Doanh nhân - Bản lĩnh & Cống hiến

Thả cá về sông

Kỹ sư Tống Minh Chánh (thường gọi là Hai Chánh), Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống thủy sản Minh Chánh (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một trong những người đầu tiên cho sinh sản thành công cá basa giống. Bình quân mỗi năm Hai Chánh cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu con cá giống basa, hú, dứa. Điều đáng quý là anh luôn dành khoảng 20% số cá giống sinh sản được, đem… thả xuống sông để bảo tồn nguồn cá thiên nhiên.

Kỹ sư Tống Minh Chánh (thường gọi là Hai Chánh), Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống thủy sản Minh Chánh (xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một trong những người đầu tiên cho sinh sản thành công cá basa giống. Bình quân mỗi năm Hai Chánh cung cấp cho thị trường khoảng 20 triệu con cá giống basa, hú, dứa. Điều đáng quý là anh luôn dành khoảng 20% số cá giống sinh sản được, đem… thả xuống sông để bảo tồn nguồn cá thiên nhiên.

Chủ động ươm tạo nguồn cá giống

“Giờ này ba con vẫn ở bên bè cá. Nếu chú muốn gặp phải chịu khó đi đò qua Đồng Tháp” - con trai anh Chánh thông báo dù tôi ghé nhà anh khi trời đã quá trưa. Thế là từ xã Long Hòa, tôi chạy ngược lên phường Long Sơn (thị xã Tân Châu) để xuống đò qua huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Hai Chánh nghiên cứu quy trình sản xuất cá giống.

Hai Chánh nghiên cứu quy trình sản xuất cá giống.

Không khó để tìm đến bè cá của Hai Chánh, bởi anh được xem là người ươm cá giống lớn nhất vùng này. Cặp bờ sông Cái Vừng (một nhánh của sông Tiền) có 6 bè cá nối đuôi nhau, mỗi bè là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất cá giống của Hai Chánh.

Ở chiếc bè lớn nằm chính giữa, các công nhân đang “khám thai” cho những con cá basa mẹ nặng gần chục ký; còn Hai Chánh, mắt không rời khỏi kính hiển vi để kiểm tra kích cỡ trứng cá. “Mỗi đợt sinh sản, tôi chỉ cho thụ tinh khoảng 100 con cá basa mẹ.

Kỹ sư Tống Minh Chánh được xem là người đầu tiên ươm nuôi thành công cá dứa. Đây là loài thuộc họ cá da trơn, rất giống cá tra, basa, có tên khoa học là Pangasius Kunyit, thịt săn chắc và thơm ngon. Cá dứa xưa nay chỉ sống ở vùng cửa sông gần biển ở huyện Cần Giờ (TPHCM), các cửa sông Bồ Đề, sông Cửa Lớn (tỉnh Cà Mau)… Anh cũng là người đang sở hữu những cặp cá basa bố mẹ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong đó, có vài con cá basa nặng hơn 30kg.

Trước khi cho đẻ, cá phải được kiểm tra để đảm bảo trứng đạt độ chín và độ đồng đều” - Hai Chánh giải thích khi vừa nghỉ tay. Theo lời anh, cách làm này sẽ giúp tạo ra đàn cá giống khỏe mạnh, chất lượng tốt và giảm tỷ lệ hao hụt.

Thật ra, sau khi lấy tấm bằng kỹ sư ngành thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) vào năm 1989, Hai Chánh không bắt đầu sự nghiệp bằng nghề ươm cá giống mà là nuôi cá basa thịt. Khi đó, nguồn cá giống cung ứng cho các bè cá chủ yếu do người dân đánh bắt ở vùng đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu vào mùa nước lũ tràn về.

Tuy nhiên, nguồn cá này thất thường, dễ nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt cao, nên đa phần người nuôi không có lời. Năm 1999, qua học hỏi từ sách báo và các trang mạng, Hai Chánh bắt đầu mày mò ươm thử nghiệm cá giống từ cặp cá basa bố mẹ. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng anh cũng đã cho ra được lứa cá basa lai tạo đầu tiên.

Từ thành công này, anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Giống thủy sản Minh Chánh. Và từ đó sự nghiệp ươm cá basa giống của anh ngày càng khởi sắc.

 Góp phần tăng thu nhập người dân vùng sông nước

Hiện nay, ngoài 6 bè nuôi với khoảng 8.000 con cá bố mẹ (tương đương 30 tấn), Hai Chánh còn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể ươm cá hiện đại theo công nghệ mới của Pháp, có quy mô 55 lồng ươm trên diện tích 1,5ha đất sau nhà.

 Sản xuất cá giống tại trang trại. Ảnh: NGÔ CHUẨN

 Sản xuất cá giống tại trang trại. Ảnh: NGÔ CHUẨN

Bên cạnh đó, Hai Chánh đã đầu tư hệ thống bè nuôi cá basa thịt, đạt năng suất khoảng 400 tấn/năm. Lượng cá giống của Hai Chánh không những đủ cung cấp cho các vùng nuôi cá lớn trong tỉnh mà còn cho cả những cơ sở nuôi cá các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL.

Trước đây, cá basa giống tự nhiên do người dân đánh bắt giá không dưới 2.000 đồng/con (loại 100 con/kg), nay cá giống do Hai Chánh cung cấp giá chỉ khoảng 500 đồng/con. Hàng năm, ngoài khoảng 10 triệu con cá giống, Hai Chánh còn cung ứng 5 triệu con cá hú giống.

Điều làm người ta nể phục ở Hai Chánh là anh đã ươm nuôi thành công giống cá dứa - loài cá có thể sống ở các vùng nước ngọt, lợ, mặn và rất khó sinh sản nhân tạo. Hiện mỗi năm Hai Chánh ươm nuôi được 5 triệu con cá dứa giống. Loại cá dứa do Hai Chánh lai tạo đã tạo thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân vùng nông thôn ĐBSCL.

Khi nghe tôi hỏi về lý do anh vẫn âm thầm thả cá giống về sông, Hai Chánh cười: “Khi ươm trứng để tạo cá bột, sẽ tồn đọng khoảng 10% lượng cá bột hơi yếu. Số này tôi sẽ thả xuống sông. Khi phát triển cá bột thành con giống, cũng sẽ có khoảng 10-20% con giống không đạt tiêu chuẩn. Số cá này tôi cũng thả xuống sông chứ không bán, chỉ giữ lại cá giống đủ chất lượng để cung cấp cho người nuôi”.

Nói là nói vậy, nhưng với 4-5 triệu con giống thả về tự nhiên mỗi năm, Hai Chánh đã thiết thực góp công lớn giúp bảo tồn những loài cá đặc thù và tạo thêm thu nhập cho người dân vùng sông nước.

 Mê Công nhiễm mặn - nguy cơ tương lai

Câu chuyện của chúng tôi rẽ sang một hướng khác khi Hai Chánh tỏ ra ưu tư trước những biến đổi thất thường của thời tiết: “Hiện nay, một số nước ở thượng nguồn sông Mê Công ngăn đập, chặn dòng chảy khiến lượng nước ở hạ nguồn ít đi. Vài chục năm nữa, khi mực nước biển ngày càng dâng cao, tình hình xâm mặn sẽ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi cá nước ngọt”.

Theo tính toán của Hai Chánh, chỉ cần độ mặn trong nước trên 10‰, cá tra sẽ là đối tượng đầu tiên đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, kế đến là cá basa và một số loại cá đồng khác như lóc, rô, trê…

Đó là lý do vì sao Hai Chánh đang dồn sức nghiên cứu cách ươm nuôi một số loài cá có khả năng thích nghi cùng lúc trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn như cá ngát, dứa, bông lau…

Sau thời gian dài nỗ lực nghiên cứu, anh đã khắc phục được những khó khăn trong việc cho cá dứa sinh sản và đã ươm nuôi thành công giống cá này. Không những có thể cung ứng cho thị trường hơn 5 triệu con cá giống/năm, mỗi tháng anh còn thả về sông hàng chục ngàn cá dứa con để chúng tự kiếm ăn và trở về biển khi trưởng thành.

Riêng về cá bông lau, việc ươm nuôi gặp nhiều khó khăn do sản lượng đánh bắt tự nhiên ngày càng ít, cá bố mẹ lại rất khó thuần. Còn về cá ngát, do kích cỡ trứng lớn (đường kính trên 4,5mm) nên sức sinh sản rất thấp... Đó là những thách thức trong nghề ươm cá giống.

Ở độ tuổi ngoài 50, có được công ty riêng và cơ ngơi có thể sống vương giả, Giám đốc Tống Minh Chánh vẫn hàng ngày đeo bám bè cá, nâng niu những con cá da trơn.

Cá basa và cá dứa đã được anh cho sinh sản thành công, mơ ước lớn nhất của anh hiện nay là có thể ươm nuôi được cá bông lau và cá ngát - 2 loài cá có giá trị cao nhưng hiện chỉ sinh sản ngoài tự nhiên, sản lượng ngày càng sụt giảm.

Trứng cá basa ở giai đoạn sắp nở.

Trứng cá basa ở giai đoạn sắp nở.

Trong giới hạn độ mặn từ 0-35‰, những loài cá da trơn vùng ĐBSCL vẫn phát triển tốt. Những loại cá này có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Nếu chủ động được con giống, người dân có thể nuôi thương phẩm rộng để cung ứng thị trường trong nước và quốc tế.

Giả thuyết trường hợp xâm mặn diễn ra nhanh, nước ngọt phải được ưu tiên dùng cho sinh hoạt, còn nước lợ, nước mặn để nuôi cá. Vì vậy tôi đang nghiên cứu cho sinh sản các loài cá thích hợp với điều kiện nhiễm mặn.

Kỹ sư TỐNG MINH CHÁNH

Các tin khác