.030 đồng/USD và bán ra 22.106 đồng/USD.

Tương tự tại Techcombank, giá USD mua bán được niêm yết 21.970-22.106 đồng/USD; OCB: 22.020-22.106 đồng/USD. Hiện nay giá mua vào cao nhất trên thị trường 22.070 đồng/USD và giá bán ra đã ở mức kịch trần 22.106 đồng/USD. Tính tổng cộng cả tuần qua, tỷ giá mua vào tại các NH đã tăng trên 220 đồng và bán ra tăng 266 đồng, chạm mức trần theo quy định.

Giá giao dịch USD đẩy lên cao chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý của người dân. Cho đến nay các nhu cầu ngoại tệ chính đáng đều được đáp ứng và tình hình giao dịch trên thị trường diễn ra bình thường, không có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ. NHNN đã phối hợp với quản lý thị trường theo dõi diễn biến tại các điểm mua bán vàng miếng và thu đổi ngoại tệ để ngăn chặn và xử lý tình trạng mua bán trái phép, đầu cơ, tích trữ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM

Trên thị trường tự do, giá USD cuối tuần tiếp tục được đẩy lên cao, phổ biến ở mức 22.170 đồng/USD mua vào và 22.250 đồng/USD bán ra, tăng 50 đồng so với phiên giữa tuần. Trong mấy ngày qua, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại TPHCM và Hà Nội cũng đã tăng cả trăm đồng/ngày.

Theo các chủ thu đổi ngoại tệ, tỷ giá bắt đầu tăng vọt ngay sau khi NHNN công bố điều chỉnh biên độ tỷ giá vào ngày 12-8. Tình hình giao dịch của người dân sôi động hơn nhưng không có dấu hiệu căng thẳng.

Mặc dù giá USD được đẩy lên cao, nhưng theo lãnh đạo một số NH doanh số giao dịch có tăng nhưng không đột biến và hiện các NH vẫn đang đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết giao dịch tại NH diễn ra bình thường và thanh khoản được đảm bảo tốt. Đại diện Eximbank cũng cho biết mức giao dịch USD cao hơn trước đây song không đáng kể.

Thực ra 1 ngày trước khi quyết định nới biên độ tỷ giá, NHNN cho biết cơ quan này đã bán cho các tổ chức tín dụng hơn 400 triệu USD với giá 21.820 đồng/USD để cân bằng trạng thái ngoại hối. Theo đó, có NHTM đã mua 50 triệu USD từ NHNN và trạng thái ngoại hối đã trở về mức dương. Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã nâng tổng số ngoại tệ bán ra thị trường lên khoảng 2,7-2,8 tỷ USD. Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết tại thời điểm cuối tháng 7, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 37 tỷ USD và 10 tấn vàng.

Vàng nhảy múa theo tỷ giá

Thị trường vàng thời gian dài trong tình trạng trầm lắng khi giá vàng SJC chỉ dao động quanh mức 33 triệu đồng/lượng. Một số thời điểm giá vàng trong nước nhích nhẹ theo giá vàng thế giới, song do tâm lý lo vàng nhanh chóng quay lại đà giảm, người dân bán ra nhiều hơn, đồng thời tỷ trọng giữa bán ra với mua vào của các công ty kinh doanh vàng lệch pha rất lớn.

Sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá và việc NDT bị phá giá, thị trường vàng đã có dịp nổi sóng. Ngày 13-8, giá vàng lập mức đỉnh 35 triệu đồng/lượng, cao nhất trong 3 tháng qua, trước khi về mức 33,6-33,9 triệu đồng /lượng trong phiên cuối tuần.

Tỷ giá không có áp lực gì để tăng mạnh từ nay đến cuối năm và tiền đồng sẽ không mất giá quá 2% như cam kết của NHNN. Chuyện tỷ giá USD/VNĐ cần phải nhìn nhận về cung cầu. Tính đến giữa tháng 7-2015, cán cân vãng lai của Việt Nam bao gồm cán cân thương mại, chuyển tiền và nguồn thu dịch vụ vẫn cân đối, trong đó kiều hối dự kiến đạt 12-14 tỷ USD. Do đó về tổng thể cán cân vãng lai Việt Nam vẫn có thể thặng dư, ít nhất khoảng 4-5 tỷ USD.

Ông Trương Văn Phước,
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Theo ghi nhận của ĐTTC tại Công ty Vàng bác đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng trong nước 1 ngày sau quyết định của NHNN nới rộng biên độ đã tiếp tục tăng nhanh và độ tăng lớn. Điều này khiến nhà đầu tư và người dân có tâm lý e ngại vàng sẽ tiếp tục tăng do những tác động bởi việc NDT bị phá giá.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng, vì rủi ro thể hiện ở chênh lệch giữa giá mua và giá bán vẫn còn lớn 600.000-900.000 đồng/lượng. Kể cả thời điểm giá vàng tăng nóng chỉ sau vài giờ, chênh lệch giữa 2 đầu giá cũng bị kéo giãn lên tới 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện nay vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nhận xét mức tăng này của giá vàng là điều khó chấp nhận được, đồng thời mức chênh lệch quá cao giữa giá mua và bán cho thấy sự bất ổn trên thị trường vàng.

Trên thực tế, việc giá vàng nổi sóng trong những ngày cuối tuần qua do chịu tác động từ việc tăng tỷ giá và sự nhiễu loạn của đồng NDT. Giá vàng nhảy mạnh nhưng giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra chậm và không có nhiều biến động. Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ nhanh chóng quay đầu giảm điểm.

Cho đến nay NH Trung ương Trung Quốc đã phá giá 3 lần liên tiếp với mức tổng cộng 4,5% trong 3 ngày 11, 12 và 13-8. Động thái của NHNN tăng biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% được đánh giá là hợp lý và có thể tốt cho Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Với việc nới biên độ lần này NHNN không phá vỡ cam kết điều chỉnh tỷ giá liên NH quá 2%, nhưng thực tế tỷ giá giao dịch trên thị trường đã tăng hơn 3% kể từ đầu năm đến nay.

Nhiều chuyên gia nhận định tăng biên độ của NHNN có thể chưa đủ liều để ứng phó với việc NDT vừa phá giá. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, bình luận: “Trung Quốc đã chính thức phá giá đồng NDT so với đồng USD. Đây là nền kinh tế lớn cuối cùng làm điều này. Trước đó Nhật Bản, EU, Nga, Australia... đều đã chấp nhận đồng tiền của mình xuống giá do cả chủ động và bị động. Điều này đã khiến VNĐ do gắn tương đối chặt vào USD đã trở nên mạnh hơn so với hầu hết các đồng tiền quan trọng khác”.

Ứng phó linh hoạt

Thông thường một nước có lạm phát tăng cao, đồng tiền nước đó có xu hướng bị mất giá. Trong khi đó lạm phát của Việt Nam năm 2015 được dự báo vẫn đang ở mức thấp, do vậy áp lực của lạm phát lên tỷ giá không nhiều.

Mới đây, trong cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định việc điều hành tỷ giá cần chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng nội tệ; đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định và thuận lợi để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của việc phá giá NDT đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia tính toán tỷ giá hối đoái thực giữa VNĐ và NDT cho thấy định giá giữa 2 đồng tiền này khá cân bằng. Do vậy, nếu NDT tiếp tục phá giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng nguyên liệu thô, nông sản - những mặt hàng đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi này.

Cho đến thời điểm hiện nay hầu hết các ngân hàng đều tăng giá USD kịch trần. Ảnh: LONG THANH

Cho đến thời điểm hiện nay hầu hết các ngân hàng
đều tăng giá USD kịch trần. Ảnh: LONG THANH

Không chỉ vấn đề tỷ giá, đằng sau việc NDT bị phá giá có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thật sự đang gặp khó khăn sau một thời gian dài tăng trưởng thần kỳ. Sự giảm sút mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc là minh chứng rõ ràng nhất. Do đó, việc phá giá NDT nhằm mục tiêu cứu nền kinh tế đang trong cơn khốn khó và sự suy yếu này ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc có thể tăng cường việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang Việt Nam và các nước khác để giải quyết dư thừa công suất và sự suy yếu trong tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam qua nhiều con đường, như rót vốn cho các dự án ở Việt Nam.

Như vậy, Trung Quốc vừa có thể xuất khẩu hàng hóa, vừa xuất khẩu cả lao động sang Việt Nam. Vì thế, những hệ quả của chính sách này không thể không tính tới là cần giải pháp linh hoạt, chặt chẽ nhằm kiểm soát, hạn chế các tác động xấu đến nước ta.

Các tin khác