Thấp thỏm nợ công, thu chi ngân sách

(ĐTTCO)-Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra nhiều chỉ số tài chính ở tầm quốc gia như nợ công, chi thường xuyên của bộ máy... vẫn còn chưa phù hợp.

(ĐTTCO)-Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra nhiều chỉ số tài chính ở tầm quốc gia như nợ công, chi thường xuyên của bộ máy... vẫn còn chưa phù hợp.

 

Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan điều hành trong năm 2015 và cả thời kỳ 2011-2015, song nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra vẫn lo ngại về một số chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011- 2015 đã đề ra.

Về tổng thể, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 5,9% và thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước; nhân tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng chỉ ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao.

"Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp khi chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững", cơ quan thẩm tra quan ngại.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn và có tình trạng thất thu. Tổng số thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ, nên toàn bộ vốn đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Cơ cấu chi ngân sách cũng được đánh giá là chưa phù hợp, khi tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4%, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi ngân sách chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí...

Trong 3 trọng tâm mà Chính phủ ưu tiên gồm tái cơ cấu tài chính, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công thì ở mỗi lĩnh vực vẫn còn những hạn chế nhất định.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, báo cáo thẩm tra nhận định có chuyển biến tích cực song còn nhiều ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng thủy lợi vùng khô hạn, ngăn xâm nhập mặn, cơ sở y tế... chưa đáp ứng kịp thời. Việc xử lý nợ đọng, chậm ứng trước vốn xây dựng cơ bản còn lớn.

Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, với trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, dù đạt số lượng đáng kể nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ giữ của Nhà nước còn lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại được đánh giá là có nhiều điểm sáng hơn với hai lĩnh vực trên như nợ xấu giảm, bảo đảm an toàn hệ thống... "Tuy nhiên, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn, phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý đến từ cơ quan Nhà nước", báo cáo lo ngại.

Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát.

Trước đó, trình bày báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước Quốc hội sáng 21/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm năm (2011-2015), dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu đặt ra. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội thông qua, có 16 đạt và vượt kế hoạch như: thu nhập thực tế của người dân, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tạo việc làm... Còn lại 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân bằng khoảng 32-34% GDP.

Về kế hoạch này, hầu hết ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng, các chỉ tiêu. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng cơ quan điều hành cần sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản những bất cập trong 2 năm đầu kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế, giảm nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, báo cáo thẩm tra cũng đưa ra một số yêu cầu cụ thể. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai đầu tư phát triển cơ hạ tầng đường bộ, nghiên cứu sớm triển khai mở rộng tuyến đường sắt Bắc – Nam; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn...

Uỷ ban cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành, theo đó đề nghị Quốc hội quyết định bố trí vốn và cho phép thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng cho dự án trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, qua đó đảm bảo khởi công và hoàn thành giai đoạn I đúng thời gian dự kiến.

Các tin khác