Tập đoàn đầu tư BĐS: Rắm rối, khó thu hồi vốn

Việc đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản (BĐS) khiến không ít tập đoàn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính, cũng như việc thu hồi vốn. Chỉ riêng việc bóc tách vốn của các tập đoàn hiện còn bao nhiêu trong BĐS cũng là vấn đề không đơn giản.

Việc đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản (BĐS) khiến không ít tập đoàn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính, cũng như việc thu hồi vốn. Chỉ riêng việc bóc tách vốn của các tập đoàn hiện còn bao nhiêu trong BĐS cũng là vấn đề không đơn giản.

> Siết lại dòng vốn các tập đoàn

Sở hữu chồng chéo

Các tập đoàn đang tìm cách thu hồi vốn từ các dự án BĐS. Ảnh: LÃ ANH

Các tập đoàn đang tìm cách thu hồi vốn từ các dự án BĐS. Ảnh: LÃ ANH

Mới đây, ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), cho biết tổng vốn đầu tư vào BĐS của PVX khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nắm 30% vốn tại PVX, nên vốn của PVN tham gia các dự án BĐS tương đương 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kế toán-kiểm toán, phân tích trên chưa đầy đủ.

Tính đến ngày 31-3, khoản mục nợ phải trả của PVX lên đến hơn 10.750 tỷ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn hơn 3.400 tỷ đồng, vay và nợ dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng. Hai khoản mục vừa nêu có giá trị hơn 5.400 tỷ đồng, điều này cũng đồng nghĩa với việc PVN phải “gánh” hơn 1.600 tỷ đồng nợ tại PVX.

Dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng là số liệu kinh doanh mà không có quy định nào bắt buộc phải công bố chi tiết ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các ngân hàng có lượng khách hàng rất lớn nên việc phân loại các khoản vay thuộc về phi sản xuất không hề đơn giản. Vì thế, ngoài việc làm rõ thế nào là vốn trong BĐS, cần phân loại tính hiệu quả của những dự án BĐS. Dự án có khả năng sinh lời nên hỗ trợ, dự án kém hiệu quả phải được thanh lọc sớm.

Th.S ĐÀO TRUNG KIÊN,
Trường Đại học Kinh tế TPHCM

PVX công bố có 5 công ty con thực hiện kinh doanh BĐS và PVX đầu tư vào những công ty này với vốn góp dưới 20%, không chi phối các dự án BĐS, mà chỉ tham gia các khoản đầu tư tài chính. Ở đây sẽ xuất hiện câu hỏi: 2.000 tỷ đồng đầu tư vào BĐS của PVX xuất phát từ công ty mẹ và 5 công ty con, hay đã được cộng thêm cả những khoản đầu tư tài chính? Bởi lẽ nếu chỉ từ 5 công ty con thì số tiền thực sẽ không dừng ở 2.000 tỷ đồng.

Trong danh mục “đầu tư dài hạn khác” của PVX có hàng loạt khoản đầu tư như CTCP Đầu tư khu công nghiệp Dầu khí-Idico Long Sơn (PXL) với tổng mệnh giá khoảng 132 tỷ đồng; CTCP BĐS Điện lực Dầu khí (PVL) giá trị hơn 86 tỷ đồng. Như vậy chỉ riêng 2 công ty này đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng vốn đầu tư vào BĐS của PVX.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, khả năng thu hồi vốn 2 khoản này rất khó và liệu có được PVX tính vào trong tổng đầu tư BĐS của mình chưa?

Hiện tại, giá cổ phiếu của PXL trên sàn đã giảm xuống dưới 0.5, tức nếu PVX bán ra PXL sẽ lỗ hơn 50% số vốn ban đầu. Với PVL còn tệ hơn khi vừa thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết sau khi công bố báo cáo kiểm toán mới để tránh bị rơi vào trạng thái kiểm soát.

Trong khi thị trường còn rất nhiều mặt hàng giá rẻ nhưng nhà đầu tư chần chừ chưa muốn mua, những cổ phiếu như PVL chắc chắn không có chỗ đứng. Tính theo thời giá, đến thời điểm này PVX đang tạm lỗ khoảng 100 tỷ đồng cho 2 công ty trên.

Thoạt nhìn, PVX chỉ nắm hơn 16% vốn điều lệ của PVL, một tỷ lệ không lớn, nhưng PVL lại có thêm một cổ đông dầu khí khác là Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với tỷ lệ hơn 9%. Như vậy tổng sở hữu của họ dầu khí tại PVL đến hơn 25%, không nhỏ chút nào.

Mặc dù vậy, so với một số tập đoàn khác, việc PVN công khai thông tin vẫn còn tích cực hơn nhiều. Bởi như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vào BĐS nhưng cho đến giờ vẫn không có con số cụ thể, nhất là khi một số khoản đầu tư cho thấy sự chồng chéo.

Đơn cử nhỏ, CTCP BĐS Điện lực Miền Trung có 4 cổ đông sáng lập là EVN, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và CTCP Điện lực Khánh Hòa. Trong khi Điện lực Miền Trung là thành viên của EVN nhưng cũng là công ty mẹ của Điện lực Đà Nẵng và Điện lực Khánh Hòa.

Tương tự là trường hợp CTCP BĐS Điện lực SG Vina với 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng công ty Điện lực Miền Nam và EVN.

Những “điểm mù” khác

Hiện nay hầu hết tập đoàn đã thành lập công ty tài chính riêng. So với ngân hàng, hoạt động của công ty tài chính các tập đoàn rất khó kiểm soát. Tính đến cuối năm 2010, vốn điều lệ của SDFC (Công ty tài chính cổ phần Sông Đà - Tập đoàn Sông Đà) đạt 500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Trong bảng cân đối kế toán của công ty, khoản mục “tài sản có khác” có giá trị đến hơn 2.100 tỷ đồng, trong khi công bố cho vay khách hàng chỉ gần 520 tỷ đồng, trích dự phòng 10 tỷ đồng.

Hoặc như PVFC với các khoản đầu tư có giá trị tính bằng nghìn tỷ đồng nhưng cũng không biết rõ đầu tư vào công ty nào, ngành nghề gì, cho ai vay. PVFC có bao nhiêu cổ phần tại các công ty BĐS có lẽ ngoài PVL không ai biết được con số chính xác.

Thí dụ, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I-2011, PVFC công bố đầu tư chứng khoán hơn 5.300 tỷ đồng, góp vốn đầu tư dài hạn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Muốn tìm hiểu, chỉ còn cách tổng hợp từ những công ty được PVFC đầu tư, hoặc các khách hàng được PVFC tài trợ, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.

Hay như trong báo cáo thường niên 2010 của NHTMCP Đại Dương (Ocean Bank), tỷ lệ sở hữu cổ phần của PVN là 20%, tức Ocean Bank là công ty liên kết của PVN. Ocean Bank lại sở hữu gần 20% cổ phần của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), một đơn vị kinh doanh và đầu tư BĐS.

Tại thời điểm 31-12-2010, PVR có khoản vay ngắn hạn trị giá 240 tỷ đồng từ Ocean Bank. Câu hỏi đặt ra ở đây là khi Ocean Bank cho PVR vay,thì Ngân hàng An Bình (EVN là cổ đông lớn) cũng có thể cho các công ty BĐS khác vay. Liệu có thể xem đây là hình thức rót vốn của PVN hay EVN?

Làm sao thu hồi vốn?

CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, nhưng vay nợ ngắn lẫn dài hạn hơn 3.500 tỷ đồng. Trong số chủ nợ của STL tính đến cuối quý I-2011, bên cạnh các ngân hàng còn có có Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) gần 180 tỷ đồng, Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVNFC) hơn 200 tỷ đồng.

Tập đoàn Sông Đà không còn nắm cổ phần lớn tại đây nhưng lại có SDFC là chủ nợ, cho thấy vốn của Sông Đà vẫn chảy vào BĐS.

Với tình hình thị trường BĐS hiện nay, khả năng các tập đoàn thu hồi vốn đầu tư trong BĐS sẽ rất khó khăn. Do vậy việc tập đoàn bán công ty con cũng là điều bất khả thi, vì các công ty con thường chuyên về BĐS có tỷ lệ nợ lớn, không nhà đầu tư nào muốn mua để phải ôm cả cục nợ. Một giải pháp “thoát thân” hợp lý nhất hiện nay là bán các dự án. Tuy nhiên, vấn đề là ai dám mua những dự án, khu dân cư nằm ở ngoại thành, cơ sở hạ tầng kém?

TS. NGUYỄN VĂN THUẬN,
Trường Đại học Mở TPHCM

Tương tự, khoảng giữa năm 2010, PVX tiến hành bán hết cổ phiếu của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA). Sắp tới đây, PVA cũng sẽ phải thay đổi tên công ty và cắt đuôi chữ “dầu khí”, nhưng đến cuối năm 2010, công ty vẫn có khoản nợ ngắn hạn hơn 33 tỷ đồng và hơn 210 tỷ đồng vay dài hạn từ PVFC.

Hợp đồng vay dài hạn của PVA từ PVFC được ký kết vào ngày 31-3-2010 và có thời hạn trả nợ gốc 84 tháng. Như vậy, trong khi PVX thoái vốn tại PVA để thu tiền về, PVFC lại cho PVA vay tiền. Trong một chừng mực nào đó, có thể thấy được dòng tiền vẫn chưa được rút ra thật sự.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nói: “Trừ các tổ chức tài chính, tín dụng của Nhà nước phải chịu những quy định ngặt nghèo về tỷ lệ đầu tư trái ngành, ngoài ngành, phần lớn tập đoàn, tổng công ty vẫn khá tự do trong hoạt động này.

Trước đây, khi Luật Doanh nghiệp nhà nước còn hiệu lực, những quy định về quản lý vốn của Nhà nước rất rõ ràng, nhưng đến nay các doanh nghiệp nhà nước về mặt pháp lý không còn tồn tại, thời hạn chuyển tiếp cũng đã hết.

Tuy nhiên, mỗi tập đoàn lại có một quy chế tài chính riêng, trong đó có việc sử dụng vốn đầu tư như thế nào, phân cấp phân quyền ra sao, theo một khung do Bộ Tài Chính quy định. Những quy định này không phải là pháp quy nhưng liên quan đến trách nhiệm của những người quản lý vốn nhà nước.

Khi các cơ quan quản lý thanh tra, đây là một trong những vấn đề được xem xét đầu tiên. Với những tập đoàn có quy chế lỏng lẻo, sẽ rất khó xác định và quy trách nhiệm cho các cá nhân”. 

Các tin khác