Tiếng guốc gỗ

Hồi tôi còn ở ngoài Bắc, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ, lúc ấy không có nhiều giày dép như bây giờ. Đi đất chỉ có chân trần cả mùa hè lẫn mùa đông. Ba tôi thấy vậy, sắm cho anh em tôi mỗi người một đôi guốc gỗ. Đôi guốc gỗ hình như làm bằng gỗ xoan, mộc mạc, đơn giản.

Hồi tôi còn ở ngoài Bắc, đi sơ tán tránh máy bay Mỹ, lúc ấy không có nhiều giày dép như bây giờ. Đi đất chỉ có chân trần cả mùa hè lẫn mùa đông. Ba tôi thấy vậy, sắm cho anh em tôi mỗi người một đôi guốc gỗ. Đôi guốc gỗ hình như làm bằng gỗ xoan, mộc mạc, đơn giản.

Một chiếc quai bằng cao su vắt từ bên này qua bên kia. Thân guốc được đẽo cho vừa bàn chân người đi. Mới đầu tôi đi đôi guốc gỗ ấy hơi khó chịu, cứ trật lên, trật xuống, sau rồi cũng quen.

Hôm ấy, chúng tôi đi học nhóm về, tiếng guốc gỗ gõ vào nền sân gạch. Ba tôi đang ngồi ngoài hiên nghe đài, tự nhiên ông lặng người, bỏ chiếc đài xuống, nét mặt bần thần.

Ông nói: "Trời ơi! Tiếng guốc gỗ. Ba nhớ Hội An quá". Một tiếng guốc gỗ bình thường làm cho ba tôi trở về với một kỷ niệm lớn, nhớ cả một vùng quê, một ký ức xa xưa dội về. Như vậy tiếng guốc gỗ phải như thế nào mới có tác động lớn như thế trong tình cảm của ba tôi.

Những năm đầu giải phóng, tôi về lại Hội An, ở trong ngôi nhà cổ của ông bà để lại. Ban đêm cái không gian cổ kính mờ mờ, tỏ tỏ. Tất cả trầm mặc, lặng lẽ đến độ nghe thấy cả tiếng cánh dơi đang bay. Tôi nằm một mình trên gác, thả hồn vào những suy nghĩ mông lung, rồi chập chờn đón giấc ngủ chuẩn bị kéo đến. Bất chợt, những tiếng guốc gỗ nghe từ xa dội lại dọc con hè ngoài hiên đánh thức, làm tôi tỉnh ngủ.

Tiếng guốc gỗ của người bán trứng vịt lộn dạo từ xa đi đến gần, thả vào không gian đêm vắng như một lời mời gọi. Qua tiếng guốc gỗ ấy, tôi hình dung trước mặt một người phụ nữ đi đứng đoan trang, cố cất bước thật nhẹ nhàng, cố không muốn làm ảnh hưởng đến những người đang ngủ say, chỉ chạm thật nhẹ cho những ai còn thức hay mơ màng đang muốn tỉnh.

Gần một chút nữa, tiếng guốc gỗ gõ nghe có vẻ mạnh hơn, không vội vàng mà rõ từng tiếng. Bất chợt một tiếng rao như hát cất lên: "Ai trứng vịt lộn đây!".

Tiếng guốc gỗ vẫn gõ đều đặn, giống một điệu nhạc nâng tiếng rao như hát ấy, luyến láy bay thêm xa trong đêm thanh vắng. Nghe tiếng guốc gỗ cùng với tiếng rao đẹp như vậy dù ai đó có buồn ngủ đến mấy, cũng phải tỉnh. Tiếng guốc gỗ cùng lời rao đi xa dần, để lại trong tôi một sự luyến tiếc, y như mình phải tiễn người yêu đi xa, mong có ngày gặp lại.

Mà cũng thật kỳ lạ, tiếng guốc gỗ như là một "sản phẩm độc đáo, duy nhất" của Hội An. Những người say Hội An, muốn thức cùng Hội An, nhất là những đêm rằm, khi con trăng tròn vành vạnh treo trên những mái nhà cổ, gió mát từ biển thổi vào, những ngôi nhà cổ chỉ còn leo lét ánh đèn, người vẫn thức với những hoài niệm quá khứ mờ ảo... rồi đột nhiên có tiếng guốc gỗ gõ trên vỉa hè, làm cho sự liên tưởng liền mạch.

Thế mới biết tiếng guốc gỗ theo chân ba tôi vào lớp học cùng với chiếc quần trắng, áo dài đen, tay cắp cặp. Rồi cũng tiếng guốc gỗ, hồi còn nhỏ lộp cộp theo ba chạy ra đầu ngõ đợi nội đi chợ về cho chiếc kẹo vừng. Và cũng tiếng guốc gỗ đã chứng kiến ngày mẹ tôi về làm dâu bên nội.

Phố cổ Hội An đẹp do có những ngôi nhà cổ tường rêu phong, một chứng nhân của thời gian. Hội An còn đẹp nữa bởi có những tiếng guốc gỗ gõ nhịp xuống vỉa hè hàng đêm.

Tiếng guốc gỗ ấy là mạch sống, là ký ức của những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hội An. Tiếng guốc gỗ làm cho tình cảm con người gắn với quê hương hơn.

Các tin khác