Tập trung kiềm chế lạm phát tâm lý

Chỉ số CPI tháng 9 tăng tới 2,2%, đang đặt ra những lo ngại về mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 ở mức 7%. Theo các chuyên gia kinh tế, điều cần tập trung trong những tháng tới là phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát theo hướng chủ động, đồng thời có biện pháp kiềm chế lạm phát tăng do hiệu ứng tâm lý.

Chỉ số CPI tháng 9 tăng tới 2,2%, đang đặt ra những lo ngại về mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 ở mức 7%. Theo các chuyên gia kinh tế, điều cần tập trung trong những tháng tới là phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát theo hướng chủ động, đồng thời có biện pháp kiềm chế lạm phát tăng do hiệu ứng tâm lý.

Với mức tăng 2,2% so với tháng 8, CPI tính đến tháng 9 đã tăng 5,13% so với tháng 12 năm trước; tăng 6,48% so với tháng cùng kỳ năm 2011 và bình quân 9 tháng năm 2012 tăng 9,96%. CPI tháng 9 tăng cao một cách đột ngột do các nguyên nhân: tăng giá dịch vụ y tế, nhóm giá giáo dục, giá xăng dầu thế giới lên.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, 3 mặt hàng này chiếm nhiều nhất, tới 1,6% mức tăng của CPI tháng vừa qua. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lý giải tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết, vì gắn với đó là bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế sẽ tốt lên. Tăng giá dịch vụ giáo dục chỉ là một thời điểm trong năm (tháng khai giảng). Còn giá xăng dầu phải theo giá thế giới.

Chỉ số CPI tăng sẽ làm thu nhập thực tế người dân tụt giảm. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ số CPI tăng sẽ làm thu nhập thực tế người dân tụt giảm. Ảnh: CAO THĂNG

Dù lạm phát tháng 9 tăng chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng cũng là mức tăng gây sốc, ảnh hưởng khá lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 7%.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu loại trừ yếu tố thời vụ (điều chỉnh lại phí giáo dục và giá dược phẩm, y tế) CPI tháng 9 chỉ tăng 1,05% và CPI lõi sau khi điều chỉnh yếu tố thời vụ chỉ tăng 0,7%.

Trong điều kiện thị trường đang chịu nhiều sức ép tâm lý, thông tin chính sách trở nên vô cùng quan trọng. Vì thế, việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách với những nội dung rõ ràng, đầy đủ về quan điểm, giải pháp khắc phục những vấn đề nóng trên thị trường sẽ có tác dụng rất lớn. Đây phải được coi là một giải pháp cơ bản trong thời điểm hiện nay, góp phần khắc phục tâm lý “kỳ vọng lạm phát” và củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TS. VŨ VIẾT NGOẠN,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Như vậy CPI tháng 9 tăng cao không phải do tác động của chính sách vĩ mô, nhưng mức biến động mạnh này rất dễ gây tâm lý tiêu cực, có thể tác động đến hành vi của người tiêu dùng cũng như giới kinh doanh.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng trong điều kiện “lạm phát kỳ vọng” của Việt Nam vẫn rất lớn, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ cơ bản theo giá thị trường cần được tính toán lựa chọn cả về thời điểm và mức điều chỉnh.

Mặc dù khá bất ngờ với mức tăng của CPI tháng 9, nhưng chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số vẫn có thể đạt được, giả định xấu nhất là lạm phát chỉ lên đến 8-9%.

Tuy nhiên, theo ông Ánh, quy luật các tháng cuối năm giá cả luôn tăng cao. Đây là dấu hiệu cần có chính sách kiên quyết hơn trong việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong những tháng có tính chất mùa vụ cuối năm 2012.

Điều đáng mừng là trước diễn biến CPI tăng cao, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát trong các tháng từ nay đến cuối năm. Thủ tướng đã chỉ đạo đối với các địa phương chưa công bố giá, phí dịch vụ y tế mới, cần cân nhắc thời hạn áp dụng, tránh dồn dập, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, điện, than… cũng được chỉ đạo bảo đảm lộ trình điều chỉnh, không làm tác động đến CPI, không khiến người dân bị tổn thương đột ngột.

Cùng với đó, để bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa tránh nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng trong những tháng cuối năm phải rất thận trọng và cần điều chỉnh mức độ nới lỏng của chính sách chi tiêu ngân sách nhà nước, đặc biệt liên quan đến chi đầu tư và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một đặc thù nữa của Việt Nam là chính sách quản lý giá cả nguyên nhiên, vật liệu đầu vào phải phối hợp quản lý thị trường và giá cả, để làm sao đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không phải buông cho thị trường giống như các nước đã có nền kinh tế thị trường phát triển.

Các tin khác