Thâu tóm thương hiệu: Cuộc chiến chưa dừng lại

Vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu Việt đình đám dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Và xu hướng thâu tóm thương hiệu Việt sẽ chưa dừng lại nhất là khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở hơn bao giờ hết.

Vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu Việt đình đám dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Và xu hướng thâu tóm thương hiệu Việt sẽ chưa dừng lại nhất là khi cánh cửa hội nhập đang rộng mở hơn bao giờ hết.

Những thương vụ hời?

Nếu như thương vụ bán kem đánh răng Dạ Lan của ông Trịnh Thành Nhơn được xem là bài học đắt giá cho việc chưa ý thức được giá trị thương hiệu, vài năm trở lại đây những cuộc thâu tóm thương hiệu Việt của các đại gia ngoại đang được nhìn nhận một cách thoáng hơn. Đó là người mua hài lòng và người bán cũng không cảm giác tiếc nuối. Thậm chí những đánh giá bên ngoài còn cho rằng người bán được hời trong những thương vụ này.

Trước hết có lẽ phải kể đến 2 thương vụ mua bán đình đám, thu hút sự chú ý của cả giới trong và ngoài ngành, đó là CTCP Diana và Phở 24 “bán mình” cho đối tác ngoại. Trước hết phải khẳng định chủ của 2 thương hiệu này là những doanh nhân sành sỏi, hiểu rất rõ giá trị thương hiệu của mình. Họ là Lý Quý Trung - chủ thương hiệu Phở 24 và 2 anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú - chủ thương hiệu Diana.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, khái niệm thương hiệu thuần túy được sở hữu bởi người Việt Nam hay người Hoa Kỳ dường như đã thay đổi. Bởi một doanh nghiệp khi trở thành công ty đại chúng sẽ đa sở hữu, quan trọng là nó khởi nguồn từ quốc gia nào, còn việc thay đổi ông chủ là bình thường. Phở 24 có thể bán cho người nước ngoài nhưng vẫn là phở Việt Nam.

Ông Phạm Việt Anh,
Chủ tịch HĐTV Công ty Left Brain Connectors

Nói về câu chuyện của anh em nhà họ Đỗ, thương vụ bán cổ phần của họ cho Unicharm (Nhật Bản) được Tạp chí tài chính hàng đầu châu Á The Asset đánh giá là thương vụ tốt nhất khu vực, với giá trị khoảng 185 triệu USD. Bản thân người trong cuộc cũng tỏ ra hài lòng không chỉ vì giá trị của cuộc chuyển nhượng, mà theo họ dưới thời Unicharm, sản phẩm xuất xứ Việt Nam có cơ hội vươn ra toàn cầu.

Khác với thương vụ ồn ào của Diana, ông Lý Quý Trung đã khiến giới trong và ngoài ngành bất ngờ khi bán thương hiệu Phở 24 cho Highlands Coffee. Người ta không bàn tới giá trị thương vụ, bởi họ hiểu rằng một người như ông Trung chắc sẽ biết làm gì tốt nhất cho mình và thương hiệu của mình.

Tương tự, một vụ mua bán trong ngành vật liệu xây dựng cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là thương hiệu gạch men Prime bán cho Tập đoàn SCG của Thái Lan. Ông chủ của Prime thu về 5.000 tỷ đồng và đây được cho là món hời. Những thương vụ mua bán gây tiếng vang lớn tiếp tục diễn ra trong năm 2014.

Một trong số đó là việc CTCP Kinh Đô bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo của cho đối tác Hoa Kỳ là Tập đoàn Mondelez International. Thương vụ này có giá 7.846 tỷ đồng (370 triệu USD).

Chia sẻ lý do bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại khi công ty vẫn tăng trưởng ổn định, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh Đô, cho biết dù đang dẫn đầu thị trường bánh kẹo trong nước nhưng ngành hàng này không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu. Chính vì vậy, thương vụ trên nhằm tạo điều kiện cho Kinh Đô chuyển hướng đầu tư vào các ngành khác như cà phê, mì gói, dầu ăn...

Trước thương vụ của Kinh Đô là vụ việc Nguyễn Kim bán 49% cổ phần của mình cho một công ty con thuộc Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan - cũng khiến nhiều người hết sức bất ngờ.

Những thương vụ được kể ra trên đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến thâu tóm thương hiệu Việt vì còn rất nhiều những thương vụ khác, như Tribeco bị thâu tóm bởi Uni President; hay câu chuyện của bia Huda cũng từng khiến người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng miền Trung phải tiếc nuối; hoặc ICP (có thương hiệu mỹ phẩm dành cho nam giới X-Men) bán 85% cổ phần cho Tập đoàn Marico (Ấn Độ)…

Và chắc chắn danh sách này chưa dừng lại. Điển hình như mới đây, dư luận khá quan tâm đến việc Sabeco sẽ bán bớt 53% cổ phần, giảm sở hữu nhà nước từ 89% xuống 36%. Hiện có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Sabeco và giả sử một nhà đầu tư ngoại mua được tỷ lệ cổ phần này, điều khiến nhiều người quan tâm là Sabeco có dần bị mất hút không?

Bán rồi vẫn là thương hiệu Việt?

Trở lại câu chuyện Kinh Đô, dù đã bán 80% cổ phần cho đối tác ngoại nhưng doanh nghiệp này vẫn nhận giải thưởng thương hiệu quốc gia năm 2014. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh theo quy định pháp luật của Việt Nam, cần phải bảo vệ vì vốn được thành lập, hoạt động sản xuất có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với Kinh Đô hiện vẫn là doanh nghiệp Việt dù có bao nhiêu phần trăm cổ phần bán cho đối tác ngoại. Không chỉ Kinh Đô, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cổ phần từ doanh nghiệp ngoại. “Chúng tôi không phân biệt các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Họ thành lập, sản xuất, kinh doanh được pháp luật Việt Nam ủng hộ và công nhận đó là thương hiệu của quốc gia” - ông Hải nói.

Thương hiệu mạnh là thương hiệu khiến người tiêu dùng chấp nhận trả cao hơn ít nhất 20% số tiền so với hàng cùng chủng loại; được chọn mua đầu tiên, thậm chí mua ngay cả khi chưa có nhu cầu. Vì thế trong cuộc chiến này, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu, bởi hơn ai hết, doanh nghiệp biết rõ thị trường, khách hàng của mình thế nào, Chính phủ chỉ hỗ trợ phần chính sách.

Ông Nguyễn Thanh Sơn,
Tổng giám đốc Công ty T&A Ogilvy

Theo nhiều chuyên gia, thương hiệu được coi như một “công dân toàn cầu”, vì thế không nên quá lo lắng về sự thâu tóm thương hiệu Việt. Nhận định này được nhiều ý kiến đồng tình bởi việc mua bán thương hiệu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Là một chuyên gia người nước ngoài, ông Julien Brun, Tổng giám đốc Cel Consultin nhìn nhận: “Kinh doanh thời buổi này tiềm năng không biên giới. Nếu thuần Việt mà kinh doanh sinh lợi tốt và có ảnh hưởng ấn tượng tốt với khách hàng, chắc chắn không nhà đầu tư hay doanh chủ nào dại dột làm mất đi yếu tố đó. Quan trọng nhất là làm thế nào để sản phẩm, dịch vụ có mác “made in Vietnam” khi ra biển lớn luôn được khách hàng quốc tế tin tưởng và có ấn tượng đẹp.

Đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất với thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam. Và đó có lẽ là nét thuần Việt nhất doanh nghiệp có thể cùng chung tay xây dựng trên một sân chơi quốc tế rộng lớn hơn”.

Song ở một góc nhìn khác, nhiều người cho rằng nếu đối tác ngoại khi thâu tóm vẫn giữ tên thương hiệu và phát triển chúng mạnh ra tầm khu vực và thế giới, đó thực sự là điều đáng mừng cho thương hiệu Việt Nam. Nhưng nếu họ mua xong và theo thời gian những thương hiệu Việt đó dần mất hút khỏi thị trường thì đó là điều đáng tiếc, mà Dạ Lan là một thí dụ điển hình.

Sau khi bị Colgate nuốt chửng nếu ông Trịnh Thành Nhơn không nuối tiếc mà muốn gầy dựng lại, nếu báo chí không vào cuộc, những người trẻ hiện nay có biết đến Dạ Lan một thời hay không. Và đâu đó vẫn có mong muốn có những thương hiệu mạnh thuần Việt (hoặc doanh nghiệp Việt nắm cổ phần chi phối), bởi nếu cứ để nhà đầu tư ngoại thâu tóm họ sẽ dẫn dắt thị trường trong ngành và xa dần có thể sẽ là một số hoạt động kinh tế của Việt Nam.

Thêm sức cho thương hiệu Việt

Như đã nói ở phần trên, cuộc chiến thâu tóm thương hiệu Việt chưa dừng lại. Bởi lẽ, trước sức hấp dẫn từ mức dân số trẻ, sức mua đang tăng của Việt Nam, cộng thêm việc hội nhập sâu, những “con cá mập” ngoại chắc chắn sẽ muốn thâu tóm doanh nghiệp nội để rút ngắn con đường thâm nhập thị trường. Chưa ai có thể nói trước tiếp sau đây sẽ là thương hiệu nào thuộc ngành hàng nào bị thâu tóm.

Tuy nhiên, có một thực tế phải khẳng định là trong khi một số chủ doanh nghiệp chọn con đường bán cho đối tác ngoại, không ít người khác vẫn kiên định phát triển thương hiệu Việt. Nhỏ có Mỹ Hảo, vừa và trung có Trung Nguyên, Vinamilk, Thiên Long, Giấy Sài Gòn, Kềm Nghĩa, Cholimex…

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến việc Sabeco dự kiến bán bớt 53% cổ phần, giảm sở hữu nhà nước từ 89% xuống 36%. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều  nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến việc Sabeco dự kiến bán bớt 53%
cổ phần, giảm sở hữu nhà nước từ 89% xuống 36%. Ảnh: CAO THĂNG

Điều đáng ghi nhận là nhiều thương hiệu không chỉ khẳng định vị thế của mình tại thị trường nội mà còn vươn tầm phát triển ra khu vực và thế giới. Tất nhiên, để có nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam làm được như vậy, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn yếu của doanh nghiệp Việt nói chung.

Theo ông Richard Moore, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc sáng tạo của Richard Moore Associates (RMA), hiện nay thương hiệu Việt đang đối mặt với nguy cơ giảm sút giá trị trong tâm trí khách hàng do chưa có phương pháp tổng thể để đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của thương hiệu nhằm nâng cao giá trị, trong khi người tiêu dùng đang phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin khác nhau về thương hiệu.

Có một thực tế là trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp thậm chí không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Tại diễn đàn thương hiệu quốc gia diễn ra tại TPHCM cách đây chưa lâu, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất máy phát điện cho biết do trước đây không quan tâm đến việc làm thương hiệu, nay muốn làm thương hiệu nhưng không biết phải làm như thế nào.

Cũng tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng đã qua thời hữu xạ tự nhiên hương, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu của mình. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, khi hàng nước ngoài tràn vào, nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu dài hơi sẽ không thể cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước, chưa nói đến đi ra nước ngoài.

Các tin khác