Tín dụng tăng trưởng chậm

Tạo nền tảng ổn định dài hạn

Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng nước ta đạt khoảng 8,91%. Ở nhiều nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 5-10% là hợp lý. Tín dụng cho nền kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, song đó là sự điều chỉnh cần thiết.

Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng nước ta đạt khoảng 8,91%. Ở nhiều nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 5-10% là hợp lý. Tín dụng cho nền kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, song đó là sự điều chỉnh cần thiết.

 Chuyển dịch đúng hướng

Giai đoạn 2001-2011, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm 19-52%/năm, nhưng mức tăng GDP cũng chỉ đạt 5,32-8,48%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng năm 2012 không lớn nhưng do đẩy mạnh vòng quay vốn nên nguồn vốn ngân hàng vẫn đóng vai trò rất quan trọng vào việc duy trì mức tăng GDP, trên 5%.

Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác vẫn đạt được những kết quả tích cực: Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp 6,81% (năm 2011 là 18,13%), dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng lên.

Vốn tín dụng ngân hàng tập trung phục vụ nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự chuyển dịch cơ cấu tín dụng tích cực này đã đạt hiệu ứng rất tích cực, lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định và duy trì được mức tăng trưởng hợp lý, xuất khẩu tăng trưởng khá (tăng trên 18%) và trở thành nước xuất siêu sau hàng chục năm.

Sau thời gian dài tăng trưởng cao trên 30%, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đã được điều chỉnh một cách tích cực, thể hiện qua các định hướng chính sách có tính chiến lược của NHNN: giảm tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán về mức 7%; có khung chính sách tín dụng đặc thù đối với các lĩnh vực quan trọng, như cho vay sản xuất lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi gia súc, nhà ở cho người nghèo...

Chính sách tín dụng của NHNN đã hướng mạnh vào lĩnh vực xuất khẩu, cho vay công nghiệp phụ trợ. Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó, tín dụng VNĐ tăng 11,51%, ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ.

Tín dụng nông nghiệp-nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Tín dụng tăng dần trở lại qua các tháng; tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đã giảm mạnh từ mức 65,8% trước ngày 15-7-2012 xuống còn 19,2% vào cuối năm 2012.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động phối hợp với khách hàng vay rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.

Việc phát hành tín phiếu NHNN được thực hiện với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất hợp lý đã tạo điều kiện để Bộ Tài chính phát hành được một khối lượng lớn tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, qua đó tăng thanh khoản cho nền kinh tế (nếu tính cả 2 kênh tín dụng và đầu tư vào trái phiếu chính phủ, hệ thống các TCTD đã cung ứng vào nền kinh tế tương đương mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13,91%).

Điểm nổi bật và đáng mừng là tổng dư nợ cho vay và đầu tư đối với nền kinh tế luôn duy trì được tỷ trọng cho vay kinh tế thực (sản xuất kinh doanh) chiếm trên 92,6%, đầu tư cho sản phẩm tài chính 7,4%.

Như vậy, tín dụng cho nền kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, song là sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Trong nhiều nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 5-10% là hợp lý.

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những quan ngại về tăng trưởng tín dụng, là trong khi nợ xấu tăng cao, tín dụng lại tăng trưởng thấp, kênh dẫn vốn nền kinh tế liệu có ngưng trệ? Việc  xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD đặt ra nhiều thách thức cả về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người.

Những rủi ro từ môi trường kinh tế vĩ mô là chưa ổn định vững chắc, lạm phát có nguy cơ bùng phát trở lại, môi trường pháp lý chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để giúp TCTD xử lý nhanh nợ xấu.

Hệ số vay nợ của doanh nghiệp trong nước ở ngưỡng khá cao, tính minh bạch thông tin, xếp hạng doanh nghiệp chưa theo thông lệ, rủi ro lãi suất, rủi ro vận hành luôn là những thách thức của các TCTD.

NHNN cũng nhận thức rõ vấn đề và đã tiếp tục đưa ra những giải pháp mạnh để cải thiện tình hình. Ngay trong những ngày cuối năm 2012, Thống đốc NHNN đã thông báo về gói 20.000-40.000 tỷ đồng dành cho vay đối với người thu nhập thấp và thu nhập trung bình để mua nhà ở với mức lãi suất hợp lý, đã nhắm đến nhu cầu đích thực của thị trường.

Vấn đề còn lại là việc triển khai thực thi chính sách này ở các tiêu chí đối tượng được vay, thời gian thực hiện và sự vận hành đồng bộ từ các bộ, ngành liên quan.

Đây là một giải pháp trúng nhiều đích, giải tỏa bớt một phần khó khăn thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, tạo dòng luân chuyển vốn cho nhiều ngành hàng như vật liệu xây dựng, đồ nội thất.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi gặp mặt cuối năm 2012 với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi gặp mặt cuối năm 2012
với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2013, NHNN vẫn tiếp tục duy trì thực hiện chính sách tín dụng 4 lĩnh vực ưu tiên, có bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo thế chiến lược nền kinh tế.

Song chính sách tín dụng của NHNN đang cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách quy hoạch, đầu tư công, xúc tiến thương mại, ưu đãi về thuế và động thái tự tái cấu trúc về tổ chức và kinh doanh của chính cộng đồng doanh nghiệp để tạo ra lợi thế so sánh mới góp phần gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bước vào năm mới, hệ thống ngân hàng phải tập trung thực hiện xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, vừa cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng thể hiện ở danh mục cho vay với các ngành nghề định hướng, nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Dư nợ tín dụng cần tập trung cho khu vực kinh tế thực. Tiếp tục tăng tiềm lực về vốn và minh bạch hóa tài chính, tuân thủ việc trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, tiết giảm tối đa về chi tiêu nội bộ, cơ cấu mạnh về tổ chức, hoạt động và đặc biệt là quản trị rủi ro.

Nhìn về dài hạn, rõ ràng cần phải giảm tỷ lệ cho vay từ tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, cũng là giải quyết căn cơ căn bệnh thanh khoản trầm kha của các TCTD, khi hệ số cho vay trên vốn huy động vẫn trên 90%.

Rủi ro kỳ hạn là hậu quả của việc huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung, dài hạn. Với môi trường vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát đã giảm thấp, mục tiêu giảm lãi suất đang được thực hiện.

Đây là thời điểm thuận lợi để các TCTD  khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng huy động vốn trung, dài hạn để cải thiện thanh khoản, giảm chi phí bù thanh khoản để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng cạnh tranh theo đúng nghĩa đáp ứng tín dụng trọn gói với giá hợp lý.

Các tin khác