Tăng thu ngân sách: Linh hoạt các giải pháp

Trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, chia sẻ với ĐTTC về thực trạng hụt thu ngân sách nhà nước, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng cần nới trần bội chi nhưng phải đúng thời điểm để bù vào kế hoạch chi, đồng thời tăng thu ngân sách từ các giải pháp như bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những khu đất vàng tại các thành phố, cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) lớn, từ đó có nguồn lực kích đầu tư công, tăng tổng cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, chia sẻ với ĐTTC về thực trạng hụt thu ngân sách nhà nước, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho rằng cần nới trần bội chi nhưng phải đúng thời điểm để bù vào kế hoạch chi, đồng thời tăng thu ngân sách từ các giải pháp như bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN), những khu đất vàng tại các thành phố, cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) lớn, từ đó có nguồn lực kích đầu tư công, tăng tổng cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Kích chi đúng thời điểm

PHÓNG VIÊN: - Năm nay dự báo hụt thu ngân sách 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ông đã từng có quan điểm nới trần bội chi để tăng tổng cầu, kích thích nền kinh tế. Điều này có nghịch lý?

Ông TRẦN DU LỊCH: - Khó khăn ngân sách năm 2013 là hụt thu. Lâu nay, ngân sách nước ta giữa dự toán và thực thu nhiều năm vượt đến 10-20%. Theo Luật Ngân sách, phần vượt thu đó được chi đầu tư. Do đó, khi quyết toán ngân sách, những năm trước kế hoạch chi dự kiến bao giờ cũng lớn hơn kế hoạch thu do quy định tăng thu được sử dụng để chi đầu tư. Năm nay do tình hình khó khăn, dự kiến không tăng được nguồn để chi mà còn hụt ngân sách.

Kích chi phải đi trước một bước để tạo điều kiện tăng tín dụng không có gì mâu thuẫn. Trong mối quan hệ giữa công cụ tiền tệ tín dụng và đầu tư công, bản chất 2 vấn đề gắn với nhau. Khi bên này chưa tăng bên kia nở ra một chút, khi bên này nới được bên kia thắt một chút, để làm sao tổng đầu tư xã hội của nền kinh tế đạt mức 29-30% GDP sẽ không gây lạm phát.

Do vậy, nếu không tăng phần nới trần bội chi (hiện nay mức trần Quốc hội quyết định là 4,8% GDP) sẽ không có nguồn để bù vào kế hoạch chi, nhất là chi đầu tư các dự án. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, tôi đã nêu quan điểm về việc có thể sử dụng công cụ ngân sách để kích thích tăng tổng cầu nền kinh tế. Theo đó, để đạt mức tổng đầu tư xã hội như Nghị quyết Quốc hội đề ra khoảng 29-30% GDP khi phần tín dụng không tăng được, cần tăng kênh đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, cần nói rõ rằng đây chỉ là biện pháp nhất thời trong lúc nền kinh tế chưa thể hấp thụ được tín dụng do thị trường, nợ xấu và nhiều nguyên nhân khác. Hoặc tạm gọi là một cú hích nhất thời để kích thị trường. Bởi khi thị trường được kích lên, dòng đầu tư công đó tác động, lan tỏa, làm chu chuyển nền kinh tế tăng lên, từ đó tạo điều kiện hấp thụ tín dụng tốt hơn. Khi nền kinh tế hấp thụ được tín dụng tốt hơn, đầu tư công sẽ giảm để đến hết năm 2015 đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra là vẫn giữ an toàn ở mức 65% GDP.

Có nghĩa chúng ta đi sớm một bước về tăng bội chi và sẽ rút lại trong thời gian sau, khi tín dụng tăng lên. Nếu bình thường chúng ta đi theo lộ trình được định trước, nhưng do điều kiện kinh tế đòi hỏi chi phải đi trước một bước để tạo điều kiện tăng tín dụng, khi tín dụng tăng rồi chi thu hẹp lại trong khoảng Quốc hội cho phép, không phải phá trần 65% GDP mà Quốc hội đã thông qua. Vấn đề này lẽ ra chúng ta phải làm sớm, nhưng đến giờ vẫn còn tiếp tục bàn.

Tôi đưa ra ý kiến về vấn đề này từ tháng 5, do thời điểm giữa năm khả năng tăng tín dụng rất khó và thực tế cho đến nay vẫn còn khó khăn. Cụ thể, chỉ còn 3 tháng nữa hết năm 2013 nhưng tín dụng tại TPHCM chỉ tăng 5,21%. Như vậy không thể đạt kế hoạch 12% cho nền kinh tế. Do đó, vai trò của Nhà nước là phải kích chi, tức chi phải đưa ra đúng lúc, nếu chậm thực hiện (thí dụ để qua năm 2014), khi tín dụng có thể tăng được, chi tăng sẽ kích lạm phát.

Cân nhắc các biện pháp tăng thu

- Mới đây, có chuyên gia đề ra các biện pháp tăng thu ngân sách gồm bán cổ phần DNNN lớn, bán những khu đất vàng tại các thành phố, cổ phần hóa TĐ, TCT lớn để thu hồi vốn; thu thuế đặc biệt đối với kinh doanh vàng... Theo ông, những giải pháp này có khả thi?

- Vấn đề này tôi đã đề xuất tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Hiện nay, Nhà nước còn nhiều nguồn lực để sử dụng vào đầu tư, trong đó có phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, đối với những DNNN lớn Nhà nước không cần nắm giữ vốn như Vinamilk, Bia Sài Gòn và nhiều đơn vị thuộc ngành nghề mà Nhà nước đã xác định không thể đầu tư kinh doanh, có thể thoái vốn để thu hàng trăm ngàn tỷ đồng ngay để đầu tư các công trình hạ tầng, bù thâm hụt vốn đầu tư ngân sách. Tuy nhiên, đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình chung vì có quan điểm sợ làm mất vốn của Nhà nước.

Cầu Sài Gòn 2 vừa được đưa vào sử dụng.

Cầu Sài Gòn 2 vừa được đưa vào sử dụng.

Dù vậy, tôi vẫn kiên trì đề xuất này vì Nhà nước vẫn còn nhiều nguồn lực chứ không phải hết nguồn lực. Sử dụng hiệu quả nguồn lực này chúng ta có thể kích được đầu tư, giảm gánh nặng vay nợ cho Chính phủ.

Những nguồn đó có thể đầu tư giải quyết quá tải ở các bệnh viện, cho các công trình hạ tầng giao thông huyết mạch, các công trình có khả năng kích thích đối với các thành phần kinh tế khác, chẳng hạn đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Đó chính là sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và sự đầu tư này vẫn nằm trong khu vực kinh tế nhà nước, chỉ thay đổi trạng thái sử dụng, không làm mất gì cả.

Về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh vàng, chứng khoán, theo tôi cần cân nhắc kỹ. Bởi vàng miếng của người dân là tài sản cất trữ, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh vàng, có nghĩa đánh thuế vào tài sản, trong khi nhiều loại tài sản khác chưa bàn vấn đề đánh thuế.

Hơn nữa, đối với hoạt động kinh doanh vàng nữ trang, chỉ một bộ phận nhỏ sử dụng nữ trang cao cấp, còn nữ trang bình thường người dân dùng cho việc cưới hỏi, sinh hoạt là nhu cầu chính đáng. Vì thế, đánh thuế hay không phải cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh kinh doanh vàng nữ trang đang gặp khó khăn.

Về vấn đề cổ phần hóa, tôi cho rằng nên thực hiện ở dạng TCT, công ty mẹ, không nên làm ở các nhánh, vì khi cổ phần hóa công ty mẹ, Nhà nước mới thu được số tiền lớn. Còn hiện nay cổ phần hóa các công ty con, TCT lấy cổ phần về, thu tiền, Nhà nước không thu được gì cả.

Minh bạch, tái cơ cấu hiệu quả

- Theo Thanh tra Chính phủ, TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả. Trong khi đó, TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết nếu thực hiện tái cơ cấu sẽ có khoảng 40.000-50.000 lao động dôi dư. Ông nhận định như thế nào về những trường hợp này và làm sao để tái cơ cấu hiệu quả các đơn vị này?

Có thể cổ phần hóa theo 2 cách: Thứ nhất, thuê các công ty tư vấn độc lập định giá TCT, sau đó thương lượng bán cho các cổ đông, đối tác chiến lược. Thứ hai, khi định giá xong đưa ra đấu giá một gói lớn, những người tham gia sẽ được gia nhập quản trị. Khi cổ phần hóa TCT, đương nhiên công ty con không phải bàn đến nữa vì nằm trong vốn tài sản công ty mẹ. Làm theo 2 cách này Nhà nước sẽ có nguồn vốn lớn để giải quyết bài toán hạ tầng và dùng vốn đó đối ứng cho hình thức PPP.

- Cách đây nhiều năm, tôi có yêu cầu các TĐ, TCT nhà nước, nhất là TĐ lớn phải minh bạch toàn bộ về hoạt động, giống như công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là doanh nghiệp sở hữu toàn dân nên phải minh bạch.

Đối với EVN, tôi đồng tình quan điểm cần đưa dần giá điện sát với chi phí và Nhà nước không bao cấp cho điện kinh doanh, chỉ bao cấp cho người dân sử dụng điện dưới 100kW/h/hộ gia đình trong 1 tháng. Số này chiếm khoảng 20% tổng lượng điện sử dụng, 80% còn lại cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh đều phải tính đúng giá.

Nhưng để làm được điều này, đầu tiên phải minh bạch toàn bộ hoạt động kinh doanh, chi phí, để thấy giá thành EVN đưa ra là hợp lý, đừng để cãi nhau là làm villa, sân tennis rồi bắt người dân trả tiền qua giá điện. Vấn đề cấp thiết đặt ra không phải để thanh tra tất cả TĐ, TCT, mà phải minh bạch toàn bộ để ai cũng có thể xem xét.

Về trường hợp của TKV, thực tế không chỉ TĐ này mà ngành bưu điện hay một số ngành sử dụng lao động nhiều cũng phải xử lý vấn đề lao động dôi dư. Đây là vấn đề lớn trong quá trình sắp xếp lại DNNN mà nhiều nước đã gặp phải, nhất là ở những nước đẩy mạnh tư nhân hóa.

Ở nước ta, quỹ sắp xếp DNNN đã có một khoản tiền để giải quyết lao động dôi dư. Có 2 hướng giải quyết lượng lao động này. Một, những người còn có điều kiện thì đào tạo nghề để họ chuyển đổi, tìm cơ hội khác. Hai, trợ cấp để họ tìm cơ hội chuyển đổi.

Trong trường hợp TKV, tái cấu trúc lao động dôi dư là bài toán tổng thể cần đưa vào đề án tái cấu trúc và dùng nguồn nào để xử lý, TKV phải tính toán. Bởi vấn đề dôi dư lao động trong quá trình sắp xếp DNNN không phải mới và nhiều nơi đã làm. Với TKV, số lượng lao động dôi dư quá lớn nên phải nâng thành chủ trương để xử lý.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác