Tản mạn khoa học về ký ức

(ĐTTCO) - 1. Như con người, những thành phố có tuổi đời lâu dài đều có lịch sử hình thành và phát triển. Lịch sử của một thành phố hiện diện ở các công trình kiến trúc, trong các bảo tàng và trong mỗi gia đình. Nhưng không chỉ như vậy, nó còn đọng lại trong tâm tưởng của con người, được chắt lọc trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những ký ức nhân quần. Thật chí lý khi nói một thành phố không có các di tích sẽ “giống như khuôn mặt người không có nếp nhăn” và “như con người không ký ức”, tức giống các manơcanh trưng bày trong các tủ kính, không suy tư, không ký ức và không nếp nhăn.

(ĐTTCO) - 1. Như con người, những thành phố có tuổi đời lâu dài đều có lịch sử hình thành và phát triển. Lịch sử của một thành phố hiện diện ở các công trình kiến trúc, trong các bảo tàng và trong mỗi gia đình. Nhưng không chỉ như vậy, nó còn đọng lại trong tâm tưởng của con người, được chắt lọc trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những ký ức nhân quần.

Thật chí lý khi nói một thành phố không có các di tích sẽ “giống như khuôn mặt người không có nếp nhăn” và “như con người không ký ức”, tức giống các manơcanh trưng bày trong các tủ kính, không suy tư, không ký ức và không nếp nhăn.

Ký ức về một thành phố sống ở trong mỗi con người, trong mỗi gia đình, trong các đồ vật và trong cả những viên gạch lát đường phố. Nhưng đời người là hữu hạn, khi người ta ra đi những ký ức mất theo. Gia đình chỉ là một nhóm xã hội bé nhỏ, khi họ di cư những kỷ vật sẽ thất thoát, chưa kể những biến cố khôn lường cho một thành phố như động đất, sóng thần, chiến tranh, cũng như rủi ro cho mỗi gia đình như hỏa hoạn, phá sản. Để giữ những cái khi lúc thường thấy “chả đáng gì” khi cần thì “quý hơn vàng”, ở bất cứ thành phố nào cùng lúc tồn tại hai lực lượng: chính thức và phi chính thức.

Trên thế giới, khi muốn tìm hiểu thông tin về một thành phố nào đó thật khoa học và chính xác với độ tin cậy cao người ta thường tìm đến các tổ chức chính thức là các viện, trung tâm nghiên cứu do Nhà nước lập ra. Nơi đó tập hợp các giáo  sư, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu chuyên nghiên cứu, lưu giữ về lịch sử con người vùng đất đó.

Nó là một khoa học về thành phố, nhưng tên gọi của khoa học này chỉ có nghĩa khi gắn với một địa danh, chẳng ai gọi nó là thành phố học hay đô thị học cả, bởi thành phố học hay đô thị học là khoa học cơ bản hàn lâm, còn khoa học về ký ức bao giờ cũng gắn với một vùng đất cụ thế tựa như khu vực học, chẳng hạn Thượng Hải học, Seoul học, Bangkok học, Penang học.

Ở Việt Nam cho đến nay mới chỉ có một đơn vị chính thức Nhà nước lập ra là Viện Hà Nội học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2012.

Nhưng lịch sử của thành phố nào cũng ghi nhận có một lực lượng khác đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc lưu giữ ký ức cho nó. Đó là lực lượng phi chính thức. Họ có thể là các trí thức, nhà giáo, doanh nghiệp, nhưng cũng có khi chỉ là một nữ tu hành, một sinh viên, cái chính là họ yêu thành phố đó và thực hiệc các nghiên cứu về nơi mình yêu dấu, dưới nhiều hình thức khác nhau và tất nhiên với tinh thần tự nguyện, bất vụ lợi.

Những góc phố, những mái nhà, những hình ảnh, những câu chuyện về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi còn lại cho đến hôm nay và lưu trữ cho mai sau chính là nhờ phần lớn vào những nhà Hà Nội học âm thầm nhặt nhạnh, kiên trì chọn lọc và lặng lẽ cất giữ.

Trong số đó phải kể đến những nhà học giả như Hoàng Đạo Thúy, Bùi Xuân Phái, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Nguyễn Vinh Phúc, thế hệ sau như Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Quốc Thông, Nguyễn Quang Ngọc... Nhiều thành phố của Việt Nam cũng có những nhóm chỉ chuyên tâm nghiên cứu về thành phố của mình, có nhóm hình thành rất lâu đã có truyền thống và tiếng tăm như Huế học với những học giả như Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Đỗ Bang…

 2. Ở Sài Gòn - TPHCM, cho đến nay chưa có tổ chức hàn lâm chính thức nào kiểu như Sài Gòn học được thành lập, cho dù đã có rất nhiều cố gắng của các cá nhân và nhóm những người yêu Sài Gòn. Cách nay chừng 10 năm một nhóm các trí thức như Lê Hoàng, Phúc Tiến, Nguyễn Minh Hòa, Nguyễn Thế Thanh, Phan Chánh Dưỡng, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Thị Hậu… xúc tiến thành lập nên Sài Gòn học nhưng bất thành, vì khi đó cơ quan có trách nhiệm hỏi sao lại chỉ là Sài Gòn học mà thiếu đi vế sau: TPHCM. Dù vậy, nhóm cũng cố duy trì được hoạt động của Câu lạc bộ “Sài Gòn đẹp” được chừng hơn 2 năm qua các buổi triển lãm tranh, ảnh, diễn thuyết, tọa đàm, đã thu hút được đông đảo người quan tâm.

Cũng như ở Thăng Long - Hà Nội, nguồn lực nghiên cứu về vùng đất này có những lúc âm ỉ, có những thời mạnh mẽ tuôn trào, nhưng chưa bao giờ đứt gẫy, cho dù có những giai đoạn đời sống vô cùng khó khăn thiếu cả cơm ăn, áo mặc, phải bán cả đồ đạc trong nhà để độ nhật nhưng dường như người Sài Gòn chưa bao giờ từ bỏ việc lưu giữ ký ức.

Rất có thể Trịnh Hoài Đức được coi là nhà Sài Gòn học đầu tiên với tác phẩm “Gia Định Thành thông chí”, một tác phẩm đầu tiên có lớp lang, bài bản về Sài Gòn. Những bậc tiền bối được xã hội mặc nhiên coi là các nhà Sài Gòn học như Vương Hồng Sển, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Mạc Đường…

Nhóm những người trẻ hơn nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực hẹp sau này chia ra làm hai nhóm, một nhóm hàn lâm ở trong các trường đại học, viện nghiên cứu như Phan An, Nguyễn Thị Yến Tuyết, Lê Trung Hoa, Lê Quang Ninh, Huỳnh Ngọc Trảng…; một nhóm khác nghiên cứu tự do nhưng rất thành công như Cao Tự Thanh, Nguyễn Đình Tư… 

3. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, có một hiện tượng khá lạ là những sách viết về Sài Gòn nhiều vô kể, có thể lên đến hàng trăm đầu sách. Có thể nói chưa khi nào sách viết về Sài Gòn lại được xuất bản nhiều như hiện nay. Từ khi đường sách Nguyễn Văn Bình ra đời hầu như ngày thứ 7, chủ nhật nào cũng có giới thiệu sách về Sài Gòn.

Tôi đã cất công sưu tầm, tìm đọc và thống kê nhưng không xuể. Những tác giả nghiên cứu theo kiểu hàn lâm vẫn còn nhưng có xu hướng giảm, có thể kể đến như Trần Hữu Quang, Nguyễn Thanh Lợi…, nhưng cũng có một xu hướng phi hàn lâm nổi lên rất mạnh mẽ. Họ đa phần là người trẻ, có xu hướng làm cho những đứa con tinh thần của mình gần gũi với cuộc sống bình dân hơn, họ vẫn sử dụng những bức ảnh, những con số, những sự kiện nhưng nó được làm mềm hóa đi.

Đọc họ chúng ta thấy được sự dâng đầy của cảm xúc cá nhân, thấy chân dung Sài Gòn qua hình ảnh của cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hiểu tiến trình hình thành và phát triển lịch sử của một thành phố qua những cái rất đỗi dung dị như một đoạn vỉa hè, một quán chè mè đen, một cái xe hủ tíu và một số phận con người. Họ gọi tác phẩm của mình là tạp văn, ký sự, lượm lặt dông dài, kể cả việc chả xác định cho nó là thể loại gì.

Nhưng chính những điều tưởng chừng rất vụn vặt đó làm cho chúng ta thấy Sài Gòn gần gũi, dung dị hơn và thật thân thương. Nếu các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu khi nói về các công trình kiến trúc bao giờ cũng bằng những con số định lượng như năm tháng, chiều cao, quy mô thì các nhà tạp văn lại viết về chúng với những cung bậc xúc cảm hồn nhiên đến mức hình như nó cao hơn và lộng lẫy hơn nó vốn có.

Đặc biệt khi viết về tính cách cởi mở, nhân hậu, độ lượng, hào phóng và tự do của người Sài Gòn, quả thật không ai viết hay hơn họ. Chính họ đã vẽ nên chân dung đẹp đẽ của người Sài Gòn với các chiều kích khác nhau mà các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không làm được.

Các tin khác