Tăng trưởng kinh tế bền vững: Bất cập thị trường lao động

LTS: Đối với mọi quốc gia, nguồn nhân lực luôn có vai trò hết sức quan trọng. Những quốc gia tài nguyên thiên nhiên không dồi dào thì nguồn nhân lực càng có tầm quan trọng hơn. Việt Nam thuộc những nước không có nhiều tài nguyên, do vậy nguồn nhân lực càng có vị thế vượt trội đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững. ĐTTC lược ghi bài viết của TSKH. Võ Đại Lược về vấn đề này.

LTS: Đối với mọi quốc gia, nguồn nhân lực luôn có vai trò hết sức quan trọng. Những quốc gia tài nguyên thiên nhiên không dồi dào thì nguồn nhân lực càng có tầm quan trọng hơn. Việt Nam thuộc những nước không có nhiều tài nguyên, do vậy nguồn nhân lực càng có vị thế vượt trội đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững. ĐTTC lược ghi bài viết của TSKH. Võ Đại Lược về vấn đề này.

Sử dụng nguyên khí quốc gia

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp... của mỗi cá nhân”. Theo Tổ chức Lao động quốc tế: “nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động”. 2 định nghĩa này gắn nguồn nhân lực với lực lượng tham gia lao động theo nghĩa hẹp.

Phát triển nguồn nhân lực không chỉ hướng vào thị trường trong nước, mà còn phải hướng ra thị trường quốc tế, phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực đất nước. Một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhân tài, đang được tự do dịch chuyển. Vì vậy phải giữ và thu hút lực lượng này.

Nhưng nguồn nhân lực có thể hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ dân cư của một quốc gia, không những người lao động, mà cả học sinh, sinh viên, trẻ em, người già, nghĩa là những người đang lao động, sẽ tham gia lao động và đã hết tuổi lao động.

Đây là một loại “tài nguyên đặc biệt”,  giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các nguồn lực phát triển của mọi quốc gia, là cơ sở cơ bản nhất cho sự phát triển bền vững. Nguồn nhân lực hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là lực lượng lao động mà còn là lực lượng tiêu dùng những của cải do lao động làm ra.

Phát triển nguồn nhân lực, theo quan điểm của Liên Hiệp quốc, bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng có quan điểm cho rằng phát triển nguồn nhân lực phải nhằm gia tăng giá trị vật chất, tinh thần, cả trí tuệ và tâm hồn, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức, phẩm chất và nhân cách, kể cả cơ chế chính sách của Nhà nước đảm bảo sử dụng khai thác, phân bổ, phát huy hiệu quả cao nhất nguồn nhân lực của đất nước.

Như vậy, phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào 3 nhân tố chủ yếu: người lao động phải tự rèn luyện phấn đấu gia tăng giá trị tổng thể của bản thân mình; Nhà nước phải có chính sách giáo dục đào tạo tốt, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực thị trường giữ vai trò phân bổ nguồn lực hợp lý; các doanh nghiệp đào tạo, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Trong 3 yếu tố đó, Nhà nước luôn có vai trò chủ đạo.

Nếu Nhà nước có chính sách giáo dục tốt, có các trường học đẳng cấp cao, có thể đào tạo được những nhân lực có chất lượng cao. Nhà nước có chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài hội tụ về đất nước và sử dụng họ có hiệu quả, thì đó là cơ hội lớn cho đất nước. Nhà nước có chính sách lương bổng hợp lý sẽ có tác dụng bồi dưỡng các nguồn lực cho phát triển...

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nếu Nhà nước trọng dụng được các nhân tài thì chính các nhân tài đó sẽ có cách sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động của đất nước. Do vậy, cơ chế tuyển dụng chọn những người có tài vào bộ máy quản trị quốc gia từ trung ương đến địa phương là cơ chế quan trọng nhất.

Điểm nghẽn nguồn nhân lực

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nguồn lực rất đa dạng, nhưng nói chung các nước đều xem đây là quốc sách hàng đầu theo hướng luôn luôn đổi mới chính sách giáo dục và đào tạo, chính sách thu dụng nhân tài cả trong và ngoài nước.

Tất cả đều xem trọng việc phát triển nguồn nhân lực, xem đó là quốc sách hàng đầu. Một số quốc gia đã hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho từng giai đoạn, tất cả đều chú trọng công tác giáo dục từ phổ thông, dạy nghề đến giáo dục cao đẳng, đại học. Một số quốc gia có cả chính sách đào tạo, trọng dụng, thu hút nhân tài, như lương cao, điều kiện làm việc tốt, được xem trọng và tôn vinh.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đã có nhiều đổi mới theo hướng như Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã nêu: “Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Chính sách này đang đi vào cuộc sống, nhưng chậm trễ.

Nhân tài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong dân cư của các quốc gia - vào khoảng 2-3%. Nếu số nhân tài nhỏ bé này không được trọng dụng, sẽ không có nhân tài quản lý sử dụng đông đảo những người lao động còn lại. Nông thôn Việt Nam rộng lớn, chiếm tới 70% lao động cả nước, nhưng về nông thôn không thấy nhân tài, họ tập trung về các đô thị, do vậy nông thôn không thể phát triển được.

Nguồn nhân lực ở Việt Nam có số lượng xếp vào hạng thứ 2 ở Đông Nam Á với 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm tới 58,5% tổng dân số (theo Tổng cục Thống kê năm 2011), trong đó lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 70,3%.

Trong tổng số 51,4 triệu lao động chỉ có 7,8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,4%; ở thành thị số lao động được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Đây là sự chênh lệch quá lớn, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện còn bất cập so với nhu cầu của thị trường, thể hiện ở chỗ: Có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm vì phần đông cử nhân ra trường mơ hồ về định hướng nghề nghiệp, thiếu kiến thức thực tế và kỹ năng hành nghề, yếu về khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm…

Một lý do nữa là cơ cấu nghề nghiệp đào tạo không khớp với cơ cấu nhu cầu của thị trường. Số lao động chưa được đào tạo, chưa có kỹ năng nghề nghiệp lớn, không khớp với nhu cầu lao động của thị trường, do vậy có tình trạng thiếu lao động kỹ năng, thừa lao động giản đơn.

Không chỉ chất lượng đào tạo có vấn đề, mà thị trường lao động Việt Nam còn có những điểm nghẽn rất đáng quan tâm.

Thứ nhất, lương bổng không đủ đảm bảo cuộc sống của người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong bộ máy công quyền. Mức lương trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thực tế đã không đáp ứng được các nhu cầu của gia đình họ. Do vậy họ phải tìm các nguồn thu nhập khác ngoài lương. Đây là một trong các lý do dẫn đến tệ nạn tham nhũng, làm việc không tận tâm, kém hiệu quả.

Thứ hai, tệ nạn chạy chọt, đút lót để được vào biên chế nhà nước là khá phổ biến. Tệ nạn này làm cho bộ máy công quyền ngày càng thiếu những người làm việc có năng lực.

Thứ ba, tình trạng “chạy chức chạy quyền” còn phổ biến. Tệ nạn này đã dẫn đến những hệ quả rất tiêu cực. Do phải mất tiền mới lên được chức, nên khi có chức quyền họ phải thu lại bằng rất nhiều thủ đoạn đa dạng.

Thứ tư, hệ thống giáo dục ở Việt Nam từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học đang có nhiều vấn đề phải nghiên cứu xử lý. Các trường đại học mở phân tán trên tất cả các tỉnh, thành trái nguyên tắc phát triển tập trung của giáo dục đại học.

Đổi mới giáo dục

Nguồn nhân lực Việt Nam phải được bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đánh giá theo các nguyên tắc của thị trường. Thị trường cần gì ta phải đào tạo theo để đáp ứng. Thị trường đánh giá chất lượng lao động. Việc lựa chọn, đề bạt phải có tính cạnh tranh.

Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, nguồn nhân lực Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn nhân lực của các quốc gia khác. Chính sách nhân tài phải có tính cạnh tranh cao với các quốc gia khác về các mặt đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc, giao cho họ những trọng trách xứng với tài năng…

Thị trường nhân tài là thị trường hiện đang được quốc tế hóa mạnh nhất, do vậy quốc gia nào có cơ chế chính sách tốt sẽ thu hút được nhân tài và ngược lại. Chế độ lương của Việt Nam hiện quá bất hợp lý. Vì vậy cần đổi mới chính sách tiền lương phù hợp với trình độ phát triển, có tính cạnh tranh quốc tế. Phải giảm mạnh biên chế của bộ máy công quyền, xã hội hóa các dịch vụ công có thể, giảm các doanh nghiệp nhà nước… để có thể có tiền tăng lương cho cán bộ, công nhân viên.

Bất cập nguồn nhân lực Việt Nam khi 63% số sinh viên ra trường không có việc làm vì mơ hồ về định hướng nghề nghiệp.

Bất cập nguồn nhân lực Việt Nam khi 63% số sinh viên ra trường
không có việc làm vì mơ hồ về định hướng nghề nghiệp.

Do vậy, việc cấp bách hiện nay là cần đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại và cạnh tranh quốc tế bằng việc xây dựng các trung tâm đại học ở các vùng, thay vì phân tán ở các tỉnh. Bộ Giáo dục-Đào tạo phải trực tiếp quản lý các trung tâm đại học cấp vùng, chứ không phải giao cho các tỉnh quản lý như hiện nay.

Chương trình và giáo trình phải hiện đại, cập nhật, liên kết liên thông với thế giới. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy trí sáng tạo tự chủ của học sinh thay cho cách học nhồi nhét tri thức. 

Theo tôi, cần khuyến khích các trường đại học, cao đẳng cấp quốc tế trong tốp 200 đặt chi nhánh tại Việt Nam; các trường phổ thông gắn nhiều hơn với giáo dục nghề; phải có chính sách thu hút người tài về nông thôn để phát triển nông thôn, nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn 30 năm theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực đã được Đảng và Nhà nước ta xem là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên cơ chế, chính sách cụ thể đang bất cập với quốc sách hàng đầu đó. Do vậy cần phải có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ từ tư duy, quan điểm phát triển, đến các chính sách và phương thức điều hành cụ thể thì mới có thể giải quyết được các bất cập đó.

Các tin khác