Thu thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng: Không khả thi

NHNN đang đề xuất Bộ Tài chính xem xét đánh thuế đối với vàng, trong đó cân nhắc việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Liệu đề xuất này có hợp lý khi đang vấp phải phản ứng từ người dân? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), xoay quanh vấn đề này.

NHNN đang đề xuất Bộ Tài chính xem xét đánh thuế đối với vàng, trong đó cân nhắc việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Liệu đề xuất này có hợp lý khi đang vấp phải phản ứng từ người dân? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), xoay quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, mới đây thông điệp từ NHNN cho rằng NHNN không có chủ trương bình ổn giá vàng. Điều này liệu có trái ngược với tuyên bố của Thống đốc NHNN trước đây rằng NHNN sẽ nỗ lực kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống 400.000 đồng/lượng?

Ông TRẦN THANH HẢI: - Trước đây Thống đốc NHNN cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới trên 400.000 đồng/lượng là có hiện tượng đầu cơ vàng, NHNN cam kết sẽ hỗ trợ làm sao cho giá vàng trong nước và thế giới xích lại gần nhau.

Với tuyên bố đó, xét về nghiệp vụ của NHNN, tôi cho rằng không cần thiết, bởi kinh nghiệm ở các quốc gia đang phát triển, Ngân hàng Trung ương thường coi vàng vừa là hàng hóa thông thường, vừa là hàng hóa đặc biệt chứ không phải là mặt hàng phải bình ổn giá như xăng, dầu, điện, vật tư nông nghiệp…

Do đó, tuyên bố vàng là mặt hàng bình ổn là NHNN đã chọn cái “ngọn” chứ không phải cái “gốc”. Cái gốc NHNN muốn nhắm đến là ổn định tỷ giá USD. Chức năng của NHNN hay các ngân hàng trung ương các nước là ổn định tỷ giá.

Phần lớn tiệm vàng kinh doanh nước ta áp dụng thuế khoán (do vàng có giá trị rất cao trong doanh thu). Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phải đánh trên số lượng, cơ sở nào đánh thuế và thực tế ngành thuế sẽ không làm được. Vì vậy, cơ quan quản lý nên cân nhắc trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng. Còn nếu dùng thuế tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh giá, tức lại dùng biện pháp hành chính để can thiệp thị trường. Vàng có lúc lên, lúc xuống, bản thân nó không chỉ bị ảnh hưởng bởi các quy luật kinh tế mà còn chịu tác động bởi những biến động chính trị thế giới. Do vậy, biểu thuế sẽ biến động liên tục liệu ta có thể làm được không?

Giá vàng ở nước ta như “con ngựa bất kham”. Hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng/lượng xảy ra hơn 1 năm nay, thông thường chênh lệch 1 triệu đồng, gần đây nhất trên 3 triệu đồng/lượng.

Người dân bức xúc, đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến về vấn đề này. Do vậy, khi NHNN đã tuyên bố cũng có thể mạnh dạn điều chỉnh lại để dư luận không quá kỳ vọng rồi thất vọng như vừa qua. Bởi nếu xét vàng là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất nữ trang như Nghị quyết 24 của Chính phủ quy định, không nhất thiết phải bình ổn giá vàng.

- Còn việc cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng, theo ông có hợp lý?

- Người ta thường chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ như rượu, bia, thuốc lá… Riêng về vàng, xét ở khía cạnh vàng trang sức, ngành nghề này hình thành từ làng nghề truyền thống, đóng góp công ăn việc làm, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế từ ngành công nghiệp trang sức. Thái Lan có kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức hàng tỷ USD/năm.

Việt Nam có nghệ nhân tay nghề cao, có mỏ đá quý saphia, rubi, có công nghệ thủ công lẫn hiện đại để sản xuất nữ trang, đồng thời nhu cầu tiêu thụ nữ trang là nhu cầu chính đáng. Vì vậy, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất nữ trang vô hình trung hạn chế tiêu thụ vàng nữ trang.

- Gần đây tình trạng vàng giả, vàng nhái SJC phổ biến, tạo tâm lý hoang mang cho người dân. Theo ông nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ đâu?

- Người ta thường làm giả những lĩnh vực có siêu lợi nhuận. Gần đây chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, tạo ra một kẽ hở siêu lợi nhuận. Trước đây có 8 thương hiệu vàng miếng được lưu thông, nhưng từ tháng 1-2011 khi NHNN công bố chỉ còn 1 thương hiệu SJC, đồng nghĩa các thương hiệu khác sẽ dần bị thu hẹp.

Và khi “con sông” đang chảy bị thu hẹp, một bên cầu quá lớn một bên cung bị hạn chế, đến lúc nào đó cung cầu mất cân xứng tất yếu sẽ tạo ra cung giả. Ở đây cung vàng giả không có nghĩa là giả 100%, có vàng giả không đủ 9999 nhưng nhái thương hiệu SJC.

Hệ lụy cuối cùng là người dân có nhu cầu nắm giữ vàng chịu thiệt. Bản thân tôi từng làm kinh doanh vàng tại SJC, nhưng tôi còn chưa biết được bao nhiêu mẫu bao bì nào đi liền với seri nào, nói chi người dân. Người dân làm sao biết được miếng vàng nào hợp pháp, nhất là trong 20 năm qua hơn 20 triệu lượng vàng SJC được bán ra thị trường.

Có thể thấy, chúng ta tập trung quản lý nhưng chưa soi xét thấu đáo khía cạnh kinh tế của công việc quản lý, vội vàng tuyên bố vô tình gây ra một áp lực lớn cho nền kinh tế. Bởi vàng là tài sản dính liền với giá trị lao động tích góp từ nhiều năm của người dân. Việc triển khai không đồng bộ, thông tin không đầy đủ, gây xáo trộn cho người dân là không nên.

Trong điều kiện các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản không hẳn phù hợp với người dân có thu nhập chưa cao, tất yếu người dân phải bảo vệ giá trị tài sản đồng tiền, sức lao động của mình bằng vàng theo tập quán của cha ông.

Ngay như Hoa Kỳ, đồng USD chiếm 60% dự trữ các quốc gia, nhưng người dân nước này không chỉ gửi tiết kiệm vào ngân hàng, mà còn gửi vào các quỹ đầu tư, trái phiếu, mua vàng, dầu trên sàn. Vì vậy, theo tôi NHNN cần xem xét lại, đánh giá thận trọng, không nên dùng biện pháp hành chính để hạn chế người dân mua vàng miếng.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác