Triều Khúc chiều xuân

Kẻ Đơ xưa - làng Triều Khúc ngày nay, một trong những làng cổ thuộc xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), vùng quê nổi tiếng với nghề làm nón quai thao. Triều Khúc còn là nơi có truyền thống lâu đời sản xuất các mặt hàng tơ lụa, có nghề làm độn tóc đuôi gà, kim hoàn, thêu may, dệt the, dệt nái, dệt thổ cẩm, nhuộm...

Kẻ Đơ xưa - làng Triều Khúc ngày nay, một trong những làng cổ thuộc xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội), vùng quê nổi tiếng với nghề làm nón quai thao. Triều Khúc còn là nơi có truyền thống lâu đời sản xuất các mặt hàng tơ lụa, có nghề làm độn tóc đuôi gà, kim hoàn, thêu may, dệt the, dệt nái, dệt thổ cẩm, nhuộm...

Ông già “thổ cẩm” 

 

Về Triều Khúc, nhất là những ngày xuân, du khách được người già kể cho nghe bao câu chuyện huyền sử về phong cảnh, di tích, phong tục văn hóa và sinh hoạt của làng nghề, mang dấu ấn thời khai phá lập đất.

“Tôi sinh ra trong gia đình 3 đời gắn bó với nghề dệt Triều Khúc. Ngay từ hồi để chỏm, tôi đã “bắt duyên” với từng sợi thô, sợi sần, dệt lĩnh, dệt lụa...

Giờ đây, không chỉ cánh già ở tuổi bén ngưỡng bát thập như tôi, mà nhiều người vẫn luôn tự hào bởi những sản phẩm tự tay mình và các nghệ nhân trong làng làm ra” - trong căn nhà nhỏ đơn sơ giản dị, ngồi trò chuyện ấm cúng bên ấm trà mạn, nghệ nhân Đỗ Đình Được trải lòng.

Ông kể, hồi đó khi ra trường được giữ lại làm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ông đã bị cuốn hút bởi những dòng thổ cẩm rực rỡ sắc màu của các vùng, miền trên cả nước.

“Chuộng nhiều, ưng lắm, nhưng thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao vùng Tây Bắc vẫn làm tôi mê mẩn hơn cả. Vì vậy, tôi đã có những chuyến đi xa dài ngày ngược Bắc. Với phương châm “2 cùng” (ăn cùng, ở cùng) với đồng bào các dân tộc đã khiến tôi nặng lòng, gắn bó với thiên nhiên, con người nơi đây. Rồi “ngấm” những nét văn hóa truyền thống từ các sản phẩm thổ cẩm tự bao giờ không hay” - già Được bộc bạch.

Khi hỏi tại sao thổ cẩm nước ta rất đa dạng về chất liệu, hình dạng, mẫu mã nhưng lại chỉ say mê thổ cẩm Tây Bắc, ông cho biết: “Mê ở cách pha trộn màu sắc, sự cách điệu, bố cục trình bày” nên tôi nghiên cứu, tìm cách “dung hòa” cho được.

Như đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc ưa màu sặc sỡ, lấy các gam đỏ chói, xanh chói, vàng chói... làm chủ đạo. Người Tràng An thường ưa màu nhẹ nhàng, trầm dịu, cách bố cục, điệu hoa văn trên những sản phẩm cũng đòi hỏi sự tinh xảo, sống động và có hồn hơn”.

Sản phẩm thổ cẩm của ông Được đã được sử dụng làm đồ trang trí cho các công trình nội thất trong nhà khách Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, hay tham gia triển lãm hội chợ tại Nhật Bản, Đức, Ba Lan...

Nhộn nhịp làng nghề

Triều Khúc nổi tiếng là làng thủ công đất Thanh Oai (Hà Đông) xưa. Nổi tiếng nhất là nghề dệt thao từ nguyên liệu thô, sần, những phế liệu từ dệt lĩnh, dệt lụa thải ra, được chuốt lọc lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu rồi mới dệt thành vải để làm quai nón.

Đến nay, người Triều Khúc vẫn truyền nhau về tổ nghiệp của họ - ông Vũ Đức Úy. Cuối thế kỷ 18, thời Lê-Trịnh, ông Vũ Đức Úy được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc. Tại đây, ông học được nghề dệt thao, về nước tổ chức dạy nghề cho dân làng Triều Khúc.

Chiếc nón dẹt từ ngày có quai thao mềm mại và duyên dáng hơn, được các bà, các cô ưa dùng. Không biết từ bao giờ, ở đây vẫn truyền tụng câu ca: “Ai làm ra nón quai thao / Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

Lễ hội triều khúc.

Lễ hội triều khúc.

Mỗi dịp xuân về, làng Triều Khúc lại tưng bừng mở hội, thu hút đông đảo mọi người gần xa về trảy hội. Làng có đền thờ Đức thánh tổ Vũ Úy, người có công truyền dạy nghề dệt, thêu, làm lông vũ. Lễ hội Triều Khúc được tổ chức trong 3 ngày (từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng).

Mở đầu là lễ rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng - từ đình Sắc về đình Lớn gọi là lễ “hoàn cung”. Khi cuộc tế lễ trong đình bắt đầu, ngoài sân các trò vui cũng được tổ chức. Một trong những trò vui được nhiều người ưa thích là trò “đĩ đánh bồng”.

Đây là điệu múa cổ do 2 chàng trai giả gái biểu diễn, trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy, hóa trang má phấn môi son, răng đen hạt huyền, mắt lá răm, khăn mỏ quạ. 2 “cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, rất vui mắt và gây cười.

Trong hội làng Triều Khúc còn có nhiều trò vui khác như múa lân hí cầu, đấu vật, hát chèo Tàu. Sới vật Triều Khúc là một trong những sới nổi tiếng, thu hút đông đảo đô vật nơi khác về tham dự. Múa rồng trong hội Triều Khúc cũng có nhiều nét độc đáo, kỹ thuật điêu luyện.

Tương truyền, đây là điệu múa có từ thời Bố Cái Đại Vương. Do múa hay, múa đẹp nên hàng năm đội múa rồng Triều Khúc thường được mời về tham dự và múa rồng ở hội Đống Đa.

Các tin khác