Trái cây xuất khẩu Việt Nam: Thách thức thị trường khó

Nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam bằng cách thâm nhập những thị trường khó tính như Hoa Kỳ và Châu Âu đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dù biết rằng con đường đi mới này gập ghềnh, nhiều khó khăn.

Nâng cao giá trị cho trái cây Việt Nam bằng cách thâm nhập những thị trường khó tính như Hoa Kỳ và Châu Âu đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dù biết rằng con đường đi mới này gập ghềnh, nhiều khó khăn.

Trung Quốc sẽ mất lợi thế

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết hiện cả nước có khoảng 780.000ha cây ăn quả, trong đó ĐBSCL chiếm 270.000ha, cho sản lượng trái cây mỗi năm khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên, nhiều năm qua trái cây nước ta chủ yếu chỉ xuất khẩu qua những thị trường châu Á như Thái Lan, Hồng Công, Singapore và nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc hiện chiếm 50% sản lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam, trong đó trái cây tươi chiếm 80%. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 450 triệu USD, riêng Trung Quốc đã chiếm 235 triệu USD; Nhật Bản đứng thứ 2 với kim ngạch 54,5 triệu USD. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu trái cây Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ.

Việc quảng bá sản phẩm trái cây là con đường thuận lợi để tiếp cận đối tác nhập khẩu. Ảnh: LÃ ANH

Việc quảng bá sản phẩm trái cây là con đường thuận lợi
để tiếp cận đối tác nhập khẩu. Ảnh: LÃ ANH

Theo nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần trái cây xuất khẩu của Việt Nam do khoảng cách địa lý gần, thị trường dễ tính, không đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe như các nước khác. Nhu cầu tiêu thụ trái cây của nước này hiện đang rất cao.

Các doanh nghiệp ngoài hình thức xuất khẩu chính ngạch có thể đi theo con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên gần đây thị trường này đang mất dần lợi thế. Bà Nguyễn Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Tiền Giang), cho biết: “Chúng tôi đang giảm dần sản lượng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, vì thị trường này khá bấp bênh và họ chỉ mua với giá rẻ”.

Một thí dụ điển hình là việc đầu tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp cũng như nhà vườn trồng thanh long điêu đứng vì sản phẩm rớt giá mạnh do Trung Quốc đột ngột không mua trái cây này. Không ít doanh nghiệp lỗ hàng trăm triệu đồng cho vụ thanh long năm nay.

Không chỉ trái thanh long, hầu hết trái cây Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc đều bị nước này ép giá, gây khó cho doanh nghiệp cũng như nhà vườn. Vì thế, việc chuyển sang các thị trường khác đang là hướng đi dài hạn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nước ta. Và thanh long là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Một tín hiệu vui là nhu cầu nhập khẩu trái cây của các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu ngày một tăng. Hợp tác xã Bưởi năm roi Mỹ Hòa, Vĩnh Long đã xuất khẩu được 25 tấn vào châu Âu với tiêu chuẩn Global GAP trong tháng 3 vừa qua mặc dù không phải là chính vụ.

Tuy khách hàng vẫn có nhu cầu nhưng hợp tác xã chỉ xuất thêm được một container nữa vì diện tích trồng theo tiêu chuẩn chất lượng mới chỉ có 24ha. Hiện nay, với việc vận động nhà vườn tham gia trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, những trái cây nổi tiếng của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi năm roi… đang tìm được vị trí thực sự.

Chuyển hướng - chuyển tư duy

Trong 4 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thanh long sang Hoa Kỳ đạt 600 tấn, bằng 70% tổng lượng xuất khẩu cả năm 2010. Chôm chôm cũng được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu. Xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm nay đạt 200 tấn và Hàn Quốc 40 tấn.

Cuối tháng 4 vừa qua một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới Việt Nam để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này.

Chúng ta đang tập trung khắc phục những khó khăn hiện tại của ngành sản xuất cây ăn trái, từ khâu quy hoạch đến nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm. Thách thức lớn nhưng nếu nỗ lực vượt qua, mục tiêu đặt ra đến năm 2015 Việt Nam xuất khẩu trái cây đạt 1 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Dự tính đến đầu năm 2012, trái xoài của Việt Nam có thể được xuất khẩu vào New Zealand sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn. Như vậy, có thể nói con đường xuất khẩu trái cây Việt Nam đang mở ra khá thênh thang nhưng để đi được, doanh nghiệp cũng như các nhà vườn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá khắt khe. Thí dụ, thanh long vào thị trường Hoa Kỳ phải được chiếu xạ, trong khi cả nước hiện mới có 2 nhà máy chiếu xạ và giá chiếu không rẻ.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cho biết đầu tư máy chiếu xạ hoàn chỉnh khoảng 10 triệu USD, chưa kể tiền mời chuyên gia Hoa Kỳ sang Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận để nhà máy có thể đi vào hoạt động.

Tương tự, khi trái cây xuất khẩu đi các nước châu Âu phải đảm bảo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tối thiểu là VietGAP. Để có được những tiêu chuẩn này nhà vườn phải trồng theo mô hình chuẩn áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc trừ sâu, tuân thủ quy trình bón phân, áp dụng bao trái, ghi nhật ký…

Tất nhiên, để sản phẩm vào được các thị trường khó tính này, cái khó hiện nay là phải thay đổi thói quen trồng trọt của nông dân nước ta (không theo tiêu chuẩn). Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, giá cả để cạnh tranh với các loại trái cây tương tự của các nước khác.

Bài toán nữa đặt ra là công nghệ bảo quản sau thu hoạch vì trái cây tươi thường rất nhanh hỏng, khi có hợp đồng làm sao đủ sản lượng cung ứng, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, quảng bá sản phẩm… Đây là những vấn đề không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Giá trị xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu gấp 1,5 lần so với thị trường Trung Quốc, nhưng rủi ro cũng rất cao. Đã có nhiều bài học khi doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang một số nước châu Âu bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn và chỉ còn biết giảm giá để “bán tống bán tháo” tại thị trường trong nước.

Phát huy vai trò Nhà nước

Liên kết nhiều nhà vốn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của rất nhiều ngành nghề, sản phẩm của Việt Nam chứ không chỉ riêng trái cây. Nhưng đến nay nó vẫn được đem ra bàn thảo bởi sự liên kết các “nhà” vẫn lỏng lẻo, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP không chỉ dừng ở việc thay đổi thói quen cố hữu của nông dân, mà còn cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan hữu quan và Nhà nước.

Cước phí hàng không mặt hàng trái cây từ TPHCM đi Hoa Kỳ khoảng 3USD/kg. Trong khi ở Thái Lan, Chính phủ nước này có chương trình hỗ trợ cước phí cho doanh nghiệp xuất khẩu nên doanh nghiệp chỉ phải trả khoảng 0,5USD/kg. Vì thế, trong sự liên kết Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, vai trò của các cơ quan nhà nước hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam, Trưởng ban điều hành - liên kết GAP Sông Tiền, cho biết chi phí đăng ký đạt chuẩn cho một số tiêu chuẩn như VietGAP hiện còn quá cao so với người nông dân, vì thế sự hỗ trợ là hết sức cần thiết.

TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, phân tích: “Hiện nay, trái cây của ta vẫn chưa có vùng chuyên canh, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, vườn ươm và vật tư đầu vào chưa được quản lý… dẫn đến chất lượng trái cây chưa đồng đều, số lượng trái cây chưa đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu lớn.

Thêm vào đó giá cả các loại trái cây còn khá cao, không đủ sức cạnh tranh với các nước, đặc biệt so với Thái Lan và Trung Quốc. Vì vậy đến nay trái cây Việt Nam (trừ thanh long) vẫn chưa tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới”.

Về phía doanh nghiệp, ngoài mối liên kết với nhà vườn, sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau cũng hết sức quan trọng. Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại Bình Thuận cho biết nhiều doanh nghiệp chưa đủ sức tự tìm kiếm khách hàng, nên việc liên kết với các doanh nghiệp khác rất cần thiết.

Liên kết để hỗ trợ nhau tạo sức mạnh chung. Tuy nhiên để thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp lại rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Những chuyến công tác, những hội chợ quảng bá sản phẩm của Việt Nam sẽ là con đường thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với đối tác nhập khẩu.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển cho các doanh nghiệp vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới. Vấn đề nữa không thể thiếu vai trò của Nhà nước là cần mở rộng hơn mối quan hệ với các nước thông qua giới thiệu, quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam. Đặc biệt nhanh chóng ký xong hiệp định kiểm dịch thực vật (SPS) để có thể xuất khẩu trái cây vào các nước Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và thị trường EU. 

Các tin khác