Trăn trở gạo Việt

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Gentraco NGUYỄN TRUNG KIÊN là người đã tận tâm, quyết chí tìm ra giải pháp nâng giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Anh là thạc sĩ kinh tế, 37 tuổi, được bình chọn doanh nhân Top 10 Sao vàng đất Việt năm 2009, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Gentraco NGUYỄN TRUNG KIÊN là người đã tận tâm, quyết chí tìm ra giải pháp nâng giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Anh là thạc sĩ kinh tế, 37 tuổi, được bình chọn doanh nhân Top 10 Sao vàng đất Việt năm 2009, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ.

Xây dựng thương hiệu gạo

Anh Nguyễn Trung Kiên (trái) nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt.

Anh Nguyễn Trung Kiên (trái) nhận giải thưởng
Sao vàng đất Việt. 

Từ một cửa hàng tạp hóa cấp huyện, qua hơn 35 năm hình thành và phát triển, giờ đây Gentraco đã trở thành doanh nghiệp đứng hàng thứ 5 ở nước ta về xuất khẩu gạo. Tiền thân của CTCP Gentraco là Cửa hàng Thương nghiệp tổng hợp Thốt Nốt, ra đời năm 1980.

Tuy vốn liếng ít ỏi nhưng cửa hàng vẫn giữ được vai trò trọng yếu về cung cấp lương thực ở địa phương thời kinh tế bao cấp, rồi phát triển thành công ty năm 1992. Tổng số vốn chưa đầy 2 tỷ đồng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn rất hạn chế, song do định hướng đúng, tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu là thế mạnh tại địa phương, công ty đã tạo ra nguồn hàng hóa chủ lực, xây dựng thương hiệu và chiếm được lòng tin khách hàng.

Xác định Thốt Nốt là vùng trọng điểm lúa gạo của Cần Thơ và ĐBSCL, công ty tập trung thu mua lúa gạo về gia công chế biến làm nên mặt hàng xuất khẩu, góp phần mang kim ngạch về cho TP Cần Thơ. Khi mới bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo, công ty đạt sản lượng từng năm chưa cao, nhưng qua đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Đến cuối năm 1998, Gentraco được UBND tỉnh Cần Thơ chọn làm doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa, trở thành CTCP Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt.

Thời điểm này, anh Nguyễn Trung Kiên mới học xong, đảm nhận vị trí tổng giám đốc, rồi chủ tịch HĐQT, anh mạnh dạn mở rộng ngành nghề kinh doanh. Từ đầu năm 2006 công ty đổi tên thành CTCP Gentraco, với tổng vốn pháp định hơn 50 tỷ đồng.

Hiện Gentraco đang sản xuất - kinh doanh các lĩnh vực: xay xát và chế biến gạo xuất khẩu; nhập khẩu và cung cấp nguyên vật liệu chế biến thức ăn gia súc; là nhà phân phối độc quyền của FPT tại ĐBSCL; nuôi trồng thủy sản và phân phối hàng tiêu dùng. Dù hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nhưng gạo vẫn là mặt hàng truyền thống và thế mạnh chính của Gentraco.

Anh Nguyễn Trung Kiên kể về nỗi trăn trở của mình: “Do công việc, tôi thường xuyên ra nước ngoài nghiên cứu thị trường, thấy gạo Việt Nam có mặt khắp nơi, nhưng điều đáng buồn là người tiêu dùng không biết đó là gạo của Việt Nam, vì gạo xuất khẩu không nhãn mác, không thương hiệu.

Càng nghĩ càng thấy xót cho nông dân mình, canh tác vất vả vậy nhưng sản phẩm bán ra lại ít giá trị. Tuy lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và hiện nay đang đứng trước cơ hội chiếm lĩnh vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng giá xuất khẩu lại đang đứng chót thế giới. Dù xuất khẩu giá rẻ, gạo Việt Nam vẫn kém gạo Thái Lan về năng lực cạnh tranh”.

Không chấp nhận nghịch lý đó, đầu năm 2009 Gentraco thành lập Công ty Gạo Việt, thực hiện điều tâm huyết của anh Nguyễn Trung Kiên: xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam. Xác định gạo là ngành hàng sản xuất - kinh doanh chủ lực, Gentraco đã cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống xí nghiệp chế biến gạo với dây chuyền sản xuất hiện đại.

Đến nay Gentraco đã có 11 dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu với tổng công suất 1.500 tấn gạo/ngày, hệ thống kho bãi được thiết kế rộng rãi với sức chứa khoảng 60.000 tấn gạo nguyên liệu và thành phẩm. Ngoài ra, Gentraco đã xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP.

Trong hoạt động quản lý, anh Nguyễn Trung Kiên quan tâm tin học hóa tất cả hoạt động nghiệp vụ và quản lý từ văn phòng cho đến từng phân xưởng sản xuất. Những nỗ lực đó đã mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu Công ty Gạo Việt đã ký được hợp đồng với Tập đoàn Oriental Merchant xuất khẩu gạo thơm đặc sản, gạo trắng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào các siêu thị tại Australia và New Zealand.

 Kết nối nông dân

Anh Nguyễn Trung Kiên kiên trì theo đuổi chiến lược xây dựng sản phẩm chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế, kết quả ấn tượng là việc Gentraco giới thiệu ra thị trường một thương hiệu mới gạo: Gạo thơm Ngọc Đồng - loại gạo phẩm cấp cao, được đóng gói dạng túi, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Đây là sản phẩm hình thành từ mối liên kết giữa Gentraco - kỹ sư lai tạo giống lúa thơm hạt dài của tỉnh Sóc Trăng - nông dân Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời (huyện Mỹ Xuyên) và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng để hỗ trợ Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Trong lĩnh vực sản xuất nông sản, Global GAP là tiêu chuẩn đòi hỏi cao nhất hiện nay.

Tiêu chuẩn này được áp dụng trên phạm vi toàn cầu nhằm chứng nhận việc kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt trong dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu thiết kế nông trại, môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc và phúc lợi của người làm việc trong nông trại; quy trình kỹ thuật canh tác, cho đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ; để chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Đầu tiên, nông dân phải tuân thủ việc xây dựng hệ thống quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP cho mỗi nông trại; xây dựng nhà vệ sinh tự hoại và bồn rửa tay, nhà kho chứa phân, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt; xây dựng bảng hiệu cảnh báo cho ruộng đã phun thuốc bảo vệ thực vật, kho chứa phân thuốc bảo vệ thực vật, khu vực tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

Lần đầu tiên 12 nông dân ở Sóc Trăng có ghi nhật ký khi sản xuất lúa. Đây là một xu hướng mà Bộ NN-PTNT đang phát động nông dân ĐBSCL áp dụng.

Dây chuyền đóng gói gạo thơm đặc sản của Gentraco.

Dây chuyền đóng gói gạo thơm đặc sản của Gentraco. 

Anh Nguyễn Trung Kiên kể: “Khi các hộ nông dân ở Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời quyết tâm sản xuất lúa “sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế, Gentraco quyết định hỗ trợ từ trang thiết bị sản xuất, hơn 140 triệu đồng cho vay không lãi, đến những cam kết về đầu ra.

Lúa “sạch” đúng tiêu chuẩn Global GAP được Gentraco mua giá cao hơn 20-25% so với lúa thơm không đạt chuẩn trên thị trường. Trong những năm tới, Gentraco sẽ hỗ trợ nông dân toàn bộ chi phí để làm thủ tục tái công nhận tiêu chuẩn Global GAP (hơn 3.000USD/lần)”.

Thành lập liên minh sản xuất gạo chất lượng cao

Kết quả đánh giá và chứng nhận của Công ty TNHH SGS Việt Nam cho thấy sản phẩm gạo Ngọc Đồng của Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời thỏa mãn được các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của hệ thống quản lý chất lượng Global GAP. Với năng suất 5,2 tấn/ha, sản lượng đạt 104 tấn, giá trị gạo Ngọc Đồng tăng thêm 1.300 đồng/kg, bằng 20% trên đơn giá theo thời điểm (trước khi được chứng nhận có giá 6.500 đồng/kg; sau khi được chứng nhận đã lên 7.800 đồng/kg); giá trị tăng thêm trên 1ha là 6,76 triệu đồng.

Từ thành công này, Gentraco đang thực hiện chiến lược xây dựng sản phẩm có chất lượng, quy trình chế biến gạo mang đẳng cấp quốc tế. Hệ thống các tiêu chuẩn này đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Sản phẩm gạo Ngọc Đồng được bán tại chuỗi cửa hàng Đại Khánh, hệ thống các siêu thị MaxiMark, Co.opMart, Big C. Gentraco đang tiếp tục mở rộng kênh phân phối đến các hệ thống Metro và các chuỗi siêu thị khác trong nước.

Trăn trở gạo Việt ảnh 3Liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) là chủ trương đã được đề ra gần 10 năm nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này khá lỏng lẻo. Có mặt nhà này lại vắng nhà kia. Chính vì vậy, hạt gạo nông dân làm ra giá cả bấp bênh, có lúc dư thừa không bán được, lúc khác các doanh nghiệp lại đổ xô tranh giành thu mua. Để hạt gạo có giá trị, cần phải có quy trình sản xuất phù hợp, đúng chuẩn, doanh nghiệp phải đứng ra liên kết với nhà nông và các nhà khoa học để cải thiện tình trạng phân tán, mạnh ai nấy làm. Thực tế tại ĐBSCL, dù cùng cánh đồng nhưng nông dân canh tác nhiều giống lúa khác nhau. Nếu không tổ chức sản xuất theo hướng cánh đồng một giống, đồng thời tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đời sống nông dân sẽ còn khó dài dài.Trăn trở gạo Việt ảnh 4

Ông NGUYỄN TRUNG KIÊN,
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc
CTCP Gentraco

Giữa tháng 7-2010, Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời đã nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và giống lúa ST 5 trồng tại đây được Gentraco bao tiêu toàn bộ đã đăng ký thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng trên toàn quốc.

Trong các vụ kế tiếp, diện tích đăng ký sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP ở Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời tăng 100% so với vụ mùa năm 2009. Gentraco và Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời đã thành lập liên minh sản xuất gạo chất lượng cao. Liên minh này được sự hỗ trợ tích cực của Sở NN-PTNT Sóc Trăng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, phấn khởi cho biết: “Gentraco đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên cùng nông dân xây dựng thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất Global GAP cho hạt gạo thơm. Trong tương lai gần, không chỉ Sóc Trăng mà cả vùng Tây sông Hậu sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình Global GAP với chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu”.

Nông dân vui khi lúa bán được giá cao, còn anh Nguyễn Trung Kiên cũng khấp khởi vì đầu ra cho hạt gạo khá hứa hẹn. Anh  khẳng định: “Với liên minh sản xuất gạo chất lượng cao, chúng tôi hướng tới việc xây dựng mô hình chuẩn trong liên kết 4 nhà, tạo sự hợp tác vững chắc trong mối quan hệ: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Gentraco sẽ gắn bó với Hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời trong việc tiêu thụ sản phẩm. Gentraco đã được chứng nhận HACCP trong quy trình chế biến, nên chỉ cần có nguyên liệu tốt, đạt chất lượng Global GAP trong quy trình trồng trọt là xem như ổn thỏa.

Gentraco cũng vừa ký thỏa thuận với Viện Lúa ĐBSCL để đầu tư những giống lúa đặc sản, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm gạo thơm đặc sản của ĐBSCL, góp phần xây dựng bền vững thương hiệu Gạo Việt trên thị trường quốc tế”.

Các tin khác