Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Yêu cầu cấp bách, minh bạch

Chính phủ vừa thông qua nghị quyết yêu cầu thời hạn cuối cùng đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Việc thoái vốn đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên việc thực hiện không hề dễ dàng.

Chính phủ vừa thông qua nghị quyết yêu cầu thời hạn cuối cùng đến năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Việc thoái vốn đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên việc thực hiện không hề dễ dàng.

Vào dễ, ra khó

Theo kế hoạch, sau tái cấu trúc PVN sẽ còn 14 doanh nghiệp cấp 2. Trên cơ sở tái cấu trúc các doanh nghiệp này sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp và thoái vốn tại các doanh nghiệp cấp 3. Lộ trình thoái vốn được PVN thực hiện từ nay tới năm 2015 nên việc thoái vốn lúc nào, thời điểm ra sao còn phải căn cứ vào tình hình thị trường và để nói trước có thoái hết hay không cũng rất khó vì phải dựa vào việc triển khai thực tế.

Ông PHÙNG ĐÌNH THỰC,
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN

Thực trạng thất thoát vốn, thua lỗ do đầu tư dàn trải ngoài ngành của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho thấy việc thoái vốn đầu tư cần được thực hiện quyết liệt, càng sớm càng tốt. Theo số liệu của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, hiện có 21/31 TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn hơn 22.590 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

Trong đó có 6 doanh nghiệp đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Báo cáo này cũng chỉ rõ có 13 doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro, gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số vốn lên tới hơn 10.700 tỷ đồng; 13 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán 1.300 tỷ đồng; 8 doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp hơn 3.754 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thoái vốn từ nay đến 2015 rất khó vì con số hơn 22.000 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành là quá lớn.

Quan điểm này cũng được đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chia sẻ, dù hội đồng thành viên Vinacomin đã nhất trí chủ trương thoái vốn tại một số doanh nghiệp để đảm bảo tỷ lệ đầu tư ngoài ngành theo đúng quy định của Chính phủ (sẽ thoái hết vốn tại CTCP Bảo hiểm Hàng không, Quỹ đầu tư Việt Nam, CTCP Phát triển khu kinh tế Hải Hà, CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV...).

Tuy nhiên, trong thời điểm nền kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán đi xuống, việc chuyển vốn hay bán vốn lại cho các đối tác khác không đơn giản. Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thị trường chứng khoán trong nước èo uột nên rất khó tìm các đối tác nước ngoài để chuyển nhượng vốn thời điểm này.

Mặt khác, một số đang trong giai đoạn triển khai các dự án lớn, đầu tư dài hạn nên việc rút vốn là không thể. TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận đổ vốn vào một lĩnh vực kinh doanh nào đó có thể rất nhanh, nhưng rút vốn ra không thể nhanh được.

Bởi lẽ việc thoái vốn phải được thực hiện theo một lộ trình nằm trong chương trình tổng thể về tái cơ cấu các DNNN; quá trình thoái vốn phải thiết kế sao cho ít ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các dự án trọng điểm và của guồng máy chung.

Một trong những yêu cầu quan trọng của việc thoái vốn mà Chính phủ yêu cầu là phải “bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước”. Đây là một mệnh đề hết sức quan trọng nhưng không dễ thực hiện.

Theo TS. Vũ Tuấn Anh, hầu hết khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp đều được tiến hành vào thời điểm thị trường thăng hoa, nay trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, việc thoái vốn sẽ đi kèm với những thiệt hại do “mua lúc đắt, bán lúc rẻ”.

Do vậy, việc thoái vốn phải được tính toán nhiều mặt - về số lượng, thời gian, cách thức, chủ thể tham gia quá trình - để bảo toàn được vốn nhà nước.

Tại một hội thảo về cơ chế tài chính cho tái cấu trúc DNNN vừa qua, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng quá trình thoái vốn của doanh nghiệp gặp khó do yêu cầu của Bộ Tài chính là không làm mất vốn.

“TTCK đi xuống, bán cổ phiếu không được. Có nhà đầu tư nói với EVN nếu đồng ý giảm giá họ sẽ mua. Nhưng là DNNN, EVN chả dại gì làm vậy. Đang lỗ cả tỷ đồng nay lại bán rẻ để mà bị vào tù" - ông Tri nói.

Thoái vốn hiệu quả – Cách làm?

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cái khó EVN thực chất là hậu quả kiểu đầu tư “trăm hoa đua nở” của các DNNN. Trước đây với kiểu đầu tư phát triển theo chiều ngang, các TĐ, TCT căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, tức lĩnh vực nào Nhà nước không cấm thì được đầu tư.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng chỉ rõ các TĐ, TCT phải xác định cầm đồng tiền của Nhà nước, của dân để đầu tư phải tính toán kỹ để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, bảo đảm hiệu quả.

Gian nan thoái vốn tại EVN (Trong ảnh: TCTĐiện lực TPHCM áp dụng nhiều biện pháp trong truyền tải, vận hành thiết bị để tiết kiệm điện). Ảnh: CAO THĂNG

Gian nan thoái vốn tại EVN (Trong ảnh: TCTĐiện lực TPHCM
áp dụng nhiều biện pháp trong truyền tải, vận hành thiết bị để tiết kiệm điện).
Ảnh: CAO THĂNG

Song trên thực tế, TĐ, TCT đầu tư chủ yếu vào những lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và lại “trót” đầu tư lúc thị trường thăng hoa. “Nay thị trường giảm mạnh liên tục và kéo dài, lại phải thoái vốn theo nguyên tắc bảo toàn vốn, vì thế rất khó khăn.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có thể việc thoái vốn của TĐ, TCT phải trả giá đắt. Nhưng ở đây, chúng ta cần lưu ý là trả giá như thế nào thì chấp nhận được. Vì vậy, phải chấp nhận đánh đổi. TĐ, TCT có thể mất một khoản vốn lớn nhưng lại được cái khác. Cái được lớn nhất là lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, tránh rủi ro cho cả hệ thống.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TPHCM

Trót đầu tư ngoài ngành rồi, giờ thay đổi cơ cấu ra sao, góp vốn vào thương hiệu, giá trị thương hiệu thanh toán thế nào hay đầu tư bên ngoài đang hoạt động hiệu quả rút có được không. Tuy nhiên, dù khó vẫn phải làm để Nhà nước thu càng nhiều tiền về càng tốt và bằng mọi giá tránh thất thoát” - ông Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên đến nay những hướng dẫn cụ thể về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chưa có. Thí dụ, thoái vốn sao cho hiệu quả cũng mới chỉ dừng ở nói với nhau mà chưa có hướng dẫn cụ thể như đối với khoản đầu tư trước đây đến nay đã lỗ, hoặc những khoản đầu tư chỉ còn 70% giá trị ban đầu… thì thực hiện thoái vốn ra sao?

Bên cạnh đó cũng đặt ra cơ chế trách nhiệm cho lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn. TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng có 2 cách để thoái vốn.

Theo đó, Nhà nước sẽ bán cổ phần ra bên ngoài cho những nhà đầu tư khác, có thể là tư nhân hoặc nước ngoài, chứ không bán cho DNNN khác; chuyển cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng của DNNN về cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Chẳng hạn, hiện có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi nhiều TĐ, TCT cũng có ngân hàng hoặc có cổ phần trong các ngân hàng, các tập đoàn phải chuyển cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng về cho các ngân hàng.

Đối với các ngành bảo hiểm, chứng khoán, việc chuyển đổi này không khó khăn lắm do chỉ thay đổi quyền sở hữu vốn, giống như chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý việc thoái vốn phải được xây dựng, tính toán chuyển vốn sao cho hiệu quả và không để xảy ra chuyện lợi dụng việc thoái vốn để làm lợi cho một nhóm nào đó khi nhận nguồn vốn này.

Vì lợi ích nền kinh tế

Nhiều ý kiến lo ngại trong lúc TTCK đang đi xuống, các TĐ, TCT thoái vốn phải bán rẻ cổ phần của mình hoặc không ai mua, hoặc mất vốn của Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cần phải nhìn rộng hơn để từ đó có hướng dẫn xử lý hợp lý.

Bởi Nhà nước có thể mất nhưng toàn dân không mất gì cả. Nếu phục vụ quyền lợi của toàn dân, Chính phủ có mất mát vốn trong doanh nghiệp mà nhân dân làm ăn tốt lên, cả đất nước sẽ phát triển.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu các TĐ, TCT không thoái vốn đầu tư ngoài ngành ngay từ bây giờ, cái giá phải trả về sau sẽ rất lớn. Việc nghiêm túc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành không chỉ vì lợi ích của chính doanh nghiệp mà còn vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Một vấn đề khác cũng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm là việc thoái vốn sẽ được tiến hành ra sao để những doanh nghiệp bị thoái vốn không rơi vào tình trạng khó khăn, xáo trộn. Chẳng hạn với trường hợp của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) và CTCP PVI - 2 đơn vị PVN đang nắm giữ cổ phần lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, trong trường hợp này mức độ ảnh hưởng của PVN khi thoái hết vốn rất lớn đối với PVFC và PVI, bởi đây là những doanh nghiệp dựa nhiều vào thế mạnh của ngành.

Do vậy, những bước đi trong việc thoái vốn cần thận trọng, từng bước, theo lộ trình để vừa hoàn thành được yêu cầu thoái vốn, vừa không tác động quá nhiều đến hoạt động doanh nghiệp khi bị thoái vốn.

Còn theo ông Thực, với trường hợp của PVFC, PVI, PVN đang đề xuất Chính phủ cho giữ lại 20% vốn tại PVF (hiện đang nắm giữ 78%) thay vì phải thoái hoàn toàn, do PVFC đóng vai trò thu xếp vốn cho TĐ.

Còn đối với PVI, PVN cũng muốn giữ lại 18% vốn (đang giữ 35% vốn) vì doanh nghiệp này có vai trò giúp TĐ bảo hiểm những rủi ro trong quá trình khai thác dầu khí. Nếu thoái vốn hoàn toàn sẽ gây khó khăn cho PVN. 

Các tin khác