Tháo gỡ khó khăn từ lãi suất

Ngày 25-7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan quản lý địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) các tỉnh phía Nam để xây dựng đề án “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN”. Đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp mạnh mẽ hơn trong điều hành và kiểm soát vấn đề giảm lãi suất.

Ngày 25-7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan quản lý địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) các tỉnh phía Nam để xây dựng đề án “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN”. Đa số ý kiến phát biểu tại hội nghị đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp mạnh mẽ hơn trong điều hành và kiểm soát vấn đề giảm lãi suất.

NHNN chỉ đạo NHTM phải thực tế

Trong đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN, Bộ Công Thương đã phân ra các nhóm giải pháp để trình Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh vấn đề lãi suất.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết trong đề án này Bộ Công Thương đề nghị NHNN điều hành linh hoạt, hiệu quả hơn các công cụ chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với giảm chỉ số giá tiêu dùng, ưu tiên tín dụng cho DN trong các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động.

NHNN đã có Thông tư 14 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Tuy nhiên, dựa trên thực tế, Bộ Công Thương đề nghị NHNN mở rộng đối tượng được vay cho tất cả DN, không hạn chế đối tượng như tại Thông tư 14 vì nhiều DN có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước không thuộc đối tượng này đang gặp khó khăn về vốn.

Từ khi có Nghị quyết 13 đến nay, đã có 4.200 DN tại TPHCM được vay vốn với lãi suất theo quy định ở các lĩnh vực ưu tiên với tổng số tiền 21.000 tỷ đồng. UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp NHNN chi nhánh TPHCM rà soát, tháo gỡ khó khăn về vốn, kết nối giữa DN và ngân hàng để DN có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

QUÁCH TỐ DUNG,
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM

Hiện nay, lãi suất huy động vốn đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn theo đúng lãi suất quy định. Bộ Công Thương đề nghị NHNN tổng hợp và yêu cầu các ngân hàng báo cáo, cập nhật tình hình cho vay vốn, đặc biệt đối với khối DNNVV để có điều chỉnh linh hoạt trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn.

NHNN nghiên cứu hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay, cho phép DN thế chấp hàng tồn kho để vay vốn hoặc cho vay thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Nhiều DN có nhu cầu tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, thay thế thiết bị cũ, cần vay dài hạn nhưng ngân hàng chỉ giảm lãi suất vay ngắn hạn.

Do vậy đề nghị sớm giảm lãi suất vay trung hạn xuống dưới 12%/năm.

Từ góc độ của cơ quan quản lý, bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nhận xét từ năm 2011 đến nay các DN trên địa bàn đã nỗ lực tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, trong đó chấp nhận giảm lợi nhuận để bán được hàng.

Tuy nhiên, lợi nhuận ít ỏi thu được, DN lại phải mang nộp lãi ngân hàng nên khó khăn càng chồng chất. Hiện nay, chỉ đạo về việc giảm lãi suất cho DN của NHNN đã có, nhưng các ngân hàng vẫn chần chừ trong thực hiện. Tuy đã có một số ngân hàng đồng thuận nhưng vẫn còn một số vấn đề nảy sinh, như có ngân hàng công bố gói hỗ trợ DN 2.000 tỷ đồng và 50 triệu USD cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhưng đến nay gói hỗ trợ này vẫn chưa làm tốt cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất, nhưng DN cho biết rất khó tiếp cận hoặc chỉ được vay lãi suất rẻ trong thời hạn 1-3 tháng. Trong khi đó, các quy định của Thông tư 193 về quỹ bảo lãnh tín dụng chưa đầy đủ, rõ ràng, đã khiến hoạt động của các quỹ tín dụng rất khó khăn, không bảo lãnh được và ngân hàng cũng không muốn tham gia.

Sở Công Thương TPHCM đề nghị sửa Thông tư 193, ghi rõ chức năng, nhiệm vụ của quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ cho DN tốt hơn.

Giải quyết từ gốc

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh doanh của DN hiện nay, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, chia sẻ: “Theo khảo sát mới nhất, hiện nay có khoảng 1/3 DN trên địa bàn đã phá sản và ngưng hoạt động, 1/3 DN đã giảm công suất hoạt động 30-70% và 1/3 còn lại hoạt động khá tốt nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đánh giá sơ bộ 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều không đạt.

Trong số các khó khăn đang “dìm chết” hoạt động của DN, vấn đề nổi lên là lãi suất vay ngân hàng. Lãi suất trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 quá cao và không có ngành hàng nào có đủ lợi nhuận để cung ứng tiền lãi ngân hàng.

Trước tình hình này, Chính phủ và NHNN đã điều chỉnh chính sách tiền tệ, hạ lãi suất nhưng các ngân hàng tại địa phương thực hiện rất chậm. Hiện chỉ có vài ngân hàng ở Cần Thơ hạ lãi suất cho DN. Lý do ngân hàng đưa ra cho việc chậm giảm lãi suất là chưa nhận được thông báo từ hội sở.

Trong khi đó, DN hiện giờ không còn gì để thế chấp và cũng không có tiền trả nợ. Nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời sẽ gây vỡ nợ dây chuyền”.

Quang cảnh hội nghị xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: LÃ ANH

Quang cảnh hội nghị xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn
cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: LÃ ANH

Ở góc độ DN, một đại diện của CTCP Điện Quang cho biết do rất khó tiếp cận vốn, DN phải tự cứu mình bằng cách tích cực thu hồi công nợ, khuyến khích khách hàng mua hàng trả tiền mặt, chấp nhận giảm giá để tiêu thụ nhanh; phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp giảm giá thành đầu vào, nội địa hóa tối đa hạn chế nhập khẩu để giảm tác động của tỷ giá...

Nhưng đây cũng chỉ là những biện pháp để DN có thể đối phó với tình hình khó khăn hiện tại và chờ chính sách giảm lãi suất được thực thi để giải quyết triệt để những khó khăn trước mắt.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, sản xuất là hạ tầng kiến trúc của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tạo ra sức mua thật của xã hội, nhưng nhiều năm qua không được chú trọng đúng mức vai trò.

Hiện nay các DN đang vô cùng khó khăn và những khó khăn này vẫn chưa được chặn đứng, vì vậy có thể tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Về lãi suất, dù Chính phủ và NHNN đã có động thái mạnh để giảm lãi suất, nhưng với liều lượng như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Trong bối cảnh đó, cần có chính sách hỗ trợ để vực dậy DN, tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập thật, sức mua thật của xã hội, từ đó mới giải quyết được gốc vấn đề. Bởi nếu DN khó khăn và đóng cửa, chắc chắn ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Tình hình khó khăn của DN cũng sẽ khiến cho nguồn thu ngân sách năm nay sụt giảm và nếu không giải quyết được năm sau tình hình sẽ lặp lại.

Do đó, thị trường đang rất cần sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước thông qua NHNN để giảm lãi suất nhanh và sâu hơn mức 15%/năm như hiện nay cho các DN để ngăn chặn đà suy giảm.

Các tin khác