Tết ở rừng

(ĐTTCO) - Nhà tôi ở sát rừng. Xung quanh vườn nhà bố tôi trồng cây dứa làm hàng rào, ngăn cáo mò vào bắt gà, ngăn gà chạy ra ngoài rừng, cũng để lấy quả ăn. Bên ngoài hàng rào đào một cái hào sâu chừng một mét. Hào vừa là rãnh thoát nước khi mùa mưa tới, nước từ rừng tràn về không ào qua vườn quét đi sạch sành sanh dinh dưỡng của đất. Hào cũng để ngăn trâu bò không nhảy vào vườn.

(ĐTTCO) - Nhà tôi ở sát rừng. Xung quanh vườn nhà bố tôi trồng cây dứa làm hàng rào, ngăn cáo mò vào bắt gà, ngăn gà chạy ra ngoài rừng, cũng để lấy quả ăn. Bên ngoài hàng rào đào một cái hào sâu chừng một mét. Hào vừa là rãnh thoát nước khi mùa mưa tới, nước từ rừng tràn về không ào qua vườn quét đi sạch sành sanh dinh dưỡng của đất. Hào cũng để ngăn trâu bò không nhảy vào vườn.

Chỉ cần lách qua hàng rào cây dứa, nhảy tót một cái là sang đến đất rừng. Rừng ở đây đã chia cho từng họ trong làng. Nhà Lập có một rừng vầu, nhà Kiểm có một rừng cọ, nhà Minh có một rừng toàn gỗ sồi… Tiếng là chia cho từng họ như thế, nhưng ai vào lấy củi, lấy cây về làm hàng rào, làm dàn đỗ, giàn mướp thì thoải mái, miễn đừng có chặt cả cây cổ thụ hay lấy hàng trăm tàu cọ.

Trong rừng, người làng hay đặt bẫy thú. Chiều muộn vào đặt, sáng sớm tinh mơ vào kiểm tra. Thỉnh thoảng cũng bẫy được cầy cáo. Trong vườn, bố mẹ tôi thả gà. Sáng sớm thả ra, chiều tắt nắng chúng lục tục rủ nhau về chuồng. Nuôi gà ở rừng, sợ nhất là rắn hổ mang. Bố tôi phải mắc một cái bóng điện ngoài chuồng gà, hễ nửa đêm nghe tiếng gà quang quác là với tay lên tường, bật công tắc.

Cả nhà chạy ra, thường mỗi khi gà kêu lúc nửa đêm như vậy là trong đàn đã có dăm ba con bị rắn cắn chết. Cổ con gà thâm đen, rắn thì đã bò đi đâu mất. Gà đã bị rắn cắn không ăn được, chỉ có đem chôn. Mẹ tôi bao giờ cũng tiếc đứt ruột, vừa đặt mấy con gà xuống hố vừa xuýt xoa. Chả có cách nào mà chặn được lũ rắn. Lâu lâu chúng lại mò vào, toàn mò lúc đêm hôm.

Trong đàn gà, có một con gà trống rất đẹp mã. Cao lớn oai phong, cổ to, ức nở, mào nặng trĩu, lông tía óng mượt, hai cẳng chân sần sùi mốc thếch. Mẹ bảo để dành, tết đến bán con gà đi, mua cho tôi một chiếc áo khoác mới.

Tôi, suốt mùa đông, mơ ước một chiếc áo khoác. Sáng nào đến trường trong mịt mờ sương mù, gió bấc hun hút xộc thẳng vào ngực, chốc chốc nhấc cái ống than lên thổi phù phù kiếm tí hơi ấm, lại nghĩ tới một chiếc áo khoác bằng bông chần. Ở lớp, có một đứa nhà giàu, cứ những ngày giá rét là nó lại được mặc áo bông chần. Chiếc áo có ba lớp, một lớp lót bằng lụa, một lớp bông ở giữa, bên ngoài là vải nhung đỏ, với những chiếc cúc vải tết rất đẹp.

Mẹ nó là cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp huyện, nó khoe muốn gì chỉ cần nói nửa câu mẹ nó gật đầu liền. Đám trẻ nhà nghèo bọn tôi đứng xung quanh ngắm nghía cái áo, sờ lên lớp vải nhung mềm ấm như lông mèo không giấu được thèm thuồng. Cái con bé ấy, chân tay mặt mũi trắng trẻo, hồng hào, mũm mĩm, người lúc nào cũng thơm mùi băng phiến, đứng giữa bọn tôi, trông nó chẳng khác gì con gà trống với cái mào đỏ rực rỡ, kiêu kỳ, sáng chói.

Tôi chỉ mơ một chiếc áo bông chằn bằng vải hoa con công bán ở chợ thị xã thôi. Mẹ bảo để tết mẹ bán con gà trống, chắc sẽ mua được chiếc áo ấy. Tôi chăm con gà trống hàng ngày. Có thức gì ngon cũng gọi tục tục, đàn gà chạy đến, tôi xua hết đám gà mái ra xa, chỉ để dành cho chú gà trống thôi. Con gà vì thế càng ngày càng mượt óng, càng vạm vỡ, càng kiêu kỳ.

Áp tết, con đường độc đạo từ làng lên tỉnh, xuống huyện tấp nập người qua lại. Chủ yếu là người từ các làng mang gạo nếp, đỗ xanh, cam quýt, chuối về chợ để bán, rồi lại thồ hàng tết từ chợ về nhà. Xe đạp cọt kẹt, ngựa nặng oằn lưng, chân bước bậm bịch, cái tết nào cũng đến trong sự nặng nhọc mà tươi vui như thế.

Chiều hai sáu tết, mẹ bàn với bố, mai sẽ mang mấy con gà với một ít cam vừa bói quả lên chợ tỉnh để bán, lấy tiền sắm tết. Cam đã cắt cả lá xanh mướt xếp vào sọt, gà đã được ăn thật no cho nặng cân. Bố mang hai cái xe đạp ra bơm cho căng lốp, tra dầu vào xích líp nữa.

Cả năm có mấy ngày tết, nghèo mấy cũng phải tươm tất. Mấy anh em tôi lăng xăng chạy đi chạy lại, tính tính toán toán xem nên nói bố mẹ mua những gì. Anh cả tôi thích một bánh pháo Bình Đà, anh thứ tôi ước mấy cục pin để lắp vào chiếc đài bán dẫn nghe kịch đêm giao thừa, tôi thì khỏi phải nói - chắc chắn là một chiếc áo bông chần.

Đêm, cả nhà không ngủ được. Bố mẹ tôi rì rầm trong buồng, hai anh tôi rúc rích bên ngoài cái giường to, tôi nằm yên nghe những hạt mưa phùn đọng trên mái lá, rơi xuống cái máng đựng thức ăn cho gà ngoài sân tách tách đều đặn. Tự dưng nghĩ thương đàn gà. Không ở với mình, về nhà người khác, vào đúng dịp tết chỉ có bị cho vào nồi nước sôi, nói như bố tôi là đeo cho nó củ gừng vào cổ.

Nhưng ý nghĩ về cái áo vải hoa con công chần bông vẫn át đi. Đang lơ mơ ngủ trong tiếng rơi của những hạt nước từ mái lá, tôi chợt giật bắn vì tiếng gà quang quác trong chuồng, tiếng đập cánh loạch xoạch. Bố tôi, như mọi bận, với tay bật cái công tắc ở đầu giường. Ánh sáng vàng chói từ phía chuồng gà hắt ngược vào đầu hồi, con chó sủa lên ăng ẳng.

Bố tôi vác cái đòn gánh chạy ra. Ôi thôi, vừa mở cái cửa chuồng, khua cho đàn gà chạy ra, nhìn xuyên vào trong đã thấy mấy con nằm chồng lên nhau, im thít. Con rắn đã biến mất, để lại những vết cắn đen sì trên cổ mấy con gà. Bố tôi lôi ra, một, hai, ba, bốn, năm con cả thảy, trong đó có con gà trống, đã làm mồi cho rắn. Chắc phải là một con rắn hổ mang rất to, bố tôi bảo thế, cứ nhìn cái vết cắn thì biết.

Mẹ tôi ngồi phệt ở đầu hè. Thôi, thế là xong. Bao nhiêu công chăm bẵm đi tong. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ, tựa vào sườn mẹ. Tự dưng nước mắt chảy ra. Tôi không thấy tiếc cái áo chần bông nữa, mà tôi thương mấy con gà. Tôi muốn nói với bọn nó: Nếu chúng mày không chết, thì thôi, ở lại với tao, tao không cần áo diện tết nữa.

Đúng là tôi đã nghĩ thế thật. Tôi với mẹ cứ ngồi trong đêm lạnh buốt như thế, bên hè nhà, gió thổi qua tai, mưa rơi dưới chân, trong lúc bố và các anh tôi đào cái hố cho mấy con gà.

Các tin khác