HỘI THẢO "PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG"

Tái cơ cấu sản xuất - yêu cầu bức bách

Ngày 1-12, tại TP Bến Tre,  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng báo SGGP và Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Hội thảo xoay quanh 3 nội dung là khẳng định mô hình, tìm ra hạn chế để có giải pháp tối ưu nhân rộng mô hình; đối thoại thẳng thắn để gắn kết nhà khoa học, người sản xuất và lãnh đạo địa phương; kiến nghị chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Ngày 1-12, tại TP Bến Tre,  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng báo SGGP và Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Hội thảo xoay quanh 3 nội dung là khẳng định mô hình, tìm ra hạn chế để có giải pháp tối ưu nhân rộng mô hình; đối thoại thẳng thắn để gắn kết nhà khoa học, người sản xuất và lãnh đạo địa phương; kiến nghị chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Chủ trì hội thảo

- Bà NGUYỄN THỊ KIM NGÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội.

- Ông NGUYỄN VĂN GIÀU, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

- Ông NGUYỄN QUÂN, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.

- Ông VÕ THÀNH HẠO, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre.

- Ông NGUYỄN TẤN PHONG, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP.

- Ông LÊ QUỐC DOANH, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” là một chủ đề khá nóng, được sự quan tâm của toàn xã hội, do sản xuất nông nghiệp nước ta rất bấp bênh, trong khi đó lộ trình hội nhập toàn diện nền kinh tế thế giới ngày càng cận kề. Chính vì vậy hội thảo đã thu hút trên 280 đại biểu tham dự, vượt kế hoạch đề ra của các cơ quan phối hợp tổ chức. Trung tâm hội nghị Đồng Khởi Palace không còn một chỗ trống trong buổi sáng, lẫn buổi chiều đến khi kết thúc hội thảo.

Thành phần tham gia hội thảo rất “hùng hậu”, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuyên gia kinh tế các lĩnh vực, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, HTX, nông dân tiêu biểu của các mô hình sản xuất các vùng miền trong cả nước… đã về tham dự.

Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập báo SGGP, Trưởng ban Tổ chức hội thảo, phát biểu đề dẫn, nêu vấn đề: Mục đích tổ chức hội thảo là nhằm phân tích, đánh giá các phương thức, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay; xem xét các chính sách và sự tác động hỗ trợ phát triển nông nghiệp thời gian qua; đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các giải pháp, phương hướng phát triển mô hình chuỗi giá trị trong thời gian tới, để góp phần hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nhân rộng các mô hình tốt trên cả nước, đưa nền nông nghiệp nước ta thích ứng với bối cảnh hội nhập ngày càng thúc bách.

Nông dân tự bơi, đầu ra bị thao túng

Bến Tre là tỉnh có lợi thế trong phát triển nông nghiệp, với 2 thế mạnh là kinh tế vườn và thủy sản và có đến 70% cư dân sống bằng nông nghiệp. Tuy nhiên ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhìn nhận phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất cá thể, manh mún và thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Hàng hóa do nông dân làm ra nhưng giá cả phụ thuộc thương lái. Khi thu hoạch rộ giá rẻ như bèo, thậm chí không có người mua, trong khi nghịch vụ giá cao chót vót lại không có sản phẩm để bán. Ngoài ra, phần lớn nông sản là hàng hóa tươi sống, dễ hư hỏng, giảm chất lượng nhanh sau khi thu hoạch nhưng công nghiệp chế biến và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản nông sản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế.

Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản một cách ổn định. Nông dân được hô hào nên trồng giống này, không được trồng giống kia... nhưng khi thu hoạch bán chẳng được, vì thế họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì để dễ bán, ít bị rủi ro nhất, nhưng thực tế lại tiếp tục đối mặt với rủi ro.

GS.TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ

Nhiều đại biểu tại hội thảo đã nêu thực trạng đáng lo ngại trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước hiện nay. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt chưa thực sự phát huy hiệu quả, bị cắt khúc do không liên thông được với thị trường. Từ khâu cung ứng nguyên liệu vật tư đầu vào đến sản xuất nuôi trồng, chế biến, phân phối và tiêu thụ còn rất rời rạc. Theo tinh thần Nghị quyết 26 của Trung ương, nhiều nơi đã thực hiện mô hình liên kết 4 nhà đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, mới là bước đi ban đầu, chập chững và lúng túng. Đặc biệt, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng đã làm hỏng mối liên kết doanh nghiệp-nông dân. Vai trò của Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội mờ nhạt trong các chuỗi liên kết. Vấn đề này được nhìn thấy rõ nhưng rất lúng túng trong việc tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, phù hợp với đòi hỏi của thị trường trong tiến trình hội nhập.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay các hộ nông dân thiếu phương án sản xuất tốt, phù hợp với thị trường do thiếu thông tin và các cảnh báo cần thiết, vẫn duy trì tình trạng tự phát trong việc trồng cây, chăn nuôi con gì. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có gần 10.000 HTX nông nghiệp thu hút trên 7 triệu thành viên HTX, chiếm 55% tổng số nông dân cả nước. Tuy nhiên, khả năng thực sự của các HTX còn hạn chế bởi hệ thống phân phối chưa theo chuỗi liên kết, cán bộ quản lý HTX năng lực hạn chế trong hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường… “Đầu ra sản phẩm gà của các nông hộ đang phụ thuộc vào thương lái và các công ty thu mua, vì thế người chăn nuôi luôn bị ép giá. Và tình trạng này tái diễn liên tục qua các mùa vụ” - ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công (Tiền Giang), nêu một thực tế.

Chuỗi liên kết rời rạc

Nghịch lý tồn tại lâu nay trong nền nông nghiệp là người nông dân làm ra hàng hóa được hưởng lợi ít, trong khi thương lái, nậu vựa lại hưởng nhiều thành quả của người sản xuất. Thực tế này phản ánh những bất cập trong quá trình phân phối giá trị sản phẩm của hàng hóa nông nghiệp nước ta. Nguyên nhân quan trọng là việc sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành đồng bộ.

Cá tra là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế, một loại cá thơm ngon, bổ dưỡng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Thế nhưng việc nuôi cá tra mấy năm qua lận đận, giá cả thấp khiến người nuôi thua lỗ, trong khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Một trong những hạn chế tồn tại là việc mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, nuôi chưa theo quy hoạch, chưa bảo vệ tốt về môi trường... Tôi cho rằng cá tra của Việt Nam rất tiềm năng, vấn đề là cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế để phát triển.

Ông YUTTANA THONGPHUR, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, chuỗi giá trị bao gồm các khâu khác nhau do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện từ nuôi trồng đến thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi giá trị có tầm quan trọng quyết định trong sản xuất hàng hóa và cần được thúc đẩy phát triển để áp dụng rộng rãi. Đến nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được thực hiện ở nhiều địa phương, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cho năng suất cao 15-20% so với ngoài mô hình, nông dân thu lời tăng 10%. Tuy nhiên hạn chế là các mô hình liên kết mới đạt kết quả ban đầu, vẫn còn rời rạc, chưa đáp ứng nhu cầu, sức cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo vệ sinh an toàn còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Vấn đề đặt ra là cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, HTX và nông dân để phát huy hiệu quả thực sự của các chuỗi liên kết.

Đại diện Sở Công Thương An Giang chia sẻ, 5 chuỗi liên kết An Giang thực hiện thời gian qua đã mang lại kết quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, như hạ giá thành và nâng cao hiệu quả 15-20%, qua đó nâng cao niềm tin của nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc thực hiện chuỗi liên kết khi thí điểm thì tốt nhưng đến lúc mở rộng quy mô lớn lại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự gắn kết của nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp đạt tỷ lệ không ổn định, cao thấp bất thường. “Bài học rút ra từ các mô hình liên kết trước đây có 2 chủ thể chính là nông dân - doanh nghiệp và các chủ thể tác động cho sự phát triển là Nhà nước, HTX và hệ thống ngân hàng. Song sự liên kết của những chủ thể này thời gian qua khá rời rạc và chưa mang lại hiệu quả thực tế” - bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, phát biểu. 

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: LONG THANH

Quang cảnh buổi hội thảo.  Ảnh: LONG THANH

Chính sách chưa thỏa đáng

Với tư cách người trong cuộc, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), chia sẻ tại hội thảo một cách thẳng thắn: Chính sách ban hành nhiều nhưng thực tế việc hỗ trợ cho nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Đến nay mới có 1% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Một phần nguyên nhân do doanh nghiệp trong nước bị nhiều ràng buộc, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh lại thông thoáng hơn. Vốn đầu tư, thanh toán cho nông dân lớn, đầu tư hạ tầng vào những cánh đồng lớn rất cao nhưng doanh nghiệp luôn bị áp lực thua lỗ, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên mô hình này chưa được nhân rộng. Doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin để đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương xác định phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, thì HTX là nòng cốt, với vai trò liên kết hợp tác với nông dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chính sách ban hành khi đi vào sản xuất lại thấy bất hợp lý, thí dụ chi phí chứng nhận tiêu chuẩn còn quá cao. Năm 2015 toàn bộ diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt tiêu chí VietGap, chi phí chứng nhận ban đầu được hỗ trợ nhưng các lần tái chứng nhận phải mất 600.000 đồng/ha!

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu những băn khoăn về chủ trương thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sau hơn 12 năm triển khai, đến nay các mối liên kết này vẫn chưa thật sự đầy đủ, rất ít mô hình hoàn chỉnh tạo sự ổn định sản xuất. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào sản xuất chưa cụ thể nên phần lớn doanh nghiệp không mặn mà với sản phẩm nông nghiệp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và người sản xuất thiếu bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, hình thức liên kết chủ yếu tự thương thảo, thuận mua vừa bán, gây thiệt thòi cho nông dân. Tình trạng thu mua, phân phối nông phẩm qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp và giá bán ra cao, dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa chiếm được lòng tin người tiêu dùng. 

Các tin khác