TĐ-TCT: Gian nan hành trình tái cơ cấu

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã thừa nhận quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra khá chậm. Đáng chú ý là đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tính đến nay, đã có 17/21 đề án tái cơ cấu TĐ, TCT được Thủ tướng phê duyệt nhưng tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa đạt, nhất là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã thừa nhận quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra khá chậm. Đáng chú ý là đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tính đến nay, đã có 17/21 đề án tái cơ cấu TĐ, TCT được Thủ tướng phê duyệt nhưng tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa đạt, nhất là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính.

Chậm trễ, chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đến hết tháng 5-2013, đã có 99/101 dự án tái cơ cấu DNNNđược Thủ tướng phê duyệt, nhưng trải qua 5 tháng đầu năm nay mới chỉ có vỏn vẹn 16 DN được sắp xếp lại.

Trong đó, 10 DN được cổ phần hóa, còn lại là sáp nhập, hợp nhất và thành lập mới. Ngoài ra, mới chỉ có 5/15 dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của các TĐ, TCT được hoàn thiện và trình Chính phủ. Hiện 7 đơn vị khác đang trình các bộ thẩm định, còn một số TĐ, TCT lớn như VNPT, SCIC vẫn đang trong quá trình… xây dựng dự thảo và chưa biết khi nào sẽ hoàn thiện.

Đề án tái cấu trúc DNNN đã được triển khai và có nhiều văn bản liên quan thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả DNNN. Nhưng đề án và các văn bản này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Đề án không định lại vai trò của TĐ, TCT trong một nền kinh tế nhiều thành phần. Điểm cốt lõi là không áp đặt kỷ luật thị trường lên TĐ, TCT, không buộc TĐ, TCT phải công khai minh bạch và chưa tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà TĐ, TCT đang độc quyền hoặc chiếm vị thế thống lĩnh.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN,
nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Báo cáo tổng hợp số liệu nghiên cứu ở 23 bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT do Bộ KH-ĐT công bố mới đây cũng cho thấy bức tranh cổ phần  hóa DNNN toàn những gam màu tối. Theo đó, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước là 351 đơn vị (chiếm khoảng 27%); số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, tiếp tục thoái vốn 909 đơn vị (chiếm khoảng 73%).

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trực thuộc như Bộ Y tế, TĐ Viễn thông quân đội Viettel… Ngoài ra, có tới 76 DNNN xin lùi hạn cổ phần hóa vào năm 2015.

Về tiến độ cổ phần hóa DNNN, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, “tinh thần chung của Chính phủ là khẩn trương”.

Thế nhưng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế và hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện này, nếu vội vàng và kiên quyết áp đặt tiến độ như kế hoạch sẽ dẫn đến tình trạng DNNN bị “mất giá” trong quá trình định giá, tức tài sản của Nhà nước bị thiệt hại.

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài như hiện nay, Chính phủ cần áp dụng nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn nữa đối với khối DNNN. Việc kéo dài quá trình cơ cấu DNNN chỉ khiến gánh nặng nợ ngân sách nhà nước càng thêm nặng nề. Tiếp tục duy trì sự bao bọc đối với các DNNN và thiếu kiên quyết trong khâu cổ phần hóa có thể sẽ dẫn tới những hậu quả còn nặng nề hơn và nền kinh tế còn lún sâu vào khủng hoảng.

Khó khăn thoái vốn

Một trong những nội dung căn bản của đề án tái cơ cấu các TĐ, TCT là yêu cầu các “ông lớn” này phải thoái vốn đầu tư ra khỏi các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2012, các TĐ kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành trên 22.400 tỷ đồng, trong đó có 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, 495 tỷ đồng vào quỹ đầu tư. Riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.

Chỉ riêng TĐ Than-Khoáng sản thoái vốn tại 9 doanh nghiệp bằng hình thức cổ phần hóa sẽ thu về 5.000-6.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng TĐ Than-Khoáng sản thoái vốn tại 9 doanh nghiệp
bằng hình thức cổ phần hóa sẽ thu về 5.000-6.000 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hùng Viện, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, cho biết dù Chính phủ đã yêu cầu các TĐ, TCT nhà nước hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015, song đây là vấn đề không dễ dàng.

Chẳng hạn, TĐ Cao su Việt Nam dự kiến tổng giá trị thoái vốn đến năm 2015 vào khoảng 4.500 tỷ đồng, và đến cuối năm 2015, số vốn đầu tư ngoài ngành chính dự kiến còn 660 tỷ đồng, bằng 1,5% tổng vốn chủ sở hữu. TĐ này dự kiến sẽ giảm từ 168 công ty xuống còn 101 công ty (giảm 40%). Trong khi đó, TĐ Dầu khí sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại 29 doanh nghiệp cấp II, 206 doanh nghiệp cấp III, thoái vốn tại doanh nghiệp cấp IV.

Dự kiến sau tái cơ cấu, TĐ này sẽ giảm 6 doanh nghiệp cấp II, 80 doanh nghiệp cấp III và dự kiến giảm nhiều hơn nữa số doanh nghiệp cấp IV. TĐ Than - Khoáng sản sẽ thoái vốn tại 9 doanh nghiệp. Dự kiến nguồn vốn thu được do cổ phần hóa, thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và bán bớt cổ phần là khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng. TCT Lương thực miền Nam cũng xây dựng kế hoạch thoái vốn 152 tỷ đồng ở 8 công ty...

Trong triển khai thoái vốn, yêu cầu của Chính phủ là “thoái vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước”, là điều hết sức khó khăn trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, với các công ty đang gặp khó khăn, giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường thấp hơn mệnh giá; trong khi trước đây đã bỏ vốn ra mua với giá cao, các dự án đầu tư lại đang đình trệ...

Nếu bán đồng nghĩa với lỗ, thất thoát vốn nhà nước. Với các công ty đang có lãi, cổ phiếu có giá, dự án có nhiều người sẵn sàng mua; nếu sau khi bán ra, giá của chúng tăng cao hơn nữa cũng đồng nghĩa với việc làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều khó khăn, khúc mắc khác nữa đang đặt ra đòi hỏi phải tháo gỡ. Chẳng hạn khi đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp chỉ có khoảng 30% vốn tự có, còn lại là đi vay. Do đó, khi thoái vốn là thoái cả công nợ. Mặt khác, khi rút ra khỏi các dự án đầu tư thì phải được chủ nợ đồng ý và không phải lúc nào cũng được chấp nhận.

Cần cơ chế linh hoạt

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, nhận định tái cấu trúc hình như đang gặp sự chần chừ, do dự ở các bộ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Họ dường như vẫn muốn níu kéo những gì đã có.

“Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu. Rẽ trái là mắc bẫy. Muốn rẽ phải sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập ghềnh và khúc khuỷu.

Thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần phải tích cực hơn nữa trong tổ chức, triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành căn bản việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Quan điểm chung là việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ không phân biệt theo cấp mà thực hiện theo ngành. Về đất đai, trừ một số trường hợp đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ chuyển sang thuê đất, giá thuê tính theo thị trường. Việc này sẽ được thực hiện kiên quyết, nhằm loại trừ tình trạng thất thoát đất đai sau cổ phần hóa, đồng thời cũng tháo gỡ khó khăn khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Ông VŨ VĂN NINH,
Phó Thủ tướng Chính phủ

Nhưng người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng vượt dốc”  - ông Cung nói. Bởi vậy, theo chuyên gia kinh tế này, cần thay đổi tư duy cổ phần hóa DNNN, cần xem là một trong những giải pháp để thúc đẩy cải cách khu vực doanh nghiệp này. Tiến trình cổ phần hóa đang rơi vào chậm trễ, bởi thị trường chứng khoán ảm đạm làm suy giảm sức cầu.

Để sớm thoát khỏi tình trạng này, cần khẩn trương sửa đổi nghị định về chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần, kèm theo đó là đổi mới cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối theo hướng phải phù hợp hơn. Sẽ là khó khả thi một khi giữ cơ chế cũ và chờ thị trường sôi động trở lại để làm nóng quá trình cổ phần hóa.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), mặc dù lộ trình, thậm chí phương án thoái vốn đã được nhắc tới, song cần làm rõ cơ chế thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán suy giảm.

Cụ thể là tạo khuôn khổ pháp lý để DNNN có thể dựa vào đó để quyết định thời điểm, cách thức thực hiện thoái vốn.

Ông Phạm Tuấn Anh đề xuất: “Với những khoản đầu tư thuộc diện không hiệu quả theo một số tiêu chí, lãnh đạo doanh nghiệp có quyền “cắt lỗ”, còn với những khoản đầu tư ngoài ngành, nhưng đang có lợi nhuận có thể thực hiện chậm hơn, tùy theo tình hình thị trường…”.

Điều quan trọng của cơ chế này chính là xác định tiêu chí để các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu nhà nước thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả các kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Các tin khác