Tìm giải pháp thay vì trông ngóng

Trong bối cảnh hiện nay việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là kinh doanh chính của các tập đoàn và tổng công ty (TĐ, TCT) được xác định hết sức khó khăn. Thế nhưng, nếu có chính sách hợp lý, hoạt động này vẫn có thể mang lại kết quả tốt và không làm thất thoát vốn Nhà nước, thay vì ngồi chờ kinh tế hồi phục.

Trong bối cảnh hiện nay việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải là kinh doanh chính của các tập đoàn và tổng công ty (TĐ, TCT) được xác định hết sức khó khăn. Thế nhưng, nếu có chính sách hợp lý, hoạt động này vẫn có thể mang lại kết quả tốt và không làm thất thoát vốn Nhà nước, thay vì ngồi chờ kinh tế hồi phục.

Cắt “khối u”

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hàng năm đóng góp 30-40% GDP. Các DNNN đặt dưới sự kiểm soát của Chính phủ và thường phải vật lộn để đạt được hiệu quả hoạt động trong khi lợi nhuận tiềm năng vẫn chưa được hiện thực hóa.

Khi nền kinh tế trong giai đoạn suy giảm như hiện nay, các DNNN cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc nâng cao hiệu suất hoạt động của chính mình.

Trong nhiều trường hợp, các DNNN hoạt động với những hạn chế về tính minh bạch, ít khi công bố thông tin, ngoài những thông tin về nhiệm vụ chung chung, đã dẫn đến việc lạm quyền hay đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực trái với chuyên môn, hiệu quả mang lại không cao, thậm chí thua lỗ nặng.

Trước thực trạng trên, quyết định bắt buộc DNNN phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chuyên môn chính trước năm 2015 là điều cấp thiết phải làm. Do đây là một nội dung quan trọng trong quá trình tái cơ cấu lại DNNN nên trong quyết định Chính phủ đã yêu cầu các DNNN phải khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính).

Đối với lĩnh vực có khả năng mất vốn phải khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp. Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời phải xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng thời điểm hiện tại không thích hợp cho các hoạt động thoái vốn, khi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, nhiều mã cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá.

Do đó, để thoái vốn theo đúng lộ trình nhưng vẫn bảo đảm không làm thất thoát vốn Nhà nước là hết sức khó khăn. Bản thân lãnh đạo DNNN cũng không quyết liệt thực hiện thoái vốn vì sợ quy trách nhiệm làm thất thoát vốn. Tuy nhiên, không thể lấy lý do này mà trì hoãn.

Chúng ta nên xem việc DNNN thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh trái ngành giống như cắt bỏ khối u, càng để lâu càng nguy hiểm đến nền kinh tế.

Theo thống kê, những DNNN có nợ xấu lớn là các TCT xây dựng giao thông thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, các TCT xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, một số TCT thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các đơn vị thành viên của TĐ Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Thực tế, chỉ ngoại trừ một vài lĩnh vực gặp khó khăn trong việc thoái vốn như bất động sản, chứng khoán, ngược lại vẫn có những ngành nghề rất dễ kiếm được đối tác mua lại như ngân hàng. Thậm chí, một số DNNN vẫn có cơ hội thoái vốn thành công cao nhờ có tình hình tài chính lành mạnh và giá cổ phiếu vẫn đang ở mức cao như TĐ Bảo Việt.

Hoạt động thoái vốn chỉ có thể kỳ vọng khởi sắc từ năm 2013. Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi kết quả kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp để có thể đưa ra quyết định đầu tư. Dù vậy, vẫn có thể xuất hiện vài đợi sóng nhỏ xuất phát từ thị trường chứng khoán hoặc sự xuất hiện của một nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

Trao quyền cho DATC

Việc nâng cao năng suất của các DNNN trong các ngành vận tải, kho bãi và viễn thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây đều là những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh, nhưng đồng thời cũng là những ngành DNNN kiểm soát đến 60% thị trường nội địa. Do đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các DNNN này sẽ đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn của toàn bộ nền kinh tế.

Ông MARCO BREU,
Tổng giám đốc Công ty McKinsey&Company Việt Nam

Theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, những điều kiện thích hợp cho hoạt động thoái vốn là thị trường chứng khoán khởi sắc, chỉ nào khi thị trường chứng khoán phát triển, các hoạt động mua bán doanh nghiệp mới sôi động và yếu tố quan trọng khác là thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu.

Hiện chúng ta đã có Công ty mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Trong bối cảnh hiện nay, việc DATC thực hiện chức năng mua bán nợ của các ngân hàng thương mại, các chủ nợ và thực hiện tái cơ cấu DNNN, gắn với chuyển nợ thành góp vốn là giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho DNNN.

Điển hình là việc DATC tham gia hỗ trợ CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) khắc phục khó khăn và dần ổn định sản xuất. Thực chất, nhiều thương vụ mua bán nợ của DATC chính là hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thế nhưng, có một nghịch lý là dù nắm giữ trọng trách quan trọng, DATC lại có quy mô nhỏ, các cơ chế chính sách cho hoạt động mua bán nợ còn chưa hoàn thiện.

Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC, Chính phủ cần xem xét nâng cao quy mô hoạt động của DATC; đồng thời ban hành các cơ chế tạo các quyền hạn và công cụ cho phép DATC chủ động thực hiện tốt các chức năng của mình theo hướng được tham gia sâu rộng vào xử lý nợ của các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu DNNN gắn với xử lý nợ.

Tuy nhiên việc Ngân hàng Nhà nước đang tính toán thành lập công ty mua bán nợ xấu để mua lại nợ xấu của ngân hàng, theo tôi là không cần thiết và quay lại vòng luẩn quẩn. Điều cần nhất lúc này là tạo điều kiện cho DATC phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, bản thân DNNN cũng phải tự tái cơ cấu lại chính mình trước khi mang ra chào bán. Nếu một doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, ban điều hành giỏi sẽ nặng ký hơn trong mắt nhà đầu tư hơn là doanh nghiệp què quặt, yếu đuối.

Các tin khác