Thăng trầm thị trường chứng khoán

(ĐTTCO) - Năm 2016, ngành chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 20 năm ra đời, đồng nghĩa với 20 tuổi. Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ, quan điểm khác về “tuổi” trên thị trường.

(ĐTTCO) - Năm 2016, ngành chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 20 năm ra đời, đồng nghĩa với 20 tuổi. Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ, quan điểm khác về “tuổi” trên thị trường.

Tuổi mụ và tuổi thật

Có quan điểm cho 20 năm tuổi của thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ là… tuổi mụ (tuổi ta), còn cách tính đúng phải bắt đầu tính từ lúc mới ra đời. Hiện thân của TTCK chính là sàn giao dịch niêm yết, cũng là lúc chính thức thị trường được sinh ra, tính theo cách này năm sinh của TTCK Việt Nam phải là năm 2000, đồng nghĩa với thị trường mới chỉ 16 tuổi. Ngày 28-7-2000, phiên giao dịch đầu tiên chính thức được tổ chức tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM).

Nhưng có người vẫn chưa đồng ý với số tuổi này. Theo TS. Phạm Linh, một người đã có gần 2 thập niên tham gia thị trường tài chính ngân hàng, dù khai sinh vào năm 1996 hay 2000, thị trường chỉ thực sự hoạt động, phát huy đúng chức năng của mình là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế, một nơi tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư (NĐT)… kể từ năm 2006, tức TTCK Việt đến nay chỉ mới 10 tuổi.

Tính tuổi con người, tuổi mụ và tuổi Tây chỉ lệch nhau có 1 tuổi. Còn theo những lập luận trên, giữa tuổi mụ và tuổi thực tế có khi lệch đến 10 tuổi, nhưng cũng phản ánh thuộc tính của TTCK: Đó là tính tương đối và không phải lúc nào cũng dễ phân định rạch ròi.

Glenn Gould (1932-1982), nghệ sĩ dương cầm (pianist) người Canada và được xem là một trong những pianist vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã khẳng định mình rất đam mê… chứng khoán, vì “cả âm nhạc và chứng khoán đều không thể kiểm soát tuyệt đối, chỉ có tính tương đối mà thôi”. Từ chuyện tuổi của thị trường, nghĩ đến “tuổi nghề”, tức là kinh nghiệm đầu tư, làm việc trong ngành chứng khoán cũng có nhiều điểm thú vị.

Những người xưa nay hiếm

Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ còn rất ít người có từ 20 năm tuổi nghề với TTCK và người nổi tiếng nhất có lẽ là Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng. 20 năm trước, ông Vũ Bằng là chuyên viên của UBCKNN với nhân sự nòng cốt bắt nguồn từ Ban Thị trường vốn, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Còn nếu tính từ khi thị trường niêm yết đi vào hoạt động (năm 2000), số người cũng không nhiều hơn là bao.

Để tìm được vài người trong số những người này là không hề đơn giản, vì ngoài số lượng ít, khoảng cách về tuổi tác cũng khiến cho các “lão làng” (xấp xỉ 50 tuổi) ít tham gia những sự kiện chung của dân chứng khoán hiện nay (phổ biến trong tầm 30-40 tuổi). Tuổi tác không phải là nguyên nhân khiến cho người ta xa rời TTCK, mà nguyên nhân nằm ở những biến động và sự khắc nghiệt của thị trường.

Giai đoạn 2011-2012, ghi nhận một số lượng lớn những người rời bỏ ngành chứng khoán. Thị trường bùng nổ vào giai đoạn 2006 đã thu hút rất nhiều người gia nhập ngành chứng khoán và sau đó cũng giàu lên rất nhanh chóng. Việc thị trường điều chỉnh năm 2008 dù “thảm khốc” nhưng nhiều người cũng chỉ “bớt giàu”, chứ chưa đến mức độ nghèo đi hay trắng tay.

Tuy nhiên, khi margin bắt đầu được phổ biến trên thị trường kể từ năm 2009 đã tạo ra những cú sốc rất mạnh. Hiện nay, NĐT có 1 đồng chỉ được vay tối đa 1 đồng (1:1) từ công ty chứng khoán (CTCK), nhưng tại thời điểm 2009 chưa có quy định này nên có thể vay đến 4-5 đồng. Với những tỷ lệ vay margin lên đến 1:4 hay 1:5, chỉ cần thị trường hay cổ phiếu (CP) giảm 20%, NĐT mau chóng bị “cháy” (lỗ sạch) tài khoản. Cách giao dịch này có thể xem như “tàn dư” kể từ thời 2006-2007, khi đó gần như cứ mua CP nào cũng có lãi, nên việc làm lúc đó là hãy đi vay thật nhiều tiền và đánh tất tay.

Nhiều tuổi chưa chắc hay

Đó cũng là lý do vì sao TTCK năm 2009 hay 2010 điều chỉnh nhẹ hơn nhiều so với 2008 nhưng số NĐT thua lỗ lại tăng mạnh. Margin không chỉ ảnh hưởng đến NĐT mà còn khiến nhiều CTCK cho vay bị mất vốn, vướng vào nợ xấu, lao đao và mất thanh khoản, nhiều CTCK chỉ mới ra đời khoảng 4-5 năm đã chết yểu, bị ngưng hoạt động.

Có thể nói, giai đoạn 2011-2012 mới là quãng lặng đáng buồn nhất của thị trường chứ không phải năm 2008. Không chỉ có những người thua lỗ mới rời bỏ ngành, mà nhìn hiện trạng của thị trường trầm lắng, nên nhiều người đã chán ngán bỏ ngành, dù điều kiện kinh tế, năng lực, kinh nghiệm vẫn còn.

Tuy nhiên, sau một giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, từ CTCK, doanh nghiệp (DN) niêm yết và các quyết sách từ cơ quan quản lý như luật hóa margin, tăng cường xử phạt các vi phạm về công bố thông tin, thúc đẩy minh bạch… thị trường đã trở mình mạnh mẽ trở lại kể từ năm 2014.

Nhưng suốt giai đoạn 2011 cho đến đầu 2014, thị trường dù có những khó khăn nhưng không phải cứ đánh là thua, ngược lại vẫn có cơ hội. Mỗi năm đều có ít nhất khoảng 2 đợt sóng, đi kèm theo đó là một số CP vẫn có thể tăng giá đến 50%/năm. Khó khăn ở đây là việc phải lựa chọn được CP cũng như canh thời điểm để vào/ra thị trường.

Tại thời điểm đó, bất chấp nhiều người đã có từ 5-10 năm tham gia thị trường, tuổi nghề có thừa, nhưng vẫn không thể thích nghi. Nói đơn cử việc quan tâm nhiều hơn đến nền tảng cơ bản của DN, đọc báo cáo tài chính cũng như báo cáo phân tích của CTCK… cũng là một thách thức thật sự.

Nhưng cũng có người ví von, kinh nghiệm chứng khoán cũng như kinh nghiệm… hôn nhân, chỉ có giá trị lịch sử và khó truyền lại cho ai chưa trải nghiệm, nên đôi khi ranh giới giữa người nhiều tuổi và ít tuổi trong nghề tương đối mong manh. Nói đơn cử, kể từ năm 2012 đến nay, có những người rời khỏi ngành cũng có những người mới gia nhập ngành, có những NĐT bỏ sàn cũng có những NĐT mới xuất hiện.

So với trước đây, nhóm người mới này có lợi thế khi được trang bị rất nhiều kiến thức về thị trường, những người trẻ gia nhập ngành có học vị, bằng cấp hơn hẳn thế hệ đàn anh. Đến nỗi, có những người đang làm quản lý tại các CTCK nói vui nếu bây giờ đi thi tuyển vào CTCK lại có khi họ bị rớt từ “vòng gửi xe”, vì ngoài yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, còn yêu cầu về các chứng chỉ như CFA (phân tích tài chính), khả năng sử dụng ngoại ngữ, hiểu biết về thị trường…

Quy luật của tự nhiên

Một bằng chứng rất rõ ràng, đó là vị trí tổng giám đốc (CEO) của các CTCK, đặc biệt các CTCK nằm trong tốp đầu. Trong khoảng nửa thập niên qua, rất hiếm khi thấy các CTCK lớn thay đổi CEO, mà nếu có cũng là chuyện chẳng đặng đừng, chẳng hạn CTCK thay đổi cổ đông lớn buộc lòng phải có CEO mới.

Nguyên nhân của sự ổn định này có thể bắt nguồn từ hoạt động của các CTCK lớn vẫn đang tốt, CEO phát huy được năng lực. Nhưng ở đây cũng không thể không bàn đến nguyên nhân… không dễ tìm được người thay thế.

Đưa người từ “cơ sở” lên, khả năng đột phá đôi khi cũng không khác người cũ, trong khi đó CTCK lớn cần tìm một CEO đã từng có kinh nghiệm đảm trách ở những vị trí tương đương và dày dạn kinh nghiệm, nhưng ngặt nỗi vị trí này ít khi thay đổi nên cũng ít người “dôi dư” để tuyển dụng.

Theo từng năm, nếu không diễn ra sự thay đổi, càng về sau càng khó thay đổi hơn. Chính các CEO của CTCK, với tuổi nghề dày dạn của mình, đôi khi cũng không muốn chuyển sang một CTCK khác nhỏ hơn vì không xứng tầm. Và ở đây cũng không thể tránh khỏi quy luật tuổi càng cao sự nhạy bén có thể giảm sút. Đó cũng là lý do, dù rằng kết quả kinh doanh của một số CTCK không đến nỗi nào, nhưng nhìn kỹ cũng không thấy sức bật, và nguyên nhân có thể nằm ở CEO, đã “già” và không còn quá nhiều nhiệt huyết với thị trường.

Các tin khác