Tăng trưởng kinh tế 2015

Triển vọng vượt mục tiêu 6,2% GDP

Hôm qua 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015.

Hôm qua 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015.

Lo chất lượng nhân lực

Đánh giá về kết quả thực hiện năm 2014, Chính phủ cho biết trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện và không có chỉ tiêu thấp hơn so với con số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2013, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra (1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo).

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn: lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi đạt khá...

Kết quả những tháng đầu năm vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Tăng trưởng quý I do yếu tố chính là đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá). Trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước. Chất lượng nguồn lao động chưa cải thiện nhiều, vẫn thiếu hụt lao động có trình độ cao.

Ông Nguyễn Văn Giàu,
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội

Về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2015, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháng 4 so với tháng 12-2014 tín dụng tăng 2,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 0,53%). 4 tháng đầu năm tổng thu ngân sách đạt khá, ước 314.100 tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014; mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2014, nếu loại trừ yếu tố giá tăng gần 8%. Điều này cho thấy các tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu.

Tín hiệu khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thể hiện ở việc số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trên 19.000 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (năm 2014 tăng 9,4%).

Số DN gặp khó khăn, ngừng hoạt động quay lại hoạt động 6.300 DN, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn. Trong sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, tính đến 24-3, toàn bộ 289 DNNN trong kế hoạch cần hoàn thành cổ phần hóa năm 2015 đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó 29 DN đã cổ phần hóa.

Về thoái vốn, các DN đã thoái được 4.900 tỷ đồng, thu về gần 7.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị ghi trên sổ sách 42% (lĩnh vực bất động sản thoái vốn 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, tài chính 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng...).

Mục tiêu hàng đầu: cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với đà phục hồi tăng trưởng trong quý I, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn đối với phát triển kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp sẽ là những thách thức rất lớn khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và cơ sở cho giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cải thiện nhiều; cân đối ngân sách còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý; hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh; chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Để làm được điều đó, mục tiêu đầu tiên được Chính phủ đưa ra là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016; ban hành các nghị định và các hướng dẫn của các cơ quan chức năng để triển khai thực hiện các Luật DN, Luật Đầu tư (sửa đổi)… đã được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.

Mục tiêu thứ hai được Chính phủ đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, nhất là giá trị đồng USD để có phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, DN, của nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 4 tháng nhập siêu hơn 2,1 tỷ USD. Nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ, đồng thời lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu một số thị trường.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có lợi thế. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao.

Cần có luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa

Hầu hết các ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành báo cáo Chính phủ và cho rằng có nhiều khả năng sẽ thực hiện vượt mức tăng trưởng GDP 6,2% và thực hiện được các chỉ tiêu do nghị quyết Quốc hội thông qua năm 2015. Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, Ủy ban Kinh tế đề xuất Chính phủ cần tập trung vào một số vấn đề.

Trong đó phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II-2015; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định nhằm tăng năng suất lao động để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó là giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong DN Nhà nước không cần giữ chi phối; tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý DN góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghiên cứu, xem xét để trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, tăng cường giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước vẫn còn khó khăn về thị trường tiêu thụ, khả năng cạnh tranh. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước vẫn còn khó khăn về thị trường tiêu thụ,
khả năng cạnh tranh. Ảnh: CAO THĂNG

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác. Đồng thời, phải xây dựng phương án ứng phó khi giá các mặt hàng như giá lương thực, giá dầu và giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao trở lại.

Triển khai kịp thời các đạo luật mới ban hành, không để xảy ra tình trạng luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn và rà soát loại bỏ những nội dung không cần thiết, nhất là điều kiện kinh doanh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các mối liên kết giữa các DN trong nước với DN FDI, giữa DN lớn và DNNVV; cải cách toàn diện nền hành chính công, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cần thay đổi một cách căn bản để phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm tạo chuyển biến một cách căn bản, rõ nét hơn trong quá trình thực thi công vụ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính và có chế tài xử lý để giảm chi phí không chính thức.

Các tin khác