Tâm - Tài - Tín & người thầy thuốc ưu tú

Báo chí có những cách nói hình tượng về TS. Phạm Thị Việt Nga (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (DHG): “Nữ tướng Tây Đô”, “Bông hồng Tây Đô”, nhưng với người dân miền Tây, chị là người giản dị, hòa đồng và nhân ái. Đó là một doanh nhân cầu thị, luôn cố gắng học hỏi, vận dụng sáng tạo kiến thức vào quản lý kinh doanh, làm nên thương hiệu DHG.

Báo chí có những cách nói hình tượng về TS. Phạm Thị Việt Nga (ảnh), Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (DHG): “Nữ tướng Tây Đô”, “Bông hồng Tây Đô”, nhưng với người dân miền Tây, chị là người giản dị, hòa đồng và nhân ái. Đó là một doanh nhân cầu thị, luôn cố gắng học hỏi, vận dụng sáng tạo kiến thức vào quản lý kinh doanh, làm nên thương hiệu DHG.

 Hết lòng vì cộng đồng

Mở lại quyển sổ tay phóng viên của mình đã ghi chép cách nay 3 năm, tôi thú vị khi tìm được mạch viết câu chuyện. Ngày 7-12-2008, Tổng giám đốc DHG Phạm Thị Việt Nga cho biết: “Hôm nay DHG đón một nhân viên mới khá đặc biệt, đó là Lê Tấn Quân, 18 tuổi, trình độ học vấn lớp 5. Quân là một trong nhiều người được DHG hỗ trợ tạo việc làm sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007; con đầu lòng của anh Lê Tấn Thành - thợ cưa đã dũng cảm cứu người khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng này. Cảm kích với hành động xả thân của anh Thành, DHG nhận con của anh vào làm”.

Còn nhớ, ngay sau khi sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, hình ảnh những CBCNV DHG với đồng phục áo xanh nối nhau xếp hàng tình nguyện hiến máu để cứu các công nhân gặp nạn đã làm lay động lòng người.

“Lấy lợi ích cộng đồng khởi sự cho mọi hoạt động” - điều tâm niệm của Tổng giám đốc DHG Phạm Thị Việt Nga đã trở thành kim chỉ nam của DHG trong nhiều năm qua.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện khác cách nay nhiều năm. Chị V. công tác tại Sở Thương mại Cần Thơ có người con bị tai nạn, bệnh viện thiếu máu nhóm AB để cấp cứu. Khi hay tin, chị Nga hỏi xem có CBCNV nào cùng nhóm máu để cứu người.

Một số CBCNV DHG cùng nhóm máu đã tình nguyện đến ngay bệnh viện kịp hiến máu cứu được một sinh mạng. Sau này, khi con chị V. lập gia đình, vẫn không quên trân trọng mời những ân nhân ở DHG. Từ câu chuyện kịp thời cứu nguy cho con chị V., chị Nga xốn xang khi nghĩ đến tình cảnh những bệnh nhân nguy cấp nhưng bệnh viện không có máu để ứng cứu.

Chị Nga đem chuyện này ra bàn tại công ty về việc thành lập một “ngân hàng máu sống” và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Hơn 500 CBCNV DHG đăng ký tham gia sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào bệnh viện có yêu cầu. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, CBCNV DHG đã hiến hơn 600 đơn vị máu cứu người gặp nạn.

Chị Nga chân tình chia sẻ: “Ngân hàng máu sống là một trong nhiều hoạt động xã hội - từ thiện tạo nên văn hóa DHG”.

Tinh thần hết lòng vì cộng đồng có nền móng rất vững từ những lớp người trưởng thành trong kháng chiến, lèo lái con thuyền DHG. Thế hệ đi trước là những điển hình sinh động để thế hệ sau tiếp nối truyền thống. Mọi người cảm nhận được chị Nga là người tham gia hoạt động cộng đồng và làm từ thiện xuất phát từ cái tâm. Những mùa bão lũ, chị đều tổ chức đoàn xã hội - từ thiện, thầm lặng đến tận nơi giúp đỡ, sẻ chia với nhiều gia đình khó khăn.

Hồi rừng U Minh Thượng cháy khốc liệt vào mùa khô năm 2002, nhiều nhân viên DHG tất tả tải mì gói vào rừng lo bữa ăn dã chiến cho lực lượng cứu hộ. Khi ăn mì gói, cảm kích về lòng chân thành của chị Nga, ai đó đã nói: “Trong kháng chiến chị Nga trưởng thành ở U Minh Hạ, giờ là doanh nhân quay ra chi viện cho U Minh Thượng”.

Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, cô gái 18 tuổi Phạm Thị Việt Nga vác ba lô từ thành phố Cần Thơ vượt qua bom đạn để vào vùng cách mạng, gia nhập ngành y tế Tây Nam bộ. Sau đó vào trường để học dược sĩ trung học, trưởng thành trong chiến tranh và đến hôm nay đã trở thành dược sĩ, tiến sĩ kinh tế…

Tôi hiểu được tâm trạng của Tổng giám đốc DHG Phạm Thị Việt Nga khi phát biểu nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vào đầu năm 2010: “Tôi rất hạnh phúc! Tôi đã được phong Anh hùng Lao động, Doanh nhân tiêu biểu…, được khen tặng nhiều huy hiệu, huy chương. Nhưng hôm nay tôi rất bồi hồi và xúc động khi nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Tôi xin được nói lời tri ân bằng tất cả tấm chân tình và hứa sẽ làm tất cả để phục vụ cho ngành y tế, cho sức khỏe người dân. Đến bây giờ dù đã làm được nhiều việc, tôi vẫn tâm niệm phải làm tròn trách nhiệm phục vụ sức khỏe người dân. Trên thương trường vẫn phải giữ được bản chất của người thầy thuốc được đào tạo trong kháng chiến”.

Gần 10 năm trước, chị Nga đã mạnh dạn kiến nghị Sở Y tế Cần Thơ cho lập đội bác sĩ tình nguyện để khám, phát thuốc miễn phí cho người dân ở vùng nông thôn khó khăn. Chị cũng đề xuất với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ thực hiện chương trình khoa giáo “Thầy thuốc với mọi nhà”.

Chị Nga kể: “Xem chương trình nhịp cầu nhà nông trên đài, tôi thấy cây cỏ còn được quan tâm đến sức khỏe, thì sao con người lại không. Do vậy tôi nghĩ đến việc mời bác sĩ tư vấn cho người dân ĐBSCL về sức khỏe”. Giờ đây vài doanh nghiệp thực hiện phương thức này chỉ nhằm làm PR - quảng cáo, nhưng với DHG đây là một hoạt động xã hội đã trở thành truyền thống, văn hóa công ty. DHG đã kết nối và phối hợp các bác sĩ tình nguyện, bệnh viện ở nhiều địa phương để thực hiện.

Chỉ từ năm 2009 đến nay, đội bác sĩ tình nguyện của DHG đã đi khám bệnh, phát thuốc cho gần 150.000 lượt người dân vùng sâu, vùng xa khắp các tỉnh - thành trong cả nước.

Tự tin trong thế khó

- Năm 2011 kinh tế Việt Nam cũng như thế giới suy giảm, DHG có gặp nhiều thử thách?

Tổng giám đốc DHG Phạm Thị Việt Nga phân tích:

- Cũng giống năm 2008, lãi suất ngân hàng trượt liên tục. Nhưng năm 2008 vẫn bán được hàng, năm nay khó hơn. Thuốc khó tăng giá nên không ai gom hàng giữ làm gì! Tích trữ vàng chứ ai tích trữ thuốc. Đó cũng là khó khăn chung của ngành. Giá cổ phiếu thay đổi nhiều. Nói như ông bà mình, “lớn thuyền, lớn sóng”, với hơn 2.000 CBCNV, DHG phải nặng gánh lo lương, cơm, áo, gạo, tiền…

- Chị vừa nói giá cổ phiều thay đổi liên tục, vậy lúc này DHG làm gì để trấn an nhà đầu tư?

- Không phải trấn an nhà đầu tư. Vì đa số nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư cổ phiếu DHG không ai nghĩ để “lướt sóng”. Tôi có thể khẳng định với nhà đầu tư, DHG phát triển một cách bền vững gắn với chiến lược hẳn hoi.

CBCNV CTCP Dược Hậu Giang xếp thành hình trái tim hưởng ứng cuộc đi bộ vì bệnh nhân nghèo.

CBCNV CTCP Dược Hậu Giang xếp thành hình trái tim hưởng ứng cuộc đi bộ vì bệnh nhân nghèo.

Chị đưa cho tôi xem bản phác thảo chiến lược năm 2012, trong đó tiếp tục có những bứt phá về sản phẩm, thị trường để tăng doanh số và hiệu quả kinh doanh. Chị nói:  "Đây chính là lúc đầu tư cho khoa học kỹ thuật, thiết bị để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Dồn lực cho công tác nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật mới. Đặc biệt là liên kết với các viện, trường… bằng cách mua đề tài nghiên cứu để rút ngắn thời gian cho ra đời sản phẩm mới, tính cạnh tranh cao. Một số sản phẩm mới của DHG đã ra đời từ sự liên kết này".

Thực tế doanh thu của DHG liên tục tăng đều và mạnh qua các năm: Năm 2004 là 421 tỷ đồng, năm 2007: 1.269 tỷ, năm 2009: 1.746 tỷ, năm 2010: 2.034 tỷ. Năm nay dù kinh tế khó khăn, DHG vẫn đặt ra chỉ tiêu đầy thách thức: doanh thu 2.600 tỷ đồng; kết quả qua 9 tháng đã đạt 75%.

Chị tươi cười cho biết: “Tôi tin rằng sẽ đạt được chỉ tiêu năm 2011. DHG may mắn có khoản tiền tích lũy chuẩn bị xây dựng nhà máy mới mà chưa xây, nên chuyển sang xoay xở trong bối cảnh khó khăn. DHG có thuận lợi là không vay ngân hàng, thậm chí còn gửi tiền ở ngân hàng”.

Kết nối đại gia đình DHG

Tâm - Tài - Tín & người thầy thuốc ưu tú ảnh 3Bí quyết thành công của tôi là đặt chữ tâm lên hàng đầu và phải lãnh đạo bằng cái tâm. Nhưng nếu chỉ có cái tâm, hiền, tốt…, nhiều khi làm cho tập thể đơn vị bị đè nặng tâm lý cam chịu sống khổ. Cần phải có tài, tạo ra được sự đột phá để phát triển. Phải học và biết vận dụng sáng tạo để có thể dẫn dắt doanh nghiệp. Giữ chữ tín với đối tác là lẽ đương nhiên, tín với CBCNV càng quan trọng, đã hứa là phải làm, làm không được phải giải thích.Tâm - Tài - Tín & người thầy thuốc ưu tú ảnh 4

Bà PHẠM THỊ VIỆT NGA,
Tổng giám đốc Dược Hậu Giang

Tổng giám đốc Phạm Thị Việt Nga nói một cách đơn giản để lý giải về việc quyết chí học: “Tức, vì mình làm giám đốc mà không đọc được bảng cân đối kế toán, vậy làm sao dám ký”. Sau 1975, chị học dược sĩ, lẽ ra đã có thể hài lòng với bằng cấp đã có, nhưng khi nhận nhiệm vụ về DHG, chị Nga biết quản lý kinh tế là điểm yếu của mình.

Từ đó, chị quyết tâm học thêm bằng đại học, thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế. Có một chuyện lạ, dù đã có bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ, nhưng chị vẫn quay lại học tiếp thạc sĩ kinh tế quản trị kinh doanh. Đó là vào năm 2007, sau khi đọc quyển sách “Thị trường, chiến lược, cơ cấu” của thầy Tôn Thất Nguyễn Thiêm, thấy quá hay, chị tìm đến xin dự lớp đào tạo thạc sĩ kinh tế quản trị kinh doanh chuyên về chiến lược doanh nghiệp, do Tập đoàn UBI của Bỉ mở tại TPHCM.

Thấy chị đã có bằng tiến sĩ mà vẫn chịu khó học lớp này, các học viên cùng lớp đang công tác ở May An Phước, Dệt Thái Tuấn, Phân bón Bình Điền… và cả thầy Tôn Thất Nguyễn Thiêm cũng ngạc nhiên. Kết thúc khóa học, chị Phạm Thị Việt Nga là người duy nhất đạt hạng xuất sắc và được cử phát biểu tại lễ tốt nghiệp.

Chị chỉ nói một cách đơn giản: “Mỗi ngày trôi qua, kinh tế có những mô hình phát triển khác, nên vẫn cứ phải học. Những kiến thức kinh tế đã bổ trợ cho tôi rất nhiều khi xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản”. Việc chị Nga chuyên cần nâng cao kiến thức và trình độ đã động viên nhiều cán bộ DHG tham gia học trên đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa căn cơ tại DHG.

“Chơi hết sức, làm hết mình. Nên sống thật với mọi người” - đó là câu chị Phạm Thị Việt Nga thường nói khi tham gia các hoạt động xã hội, giải trí với Đoàn Thanh niên DHG. Với phong cách như vậy, chị thu phục lòng người. Để lãnh đạo một doanh nghiệp có đến hàng ngàn CBCNV, chị thực hiện nguyên tắc quản lý “20-80”: cấp trên quản lý 20% cán bộ chủ chốt và cứ với mô hình đó đến cấp cơ sở.

Để hiểu được những lo lắng, trăn trở của các CBCNV và phát hiện nhân tài, chị tổ chức cuộc thi hàng năm “Nếu tôi làm Tổng giám đốc DHG”. “Đó là dịp để lắng nghe mọi người ở DHG nói. Qua đó sẽ nắm bắt được tâm tư của anh em.

Có nhân viên đã viết: “Nếu làm tổng giám đốc, tui sẽ cất nhà trẻ cho CBCNV, vì hiện nay vợ chồng tui đi làm, con không ai giữ”. Khi đọc điều này, mình hiểu mọi người đang cần nhà trẻ. Và DHG đã xây dựng nhà trẻ” - chị Nga kể.

Hơn 20 năm lãnh đạo DHG, giờ đây chị Nga cảm thấy thực sự an lòng vì đời sống của các CBCNV được cải thiện, đa số có nhà cửa ổn định. Con em CBCNV ở DHG được tham gia khóa học kỳ quân đội mùa hè, đậu đại học được nhận quà, thư động viên từ Ban giám đốc… đó là sợi dây đỏ kết nối đại gia đình DHG. 

Các tin khác