Thu hút bằng trực quan sinh động

Khoảng 10 năm trở lại đây, bằng những thay đổi mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, TP Huế đã trở thành điểm đến sáng giá của du lịch Việt Nam. Trong đó, các tour du lịch làng nghề, du lịch nhà quê là nét mới tạo thêm sản phẩm du lịch Huế. 6 tháng đầu năm 2015, địa phương đón gần 1,6 triệu lượt khách, tăng 1% so cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, bằng những thay đổi mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, TP Huế đã trở thành điểm đến sáng giá của du lịch Việt Nam. Trong đó, các tour du lịch làng nghề, du lịch nhà quê là nét mới tạo thêm sản phẩm du lịch Huế. 6 tháng đầu năm 2015, địa phương đón gần 1,6 triệu lượt khách, tăng 1% so cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Gắn kết làng nghề

Tại hội thảo khoa học dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong các sản phẩm thủ công truyền thống vừa tổ chức tại TP Huế, nhiều đại biểu đồng tình quan điểm du lịch phát triển là níu giữ du khách lưu trú dài hơn, tiêu tiền nhiều hơn. Muốn vậy, ngoài chất lượng dịch vụ cần có nhiều sản phẩm thủ công truyền thống để làm quà lưu niệm kết nối tính giá trị lịch sử, văn hóa bản địa phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu và mua sắm của du khách. Bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, hướng đi này còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo cơ hội trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề.

Nằm ở cửa ngõ di tích lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh, làng hương Dương Xuân Thượng (TP Huế) 10 năm nay trở thành điểm đến thu hút ngày càng đông khách tham quan, nhất là khách quốc tế. Tại đây hiện có khoảng 60 hộ gia đình làm nghề lăn hương đã tận dụng thế mạnh nhà mặt tiền, mở tiệm bán và dạy du khách làm hương truyền thống.

Tại cửa hàng số 33 đường Huyền Trân Công Chúa, sau công đoạn pha trộn bột quế, bột cưa ray mịn với chất dẻo từ cây bời lời làm nguyên liệu, chị Lê Thị Quých, chủ cửa hàng, hướng dẫn đoàn khách đến từ nước Anh thao tác làm ra từng cây hương quế. Gần 1 giờ đồng hồ, hơn 10 vị khách du lịch tỏ ra thích thú với sản phẩm thủ công do chính tay họ vừa sản xuất. Anh Trần Hùng, hướng dẫn viên du lịch tại Huế, chia sẻ cùng với làng hương Dương Xuân Thượng, thời gian qua tại Huế có nhiều làng nghề truyền thống ăn nên làm ra nhờ biết tạo ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch như nón Thúy (Phủ Cam), hoa giấy (Thanh Tiên), đan lát Bao La…

Cách làm này không chỉ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu tầng sâu văn hóa mà họ còn trực tiếp thực hiện các thao tác, tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống ở những ngôi làng cổ cách xa đất nước họ cả hàng ngàn cây số để mang về quê làm quà với người thân và bạn bè. Đó là cái hồn của du lịch Huế với hàm lượng văn hóa cao cùng tiềm năng thế mạnh từ các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.

Thực tế, TP Huế là địa phương đầu tiên có di sản văn hóa thế giới và đi đầu cả nước về việc bảo tồn và sử dụng lợi thế về di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý di sản Huế) tổ chức 3 tuần kích cầu du lịch di sản Huế qua việc triển khai nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đặc sắc và một số hình thức khuyến mại, dịch vụ nhằm hấp dẫn cho du khách. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh di sản sản Huế, tạo thêm doanh thu để tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.

Cần những nụ cười

Để thu hút khách, việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là vấn đề then chốt. Cần nghiên cứu khai thác và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mới, khai thác lợi thế và đặc trưng để xây dựng các tour tuyến du lịch hấp dẫn; đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước.

Ông Phan Tiến Dũng,
Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế

Sau khi chiêm ngưỡng di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), du khách đến với xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, để có cơ hội trải nghiệm công việc đồng áng, sinh hoạt đời thường của người nông dân nơi đây qua những nông cụ được trưng bày gần khu di tích này. Đặc biệt, nhiều nông dân còn sáng tác cả thơ ca, hò vè nói về nghề nông, khắc họa cảnh đẹp của làng quê Việt Nam, khiến du khách tỏ ý khâm phục.

Cụ Lê Thị Ngảnh năm nay đã 85 tuổi, từng là nhân viên quản lý nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh nhớ lại: “Chính thức mở cửa trong dịp Festival Huế 2006, thời gian đầu nhà trưng bày nông cụ có khá đông khách tham quan, nhưng sau thưa dần. Tìm hiều nguyên nhân, mệ (bà) thấy rằng có nhiều nông cụ như nhủi, lừ (để bắt cá)… ngay cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng không biết đó là cái gì, nên không thể giải thích cho khách hiểu về công năng của nó. Bất đắc dĩ mệ phải làm công việc này.

Để giải thích cho khách hiểu về xuất xứ và chức năng của từng vật dụng, nhiều khi mệ phải nói... bằng tay. Thí dụ, khách hỏi các dụng cụ bắt cá, mệ phải đeo oi, cầm chơm và diễn tả việc lội chân thấp chân cao dưới ruộng để chơm cá và bắt cá bỏ vô oi… Khách chăm chú nghe và ai cũng vỗ tay khen hay”.

Ở Thủy Thanh hiện còn có các hướng dẫn viên du lịch tuổi U80 như mệ Hải, mệ Diều, mệ Hấu cùng hơn 10 nữ nông dân khác thay nhau giới thiệu nét đẹp mộc mạc quê hương để mời gọi du khách bốn phương. Chính những động tác mô phỏng mộc mạc của những người nông dân chân lấm tay bùn đã khơi dậy trí tò mò đối với du khách bốn phương, đồng thời truyền bá văn hóa lúa nước của dân tộc. Từ thực tế, họ còn rút ra nhiều kinh nghiệm để xây dựng Thủy Thanh thành một điểm đến hấp dẫn và mới lạ. Mệ Nguyễn Thị Hấu hiện là người kế tiếp mệ Ngảnh để quản lý nhà nông cụ Thủy Thanh, chia sẻ nếu chỉ cầu ngói và nhà nông cụ, Thủy Thanh chưa đủ sức hấp dẫn níu chân du khách. Nhiều năm làm du lịch, bà con nơi đây đúc ra kinh nghiệm là đối với người phương Tây, họ rất vui khi được tiếp xúc với người dân bản địa luôn tỏ ra thân thiện. Du khách nước ngoài sẽ  rất ấn tượng khi về các vùng quê, đến đâu cũng có người cười chào vui vẻ, họ sẽ nhớ mãi và nếu có dịp chắc chắn họ sẽ quay trở lại.

Các tin khác