MÔ HÌNH MỚI TRONG NÔNG NGHIỆP

Thách thức nền sản xuất hiện đại, cạnh tranh

LTS: Ngày 4 và 5-9, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Cường tham gia chủ trì hội thảo. ĐTTC giới thiệu tham luận của TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tại hội thảo.

LTS: Ngày 4 và 5-9, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Cường tham gia chủ trì hội thảo. ĐTTC giới thiệu tham luận của TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tại hội thảo.

Bức tranh tổng thể

Chặng đường 5 năm đầu thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao, bình quân 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng. Sản lượng lúa tăng từ 39 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012.

Nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Vì thế không thể sản xuất những gì mình có mà phải sản xuất những gì thị trường cần, gắn với cung cầu thế giới. Tại hội thảo nhiều ý kiến khẳng định hiệu quả đạt được từ mô hình sản xuất liên kết thời gian qua và chủ trương liên kết 4 nhà là đúng đắn. Cần tiếp tục thực hiện, tổ chức sản xuất theo phương thức sản xuất lớn, hiện đại để phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Ninh,
Phó Thủ tướng Chính phủ

Những năm gần đây, Việt Nam luôn ở vị trí là cường quốc về xuất khẩu nông sản, như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy sản với giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất 27,5 tỷ USD vào năm 2012; sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Tuy sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm.

Tổng số trang trại đăng ký năm 2010 tăng 2,5 lần so với năm 2000. Xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất cũng phát triển cùng với hình thức truyền thống như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ. Bên cạnh đó, hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại.

Sau những thành công nhờ đổi mới thể chế kinh tế và cơ chế quản lý trong nông nghiệp gần 30 năm qua, giờ đây ngành nông nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn. Trong khi lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, khoa học công nghệ…) liên tục phát triển, các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương thích.

Tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa được khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng không rõ ràng. Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn, hay liên kết giữa nông dân và nông dân trong HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên với nhau.

Một nghịch lý nữa là trong lúc ngành nông nghiệp rất cần vốn thì tình hình đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1-2% so với 7-10% cách đây 10 năm. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp rủi ro cao (thiên tai, thị trường và cả chính sách), hạ tầng cơ sở sản xuất yếu kém, xuống cấp, giá lao động tăng cao, chất lượng lao động khu vực nông nghiệp thấp, chi phí giao dịch lớn do thiếu các thể chế, tổ chức đại diện cho người nông dân.

Các mô hình sản xuất mới

Thực tiễn gần đây, xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp được xem là xu thế tất yếu và là tương lai của nền nông nghiệp nước nhà. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” hay “Cánh đồng liên kết” là những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Theo tính toán năm 2012, mỗi ha lúa tham gia trong cánh đồng mẫu lớn, người sản xuất có thể thu lời thêm 2,2-7,5 triệu đồng. Chi phí sản xuất giảm được 10-15%, trong khi giá trị sản lượng tăng 20-25%. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi tất yếu, là giải pháp thiết thực để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn hiện nay và trong tương lai.

Với mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Mô hình sẽ thành công hơn khi doanh nghiệp có vốn lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Cần phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như mô hình "cánh đồng mẫu lớn". Ảnh: MINH TRƯỜNG

Cần phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới
như mô hình "cánh đồng mẫu lớn". Ảnh: MINH TRƯỜNG

Với mô hình nông dân góp cổ phần cùng doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật và tổ chức quản lý dự án. Nông dân được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động tham gia các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương.

Điểm mạnh của hình thức liên kết này là có tính hợp tác và chia sẻ rủi ro cao giữa nông dân và doanh nghiệp. Góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng về mặt pháp lý, nông dân vẫn là chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Đất đai không bị thu hồi hay bị buộc phải bán cho doanh nghiệp như các dự án khác.

Mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới đang hình thành và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đang hỗ trợ tốt cho phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên. Các HTX này đảm nhận cung cấp dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên, như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng gia súc, gia cầm.

HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; bảo vệ quyền lợi cho xã viên. Nhiều HTX hiện có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, đời sống nông dân ngày càng nâng cao.

Các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức HTX dịch vụ nông nghiệp, CTCP phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào đầu ra cho sản xuất, như tưới tiêu, cung cấp giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Nhiều HTX, tổ hợp tác còn đảm nhận việc thu gom và xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch ở nông thôn.

Đổi mới phương thức sản xuất

Thực tế việc phát triển và nhân rộng của các mô hình tổ chức sản xuất mới còn rất hạn chế. Cánh đồng mẫu lớn đã khẳng định được chỗ đứng trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, nhưng diện tích áp dụng mô hình này chưa đến 10% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng. Việc áp dụng mô hình này sang các loại hình, khu vực sản xuất khác diễn ra khá chậm.

Hội thảo lần này là cuộc đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách hay nói chính xác là đối thoại giữa Bộ NN-PTNT và các viện trường, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nông nghiệp; đối thoại giữa cơ quan hoach định chính sách với các đồng chí thực thi, lãnh đạo các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, HTX, nông dân; đối thoại giữa những nhà lý luận, chuyên gian, khoa học với các mô hình thực tiễn nhằm đóng góp vào quá trình sơ kết Nghị quyết Trung ương 7.

Ông Nguyễn Văn Giàu,
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay mới có 5 doanh nghiệp thực hiện. Một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào, chia sẻ rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết còn ít.

Không ít mô hình đang hoạt động với quy mô khá lớn nhưng những lo ngại về sự độc quyền của doanh nghiệp, sự phân phối lợi ích chưa hài hòa, hợp lý giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, đe dọa sự phát triển bền vững của mối liên kết.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế hợp tác phát triển chậm và yếu đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Việc thiếu các tổ chức đại diện của nông dân làm chi phí giao dịch và triển khai thực hiện các hợp đồng nông sản tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay Bộ NN-PTNT rất quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp”. Đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời của các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chính sách phát triển bền vững các ngành hàng nông sản chiến lược như lúa gạo, chè, cà phê, cao su, thủy sản, chăn nuôi bò sữa, gia súc gia cầm…

Các tin khác