Trường Thành & tham vọng Top 3 ASEAN

Sau hơn 30 năm gắn bó với ngành sản xuất đồ gỗ, doanh nhân Võ Trường Thành (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, xác định mục tiêu phấn đấu: bản thân giành được vị trí doanh nhân Top 3 ASEAN và công ty giành được vị trí doanh nghiệp tư nhân trồng rừng Top 3 ASEAN. Đó là một tham vọng lớn, nhưng nếu nhìn lại cả con đường doanh nhân này đã chinh phục, tham vọng ấy hoàn toàn có cơ sở.

Bỏ phố lên rừng

Gặp lại ông lần này không phải trong căn biệt thự Cẩm Vân quen thuộc, mà tại quán cà phê một chiều mưa giông. Ông Võ Trường Thành kể lại câu chuyện dài của một người nặng nợ với gỗ. Với nụ cười hồn hậu, giọng nói đậm chất Bình Định, ông bắt đầu câu chuyện về ước mơ, hoài bão của mình hồi thanh niên.

Thầy giáo trẻ Võ Trường Thành rời quê hương Tây Sơn, Bình Định khi tuổi mới ngoài đôi mươi, vào TPHCM gia nhập Thanh niên xung phong (TNXP), rồi được điều về làm việc tại xưởng chế biến gỗ thuộc Tổng đội TNXP TPHCM (đóng tại Tây nguyên).

Sau 6 năm công tác, từ vị trí nhân viên Võ Trường Thành trở thành Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản TNXP khi mới 28 tuổi. Hoài bão của tuổi trẻ cứ thôi thúc phấn đấu tạo dựng sự nghiệp, do vậy năm 1992, nghe tin ở huyện E H’leo, tỉnh Đắk Lắk có một đơn vị quân đội đang rao bán xưởng chế biến gỗ, Võ Trường Thành nghĩ đến việc tự mình lập một doanh nghiệp gỗ.

Vay mượn được hơn 50 triệu đồng, Võ Trường Thành mua lại xưởng đó và bắt đầu khởi nghiệp với 30 công nhân, máy móc có phần lạc hậu. Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Trường Thành ra đời từ đó.

- Nhiêu đó làm sao có sản phẩm chất lượng để xuất khẩu?

Trường Thành & tham vọng Top 3 ASEAN ảnh 2Tôi đã chiêm nghiệm, nắm bắt tầm nhìn đối với ngành gỗ. Bởi sự phát triển của ngành gỗ đòi hỏi người lãnh đạo phải có trình độ cao hơn, chứ không thể “ăn quẩn cối xay”. Do vậy, tôi quyết định theo học chương trình MBA của Hoa Kỳ. Trở về nước, tôi đã cùng công ty chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới.
Trường Thành & tham vọng Top 3 ASEAN ảnh 3

Ông VÕ TRƯỜNG THÀNH

- Thời gian đầu, sản phẩm chủ yếu làm bằng tay chứ không phụ thuộc vào máy móc, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Bằng chứng là hàng xuất sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc được khách hàng ưa chuộng vì độ tinh xảo. Công việc suôn sẻ, lợi nhuận năm sau gấp đôi năm trước, máy móc được đầu tư hiện đại hơn, sản xuất phát triển nên số lượng công nhân cũng tăng nhanh chóng. 3 năm sau, sản phẩm đồ gỗ của Trường Thành bắt đầu thâm nhập thị trường khó tính châu Âu.

Nhưng gió đã không thuận buồm, thương trường đâu phải lúc nào cũng trải thảm đỏ. Năm 1997 cơn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới ập đến, ngành gỗ lao đao. Khó khăn càng thêm chồng chất khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cấm xuất khẩu gỗ, nhưng lại không phân biệt là cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu hay sản phẩm làm từ gỗ. Vì vậy các cơ quan chức năng cấm tất để bảo toàn.

Trong tình thế đó, không ít doanh nghiệp gỗ phải giải thể, Võ Trường Thành cũng loay hoay, tưởng chừng ước mơ phát triển doanh nghiệp tàn lụi. Song “sóng cả không ngã tay chèo”, trong thời điểm khó khăn ấy, khi sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu, ông trăn trở: “Làm cách nào để nhà máy không bị giải thể?”. Và rồi ông đã tìm được lối ra.

Sau gần 3 tháng phải tạm đóng cửa, nhà máy hoạt động trở lại với công suất thấp hơn, chủ yếu cung ứng thị trường trong nước. Chiến lược quay về thị trường nội địa đã cứu Trường Thành thoát khỏi bờ vực phá sản.

Nhắc lại câu chuyện thoát cảnh nguy nan lúc đó, ông Võ Trường Thành phân tích: “Vì sức tiêu thụ đồ gỗ của thị trường nội địa không cao, nên cách đó chỉ phù hợp với quy mô công ty nhỏ, chứ không phải giải pháp khả thi với quy mô Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành bây giờ”.

Đến năm 1999, đồ gỗ được cho phép xuất khẩu trở lại. Nhu cầu thị trường đồ gỗ rộng mở nhưng còn quá ít công ty đồ gỗ có thể đáp ứng. Trong bối cảnh đó Trường Thành tận dụng lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, khuếch trương thương hiệu.

Trồng rừng, xây nhà máy, chinh phục thị trường

Đánh dấu cuộc trở về của mình bằng cách mua lại doanh nghiệp FDI đầu tiên của tỉnh Bình Dương, doanh nhân Võ Trường Thành đã khiến nhiều người phải kinh ngạc. Ông cho xây dựng nhà máy tại Thuận An (Bình Dương) và xây dựng chi nhánh tại TPHCM. Chiến lược thâm nhập những thị trường khó tính được triển khai với những bước đi vững chắc.

Chẳng hạn khi gặp rào cản ở thị trường châu Âu, Trường Thành mở hướng sang thị trường Hoa Kỳ. Đến khi cả hai thị trường này đều bị trở ngại, Trường Thành tìm đến thị trường Nhật Bản. Thành công nối tiếp thành công, năm 2007, Trường Thành đạt lợi nhuận gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu khi đó hơn 30 tỷ trong khi lợi nhuận 53 tỷ đồng). Trường Thành quyết định lên sàn chứng khoán vào đầu năm 2008 và đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất gỗ hiện đại nhất với số vốn 250 tỷ đồng.

Ông Võ Trường Thành (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với đối tác về hoạt động của nhà máy.

Ông Võ Trường Thành (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với đối tác về
hoạt động của nhà máy.

- Nhưng thời điểm năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ?

- Chưa bao giờ khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài như lần này. Sóng gió lại nổi lên trong ngành đồ gỗ xuất khẩu. Năm 2008 qua đi, năm 2009 doanh nghiệp chưa kịp hồi phục, sang năm 2010 và 2011 khó khăn lại ùn ùn kéo tới, có thể sẽ kéo dài đến năm 2012.

Nhưng tôi không thích nhắc nhiều đến khó khăn, bởi đó vốn là quy luật tất yếu trong kinh doanh. Trường Thành vẫn đầu tư trồng rừng, xây nhà máy mới, không ngừng chinh phục thị trường nội địa song song với bài toán xuất khẩu.

Hiện nay thị trường nội địa của Trường Thành chiếm đến 35% doanh thu. Những trải nghiệm qua nhiều năm trong ngành gỗ đã giúp ông Võ Trường Thành có chiến lược linh hoạt. Với thị trường xuất khẩu, trước đây Trường Thành chỉ chú trọng làm sản phẩm ngoài trời và cao cấp, nay thêm những sản phẩm trung bình - thấp và những sản phẩm trong nhà.

Năm 2010, Trường Thành tiếp tục đầu tư thêm 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy mới. Với việc đầu tư trồng rừng, Trường Thành đã chủ động được hơn 80% nguyên liệu gỗ. Năm ngoái, Trường Thành còn ký biên bản ghi nhớ để triển khai đầu tư trồng rừng tại Nam Phi, nhưng nay phải tạm dừng vì lãi suất cao quá.

“Đầu tư trồng rừng là đầu tư cho lâu dài, với lãi suất lên tới 20%/năm như hiện nay sẽ không có cây rừng nào lớn kịp” - ông nói vui nhưng không khém phần chua xót.

Con người là yếu tố tiên quyết

Năm 2010 cổ phiếu TFF không được đánh giá cao, do Trường Thành còn vướng những khoản nợ không nhỏ. Nhiều biện pháp đã được ban quản trị công ty đưa ra nhằm ổn định sản xuất và thực hiện mục tiêu năm 2011 chia cổ tức 20% (năm 2010 Trường Thành không chia cổ tức cho cổ đông mà tập trung tái đầu tư).

Có một biện pháp được duy trì từ rất lâu, là luôn chú trọng đào tạo nhân lực với niềm tin khi nền kinh tế phục hồi công ty sẽ có đủ lực lượng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Đào tạo là bài toán đầu tư lâu dài, nên không thể nhìn thấy hiệu quả ngay trong một sớm một chiều” - ông Võ Trường Thành nhấn mạnh.

Trường Thành & tham vọng Top 3 ASEAN ảnh 5CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành được xếp vào vị trí thứ 3 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam được Bộ Thương mại công bố năm 2010, là một phần thưởng đáng tự hào cho ông và các cộng sự của mình. Trong số 10 doanh nghiệp đoạt giải chỉ có Trường Thành là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh.
Trường Thành & tham vọng Top 3 ASEAN ảnh 6

Trường Thành có 2 cấp đào tạo: đào tạo cho công nhân thông qua trường đào tạo nghề và đào tạo cán bộ nguồn chuyên về quản lý, lãnh đạo. Do vậy hiện nay gần 6.000 công nhân vẫn gắn bó với công ty. Không chỉ đào tạo trong nước, công ty còn cấp kinh phí cho kỹ sư ra nước ngoài học tập để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về mẫu mã, thiết kế của các khách hàng nước ngoài.

Ngược lại, Trường Thành cũng nhận đào tạo cho công nhân Nam Phi sang học nghề làm đồ gỗ xuất khẩu. Ông chia sẻ dự án trồng rừng ở Nam Phi có thể phải tạm ngưng nhưng việc đào tạo nhân lực cho nước này cùng với việc mở phòng trưng bày sản phẩm tại đây vẫn không có gì thay đổi. Kế hoạch cứ bước tiếp kế hoạch.

Thời buổi khó khăn, Trường Thành cũng có những bước tái cấu trúc nhưng là tái cấu trúc trong hội đồng quản trị. Giảm 1 thành viên điều hành và thêm vào 2 thành viên không điều hành đến từ các quỹ. Tập đoàn cũng có chủ trương sáp nhập các công ty ở gần lại với nhau để giảm chi phí quản lý nhưng không có chính sách sa thải. Khi sáp nhập chỉ có một vài vị trí bị thuyên chuyển để phù hợp với công việc mới.

Ông Võ Trường Thành cũng rất chú trọng đầu tư cho phòng R&D (nghiên cứu và phát triển), đến nay đã có 28 kỹ sư đang làm việc. Ngoài việc đưa ra những sản phẩm đúng theo yêu cầu của thị trường, việc nghiên cứu những sản phẩm mang tính chất dẫn dắt thị trường cũng hết sức cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

2 năm trước, ông đã mời chuyên gia Nhật Bản đến cùng nghiên cứu với các kỹ sư Việt Nam để cho ra một dòng sản phẩm chưa có trên thị trường Việt Nam. Và đến nay Trường Thành đã tung ra sản phẩm ván ép và ván nhân tạo không có độc tố duy nhất tại Việt Nam.

- Khi đưa Trường Thành trở thành công ty đại chúng ông có cảm thấy tiếc nuối vì do một tay ông gầy dựng nên?

- Không! Tất cả nằm trong kế hoạch phát triển công ty mà tôi đưa ra trước đó. Nếu không trở thành công ty đại chúng, Trường Thành không thể phát triển hơn được. Nếu cứ giữ kiểu tư duy cái gì của mình thì mãi giữ riêng mình, doanh nghiệp sẽ không thể lớn mạnh.

Các tin khác