Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển kinh doanh

(ĐTTCO)- Chính phủ mới hoạt động chưa được 1 năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này góp phần tạo được niềm tin, tuy vậy cộng đồng DN vẫn cho rằng 2017 tiếp tục là năm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Ông VŨ TIẾN LỘC (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017 đã trao đổi với với ĐTTC.

(ĐTTCO)- Chính phủ mới hoạt động chưa được 1 năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này góp phần tạo được niềm tin, tuy vậy cộng đồng DN vẫn cho rằng 2017 tiếp tục là năm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Ông VŨ TIẾN LỘC (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017 đã trao đổi với với ĐTTC.

Rút ngắn khoảng cách chính sách và thực thi

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhìn lại năm 2016, điều gì khiến ông ấn tượng nhất?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Chúng tôi đánh giá cao chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng nêu trong các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu rất rõ là nước ta có môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Sự thăng hạng của Việt Nam trong các bảng tổng sắp của Ngân hàng Thế giới, của Diễn đàn Kinh tế thế giới và con số DN thành lập mới đạt 110.000 trong năm 2016 là những minh chứng sống động.

Đặc biệt, năm qua Chính phủ đã đảm bảo những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực hiện nghiêm túc, khi hàng ngàn điều kiện kinh doanh được quy định tại nhiều thông tư được rà soát, bãi bỏ và thay bằng gần 50 nghị định.

Một khối lượng lớn công việc đã được thực hiện trong thời gian ngắn, đảm bảo được mốc thời gian 1-7-2016 các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh. Đây là lần đầu tiên Chính phủ lắng nghe DN một cách tập trung và đẩy mạnhcải cách thể chế mạnh mẽ đến vậy.

- Năm 2016 DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như thủ tục hành chính còn phiền hà, kiểm tra chuyên ngành dày đặc, chồng chéo, phải chi trả nhiều chi phí không chính thức... Ông nghĩ sao về điều này?

Trong năm 2016, chúng ta thấy cụm từ DN tư nhân được nhấn mạnh hơn với việc xác định vai trò là động lực, thậm chí động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Việc đặt đúng vị trí của khu vực này trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội nước ta là hết sức quan trọng. Để làm được điều này, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và cải cách DNNN, từ đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để DN tư nhân phát triển thật sự.

- Đúng là dù đã có nhiều thay đổi nhưng thẳng thắn đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN vẫn còn khoảng cách khá lớn. So với mong muốn của DN lại càng xa. Các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, từ tiếp cận vốn vay, lãi suất cao, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…

Đặc biệt DN vẫn phải nặng gánh lo các khoản chi trả không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu hay những rủi ro có thể xảy ra từ thay đổi chính sách, sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp.

Ở nhiều nước, trong một môi trường thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính chuyên nghiệp, bộ máy nhà nước luôn trăn trở tìm các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, mở đường thúc đẩy DN phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, giải pháp cơ bản của nhiều cơ quan nhà nước vẫn loay hoay tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều thông điệp và hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Là người đại diện cộng đồng DN, ông đánh giá sao về điều này?

- Thông điệp đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, do vậy giải pháp quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế. Theo đó, thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong giám sát và đánh giá kết quả thực thi. Tinh thần cải cách của các nghị quyết của Chính phủ cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc trên thực tế.

Về nguyên tắc, mỗi quy định đưa ra phải dựa trên sự tính toán, đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính, không chỉ nêu chung chung là nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, như cách làm phổ biến trước đây. Chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép và không tính đến hệ quả của việc đó đã tạo ra gánh nặng cho DN, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam và gây thiệt hại đến nền kinh tế nói chung.

Phát triển khu vực tư nhân

- Kinh tế thế giới năm 2017 vẫn sẽ khó khăn, khó đoán định. Ông nhìn nhận ra sao về những dự báo này, và theo ông Chính phủ, cộng đồng DN phải ứng phó ra sao?

- Đúng là 2017 sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với cộng đồng DN, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng lãi suất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới…

Những nhân tố đó dự báo dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế và sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội dự luật hỗ trợ DNNVV là những nỗ lực đáng kể.

Theo tôi, việc trước tiên là rà soát lại chính sách đối với DN FDI, khi nhiều địa phương coi trọng DN FDI và coi nhẹ đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có những chương trình đề hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực về quản trị và công nghệ.

- Theo ông, đâu là những bước đột phá để phát triển DN năm 2017?

- Để tạo bước phát triển đột phá, theo tôi Chính phủ cần siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và DN. Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy thực thi là giải pháp tốt, cần được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành.

Bên cạnh đó, tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội dự luật 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp tới. Cùng với đó xây dựng ngay chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này.

Và khi sửa đổi chính sách, thủ tục sẽ có những nội dung liên quan đến các điều luật, nên thiết kế đưa ngay vào Luật Hỗ trợ DNNVV hoặc Luật sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh, để có thể ban hành trong kỳ họp Quốc hội tới.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác