Tạo lực đẩy doanh nghiệp phụ trợ

(ĐTTCO)- Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại ở giai đoạn bước đầu phát triển. Trong khi theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi thế của Việt Nam với tiềm năng đặc biệt trong việc thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và môi trường thương mại thông thoáng, nên việc thiếu CNHT là một nghịch lý để đưa khu vực sản xuất thành động lực tăng trưởng.

(ĐTTCO)- Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại ở giai đoạn bước đầu phát triển. Trong khi theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi thế của Việt Nam với tiềm năng đặc biệt trong việc thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và môi trường thương mại thông thoáng, nên việc thiếu CNHT là một nghịch lý để đưa khu vực sản xuất thành động lực tăng trưởng.

Yêu cầu bức thiết, không thể chần chừ

Khó khăn lớn nhất của CNHT  Việt Nam là nằm sát vách Trung Quốc - “đại công xưởng” của thế giới, nơi sản xuất đủ loại sản phẩm, nguyên liệu có giá rẻ hơn Việt Nam. Muốn phát triển CNHT, Việt Nam buộc phải dành rất nhiều ưu đãi cho DN CNHT trong nước may ra mới cạnh tranh nổi với Trung Quốc; tập trung hỗ trợ các DN đầu tàu có sản phẩm kết nối vào chuỗi cung ứng thị trường thế giới, song song đó ưu tiên thu hút các DN FDI lớn mạnh.

Ông Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Phát triển CNHT là yêu cầu bức thiết của bất cứ nền kinh tế nào, bởi đây chính là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một ngành công nghiệp bền vững. Nhờ có CNHT, các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.  Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT có hiệu lực ngày 15-4-2011, được coi là văn bản pháp lý đầu tiên của ngành CNHT Việt Nam.

Mặc dù chỉ có 6 nhóm ngành được gọi tên trong chính sách khuyến khích phát triển CNHT (cơ khí - chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày và công nghệ cao), song quá trình triển khai thực hiện lại dàn trải, manh mún, thậm chí cào bằng dẫn đến phân tán nguồn lực. CNHT được xác định là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN tư nhân trong nước, nhưng đến nay đã không còn được nhiều ưu tiên, ưu đãi như DN FDI, lại không có được các cơ chế hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN FDI như các cam kết đầu tư.

Một yếu tố căn bản nữa được đánh giá là then chốt, quyết định sự phát triển thành công của CNHT là đầu tư công nghệ cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Ông Kazuhito Hagiwara (Viện Nghiên cứu Tập đoàn Mitsubishi, Nhật Bản), khi nghiên cứu thực tế về hướng phát triển CNHT của Việt Nam cho rằng, các trung tâm hỗ trợ DN của Nhật Bản tập trung hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ, còn Việt Nam lại tập trung vào hỗ trợ về hành chính như thủ tục đầu tư, hướng dẫn cách làm phom mẫu, hay hỗ trợ về mặt pháp lý…

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ khí 19-8, cho biết từ năm 2005 công ty đã đầu tư 25 tỷ đồng để sản xuất nhíp ô tô, dây chuyền khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm, có thể đáp ứng cho 10.000 xe tải các loại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Đức, cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay. Sản phẩm được xuất khẩu sang Đức, Italia, Pháp, Australia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar... nhưng lại không thể bán được cho các DN sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước, nên công ty chỉ sản xuất khoảng 6.000 tấn sản phẩm/năm và hầu hết xuất khẩu.

Nguyên nhân do từ năm 2008, theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, thuế nhập khẩu nhíp xe từ Trung Quốc về Việt Nam cắt giảm xuống còn 0%, nên nhíp xe Trung Quốc có giá rẻ hơn sản xuất tại Việt Nam 20%. Không những thế, do hầu hết các DN sản xuất lắp ráp xe tải trong nước đều nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, nên bị ép phải mua cả cụm luôn.

CNHT đang ở đâu? Đó là câu hỏi mà ngay cả những người làm chính sách cũng không dễ trả lời. Bởi nhìn vào Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến 2020 của Bộ Công Thương ngày 8-10-2014, tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng, CNHT ngành dệt may và hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, nhưng với cơ chế hỗ trợ và cách thức đầu tư như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng 4 năm nữa Việt Nam không thể đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ cung cấp trong nước từ chưa đủ 50% lên tới 65% cho ngành dệt may, từ 40-45% lên 75-80% cho ngành da giày, và càng không dễ đáp ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước cũng như có thể tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế.

Xác định sản phẩm lợi thế cạnh tranh mới hỗ trợ

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết CNHT đã phát triển từ lâu trên thế giới và đã có sự phân công rõ nét. Ngoại trừ Trung Quốc, trên thế giới hầu như không có một nước nào có thể vừa tự sản xuất ra toàn bộ nguyên liệu vừa thực hiện các công đoạn chế biến tại đất nước mình. Ngay cả những nước và vùng lãnh thổ có CNHT tốt như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, trong lĩnh vực dệt may, da giày họ cũng phát triển CNHT theo lợi thế của mỗi đất nước.

Hỗ trợ cho ngành CNHT cần xác định được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Ảnh: LONG THANH

Hỗ trợ cho ngành CNHT cần xác định được sản phẩm
có lợi thế cạnh tranh. Ảnh: LONG THANH

Có nghĩa là loại vật liệu nào, sản phẩm CNHT nào mà đất nước họ có lợi thế cạnh tranh họ tự sản xuất, còn những nguyên vật liệu khác vẫn nhập khẩu. Thí dụ, Hàn Quốc có lợi thế về nguyên liệu có nguồn gốc sợi tổng hợp, Đài Loan mạnh về ngành dệt kim... Do vậy, nếu không có được những sản phẩm với lợi thế cạnh tranh để tham gia vào sự phân công này chúng ta vẫn chưa thể phát triển được CNHT.

“Việc xác định sản phẩm nào mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để tham gia vào sự phân công toàn cầu phải là kết quả từ một quá trình nghiên cứu nghiêm túc và sau đó là một quá trình thực thi quyết liệt, chứ không thể xuất phát từ ý kiến chủ quan của một bộ, ngành nào đó. Theo tôi, đến nay chúng ta chưa hề có những nghiên cứu thực chất về các sản phẩm Việt Nam có lợi thế” - ông Thuấn phân tích.

Do vậy ông Nguyễn Đức Thuấn đề nghị Nhà nước cần tập trung vào phát triển ngành CNHT theo chuỗi giá trị những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và dung lượng thị trường đủ lớn. Cần sử dụng nguồn lực của các viện, trường  nghiên cứu sản phẩm gắn với nhu cầu thực tế của DN; xây dựng thêm các trung tâm đào tạo nghề chuyên ngành, các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm xử lý môi trường ngành da giày, túi xách.

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển CNHT” tổ chức hồi cuối năm 2016, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ xem xét phê duyệt chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025, với tổng kinh phí thực hiện gần 2.360 tỷ đồng, dành cho việc hỗ trợ DN trở thành các nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Theo dự thảo này, chương trình sẽ chia thành 2 giai đoạn hỗ trợ. Giai đoạn đầu 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện 1.232 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi gần 1.060 tỷ đồng cho các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN CNHT thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT với khoảng 1.000 DN tham gia chương trình. Giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, sẽ tiếp tục với các hoạt động hỗ trợ tương tự giai đoạn 1 với kinh phí thực hiện khoảng 1.127 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm gần 970 tỷ đồng.

Các tin khác