Thị trường vàng: Hoàn thiện cơ chế, ổn định thị trường

Những ngày đầu năm sau Tết Quý Tỵ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục dâng cao, lập kỷ lục trên 5 triệu đồng/lượng. Vậy việc quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đi theo hướng nào. nỗ lực quản lý đạt được kết quả tích cực hay còn nhiều vướng mắc, rào cản…  là vấn đề quan tâm hiện nay của người dân và nhà đầu tư. ĐTTC giới thiệu ý kiến của TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xoay quanh vấn đề này.

Những ngày đầu năm sau Tết Quý Tỵ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục dâng cao, lập kỷ lục trên 5 triệu đồng/lượng. Vậy việc quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đi theo hướng nào. nỗ lực quản lý đạt được kết quả tích cực hay còn nhiều vướng mắc, rào cản…  là vấn đề quan tâm hiện nay của người dân và nhà đầu tư. ĐTTC giới thiệu ý kiến của TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, xoay quanh vấn đề này. 

Chuẩn hóa thương hiệu và giao dịch vàng

Hiện nay NHNN đang gấp rút và chờ đợi khung pháp lý chính thức ban hành để vào cuộc mua bán, điều tiết thị trường.

Theo tôi, trước tiên để thực hiện việc giao dịch vàng, NHNN phải thành lập sàn vàng dành cho hoạt động mua bán, cất trữ (sau này có thể nâng cấp cho vàng tài khoản dành cho giới đầu tư), trong đó vàng phải được chuẩn hóa.

Theo Nghị định 24 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vàng miếng, đến nay NHNN đã cấp phép kinh doanh vàng miếng cho một số NHTM và doanh nghiệp, với điều kiện việc mua bán vàng miếng phải hợp pháp, đúng nơi, đúng chỗ. Như vậy, trong từng thời điểm, NHNN đang nỗ lực điều chỉnh, chuẩn hóa thương hiệu vàng SJC thành vàng miếng quốc gia và đã thành công.

Thứ nhất, chuẩn hóa thương hiệu vàng. Hiện nay, NHNN đứng ra sản xuất một thương hiệu vàng miếng quốc gia (đã được giao cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC), có nghĩa NHNN đã tận dụng một thương hiệu vàng miếng đang thống lĩnh thị trường, có nhà máy sản xuất và cung ứng vàng ra thị trường.

Tức NHNN sẽ quản lý quá trình sản xuất ra thành phẩm là vàng miếng SJC để phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện quá trình này có kho vàng quốc gia (ngân hàng vàng), do NHNN trực tiếp quản lý.

Vàng trong kho là vàng nhập khẩu và NHNN có thể dùng để cung cấp cho SJC sản xuất vàng miếng hoặc tiến hành tham gia mua bán trên thị trường.

Thứ hai, chuẩn hóa về giao dịch vàng, NHNN dự kiến quy định giao dịch mua bán giữa NHNN với các đơn vị tham gia thị trường được tính bằng lượng vàng.

Về điều này đã có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết, bởi có thể gây thiệt cho người nắm giữ vàng miếng mệnh giá nhỏ (1, 2, 3 chỉ…) và gây hao phí xã hội.

Tuy nhiên, giống như giao dịch cổ phiếu trên thị trường tài chính, chứng khoán phải chuẩn hóa theo lô, giao dịch vàng chuẩn hóa theo lượng cũng là điều cần thiết, nhằm tránh tình trạng giao dịch manh mún.

Có thể trong quá trình chuẩn hóa này của NHNN, nhiều đơn vị kinh doanh vàng lợi dụng những kẽ hở để ép giá gây thiệt cho người dân nắm giữ vàng miếng mệnh giá nhỏ, giống như việc chuẩn hóa thương hiệu vàng miếng SJC, đã phát sinh tình trạng người dân nắm giữ vàng miếng thương hiệu khác bị ép giá so với vàng thương hiệu SJC.

Tất nhiên, trong mục tiêu chuẩn hóa để quản lý thị trường vàng, NHNN đã cân nhắc điều này. Khi NHNN chuẩn hóa giao dịch vàng miếng bằng lượng, tự động SJC sẽ hạn chế và tiến tới không sản xuất vàng miếng mệnh giá nhỏ, giúp giao dịch vàng trên thị trường chuẩn hóa hơn.

Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước từ đâu?

Hiện nay, để chuyển đổi các thương hiệu vàng miếng phi SJC sang vàng SJC, NHNN đang cân nhắc cho phép các đơn vị thực hiện dần dần giải pháp tạm xuất tái nhập. Thay vì phải chịu tốn kém để phân kim vàng miếng phi SJC trong nước, xuất vàng miếng đó ra nước ngoài phân kim rẻ hơn, sau đó nhập lại vàng nguyên liệu hay vàng thỏi về.

Thời gian qua, trong quá trình quản lý thị trường vàng, NHNN chỉ cấp phép tạm xuất tái nhập để xử lý vàng phi SJC và tạo cung cho thị trường, nhưng không cấp phép nhập khẩu vàng để sản xuất tham gia bình ổn.

Bởi theo NHNN đây không phải là vấn đề thiết yếu, nếu  nhập vàng về bán sẽ hao tổn nguồn lực ngoại tệ của đất nước. Tuy nhiên, nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, NHNN sẽ phải giải quyết việc đầu cơ tích trữ, làm sao để giữa người mua và người bán tự cân đối.

Khách hàng mua vàng ngày Thần tài - mùng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ tại PNJ. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng mua vàng ngày Thần tài - mùng 10 tháng Giêng
năm Quý Tỵ tại PNJ. Ảnh: LONG THANH

Về việc dư luận cho rằng giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới 5,2 triệu đồng/lượng người mua bị thiệt, là không chính xác. Thực tế, người mua thiệt thì người bán thắng, tiền chảy từ túi người này qua túi người khác, người dân tham gia mua vàng phải chấp nhận rủi ro chênh lệch giá.

Nhiệm vụ của NHNN là giám sát những người trung gian (NHTM, doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng) không được lợi dụng để đầu cơ.

Hiện nay, để hạn chế các NHTM đầu cơ, NHNN đã ban hành quy định về trạng thái vàng của các NHTM không được quá 2% vốn chủ sở hữu, nếu giữ vượt tỷ lệ các NHTM này phải bán cho đơn vị khác.

Nhưng đối với đơn vị kinh doanh vàng miếng là doanh nghiệp, vấn đề này vẫn đang bị bỏ trống và chưa bị quản, nên vốn hoàn toàn có thể từ các NHTM chảy qua doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng.

Hiện NHNN chỉ mới ban hành dự thảo ủy thác đầu tư, cấm NHTM ủy thác đầu tư vàng nhằm giảm lượng tiền ngân hàng chảy qua doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng bằng con đường ủy thác đầu tư, nhưng con đường chính thống là con đường tín dụng vẫn bình thường.

Vô hình trung, NHTM sẽ cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng để đầu cơ, nhất là NHTM có doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng là “sân sau”. Theo đó, biết vàng sản xuất ra thị trường số lượng có hạn, cung không đủ cầu, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng mua vào găm vàng, neo giá cao.

Có nghĩa họ chốt giá bán để thu lợi nhuận trên vàng tồn kho. Thí dụ, vàng tồn kho có giá 42 triệu đồng/lượng, nhưng họ treo giá 47 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng người dân không mua, họ không bị áp lực, còn giá vàng thế giới giảm người dân mua, họ lại neo giá bán lên cao.

Vì thế, dù giá thế giới rớt hay tăng họ cũng không bị lỗ, họ có thể mua vàng của người dân giá thấp và bán ra cân đối, giá thế giới lên họ vẫn giữ được giá cao. Một hiện tượng đã xảy ra thời gian qua là khi giá vàng thế giới rớt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng lớn. Nhưng khi giá vàng thế giới tăng, khoảng cách này chựng lại.

Bịt “lỗ hổng” doanh nghiệp kinh doanh vàng

Có thể thấy, nếu NHNN bỏ trống lỗ hổng đầu cơ của doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng sẽ có các tác hại: Thứ nhất, chuyện đầu cơ tích trữ trong các đơn vị này là đương nhiên, từ đó việc quy định  trạng thái vàng 2% ở các NHTM cũng không có tác dụng, có giảm xuống 1% cũng không giải quyết được bài toán đầu cơ, bởi các NHTM không giữ quá 2% vì họ có các công ty vàng “sân sau”.

Cho dù có giảm trạng thái vàng cũng không giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, nên vấn đề cần tập trung giám sát là các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Thứ hai, hầu hết doanh nghiệp được kinh doanh vàng miếng đều có làm vàng nữ trang, đây là cơ hội cho nhập lậu vàng, tiếp tay tạo món lợi rất lớn cho các công ty.

Khi đó các công ty nhập lậu vàng sản xuất ra nữ trang và nói rằng, hiện nay vàng nữ trang còn rất nhiều nên có thể hợp thức hóa bằng cách xin giấy phép để tạm xuất vàng nữ trang và tái nhập vàng nguyên liệu.
Đây là khoảng trống nếu không xử lý sẽ tác động đến tỷ giá. Nghị định 24 của Chính phủ dù có quản lý nữ trang cũng chưa chặn được khoảng trống này. Bởi quản lý nữ trang phải quản lý được kê khai, sổ sách, kiểm tra xuất xứ…

Dù các doanh nghiệp kinh doanh vàng được quản lý theo Luật Doanh nghiệp, nhưng nếu có hoạt động kinh vàng thì NHNN có quyền quản lý, giống như UBCKNN quản lý các công ty chứng khoán. Ngay như UBCKNN cũng có quy định các công ty chứng khoán không được vay vốn để tự doanh… Bởi nếu doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng vay tiền để đầu cơ vàng mà giá vàng sụt giảm mạnh thì rủi ro tất yếu ảnh hưởng đến hệ thống NHTM.

Từ những vấn đề trên đặt ra câu hỏi là thị trường vàng có thực sự thiếu vàng miếng hay do đầu cơ? Thực tế, nếu đã xem vàng là tiền tệ do NHNN quản lý, thì không riêng gì các NHTM mà doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng nên chịu sự quản lý của NHNN, trong đó không chỉ quản lý cấp phép mà còn quản lý báo cáo, nhập, xuất, tồn (tức trạng thái vàng).

Một vấn đề khác nữa là, để giảm bớt lực cầu trên thị trường vàng miếng vật chất, NHNN đã ban ban hành nhiều quy định tiến đến chấm dứt huy động vàng (hiện NHNN quy định gia hạn đến ngày 30- 6-2013 các NHTM phải tất toán huy động vàng). Dù đã gia hạn, trễ hẹn lần này đến lần khác, nhưng đây là sự nỗ lực chuyển từ quan hệ huy động và cho vay vàng sang quan hệ mua bán vàng.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay nhiều NHTM vẫn đang giữ dùm vàng cho khách hàng, không trả lãi nhưng cũng không thu phí giữ hộ, nhằm mượn tạm thời số vàng của dân để giải quyết mất cân đối về trạng thái vàng của ngân hàng mình.

Đó là vấn đề NHNN phải sớm ban hành quy định để tránh tình trạng tất cả các hợp đồng giữ hộ vàng này sẽ được tất toán vào ngày 30-6-2013, lập tức giá vàng thời điểm đó bị neo lên cao.

Bởi lúc đó sẽ có một lực cầu không chỉ là nhà đầu tư mà lực cầu ngay chính bản thân các ngân hàng mua để tất toán các hợp đồng cũ. Quá trình tất toán trạng thái huy động và cho vay vàng là quá trình lịch sử, gánh nặng lớn cho hệ thống NHTM, đã có NHTM chịu thiệt hại lớn khi xử lý vấn đề này.

Do vậy NHNN cũng phải có động thái dứt khoát, chọn mốc xử lý dứt điểm để tránh kéo dài tạo tâm lý thích đầu tư cất trữ vàng trong dân cũng như ngăn chặn sự ỷ lại của các NHTM.

Các tin khác