Thị trường bảo hiểm: Cuộc cạnh tranh “miếng bánh” thị phần

Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây tuy có giảm nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Tuy nhiên, sự phát triển thường kéo theo nhiều bất cập, đặc biệt năm 2013 được dự báo chưa hết khó khăn, đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải có những chiến lược cụ thể để tồn tại và phát triển.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây tuy có giảm nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Tuy nhiên, sự phát triển thường kéo theo nhiều bất cập, đặc biệt năm 2013 được dự báo chưa hết khó khăn, đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải có những chiến lược cụ thể để tồn tại và phát triển.

Tiềm năng lớn

Sau 15 năm mở cửa thị trường, nền kinh tế Việt Nam có những biến chuyển mạnh mẽ. Thị trường bảo hiểm nước ta nói chung và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (PNT), bảo hiểm nhân trọ (BHNT) nói riêng cũng ngày càng được mở rộng với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế vào việc kinh doanh dịch vụ bảo hiểm.

Tính đến nay, cả nước đã có 28 doanh nghiệp bảo hiểm PTN, 11 doanh nghiệp BHNT, 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoạt động. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của hơn 33 văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm và công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài.

Rất nhiều loại sản phẩm BHNT và PTN liên quan tới bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm… đã được các công ty triển khai cung cấp cho khách hàng, đáp ứng phần nào nhu cầu phong phú, đa dạng của người tham gia bảo hiểm và tạo được sự lựa chọn mang tính cạnh tranh cho khách hàng.

Cuộc chơi nào cũng phải có kẻ ở người đi nên việc một số công ty rời khỏi thị trường BHNT Việt Nam cũng không có gì lạ. Khó khăn thách thức của doanh nghiệp này có thể là cơ hội cho doanh nghiệp khác.

Ông Phùng Đắc Lộc,
Tổng thư ký Hiệp hội
Bảo hiểm Việt Nam

Theo Hiệp hội Bảo hiểm (HHBH) Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường bảo hiểm khoảng 22%, cho thấy thế mạnh và bước đột phá lớn của ngành bảo hiểm Việt Nam. Năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh thông qua vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ, làm khả năng thanh toán và mức giữ lại của từng doanh nghiệp nâng lên rõ rệt, tăng khả năng nhận tái bảo hiểm, từ đó tạo ra nguồn vốn lớn để đầu tư lại cho nền kinh tế. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò.

Đây thực sự là một kênh huy động vốn quan trọng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu vốn đầu tư đã chuyển mạnh từ đầu tư ngắn hạn (chủ yếu là gửi tại các tổ chức tín dụng) sang đầu tư dài hạn theo các danh mục đầu tư như: mua trái phiếu chính phủ, đầu tư trực tiếp các kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống…

Bên cạnh sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, sự mở rộng quy mô hoạt động, số lượng người làm việc trong ngành bảo hiểm cũng tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm cho hơn 14.000 cán bộ, nhân viên và hơn 140.000 đại lý bảo hiểm trên cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép hoạt động ngày một gia tăng càng làm cho môi trường bảo hiểm vốn đã có sự cạnh tranh gay gắt nay càng gay gắt hơn, đặc biệt nguồn nhân lực luôn bị xáo trộn bởi sự chèo kéo của các doanh nghiệp mới.

Tính chất khắc nghiệt này đã buộc các công ty bảo hiểm phải chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng mạng lưới phân phối và điều quan trọng là đánh thức nhu cầu bảo hiểm từ người dân thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ giám định và giải quyết bồi thường.

Thách thức và cơ hội

Ngày nay, bảo hiểm không còn quá xa lạ với cộng đồng xã hội. Người dân đã bắt đầu nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm đối với cộng đồng và cuộc sống cá nhân. Sự tương tác này đã làm cho “miếng bánh” thị phần bảo hiểm được mở rộng, không bị thu hẹp, co cụm như thời gian trước.

Dự báo từ nay đến năm 2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển và biến chuyển không ngừng. Gần đây việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước phát triển nhanh chóng, kéo theo ngành bảo hiểm cũng phát triển. Điều đó mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Trong mảng bảo hiểm PNT, khối nội không chỉ vượt trội về số lượng mà còn chiếm lĩnh cả thị phần. Theo số liệu thống kê của HHBH Việt Nam, hiện nay 17 doanh nghiệp bảo hiểm PNT trong nước đang chiếm gần 80% thị phần, 12 doanh nghiệp FDI chia nhau 20% thị phần còn lại.

Trong đó một số doanh nghiệp nội trong tốp dẫn đầu hiện nay như Bảo Việt, Bảo Minh, Petrolimex, PIV hay bảo hiểm bưu điện… Nhưng độc quyền khai thác dịch vụ bảo hiểm của ngành mình như xăng dầu, bưu điện… lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường bảo hiểm PNT.

Tư vấn cho khách hàng tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Ảnh: CAO THĂNG

Tư vấn cho khách hàng tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Ảnh: CAO THĂNG

Thị trường bảo hiểm PNT năm 2013 được dự báo tăng trưởng khoảng 10-11% (thấp hơn năm 2012), doanh nghiệp nội chạy đua mở rộng thị phần, tăng nóng doanh thu, đã rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm qua có tới 17/29 doanh nghiệp bảo hiểm PNT lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó có 7 doanh nghiệp lãi đầu tư không đủ bù lỗ kinh doanh bảo hiểm, thậm chí VASS (Bảo hiểm Viễn Đông) lỗ cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và đầu tư tài chính. Nếu mảng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc phải tuân thủ quy định không khuyến mại dưới mọi hình thức (tất nhiên vẫn có không ít trường hợp lách luật khuyến mại và lỗi thường được đẩy qua cho các đại lý), mảng bảo hiểm tự nguyện các doanh nghiệp tha hồ làm mưa làm gió, tăng hoa hồng cho đại lý, tung ra các gói khuyến mại khủng cho khách hàng, ít chú trọng đánh giá rủi ro.

Trong khi đó, BHNT được xem như là sân chơi của khối ngoại khi trong danh sách 15 doanh nghiệp tham gia thị trường có tới 14 doanh nghiệp FDI, chỉ có 1 cái tên nội là Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ. Và theo những thông tin chưa chính thức, đến cuối năm nay sẽ có thêm 2 doanh nghiệp FDI và liên doanh tham gia thị trường BHNT.

Có vẻ như Bảo Việt nhân thọ vẫn còn đơn độc trên cuộc đua đường trường này, dù thị trường BHNT Việt Nam luôn được đánh giá có sức hấp dẫn cao. Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu dân nhưng mới 10% người dân có hợp đồng BHNT (tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM mới có 25% người dân sở hữu sản phẩm bảo hiểm, trong đó đa phần sở hữu 1 sản phẩm bảo hiểm).

Thực ra, không phải doanh nghiệp nội không quan tâm thị trường này, bởi muốn tham gia đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính vững chắc. Khác với bảo hiểm PNT hợp đồng thường 1 năm, hợp đồng BHNT kéo dài vài chục năm, đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 600 tỷ đồng và chấp nhận lỗ khoảng 10 năm.

Cũng như bảo hiểm PNT, BHNT có những cuộc cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân bị giảm sút, khiến tỷ lệ hủy hợp đồng trong năm đầu tiên khá cao. Như năm 2012, doanh thu phí BHNT ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12% nhưng thấp hơn dự báo và hầu hết doanh nghiệp không đạt doanh thu như mong đợi.

Tăng cường quản lý

Thực tế hiện nay dù trong mảng bảo hiểm nào việc cạnh tranh không lành mạnh vẫn đang diễn ra công khai, nên rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.

Trong năm 2012 vừa qua, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh 5 doanh nghiệp bảo hiểm PNT, 5 doanh nghiệp BHNT và 3 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, qua đó phát hiện nhiều sai phạm về chia sai tỷ lệ hoa hồng, bồi thường chưa đúng quy định…

Nếu kiểm tra hết, 100% đơn vị bảo hiểm đều có sai phạm. Vì thế, các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó các khung xử phạt sẽ được quy định theo hướng rộng và mạnh tay hơn.

Ông Trịnh Thanh Hoan,
Cục trưởng Cục Quản lý giám sát
bảo hiểm

Để giảm việc thua lỗ triền miên của doanh nghiệp bảo hiểm, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cấu trúc các doanh nghiệp này. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm được phân loại theo 4 nhóm: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm PNT hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc có lãi từ 2 năm liên tục trở lên.

Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm PNT đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục.

Nhóm 3 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán.

Nhóm 4 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Căn cứ vào các tiêu chí này, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá, phân loại doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, 100% các doanh nghiệp BHNT thuộc nhóm 1. Lĩnh vực bảo hiểm PNT có 9 doanh nghiệp thuộc nhóm 1, 19 doanh nghiệp thuộc nhóm 2 và 1 doanh nghiệp thuộc nhóm 3, không có doanh nghiệp thuộc nhóm 4.

Đối với doanh nghiệp thuộc nhóm 3, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, thực hiện các giải pháp cần thiết để tái cấu trúc nhằm giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam có những bước đi bền vững; phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2013 doanh thu phí bảo hiểm PNT tăng 10-12%, BHNT tăng 12-14%; tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 95.000 tỷ đồng.

Các mục tiêu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài chính đề ra.

Các tin khác