Thị trường thức ăn nhanh: Cuộc chiến của những anh hào

Sau khi thương hiệu được đánh giá đứng thứ 2 thế giới là Buger King của Hoa Kỳ vào Việt Nam cuối năm 2012, “người khổng lồ” McDonald's chính thức mở cửa hàng vào đầu năm 2014 đã khiến thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam trở nên sôi động; đồng thời tạo thách thức lớn cho những thương hiệu hiện diện lâu nay.

Sau khi thương hiệu được đánh giá đứng thứ 2 thế giới là Buger King của Hoa Kỳ vào Việt Nam cuối năm 2012, “người khổng lồ” McDonald's chính thức mở cửa hàng vào đầu năm 2014 đã khiến thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam trở nên sôi động; đồng thời tạo thách thức lớn cho những thương hiệu hiện diện lâu nay.

Đủ mặt anh tài

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi người Việt Nam chỉ biết đến những món ăn quen thuộc như cơm, phở, xôi… thì những tập đoàn thức ăn nhanh trên thế giới như Jollibee (Philippines), KFC (Hoa Kỳ) và Lotteria (Hàn Quốc) đã đầu tư mở các cửa hàng thức ăn nhanh tại TPHCM.

Cụ thể, Jollibee mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1996, KFC năm 1997 và Lotteria năm 1998. Từ đó người Việt bắt đầu biết đến món gà rán, bánh hamburger dùng kèm nước uống có gas...

 Vào sau những thương hiệu cùng ngành như KFC, Lotteria hay Jollibee… nhưng nếu nhìn vào sự tăng trưởng của thị trường và cơ hội chia thị phần, McDonald's vào lúc này rất phù hợp. Bởi thực tế thương hiệu McDonald's chưa vào Việt Nam nhưng món ăn nhanh này đã có không ít người tiêu dùng Việt Nam biết đến. Vì thế, đây là thời điểm thuận lợi để McDonald's thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ông Đoàn Đình Hoàng,
Chuyên gia thương hiệu

Nhưng để người dân làm quen với đồ ăn theo hương vị “tây” này không phải là điều đơn giản. Chỉ tính riêng KFC, thương hiệu này đã phải chịu lỗ trong suốt 7 năm đầu, tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng theo đó cũng bị chậm lại.

Trong thời gian này KFC chỉ phát triển thêm khoảng 17 cửa hàng. Để gần với gu ẩm thực người Việt, thương hiệu này đưa thêm vào thực đơn của mình những món như gà giòn không xương, cơm gà, bắp cải trộn…

Với sự nỗ lực này, KFC đã dần chiếm lĩnh được sự ưa thích của giới trẻ. KFC bắt đầu tăng tốc mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại nhiều thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ…

Bức tranh của thị trường thức ăn nhanh bắt đầu có thêm nhiều mảnh ghép. Và từ năm 2004 đến nay, con số cửa hàng của 3 thương hiệu trên tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay Lotteria đang dẫn đầu về số lượng với khoảng 146 cửa hàng, KFC khoảng 134 cửa hàng và Jollibee với chừng 30 cửa hàng.

Ngoài ra thị trường thức ăn nhanh còn có thêm nhiều cái tên đình đám khác như Pizza Hut, Domino Pizza, Subway, đặc biệt là cuộc đổ bộ của thương hiệu thức ăn nhanh lớn thứ 2 của Hoa Kỳ Burger King vào năm 2012.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu thị trường thức ăn nhanh, Việt Nam đang là một thị trường rất tiềm năng. Nếu những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã biết đến thức ăn nhanh từ khoảng 30-40 năm trước, người dân Việt mới chỉ hình thành thói quen này khoảng 15 năm nay. Điều này cho thấy dư địa phát triển thị trường còn rất lớn.

Cùng với đó, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó khoảng 65% là người trong độ tuổi dưới 35, những người sẵn sàng chi tiền để thưởng thức những món ăn từ các cửa hàng thức ăn nhanh. Nhìn lại bức tranh chung của thị trường thức ăn nhanh Việt Nam có thể thấy đã gần đủ hết các tên tuổi lớn.

Song giới trong ngành cũng như người tiêu dùng vẫn mong ngóng một cái tên hiện đang dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh thế giới là McDonald's. Và đến khi “gã khổng lồ” này chính thức thông tin trên website toàn cầu của mình về việc đã chọn được đối tác nhượng quyền tại Việt Nam, sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên vào đầu năm 2014, cuộc đua bắt đầu nóng lên và được dự báo sẽ gay cấn hơn nhiều.

Phá thế thị phần nếu có McDonald's?

Gã khổng lồ McDonald's hiện đang là một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh thế giới. Hiện nay với hơn 34.000 cửa hàng, mỗi ngày phục vụ gần 70 triệu khách hàng tại 100 quốc gia,  McDonald's bán những món ăn đặc trưng như sandwich Big Mac, burger phô mai và khoai tây chiên.

Trên thực tế, theo một số nguồn tin, McDonald's đã để ý đến thị trường Việt Nam cách đây chừng chục năm, nhưng do chưa thấy được sự chắc chắn về nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như nhiều yếu tố khác, nên McDonald's chưa nhắc đến Việt Nam trong chiến lược mở rộng thị trường châu Á.

Giới thiệu thức ăn nhanh tại một hội chợ. Ảnh: L. THANH

Giới thiệu thức ăn nhanh tại  một hội chợ. Ảnh: L. THANH

Tuy nhiên, khoảng giữa năm 2012, tập đoàn này đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và đánh tiếng rằng đang tìm kiếm đối tác nhượng quyền thương mại để 2 hoặc 3 năm nữa sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên… Những thông tin không chính thống này đã làm dấy lên nhiều tin đồn xung quanh đối tác sẽ được nhận nhượng quyền của McDonald's.

Ai cũng biết để có thể nhận nhượng quyền của thương hiệu này đối tác phải có tiềm lực tài chính lớn, phải chứng minh được khả năng huy động vốn, có kinh nghiệm kinh doanh, khả năng quản lý…

Đã có rất nhiều hồ sơ của những tập đoàn sừng sỏ được gửi cho McDonald's, nhưng ngày 15-7 trên website toàn cầu của mình, thương hiệu này đã chính thức công bố ông Nguyễn Bảo Hoàng, người sáng lập Công ty Good Day Hospitality hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures, sẽ là đối tác của McDonald's tại Việt Nam.

Tất nhiên đây là thương vụ riêng của cá nhân ông Hoàng và Good Day Hospitality, không liên quan đến IDG Ventures. Cho đến nay cả 2 bên bán và mua nhượng quyền đều không tiết lộ chi phí nhượng quyền. Song theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, tổng vốn đầu tư cho một cửa hàng McDonald's sẽ vào khoảng 200.000 - 2,2 triệu USD.

Việc McDonald's có mặt tại Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra một cuộc đua kỳ thú. Và trong cuộc đua này tất cả thương hiệu thức ăn nhanh đều hưởng lợi vì sẽ tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ trong phong cách tiêu dùng, quan trọng ở chỗ là ai dành được miếng bánh thị phần nhiều hơn.

Việc McDonald's chính thức có cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm sau đã khiến giới trong ngành liên tưởng đến hiện tượng Starbuck. Thời điểm Starbuck vào Việt Nam, thị trường cà phê Việt cũng đã có những cái tên lớn như The Coffee Bean hay Gloria Jeans, nhưng tất cả cũng không làm người tiêu dùng thôi háo hức.

Tất nhiên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định McDonald's có thể đi sau về trước ở thị trường Việt Nam hay không. Bởi trên thực tế thương hiệu này đang xếp thứ 2 tại Trung Quốc sau KFC, còn tại thị trường Philippines họ cũng bị Jollibee qua mặt. Đó là chưa kể tình hình kinh doanh chung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông của McDonald's không được như mong đợi. Doanh số bán hàng chỉ tăng khoảng 0,9%. Đặc biệt tổng doanh thu trên toàn cầu của thương hiệu này trong quý I năm nay đã sụt giảm 1%.

Kích hoạt đầu tư mới

Cho đến nay nếu nói về thức ăn nhanh “made in Vietnam” người ta sẽ nhắc ngay đến cái tên Vietmac hay gần đây là Apprice (công ty con của Vietmac). Mặc dù đã tạo nên nét khác biệt mang văn hóa ẩm thực của người Việt Nam là cơm kẹp, nhưng cũng chưa dám khẳng định Vietmac có thể làm nên điều gì giữa một rừng thương hiệu ngoại đình đám đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Những thương hiệu này đang tạo ra một cuộc đua mà nếu muốn tồn tại doanh nghiệp Việt buộc phải chọn thị trường ngách như lời chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến.

Nếu xét về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm… doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với những tập đoàn lớn trên thế giới. Song tính địa phương của ẩm thực vẫn tồn tại nên vẫn còn ngách cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đầu tư cho đúng.

Ông Lý Trường Chiến,
Chuyên gia kinh tế

Cuộc đua quan trọng nhất các thương hiệu dù mới hay cũ đều có sự chuẩn bị đó chính là việc mở rộng chuỗi cửa hàng của mình. Bởi đó chính là một trong những bí quyết làm nên thành công của các thương hiệu thức ăn nhanh.

Để đón đầu McDonald's, những thương hiệu đến trước như Lotteria hay KFC đang có những chiến lược mở rộng mạnh mẽ. Dự kiến, năm nay Lotteria mở thêm vài chục cửa hàng và đây cũng là con số nằm trong kế hoạch của KFC. Burger King cũng không dấu tham vọng nâng số lượng cửa hàng vượt qua con số 20 trong năm nay.

Ngay cả McDonald's dù chưa có cửa hàng nào cũng cho biết kế hoạch của họ sẽ mở 100 cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong tương lai. Cuộc đua này sẽ dẫn đến một cuộc đua nóng khác là việc tìm kiếm mặt bằng ở những vị trí đẹp tại các thành phố mà những thương hiệu này để mắt tới.

Vậy trong cuộc đua này người đến sau liệu có thể thắng người đến trước? Thực tế những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh như McDonald's có lẽ không quá e ngại việc này. Bằng chứng là dù vào sau nhưng Starbuck vẫn có một vị trí đẹp ngay tại khách sạn New World (quận 1, TPHCM), còn những cái tên như Gloria Jeans Coffee phải rời bỏ ‘khu đất vàng” Đồng Khởi vì không chịu nổi chi phí thuê mặt bằng.

Hay Burger King sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ để thuê lại những mặt bằng “đắc địa” của đối thủ nhằm nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng. McDonald's có gặp thách thức khi vào thị trường Việt Nam?

Theo ý kiến ông Đoàn Đình Hoàng, bất kỳ sự thâm nhập nào cũng xác định phải đối mặt với nhiều thách thức. Song trường hợp của McDonald's đã có kinh nghiệm phát triển toàn cầu. Thách thức nếu có cũng không đang kể, vì một số trở ngại ở thị trường địa phương có thể được giải quyết tốt với một đối tác có thâm niên về thị trường Việt Nam.

Các tin khác