Tầm cao quan hệ Việt-Pháp

(ĐTTCO) - 2016 là một năm đáng nhớ trong quan hệ Pháp - Việt Nam với chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông EMMANUEL LY-BATALLAN, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM, về mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa 2 nước và những cảm nhận về đất nước Việt Nam.

(ĐTTCO) - 2016 là một năm đáng nhớ trong quan hệ Pháp - Việt Nam với chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông EMMANUEL LY-BATALLAN, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM, về mối quan hệ hợp tác, đầu tư giữa 2 nước và những cảm nhận về đất nước Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong thời gian qua?

Nhân dịp năm mới 2017 và Tết cổ truyền Việt Nam, thay mặt Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM, tôi xin chúc độc giả báo Đầu tư Tài chính năm mới Đinh Dậu tốt lành, mọi điều như ý, thành công và an khang. Đối với cá nhân tôi, đây là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng lãnh sự tại TPHCM, nên tôi sẽ cố gắng để tiếp tục khám phá các tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Nam mà tôi chưa được biết tới.

Ông EMMANUEL LY-BATALLAN: - Chúng tôi rất vui mừng vì chuyến thăm của Tổng thống Hollande đã thành công tốt đẹp. Trước đó, chuyến thăm gần nhất của một Tổng thống Pháp tại Việt Nam là ông Jacques Chirac năm 2004 và vào năm 2009, Thủ tướng Pháp lúc đó là ông François Fillon cũng đã tới thăm Việt Nam.

Thông qua việc tới Hà Nội và TPHCM, ông François Hollande muốn khẳng định nước Pháp không chỉ chú trọng phát triển quan hệ ngoại giao, chính trị và văn hóa - vốn là chìa khóa của tình hữu nghị lâu đời và bền vững giữa 2 nước - mà còn rất quan tâm tới hợp tác kinh tế. Đặc biệt khi các doanh nghiệp Pháp đang ngày càng nhận thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam: chất lượng lao động được nâng cao và những triển vọng mới đang mở ra với việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Năm 2016, ưu tiên của Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp là khí hậu và bảo vệ môi trường. Sau thành công của Hội nghị COP 21 và việc nhiều quốc gia đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris, trong đó có Việt Nam vào tháng 11-2016, chúng tôi hy vọng sẽ chú trọng phát triển các quan hệ đối tác về phát triển bền vững giữa 2 nước, vì mục đích duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và xanh hơn.

Đây là mảng quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Pháp. Quan hệ gắn bó giữa 2 nước còn được minh chứng qua việc Viện Nghiên cứu phát triển Pháp, Cơ quan phát triển Pháp và Viện Viễn đông bác cổ đã và đang làm việc trong lĩnh vực này tại khu vực châu thổ sông Đồng Nai, ĐBSCL hoặc khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Thêm vào đó, chúng ta còn có khuôn khổ pháp lý rất thuận lợi với việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt vào tháng 9-2013. Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực tới đây cũng sẽ cho phép hàng hóa lưu thông giữa 2 nước thuận lợi và dễ dàng hơn.

- Các nhà đầu tư của Pháp mong muốn đầu tư gì vào Việt Nam, thưa ông?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande. Ảnh: LÃ ANH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến
Tổng thống Cộng hòa Pháp  François Hollande. Ảnh: LÃ ANH

- Trước hết, điều nhà đầu tư tìm kiếm là những dự án khả thi và lâu dài. Vì vậy họ cần có môi trường pháp lý và chính sách thuế ổn định. Khi dự án hoạt động thuận lợi, họ hoàn toàn có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của nước sở tại. Có thể kể tới trường hợp thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp vừa qua giữa 3 doanh nghiệp Pháp (Neovia, Grimaud Frères và Le Boucher) với Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhằm hướng đến hình thành chuỗi chăn nuôi heo sạch tại ĐBSCL.

Nhận thấy Việt Nam cần kinh nghiệm và kỹ thuật xoay quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, 3 doanh nghiệp trên đã đề xuất giải pháp và đi đến việc thực hiện dự án cụ thể trong sự hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất Việt Nam.

- Thế mạnh nào của Việt Nam được các nhà đầu tư Pháp đánh giá cao? Những điểm nào Việt Nam cần khắc phục để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Pháp, thưa ông?

- Tuổi trẻ và sự năng động của người Việt Nam là động lực thu hút các nhà đầu tư Pháp. Tôi xin lấy thí dụ, các nhà phát triển phần mềm và kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp có trình độ cao và rất sáng tạo.

Vì thế, khi đến TPHCM, Tổng thống François Hollande đã đích thân tới thăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty Linkbynet Vietnam. Đây là doanh nghiệp chuyên về dịch vụ công nghệ thông tin được thành lập tại Pháp. Linkbynet đã lựa chọn Việt Nam vì họ rất hài lòng về tư duy, tinh thần dám nghĩ dám làm và sự năng động của giới trẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự cải thiện hơn nữa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng, giúp việc lưu thông vận chuyển nội địa được thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng thị trường Việt Nam. Về điều này, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, và tôi cũng nhận thấy đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.

Thứ hai, phát triển các tiêu chuẩn và tăng cường sự minh bạch của hệ thống pháp luật doanh nghiệp Việt Nam. Bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần sự minh bạch, rõ ràng và ổn định. Việc giúp doanh nghiệp biết được cụ thể các thủ tục và quy định của nước sở tại rất quan trọng.

Tương tự, việc thông báo rõ ràng cho doanh nghiệp nước ngoài biết những tiêu chuẩn, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường họ phải tuân thủ sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Điều này giúp nhà đầu tư nước ngoài thiết lập được tầm nhìn chiến lược dài hạn cho các hoạt động, song song với việc tuân thủ luật pháp và môi trường của nước sở tại.

- Nhận định của ông về quan hệ hợp tác Pháp-Việt Nam trong thời gian tới?

- Tôi đã nói rất nhiều về hợp tác kinh tế, nhưng hợp tác văn hóa giữa 2 nước luôn giữ vai trò then chốt. Việt Nam và Pháp có mối liên hệ văn hóa mang tính lịch sử, và chúng tôi luôn mong muốn làm sao để tương lai có thể xứng tầm với quan hệ lịch sử này.

Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và trao đổi giữa nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Pháp hơn, thông qua các trung tâm, điểm hẹn nghệ thuật hoặc các dự án văn hóa Pháp-Việt. Viện Pháp tại Việt Nam luôn quan tâm đến việc này, và cá nhân tôi cũng vậy, vì tôi rất yêu thích nghệ thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác đại học và khoa học, những lĩnh vực hợp tác đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là ngành y. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của giới trẻ Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tiếp nhận họ vào học tại các trường đại học và những ngôi trường tốt nhất của Pháp.

- Ông đã từng đón Tết ở Việt Nam và cảm nhận của ông về Tết của người Việt Nam thế nào?

- Đây là lần thứ 6 tôi đón Tết tại Việt Nam. Trước đây tôi từng làm việc 3 năm tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội (2004-2007), và năm nay cũng là năm thứ 3 trong nhiệm kỳ Tổng lãnh sự tại TPHCM của tôi.

Điều khiến tôi đặc biệt yêu thích chính là không khí Tết, ngày sum họp gia đình, nhắc tôi nhớ về lễ Giáng sinh tại Pháp, dù thời tiết ở TPHCM nóng hơn nhiều so với vùng núi Alpes nơi tôi sinh ra.

Tôi rất xúc động khi được bạn bè Việt Nam mời tới nhà chơi, hoặc dùng cơm gia đình. Khi còn ở Hà Nội, có lần tôi còn được mời đến xông nhà đầu năm. Còn gì vinh dự hơn được là người mang tới may mắn và thịnh vượng trong năm mới cho một gia đình người Việt .

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác