Thông tư 02 NHNN: Bóc tách thực chất hiệu quả kinh doanh

Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02 làm căn cứ quan trọng giúp hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tự xử lý nợ xấu, thay vì trông chờ vào giải pháp của Công ty Mua bán nợ (VAMC). Điều này không ngoài mục đích làm trong sạch hệ thống NH và cũng là một phần trong việc tái cơ cấu các NHTM. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho các NHTM trước những khó khăn, thách thức của năm 2013.

Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02 làm căn cứ quan trọng giúp hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tự xử lý nợ xấu, thay vì trông chờ vào giải pháp của Công ty Mua bán nợ (VAMC). Điều này không ngoài mục đích làm trong sạch hệ thống NH và cũng là một phần trong việc tái cơ cấu các NHTM. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho các NHTM trước những khó khăn, thách thức của năm 2013.

Tín hiệu Khắc nghiệt

Ở những thị trường tài chính phát triển, NH trung ương (NHTW) thường có những giải pháp mang tính hệ thống, như “stress test” để kiểm tra khả năng kiệt quệ bảng cân đối tài sản (balance sheet distress) của hệ thống NHTM khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Qua đó, NHTW yêu cầu các NHTM gia tăng vốn cổ phần để bù trừ cho phần kiệt quệ này. Thậm chí, các NHTW sẽ can thiệp vào quá trình chi trả cổ tức và lương, thưởng với ban quản trị NH.

Một trong những nguyên nhân các NHTW thực hiện những biện pháp này do ban quản trị NH không đánh giá đúng mức giá trị các tài sản trên bảng cân đối kế toán để đi đến kết quả kinh doanh cao, tạo điều kiện cho họ nhận tiền thưởng lớn và quan trọng nhất giúp các cổ đông nhận cổ tức cao. Tình hình này càng làm gia tăng khả năng kiệt quệ tiền mặt và hạn chế cấp tín dụng vào nền kinh tế.

Năm 2011 kinh doanh khó khăn, hệ thống NHTM công bố nợ xấu thấp, lợi nhuận cao đã gây ra những phản ứng trong cộng đồng các thành phần kinh tế. Chính điều này đã đưa đến tính cấp thiết phải xem xét lại việc đánh giá các tài sản trên bảng cân đối kế toán của hệ thống NHTM đến từ phía NHNN bằng Thông tư 02.

Đối với hệ thống NHTM Việt Nam, những cuộc “stress test” không được thực hiện một cách chính thức. Do vậy, khi kiểm tra hệ thống bảng cân đối tài sản của các NHTM, thanh tra NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu 8,82%, cao hơn nhiều so với con số báo cáo của hệ thống NHTM.

Với các NHTM, hơn ai hết, họ ý thức được mức độ nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của mình. Tuy nhiên, cơ sở của việc phân loại nợ phải dựa trên quy định hiện hành của NHNN.

Chính vì vậy, ngày 21-1-2013, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro… của các tổ chức tín dụng (TCTD) thay thế cho Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và một số văn bản khác.

Thông tư này được đánh giá sẽ khiến các TCTD công bố tỷ lệ nợ xấu cao hơn trước đây, làm căn cứ cho việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn. Thông tư 02 có một số tiêu chí khắt khe hơn trong việc phân loại nợ:

Thứ nhất, các khoản nợ bị gia hạn nợ lần đầu sẽ được đưa vào nợ nhóm 3 thuộc nhóm nợ xấu, thay vì nếu gia hạn nợ trong thời hạn vẫn được xếp vào nhóm 2 theo Quyết định 493.

Thứ 2, nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng cũng được đưa vào nhóm nợ xấu.

Thứ 3, ngoài các tiêu chí để phân loại nợ từ đặc tính khả năng trả nợ của khách hàng, điểm mới được đánh giá khá khắc nghiệt là xem xét hoạt động cấp tín dụng cho những đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng có điều kiện theo Luật Các TCTD sửa đổi 2010. Chẳng hạn nếu như trước đây trong hoạt động cấp tín dụng của các NHTM, việc cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng bị hạn chế tín dụng diễn ra rất thường xuyên thì nay được đưa vào nhóm 3, “nợ dưới tiêu chuẩn” trong nhóm chỉ tiêu nợ xấu.

Thứ 4, hoạt động cho vay cầm cố cổ phiếu của các TCTD hoặc các công ty con của TCTD này để góp vốn vào TCTD khác trong hệ thống các NHTM cũng là những khoản cho vay được liệt kê vào nhóm nợ xấu. Quy định này xếp các khoản tín dụng theo kiểu đầu tư chéo lẫn nhau sẽ bị hạn chế khi liệt kê vào nhóm nợ xấu mà quy định trước đây không đề cập đến.

Thứ 5, nợ cấp cho các công ty con, công ty liên kết mà TCTD đang nắm quyền kiểm soát không vượt quá tỷ lệ quy định.

Như vậy, những quy định chi tiết từ Thông tư 02 đã đưa việc phân loại nợ xấu cao hơn so với quy định trước đây, không chỉ là thời gian chậm thanh toán mà là mối quan hệ cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng và tài sản cấp tín dụng được đảm bảo bởi cổ phiếu của TCTD.

Đồng thời, những khoản cam kết ngoài bảng cân đối kế toán như bảo lãnh thanh toán của các TCTD cũng được xếp vào nhóm nợ xấu.

Tự xử lý nợ xấu

Những mối quan hệ đằng sau hoạt động của hệ thống NHTM khá phức tạp. Những tập đoàn, nhóm công ty đang sở hữu và chi phối hệ thống NHTM cổ phần. Chẳng hạn gần đây nhất là Tập đoàn Thiên Thanh là cổ đông lớn và chi phối toàn bộ thành viên HĐQT NHTMCP Đại Tín (Trustbank), Tập đoàn Doji cũng đang chi phối TienPhongBank…

Như vậy, khi các tập đoàn hay nhóm cổ đông lớn chi phối hệ thống NH, họ sử dụng NH như một công cụ để tài trợ vốn cho tập đoàn và nhóm cổ đông của họ. Việc tài trợ này đưa đến: Thứ nhất, chất lượng tín dụng được dễ dàng hơn từ tài sản đảm bảo đến tỷ lệ cấp tín dụng vượt mức. Thứ 2, thời hạn vay và dễ dàng trong các điều khoản gia hạn nợ, miễn, giảm và giãn nợ.

Thứ 3, tài sản đảm bảo không quá khắt khe… Những hoạt động cấp tín dụng này được NH Thế giới (WB) khuyến cáo cách đây hơn 5 năm trước, khi các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn lập hồ sơ xin thành lập NH.

Luật Các TCTD sửa đổi bước đầu đưa những đối tượng này vào diện hạn chế tín dụng hoặc tín dụng cấp có điều kiện. Tuy nhiên, việc phân loại các khoản nợ này chưa được xem xét đúng mức trong khi nó đang chi phối tổng mức tín dụng của hệ thống NHTM. Do vậy, tác dụng của Thông tư 02 là nhằm giúp các NHTM tự xử lý nợ xấu.

ĐHCĐ bất thường Trustbank vừa công bố nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát mới sau khi Tập đoàn Thiên Thanh trở thành cổ đông lớn chi phối. Ảnh: G. HÙNG

ĐHCĐ bất thường Trustbank vừa công bố nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát mới
sau khi Tập đoàn Thiên Thanh trở thành cổ đông lớn chi phối. Ảnh: G. HÙNG

Qua báo cáo tài chính của các NHTM đến quý III-2012, lợi nhuận vẫn được công bố ở mức cao, nợ xấu ở mức thấp, trong khi NHNN đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều lần con số báo cáo. Trước tình hình này, NHNN và Chính phủ đã đề xuất phương án thành lập VAMC.

Tuy nhiên, nguồn lực của quốc gia có giới hạn nên giải pháp trước tiên là các NHTM tự xử lý nợ xấu. Để có căn cứ tự xử lý, Thông tư 02 đã thay đổi điều kiện, tiêu chuẩn phân loại nợ thực hơn, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu phản ánh đúng thực tiễn, làm căn cứ cho các NHTM tăng trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu, giảm trừ lợi nhuận báo cáo.

Thực ra trước khi đề án VAMC được ban hành và đi vào hoạt động, hệ thống NHTM cần có một thước đo phân loại nợ xấu bằng Thông tư 02, từ đó làm căn cứ cho NHNN ép các TCTD có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao phải bán các khoản nợ này cho VAMC.

Việc thành lập VAMC dự kiến được thực hiện bằng cách VAMC phát hành lượng trái phiếu để đổi lấy các khoản nợ xấu theo mức giá trị dự kiến trên giá trị sổ sách cho TCTD. TCTD được lợi từ việc chuyển khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán thay vào đó là trái phiếu đầu tư của VAMC. Loại trái phiếu này có kỳ hạn dài và có khả năng chiết khấu cho NHNN để nhận vốn hoạt động.

Tuy nhiên, TCTD phải có nghĩa vụ thu hồi nợ hoặc bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ giúp cho VAMC. Nghĩa là các tài sản tín dụng được hoán đổi thành tài sản đầu tư trái phiếu và bản chất của việc thu hồi nợ không đổi.

Chỉ có điều, các khoản đầu tư trái phiếu này sẽ được NHNN cho vay tái chiết khấu các chứng từ có giá theo tỷ lệ nào đó. Tóm lại, để giúp gỡ bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của NHTM, NHNN ban hành Thông tư 02 để đánh giá lại các khoản nợ xấu nhằm chuẩn bị tiền đề cho sự hoạt động của VAMC.

Hiệu ứng khởi đầu

Trước ngày Thông tư 02 có hiệu lực, một số TCTD đã tự điều chỉnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bằng cách xem xét lại các khoản tín dụng, tiến đến việc thực hiện theo Thông tư 02. Chính vì vậy một số NH đã phản ánh được sự điều chỉnh lợi nhuận đáng kể trong quý IV-2012 và cả năm 2012.

Thông tư 02 bước đầu phân loại những đối tượng như tập đoàn, công ty con, nhóm cổ đông… sang nhóm đối tượng nợ dưới chuẩn, qua đó làm tiêu chuẩn trích lập dự phòng cao hơn để hạn chế các điều kiện kinh doanh của TCTD như nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng, việc phát triển chi nhánh, mạng lưới hay các điều kiện tham gia thị trường tái cấp vốn của NHNN…

Điển hình là NH Quân Đội (MB), dù hoạt động kinh doanh của các lĩnh vực đều tăng, nhưng riêng quý IV-2012 vì trích lập dự phòng rủi ro lên đến trên 1.000 tỷ đồng đã sụt giảm hơn 60% lợi nhuận so với cùng kỳ. Riêng việc trích lập dự phòng cả năm trên 2.000 tỷ đồng.

Hay đột ngột lỗ trong quý IV-2012 của Techcombank cũng đến từ nguyên nhân tăng trích lập dự phòng tín dụng trên 1.100 tỷ đồng. Sacombank trước cuộc thôn tính của nhóm cổ đông có tỷ lệ nợ xấu thường được công bố rất thấp, chỉ hơn 1%.

Tuy nhiên, kịch bản sau thâu tóm, nhóm cổ đông mới tiếp quản NH này đã cho ra kết quả kinh doanh 2012 giảm khá mạnh, trong đó việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng trên 230%, ước tính hơn 1.300 tỷ đồng.

Như vậy, khởi đầu của Thông tư 02 cho thấy một số NHTM đã phản ứng trước tình hình nợ xấu thực chất. Qua đó nhanh chóng phân bổ một phần (hay tự xử lý một phần) nợ xấu của mình vào kết quả kinh doanh năm 2012 khi giải pháp VAMC không mấy thay đổi bản chất của hoạt động NH.

Do đó, khi thông tư này chính thức có hiệu lực, bức tranh của hệ thống NHTM sẽ có kết quả kinh doanh không như những năm qua và cổ đông tạm thời chấp nhận mức cổ tức chiếu lệ hoặc không có trong thời gian tới.

Các tin khác