TPHCM: Thành công với đột phá táo bạo

Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TPHCM đã có những bước đột phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới gần 30 năm qua. Thực tế chứng minh nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn kinh tế sinh động của TP đã thực hiện thành công, đóng góp quan trọng vào sự hình thành và hoàn thiện thể chế, chính sách vận hành kinh tế thị trường nước ta.

Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, trải qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TPHCM đã có những bước đột phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới gần 30 năm qua. Thực tế chứng minh nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn kinh tế sinh động của TP đã thực hiện thành công, đóng góp quan trọng vào sự hình thành và hoàn thiện thể chế, chính sách vận hành kinh tế thị trường nước ta.

Hình thành các mô hình kinh tế

Chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số toàn quốc nhưng TPHCM đang đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách của cả nước; GDP cao hơn mức bình quân chung cả nước 1,5-1,7 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 5.100USD, gấp 2,5 lần bình quân cả nước.

Điều mong muốn nhất của TPHCM không chỉ có cơ chế, chính sách đột phá để phát triển, mà cần có cơ chế điều phối để thực hiện chiến lược quy hoạch vùng. Như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích đất chỉ chiếm khoảng 9%, khoảng 20% dân số so với cả nước, nhưng đóng góp gần 40% GDP quốc gia, hiện vẫn thiếu cơ chế điều phối. Do đó mong muốn Trung ương có một cơ chế phát triển vùng, từ đó phân bổ nguồn lực sản xuất, nguồn lực lao động để các địa phương cùng liên kết, khai thác và phát triển.

Ông Lê Thanh Hải,
Bí Thư Thành ủy TPHCM

Trước hết, phải nói rằng chìa khóa phát triển của TPHCM chính là sự đột phá về tư duy trong xây dựng và triển khai chính sách. Những năm đầu sau giải phóng, giữa muôn trùng khó khăn bởi cơ chế quản lý kinh tế tập trung và bao cấp, TPHCM đã mạnh dạn xé rào tìm lối đi riêng.

Ngay từ năm 1979, Thành ủy TPHCM đã ban hành Nghị quyết 09 với mục đích thoát khỏi cơ chế cũ, thoát khỏi chế độ cấp phát, thiết lập kinh tế theo quy luật sản xuất hàng hóa, mở rộng quan hệ thị trường, tăng hiệu quả sản xuất. Dù chủ trương này ít năm sau bị Trung ương nhắc nhở, nhưng nhờ đó đã hình thành được những mô hình sản xuất, kinh doanh mới theo hình thức xã hội hóa. Chính trong thời điểm này đã chứng kiến sự xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến như Công ty Bột giặt miền Nam, Xí nghiệp Thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy Bia Sài Gòn, Xí nghiệp Cầu tre, dệt Thành Công, Phong Phú…

Tiếp theo, năm 1989, UBND TPHCM đã mạnh dạn ban hành quyết định về các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, CTCP để tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đó chính là một trong những khuôn khổ pháp lý ban đầu tạo niềm tin cho kinh tế tư nhân, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển hợp pháp. Và đó cũng là cơ sở thực tiễn để Quốc hội khóa VII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) và Luật Công ty (năm 1991).

Kế đến là việc thành lập khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đầu tiên là Tân Thuận (đến nay TPHCM đã có 14 KCN và 2 KCX); mở thị trường giao dịch chứng khoán đầu tiên (HOSE); thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên (Saigonbank tháng 10-1987; sau đó là Eximbank tháng 5-1989).

Sau đó Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngân hàng (ngày 23-5-1990), tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng thương mại cổ phần phát triển liên tục đến nay. TPHCM cũng đi tiên phong trong sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thí điểm cổ phần hóa công ty quốc doanh đầu tiên (REE, năm 1993) để rồi đến năm 1996, cổ phần hóa DNNN trở thành chủ trương chung của Chính phủ.

Bên cạnh đó, những giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật-xã hội, xây dựng mô hình phát triển thị trường lao động, việc nâng cấp xây dựng trường học, bệnh viện cũng là những quyết định sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của TPHCM.

Theo đó, TPHCM đã sử dụng quỹ đất đô thị như nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết bài toán phát triển đô thị với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Từ một khu đầm lầy, chua mặn, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng phía Nam TP với Đại lộ Nguyễn Văn Linh hơn 18km được hình thành cũng từ chủ trương, cơ chế này. Nhiều tuyến đường huyết mạch của TPHCM được cải tạo, mở rộng bằng nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp thông qua hình thức chuyển nhượng quyền khai thác đường giao thông cho các thành phần kinh tế…

Xứng đáng vai trò đầu tàu

Trong những năm suy giảm kinh tế và lạm phát cao (từ 2008), TPHCM rất sáng tạo, chủ động và đã thành công với chương trình bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát của cả nước. Chỉ số CPI của TP luôn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.

Những năm gần đây, khi nợ xấu tăng cao, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, TPHCM đã triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng được nhu cầu vốn kinh doanh. Các chương trình xúc tiến đầu tư, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đưa hàng hóa Việt Nam về nông thôn, KCN… đã được TP nhân rộng ra cả nước.

Trong gần 30 năm qua, TPHCM đã khẳng định vai trò đầu tàu trong cả nước về đổi mới, phát triển kinh tế. Cụ thể, điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách hành chính là một trong những bước tiến mang tính trọng yếu trong các quyết sách quan trọng của TP, để từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP nói riêng và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Ông Lê Hoàng Quân,
Chủ tịch UBND TPHCM

Từ năm 2011 đến nay, dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, TPHCM vẫn tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung cả nước. Đến cuối năm 2014, tỷ trọng khu vực dịch vụ đã chiếm 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 39,4% và khu vực nông nghiệp chỉ còn 1% - đang phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.

Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đến cuối năm 2014, có 5.310 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 36,28 tỷ USD (chiếm 14,4% vốn đăng ký và 30,1% số dự án đăng ký toàn quốc). An ninh trật tự được giữ vững trong mọi tình huống, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ và văn hóa tiếp tục là điểm sáng của cả nước…

Đặc biệt, giai đoạn 2001-2015 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng đô thị, qua đó cải thiện rất lớn diện mạo của TP. Từ những đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… đến các tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương đang được xây dựng và phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa hoàn thành, hay các dự án môi trường đô thị như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… đã đưa không gian đô thị và chất lượng sống của người dân lên tầm cao mới hiện đại hơn, văn minh, đáng sống hơn.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, TPHCM tập trung vào 4 ngành mũi nhọn: Tài chính - ngân hàng, vận tải - dịch vụ cảng - kho bãi, du lịch, bưu chính - viễn thông. Đến nay, khu vực dịch vụ của TPHCM đã đóng góp hơn 50% vào tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ của cả nước.

Và một trong những đổi mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế hội nhập là các nhóm giải pháp cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính mang tính chất phục vụ, mô hình “một dấu, một cửa” đã được người dân TP, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, đang được nhân rộng trong cả nước.

Cần cơ chế đặc thù, vượt trội

Với truyền thống năng động, sáng tạo, diện mạo TPHCM đã có nhiều đổi thay, dáng dấp của một TP hiện đại đang hình thành. Không những vậy, TPHCM còn đang thực hiện chiến lược quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm, bao gồm cả Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, có thể cả Long An và Tây Ninh. TP cũng đang hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt TPHCM (gồm quận 7 và 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ), nhằm tạo bước đột phá trong đầu tư, thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng… trong những năm tới. Trước yêu cầu lớn lao đó, sự năng động, sáng tạo không thể thay thế sự đổi mới về chính sách, thể chế kinh tế chung của cả nước.

Thực tế hiện nay TPHCM dù được xếp hạng trong 100 TP cạnh tranh nhất thế giới, nhưng lại ở vị trí thấp nhất trong 11 TP được xem là đối thủ cạnh tranh trong khu vực châu Á - xếp theo thứ tự năng lực cạnh tranh tăng dần - gồm Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Mumbai (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan), Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Công và Singapore.

Thách thức lớn nhất dẫn đến việc TPHCM không phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng chính là nguồn thu được giữ lại để xây dựng cơ sở hạ tầng rất thấp khoảng 3-4 tỷ USD, chỉ bằng 10% GDP của TP. Nếu tính theo ngân sách ròng chỉ khoảng 7% GDP và đây là một con số rất nhỏ so với nhu cầu phát triển của TP, đồng thời cũng rất thấp so với các TP trong khu vực như Singapore 15%; Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Công khoảng 21%.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), một thành công trong đột phá hạ tầng đô thị tạo diện mạo mới cho TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), một thành công trong đột phá hạ tầng đô thị
tạo diện mạo mới cho TPHCM. Ảnh: LONG THANH

Mới đây Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 25 khóa IX đã thống nhất 7 chương trình đột phá cho nhiệm kỳ mới 2015-2020. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 6 chương trình đột phá (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP; giảm ùn tắc giao thông; giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường), chương trình chỉnh trang đô thị theo hướng đô thị bền vững đã được đặt ra.

TPHCM cần có cơ chế đột phá giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra trên địa bàn. Tại hội nghị lấy ý kiến các ban Đảng Trung ương góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TPHCM, GS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: “Chiếc áo cơ chế đã thật sự quá chật đối với TPHCM. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thậm chí cần thiết phải có luật riêng nhằm tạo động lực cho TPHCM tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi TPHCM phát triển không chỉ riêng cho TP mà còn vì sự lớn mạnh nền kinh tế cả nước”.

Các tin khác