Tăng tốc đường cao tốc

Từ đầu năm 2013 đến nay, lãnh đạo Chính phủ và Bộ GT-VT liên tục có ý kiến chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường cao tốc, đặc biệt các tuyến cao tốc trọng điểm Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Thái Nguyên để bảo đảm về đích đúng hạn trong năm 2013.

Từ đầu năm 2013 đến nay, lãnh đạo Chính phủ và Bộ GT-VT liên tục có ý kiến chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường cao tốc, đặc biệt các tuyến cao tốc trọng điểm Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Thái Nguyên để bảo đảm về đích đúng hạn trong năm 2013.

Hà Nội - Lào Cai là tuyến cao tốc có chiều dài 245km và tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Dù được khởi công từ 2009, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, cả 8 gói thầu xây lắp của dự án đang chậm so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cho biết giá trị sản lượng dự án đến nay mới đạt 6.160 tỷ đồng, đạt 47% tiến độ, giá trị giải ngân được 6.615 tỷ đồng. Theo ông Francisco Javier de Bonifa, Tư vấn trưởng của dự án, một số nhà thầu vẫn còn chủ quan và chưa có sự tập trung quyết liệt dù tiến độ đã rất chậm.

"Nếu không có sự đột phá về thi công, một số gói thầu phải đến 2015 mới có thể hoàn thành" - ông Nguyễn Tuấn Anh lo lắng bày tỏ.

Làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu hôm 22-3, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ nhà thầu nào hoàn thành sau 2013.

Theo ông Trường, dù tiến độ đang chậm, tuy nhiên nếu có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tiến độ dự án hoàn toàn có thể lấy lại và hoàn thành đúng kế hoạch. Từng nhà thầu phải có chương trình hành động cụ thể về tiến độ để đáp ứng kế hoạch. Hàng tháng, Bộ GT-VT phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra và rà soát kỹ.

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần thực hiện thành công thỏa thuận cấp chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế trọng điểm bao gồm: hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.

Trong khi đó, dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng nhiều đoạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo kế hoạch, dự án này sẽ thông xe toàn tuyến vào năm 2014, riêng đoạn TPHCM - Long Thành phải hoàn thành trong năm 2013.

Tuy nhiên, đến nay đoạn từ TPHCM đến Long Thành khối lượng thi công mới được 60%. Điểm nghẽn duy nhất của dự án này là 4km đường nối đầu tuyến phía TPHCM cũng đã được khởi công cuối năm 2012.

Kiểm tra tiến độ thi công dự án, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu chủ đầu tư cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với địa phương để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, nếu có vướng mắc phát sinh, cần báo cáo ngay để có hướng tháo gỡ kịp thời. Các nhà thầu cũng cần tập trung thêm nhân lực, máy móc thiết bị hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công trong điều kiện thời tiết không mưa để đưa công trình về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dù đến nay mới đạt được 58% khối lượng thực hiện các hạng mục gói thầu, nhưng ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư), khẳng định quyết tâm sẽ thông xe toàn tuyến vào 31-12 năm nay. Riêng đoạn Thái Nguyên đến Sóc Sơn sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật vào ngày 30-5 và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến vào cuối tháng 6-2013.

Cơ sở để chủ đầu tư lạc quan là các địa phương vào cuộc quyết liệt, làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng, đã tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thành hợp đồng đã ký kết. Đối với nhà thầu, chủ đầu tư và tư vấn giám sát khẳng định các nhà thầu yếu kém không đảm bảo khối lượng công việc sẽ được báo cáo lên Bộ GT-VT để có phương án thay thế.

“Để đảm bảo dự án về đích đúng hẹn dù khá khó khăn nhưng khả năng vẫn làm được. Muốn vậy, các nhà thầu cần phải nỗ lực hơn nữa, đồng thời chất lượng dự án sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thi công, trình tự dự án” - ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc tư vấn dự án, nói.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngày 25-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Thái Nguyên không chỉ phát triển riêng cho mình và còn phải là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả vùng và cả nước.

Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm hoàn thành dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên gắn với sân bay quốc tế Nội Bài; yêu cầu Bộ GT-VT cùng với tỉnh thúc đẩy tiến độ xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, bố trí vốn tiếp tục nâng cấp dự án đường Quốc lộ 3; phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng gia tăng cao.

Các tin khác