Trang phục vỏ cây

Người Cơ Tu cư trú tại khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế khoảng trên 50.000 người. Trong bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Cơ Tu chiếm một mảng màu sắc khá đặc sắc, bảo lưu được các giá trị nguyên gốc văn hóa truyền thống. Đặc biệt là trang phục lễ hội độc đáo bằng vỏ cây.

Người Cơ Tu cư trú tại khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế khoảng trên 50.000 người. Trong bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Cơ Tu chiếm một mảng màu sắc khá đặc sắc, bảo lưu được các giá trị nguyên gốc văn hóa truyền thống. Đặc biệt là trang phục lễ hội độc đáo bằng vỏ cây.

Điều dễ nhận thấy qua trang phục lễ hội của người Cơ Tu là sự đơn giản, không cầu kỳ về màu sắc. Tuy nhiên, trang phục của họ phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục tập quán, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc mình.

Màu chủ đạo của trang phục người Cơ Tu là chàm đen, đây cũng là màu nền của trang phục. Người Cơ Tu quan niệm màu chàm đen là màu của đất, màu đỏ là màu của mặt trời.

Đây là hai màu sắc của 2 vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Màu vàng trên trang phục được người Cơ Tu dùng rất ít, chỉ là những nét mảnh để tạo nên những họa tiết, đường nét hoa văn tinh tế.

Già làng Cơlâu Blao với trang phục bằng vỏ cây.

Già làng Cơlâu Blao với trang phục bằng vỏ cây.

Già làng Cơlâu  Blao (64 tuổi), ở thôn Voòng, xã Tr’hy (Tây Giang, Quảng Nam), được cha truyền nghề làm những bộ y phục bằng vỏ cây rất đặc sắc. Ông cho biết các loại cây như tr’rang, t’coóng, t’dúir, amướt, hơjoong hoặc  cây mít rừng (một loại cây thân mộc thẳng đứng, vỏ dày, có mủ màu trắng đục), đều có vỏ làm áo quần rất tốt. Để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây rất công phu. Đầu tiên, phải  vào rừng bóc vỏ cây.

Người Cơ Tu không đốn hạ cả cây, mà chỉ dùng rựa khứa quanh thân cây hai vòng tròn trên và dưới để lấy vỏ. Sau đó dùng đá đập dập cho vỏ mềm ra.

Người ta chọn những thân cây có đường kính khoảng 50cm, cắt thành từng khúc theo kích thước của tấm váy, tấm khố, chiếc áo phù hợp với thân hình người sử dụng, lột thành từng mảng để may y phục. Với loại cây có mủ, vỏ cây được ngâm trong thùng nước có các loại lá thơm như lá quế, cây sả, củ riềng núi... quần áo sẽ thơm và chống lại côn trùng cắn.

Những bộ áo quần bằng vỏ cây được thanh niên, đàn ông Cơ Tu mặc trong lễ hội mừng Xuân.

Những bộ áo quần bằng vỏ cây được thanh niên, đàn ông Cơ Tu mặc
trong lễ hội mừng Xuân.

Thông thường, áo được may theo kiểu cổ tròn, không có tay. Chỉ dùng để khâu áo làm bằng sợi mây rừng được tuốt rất mảnh, hoặc người ta dùng vỏ cây bhơ nương dẻo và chắc để làm chỉ khâu. Toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín ở hai bên nách.

Mặt trong chiếc áo rất láng vì được mài nhẵn, mặt ngoài sần sùi. Có loại áo bằng vỏ cây dùng cho mùa đông mặc ấm hoặc loại cho mùa hè mặc mát. Ngoài ra, còn có loại áo dày để chống lại nanh vuốt thú dữ, tên độc của đối phương.

Già làng  Alăng Avel (85 tuổi), ở thôn Tà Làng xã Bhalêê (Tây Giang, Quảng Nam), cho biết: “Trước đây đồng bào Cơ Tu ở đây rất nghèo do đường sá đi lại khó khăn, không có điều kiện giao lưu với khu vực đồng bằng nên quần áo may bằng vải rất hiếm. Ngày nay ít người còn mặc những bộ đồ bằng vỏ cây, chỉ mặc khi trong làng có lễ hội.

Vào các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em... những tấm áo này được già làng, nam nữ thanh niên mặc múa điệu tung tung - za zá truyền thống của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang.

Hiện nay, áo có giá từ 100.000-500.000 đồng, được các du khách mua về để tặng cho người thân hoặc để kỷ niệm một chuyến đi lên Trường Sơn đại ngàn hoang dã.

Các tin khác