Thị trường ngoại tệ: Tiềm ẩn bất ổn

LTS: Những ngày gần đây, tỷ giá USD có những diễn biến phức tạp mà nguyên nhân được xác định chủ yếu từ biến động giá vàng. thông tin ngân hàng nhà nước việt nam (NHNN) đang chuẩn bị mở lại một loạt các công cụ kinh doanh trên thị trường vàng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm liên thông giá vàng trong và ngoài nước chưa gây tác động rõ rệt trên thị trường. giá usd trên thị trường tự do vẫn “nhảy múa” theo giá vàng.

LTS: Những ngày gần đây, tỷ giá USD có những diễn biến phức tạp mà nguyên nhân được xác định chủ yếu từ biến động giá vàng. thông tin ngân hàng nhà nước việt nam (NHNN) đang chuẩn bị mở lại một loạt các công cụ kinh doanh trên thị trường vàng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm liên thông giá vàng trong và ngoài nước chưa gây tác động rõ rệt trên thị trường. giá usd trên thị trường tự do vẫn “nhảy múa” theo giá vàng.

Tỷ giá tự do nhảy vọt

Ngày 5-10, NHNN bất ngờ nâng tỷ giá liên ngân hàng tăng lên 10 đồng, từ mức 20.628 đồng lên 20.638 đồng/USD. Đây là lần thay đổi đầu tiên sau 35 ngày giữ nguyên cố định mức tỷ giá liên ngân hàng. Theo đó, hôm qua đồng loạt các NHTM đều niêm yết giá bán USD kịch trần và giá mua sát trần cho phép.

Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank là 20.840 - 20.844 đồng/USD; tỷ giá tại BIDV là 20.834 - 20.844 đồng/USD; tại  Eximbank là 20.820 - 20.844 đồng/USD…

Lợi nhuận kinh doanh ngoại tệ gia tăng đã khiến giới đầu cơ có thể dùng mọi thủ thuật để “lách  luật”, cơ quan quản lý khó có thể phát hiện và xử lý. Bởi, 3 tháng cuối năm nhu cầu ngoại tệ đáp ứng khách cá nhân lẫn doanh nghiệp đang tăng cao. Vì thế các NHTM cũng bắt đầu chọn lọc khách hàng để bán ngoại tệ. Điều này gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp lẫn NHTM là rủi ro thanh khoản và rủi ro nợ xấu nếu tỷ giá biến động theo xu hướng tăng.

TS. LÊ THẨM DƯƠNG,
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD trên thị trường tự do từ mức 21.450 đồng/USD (hồi đầu tuần) đã nhảy vọt lên 21.600 đồng/USD (ngày hôm qua), tăng 150-200 đồng/USD so với ngày trước đó. So với giá USD của các NHTM, giá USD trên thị trường tự do đã cao hơn từ 600 – 800 đồng/USD.

Tại nhiều tiệm vàng ở TPHCM, giá chào mua, bán USD chênh lệch nhau khá xa, từ 150-200 đồng/USD. Cụ thể tại chợ Bàn Cờ (TPHCM) giá mua bán 21.490 - 21.600 đồng/USD; tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, một tiệm vàng chào giá USD mua vào ở 21.450 đồng/USD và bán ra ở 21.600 đồng/USD.

Nhiều NHTM cho biết tỷ giá giao dịch mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng cao và số lượng giao dịch khá lớn.

Khi tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh, hoạt động kinh doanh ngoại tệ có xu hướng sôi động, kéo theo các quầy thu đổi ngoại tệ được NHNN cấp phép kinh doanh bắt đầu găm giữ ngoại tệ, ít bán ngoại tệ lại cho các NHTM theo cam kết trước đó.

Nhiều NHTM đang đẩy mạnh thu mua USD, nâng giá mua bán cao nên thị trường tự do cũng tăng theo. Không ít doanh nghiệp thừa nhận chênh lệch giữa tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức càng rộng, thì doanh nghiệp sẽ buộc phải mua giá USD tại các NHTM vượt trần tỷ giá cho phép.

Trước tình trạng này, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất ở các quầy thu đổi ngoại tệ lẫn các NHTM. Nếu phát hiện tình trạng vi  phạm trong mua bán ngoại tệ vượt trần sẽ báo cáo NHNN xử lý mạnh tay. Tuy nhiên, Hiện NHNN có đủ nhân lực để can thiệp trước việc tái diễn “sốt” giá USD. Bởi lẽ bên cạnh yếu tố tâm lý “đến hẹn lại lên” còn do yếu tố cầu ngoại tệ tăng cao trong khi nguồn cung có hạn.

Tác động từ vàng?

Lý giải về sự biến động giá USD, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB, cho rằng trong cuộc họp một ngày trước đó của NHNN với các NHTM, NHNN cho biết từ nay đến cuối năm sẽ điều chỉnh tỷ giá linh hoạt phù hợp với cung cầu của thị trường. Vì thế có thể nhiều đơn vị đã “đi trước đón đầu” đẩy giá mua bán USD lên cao.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần khác, hiện tại nước ta đang chịu sức ép cuối năm như nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Nếu tiếp tục duy trì tỷ giá chính thức ở mức thấp so với tỷ giá thực tế sẽ khiến tình trạng nhập siêu càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối của NHNN.

Vì vậy, việc nâng tỷ giá liên ngân hàng sẽ giúp hạn chế tình trạng nhập siêu, đưa tỷ giá sát mức tỷ giá thực tế hơn.

Giao dịch ngoại tệ tại Eximbank. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch ngoại tệ tại Eximbank. Ảnh: LÃ ANH

Một chuyên gia ngân hàng trao đổi với ĐTTC thì cho rằng chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ tăng cao nên các doanh nghiệp và vài NHTM đã và đang tận dụng sự chênh lệch này để thực hiện hoạt động carry trade.

Đây là một hoạt động mà trong đó nhà đầu tư bán một ngoại tệ cụ thể có tỷ số lãi suất cho vay tương đối thấp và dùng số tiền thu được để mua một loại ngoại tệ khác có tỷ số lãi suất tương đối cao, nhằm kiếm lời dù họ không thực sự có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán.

Hiện nay nhiều NHTM tham gia vào hoạt động carry trade, tăng cường mua USD để trả các khoản cho vay khống đã thực hiện trước đó khi đáo hạn. Điều này cũng tạo ra áp lực cộng gộp nhiều hơn lên tỷ giá.

Một nguyên nhân nữa từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều nguồn tin cho thấy NHNN đã có hành động bán USD ra can thiệp thị trường ngoại tệ, nhất là khi NHNN mở quota cho nhập khẩu vàng trở lại. Tuy nhiên, sự can thiệp của NHNN cũng có giới hạn bởi nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia nước ta không lớn.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch nhập khẩu vàng tháng 9 đạt khoảng 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm nay lên 1,5 tỷ USD. Nếu so cùng kỳ năm ngoái ở mức 0,36 tỷ USD, lượng và giá trị vàng nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 4 lần.

Với việc tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn nhập vàng như vậy có thể cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá nóng lên thời gian qua. Trong cuộc họp mới đây với 12 NHTM, NHNN cũng thừa nhận giá vàng trong nước và quốc tế biến động thất thường, hoạt động mua bán vàng gia tăng đột biến đang gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Trên thị trường nhu cầu mua vàng của dân vẫn tiếp tục tăng từng ngày. Chênh lệch giá thế giới và trong nước vẫn lớn dẫn đến nhu cầu lậu kéo theo cầu USD nhập vàng tăng mạnh dù NHNN không cấp quota nhập vàng nữa. Hiện nay để hạn chế tình trạng nhập lậu vàng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết sẽ không gia công vàng nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng.

Nhưng theo nguồn tin riêng của ĐTTC, vẫn có những thương hiệu khác sẵn sàng gia công dập vàng miếng đối với nguồn vàng không rõ nguồn gốc, miễn sao khi kiểm định vàng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn sản xuất vàng miếng. Cũng dễ hiểu, bởi hiện nay phí gia công vàng đã tăng từ 90.000 đồng/lượng lên 450.000 đồng/lượng.

Cửa khó ổn định tỷ giá

Báo cáo mới đây của NHNN cho biết thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến ổn định. Trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống tiếp tục duy trì mức dương, doanh số mua bán trên thị trường liên ngân hàng và giữa ngân hàng với khách hàng tăng nhẹ. Trước đó, theo tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tỷ giá sẽ được duy trì ổn định, nếu có điều chỉnh cũng không vượt quá 1%.

 Nếu quy đổi theo giá USD tự do hiện nay, mức giá vàng ngày 5-10 chưa tính chi phí các loại, mỗi lượng vàng nhập lậu về Việt Nam có thể có khoản lời 2,2 triệu đồng/lượng. Và nếu cơ quan quản lý không có giải pháp bịt “lỗ hổng” này, giá vàng sẽ tiếp tục là tác nhân chính gây biến động thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với sự biến động của thị trường ngoại tệ tự do hiện nay, các chuyên gia cho rằng NHNN đang đứng trước cửa khó: NHNN hoặc lựa chọn phải tiếp tục bán USD ra để bình ổn thị trường, hoặc chấp nhận phá giá USD, hoặc kết hợp cả hai như đã làm trong giai đoạn đầu năm 2011.

Nhiều nhận định NHNN sẽ không phá giá tại thời điểm này mặc dù tỷ giá trên thị trường tự do đang tăng đáng kể. Chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và trần tỷ giá chính thức đã lên tới 3,3%. Tỷ giá vẫn tiếp tục nóng nếu không có giải pháp liên thông giá vàng thế giới.

Trong ngày 5-10, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục cao hơn so với giá vàng thế giới ở mức 3 triệu/lượng. Nếu quyết định phá giá sẽ không giúp cải thiện niềm tin tiền đồng trong thời gian tới, nhưng nếu tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường cũng không phải là giải pháp dài hạn và căn cơ.

Mới đây, NHNN cho biết sẽ kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường I và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng không có nguồn thu bằng ngoại tệ từ sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; từng bước thực hiện tốt chủ trương chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ…

Đây cũng được xem là những giải pháp tích cực giúp giảm áp lực thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, NHNN cần nhìn thẳng vào nguyên nhân chính dẫn đến biến động ngoại tệ, từ đó có giải pháp triệt tiêu, trị dứt điểm căn bệnh “nhảy giá” trên thị trường vàng tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối.

Yếu tố bất ổn giá vàng cộng gộp tâm lý e ngại lạm phát sẽ làm thị trường ngoại hối biến động, tiềm ẩn bất ổn nếu chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu.

Các tin khác