Tôn trọng quyền đầu tư, kinh doanh

Đột phá thể chế
Phải đảm bảo nguyên tắc công dân được kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm; chuẩn hóa khái niệm nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Đó là những điểm đáng chú ý khi Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) hôm qua 4-6.

Đột phá thể chế

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành quá rộng và thiếu cụ thể (như lĩnh vực có tác động đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng...).

Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện không xác định rõ căn cứ pháp lý, điều kiện áp dụng đối với từng lĩnh vực. Những hạn chế này đã làm các quy định của luật chưa thực sự bảo đảm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp là công dân được quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm.

Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư hiện hành cũng còn dàn trải, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư chưa quy định cụ thể, thiếu tiêu chí xác định.

Để thực hiện nguyên tắc NĐT có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết theo Hiến pháp mới và tạo sự minh bạch trong thực thi. Vì thế, cần rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong luật.

Đề nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát các lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện nhằm tập hợp đầy đủ các quy định về vấn đề này, đồng thời xem xét loại bỏ những quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của NĐT.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, Chính phủ sẽ đề xuất danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện theo hướng: quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Còn về danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, để bảo đảm tính ổn định của luật và phù hợp với thực tế các lĩnh vực đầu tư có điều kiện có thể thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện cam kết quốc tế về mở cửa thị trường đầu tư, Bộ KH-ĐT đề nghị giao Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục này. Nhằm hạn chế việc ban hành tùy tiện các lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện, dự thảo luật khẳng định nguyên tắc: các lĩnh vực đầu tư có điều kiện chỉ được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các bộ, ngành, UBND, HĐND các cấp không được ban hành danh mục lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Tuy nhiên, thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo luật chưa mang tính đột phá so với luật hiện hành, chưa cụ thể, rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho NĐT khi thực hiện.

Minh định loại hình DN

Theo dự thảo, NĐTNN là NĐT thuộc một trong các trường hợp: cá nhân nước ngoài; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết trong ủy ban có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với 1 DN thành lập ở Việt Nam là 51% vốn điều lệ trở lên mới được coi là NĐTNN.

Theo Ủy ban Kinh tế, hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm NĐTNN, trong khi đó quy định này liên quan đến việc phân biệt đối xử với NĐT ở một số lĩnh vực mà NĐTNN còn hạn chế gia nhập thị trường, như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp NĐT khai thác kẽ hở pháp luật góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với NĐTNN. Chẳng hạn 1 NĐTNN có thể góp vốn 49% vốn điều lệ thành lập một công ty liên doanh với Việt Nam và được coi là NĐT trong nước.

Sau đó công ty liên doanh này có thể góp vốn với 1 công ty Việt Nam có quyền hoạt động trong lĩnh vực mà Việt Nam đang hạn chế NĐTNN, như phân phối xăng dầu, để thành lập công ty mới và công ty mới này có quyền hoạt động trong lĩnh vực mà NĐTNN không được phép làm.

Trước đó, đóng góp ý kiến cho dự thảo, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có quan điểm tương tự với dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Cụ thể, xác định rõ khái niệm NĐTNN theo hướng: mọi chủ thể (tổ chức, cá nhân) có vốn nước ngoài chiếm trên 50% là NĐTNN (ở đây, khái niệm NĐTNN bao trùm DN có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân, tổ chức nước ngoài, vì vậy không cần phải xác định các khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài).

Tỷ lệ này được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc phiếu quá bán (trên 50%) là phiếu có quyền quyết định đối với phần lớn hoạt động của DN.

Về trường hợp chủ thể có vốn đầu tư nước ngoài thế hệ thứ 2 trở đi có thể sử dụng phương pháp xác định suy đoán. Theo đó, nếu một chủ thể đã được xác định là NĐTNN (có trên 50% vốn nước ngoài), toàn bộ hành vi sau đó của chủ thể này (bao gồm cả việc đầu tư thành lập DN con) sẽ được xem là hành vi của NĐTNN thuần túy (và phần vốn mà NĐT này sử dụng để đầu tư/kinh doanh, bao gồm cả đầu tư thành lập DN mới, được xem là vốn đầu tư nước ngoài toàn bộ) và ngược lại. Điều này sẽ được áp dụng cho tất cả các trường hợp đầu tư/sở hữu chéo tiếp sau.

Các tin khác