Tìm lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, dễ nhận thấy TPHCM đang nỗ lực thay đổi chính mình theo hướng vươn lên ngang tầm những TP lớn, hiện đại trong khu vực. Rõ ràng, so với trước, TP muốn định vị chân dung tương lai mới của mình, tham vọng vượt lên trong bối cảnh và điều kiện phát triển mới. Đơn giản vì TPHCM là đầu tàu phát triển của cả nước.

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, dễ nhận thấy TPHCM đang nỗ lực thay đổi chính mình theo hướng vươn lên ngang tầm những TP lớn, hiện đại trong khu vực. Rõ ràng, so với trước, TP muốn định vị chân dung tương lai mới của mình, tham vọng vượt lên trong bối cảnh và điều kiện phát triển mới. Đơn giản vì TPHCM là đầu tàu phát triển của cả nước.

Tụt hậu, chậm chân

Trong lịch sử cận - hiện đại, cho đến thập niên 60-70 của thế kỷ trước, TPHCM - Sài Gòn với danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” được quốc tế phong tặng và thừa nhận đã từng có vị thế nổi bật, có tầm cỡ trong khu vực và quốc tế. Danh hiệu đó Sài Gòn có được trong bối cảnh giao thương trên thế giới chưa phát triển, mở cửa, liên kết hội nhập và đua tranh quốc tế chưa nhiều. Việc có được một danh tiếng quốc tế chứng tỏ vị thế, tầm vóc và đẳng cấp phát triển vượt trội của Sài Gòn trong sự so sánh khu vực và theo chuẩn thế giới.

Trong dịp tổng kết quá trình phát triển 40 năm sau giải phóng và 30 năm đổi mới, TPHCM đã có những đánh giá tổng quát và nghiêm túc những mặt được và chưa được để định hướng cho tương lai. Quan điểm so sánh quốc tế đã được nhấn mạnh: không còn chủ yếu “ta so với ta” để thấy toàn thành tích lớn. Điều này đúng trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đối diện với những cơ hội, thách thức to lớn và gay gắt.

TPHCM phải nhanh chóng vượt lên, trở thành một TP hiện đại và có bản sắc nhân văn. Đây là 2 tuyến mục tiêu phát triển cơ bản, có vai trò định vị chân dung TP tương lai ở 2 nhóm chỉ tiêu chính: trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Tổ hợp 2 tuyến này sẽ định vị TP trong sự khác biệt với các đô thị khác trong khu vực, đủ để nhấn mạnh và làm rõ chất Hòn ngọc Viễn Đông thời hiện đại. Mục tiêu phát triển cụ thể của TP trong 20-30 năm tới chính là cụ thể hóa 2 tuyến mục tiêu trên.

TS. Cấn Văn Lực

Việc khẳng định đưa TPHCM trở lại đường đua quốc tế, phản ánh thái độ nghiêm túc trong việc đánh giá thực lực bản thân mình: Thừa nhận TPHCM đã bị tụt hậu so với nhiều TP khác trong khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến một phạm vi lớn hơn Viễn Đông hay phương Đông. TPHCM chưa có những bước tiến rõ rệt, trong khi nhiều TP khác trong đó có nhiều TP trước đây vốn kém tầm - đã vượt lên và vượt qua TPHCM. Trong khu vực Đông Nam Á có Singapore, Kualalampur, Bangkok. Nhìn rộng ra Đông Bắc Á có Soeul, Busan (Hàn Quốc), Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan), Phố Đông - Thượng Hải và Thâm Quyến - Quảng Đông. Thậm chí, TP Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng bứt lên khá xa.

Thực ra TPHCM có một số thay đổi tích cực, có tác dụng thay đổi cơ cấu nền tảng, góp phần xoay chuyển vị thế và đẳng cấp phát triển ở tầm cao mới. Đó là sự hiện diện của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu Công nghệ cao TPHCM. Gần đây, có thể bổ sung vào danh sách các thành tựu có khả năng làm thay đổi đẳng cấp của TP là một số tuyến giao thông kết nối hiện đại đã hoàn thành: cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

 Đổi mới tư duy, tạo đột phá

Tuy nhiên, nếu nhìn các thành tựu phát triển được coi là to lớn đó từ một phía khác, dễ nhận thấy cái giá phải trả cho những thay đổi đẳng cấp đô thị TPHCM trong thời gian qua không nhỏ, đặc biệt trên quan điểm tầm nhìn chiến lược. Phải chăng đã và đang có sự đánh đổi giữa một bên là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, đẳng cấp với tình trạng TP thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có triều cường hay mưa. Bị ngập lụt thường xuyên trên diện rộng, thêm vào đó là nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng do các nguyên nhân gắn với quy hoạch hoạch phát triển TP (quy hoạch giao thông đô thị, quy hoạch dân số và quy hoạch dân cư), như khi sân bay đã nằm trong lòng TP, không còn nằm ở ngoại ô như 30-40 năm trước; với đường dẫn vào sân bay là phố, không phải là đường cao tốc, đường trên cao, tàu điện ngầm dưới lòng đất như bất cứ sân bay lớn nào trên thế giới; các bến cảng lớn nhất nước cho đến nay vẫn toạ lạc ngay ở vùng trung tâm.

 

Để lấy lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”, trong vòng 20-30 năm tới, TPHCM cần những đường nét lớn nào để khắc họa vị thế và đẳng cấp của mình? Nhiều tài liệu nghiên cứu, các ý kiến thảo luận và các luận điểm Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10 đã xác định định hướng mục tiêu lớn và hệ giải pháp chiến lược cho TP. Định hướng lớn, tổng quát là trong giai đoạn tới TP phải tiến vượt lên, không chỉ so với các địa phương khác trong nước hay các tỉnh lân cận Đông Nam bộ. Xét về mặt tầm vóc và đẳng cấp, cần xác định rõ cuộc đua tranh phát triển của TP hiện nay là cuộc đua tranh quốc tế, với các đối thủ chí ít cũng phải là TP lớn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt những TP đã vượt qua TPHCM trong giai đoạn vừa qua. Để thành công trong cuộc đua tranh đó, chỉ có một cách TPHCM là phải đổi mới tư duy phát triển, phải tạo đột phá mạnh để tiến vượt lên.

Phải cần nhiều công trình nghiên cứu có nhiệm vụ xây dựng hệ chỉ tiêu, tiêu chuẩn xác định trình độ hiện đại TPHCM muốn vươn tới là gì trong vài ba chục năm tới; đưa ra hệ giải pháp cần phải làm gì và làm thế nào để đạt tới trình độ đó trong thế tiến vượt lên các đối tác, đối thủ. Riêng tôi, xin được phép định hình mấy đường nét lớn của tiêu chí hiện đại, gồm: xây dựng một TP công nghệ cao (các ngành kinh tế đều là những ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao + trung tâm R&D); là đô thị có chiều sâu không gian (ưu tiên xu hướng phát triển đô thị ngầm, chú trọng xu hướng đô thị hóa - ly tâm và chuỗi đô thị); xây dựng đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, chính quyền thông minh; xây dựng đô thị có nền tảng kết cấu hạ tầng bền vững (bảo đảm tối thiểu hóa ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường).

Các tin khác