Tái cơ cấu ngân hàng: Giai đoạn nước rút

Sau thời gian dài tự nguyện tái cơ cấu, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt được kết quả ban đầu, nhưng cũng có những nơi chưa như kỳ vọng. Gần đây, NHNN đã quyết liệt hơn trong việc xử lý các NH, từ việc mua lại 0 đồng cho đến cử nhân sự đại diện tham gia ban kiểm soát những NH không tự xử lý được. Điều này cho thấy NHNN đang thực hiện nhiều phương án mạnh mẽ để kết thúc giai đoạn nước rút tái cấu trúc theo Đề án 254.

Sau thời gian dài tự nguyện tái cơ cấu, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt được kết quả ban đầu, nhưng cũng có những nơi chưa như kỳ vọng. Gần đây, NHNN đã quyết liệt hơn trong việc xử lý các NH, từ việc mua lại 0 đồng cho đến cử nhân sự đại diện tham gia ban kiểm soát những NH không tự xử lý được. Điều này cho thấy NHNN đang thực hiện nhiều phương án mạnh mẽ để kết thúc giai đoạn nước rút tái cấu trúc theo Đề án 254.

Nhận diện kết quả

Trong sự kiện hợp tác giữa 2 NH là TPBank và SCB mới đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết 2 NH đã có sự gắn bó thân thiết. Là 2 tổ chức tài chính trong hệ thống có cùng hoàn cảnh khó khăn cách đây 3 năm và đến nay đều đã vượt qua khó khăn, đồng thời đạt được những thành công nhất định.

Cụ thể, SCB hợp nhất 3 NH gồm SCB (cũ), NH Tín nghĩa và NH Đệ Nhất cuối năm 2012, một thương vụ hợp nhất tự nguyện đầu tiên. TPBank cũng nằm trong danh sách 9 NH yếu kém xác định đợt đầu của NHNN, đã vực dậy sau khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược là Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng từ năm 2012.

Tôi xin nói, chủ trương tái cơ cấu hệ thống NH vừa là tự nguyện tham gia, mà cũng phải nói thẳng với nhau, là phải thực hiện. Vì vậy, phải làm với tinh thần cố gắng, quyết liệt nhất. Do đó, NHNN đã đề ra mục tiêu là kiên quyết xử lý những NH yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển; kể cả giải thể, phá sản hay can thiệp bắt buộc.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Kể từ sau thương vụ hợp nhất tự nguyện đầu tiên, đến nay làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) NH trở nên nóng hơn với nhiều thương vụ được hoàn tất. Đến nay, cặp đôi kéo dài thời gian nhất là Southernbank - Sacombank đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc. Dự kiến đến cuối năm 2015, thương hiệu Southernbank sẽ không còn trên thị trường.

Bên cạnh đó MHB đã hoàn tất sáp nhập vào BIDV, Mekongbank vào Maritimebank. Như vậy, kể từ năm 2011 bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, thông qua các thương vụ M&A, đến nay số lượng NH đã giảm từ 42 xuống còn 34 NH, tức đã có 8 thương hiệu NH biến mất trên thị trường.

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định 254/QĐ-TTg (Đề án 254) của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2015 ban hành ngày 1-3-2012 với lộ trình được xác định rõ ràng: Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các NH trong khu vực. Đến nay, các NH sau sáp nhập đã có sự tăng trưởng về quy mô vốn và tổng tài sản.

Chẳng hạn vốn điều lệ của NH SCB tại thời điểm sau hợp nhất đạt 10.583 tỷ đồng, nằm trong top 5 NHTMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam; tổng tài sản 153.626 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động gồm 230 điểm giao dịch. Đến cuối 2014 NH đã nâng tổng tài sản lên 242.222 tỷ đồng và vốn điều lệ hiện nay 12.249 tỷ đồng. Tương tự, sau sáp nhập, quy mô Sacombank sẽ tăng trưởng vượt bậc, vốn điều lệ sẽ đạt trên 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng, nằm trong top 5 NHTMCP hàng đầu Việt Nam.

Lợi ích sau các thương vụ sáp nhập là việc quy mô NH được gia tăng chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy một số thương vụ đối tượng bị sáp nhập dù hoạt động kinh doanh yếu kém hơn cũng không phải là vấn đề cản trở. Thí dụ, để phát triển được mạng lưới như con số của MHB hiện nay, NH có thể phải mất 7 năm. Thay vào đó, sáp nhập vào BIDV sẽ giúp NH tăng trưởng mạnh về tổng tài sản, vốn điều lệ, mạng lưới...

Đến nay, danh sách 9 NH thuộc diện yếu kém xác định trong đợt đầu tiên của NHNN gồm Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank, Western Bank, GPBank đều đã rõ số phận. 3 NH bị quốc hữu hóa là VNCB (TrustBank trước đây), GPBank, Oceanbank.

Hiện tại đã có thêm những cái tên bị kiểm soát đặc biệt, bị NHNN thanh tra. Quan sát từng bước đi của NHNN trong 3 năm qua và đến những quyết định quyết liệt hiện nay, có thể thấy cơ hội tự nguyện của các NH đã qua và 2015 chính là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu.

Chiến dịch bàn tay sắt

Chỉ trong trung tuần tháng 8-2015, NHNN đã đưa ra nhiều quyết định mà sức “nóng” của nó còn kéo dài. Đầu tiên NHNN công bố kết quả thanh tra tại DongABank. Tiếp theo NHNN công bố Quyết định 01/QĐ-BKSĐB-DAB đình chỉ chức danh Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc của DongABank, đồng thời ra quyết định cử 2 cán bộ lãnh đạo của BIDV vào thay thế 2 vị trí chủ chốt trên để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với NH này.

Cũng thời gian này, một thông báo phát đi từ NHNN cho biết ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN toàn bộ cổ phiếu của mình và các bên liên quan cho NHNN thực hiện các quyền của cổ đông tại Southernbank và Sacombank. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không còn tham gia quản trị, điều hành NH. NHNN sẽ thực hiện quyền và cử người tham gia quản trị, điều hành NH này sau sáp nhập, đảm bảo hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cấu trúc của 2 NH.

Sau hơn 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, đến nay đã giảm 12 TCTD yếu kém có thể xác định hệ thống NH Việt Nam đang chuẩn bị bước sang giai đoạn thứ 5, gọn hơn về số lượng thành viên, thay đổi rõ nét về cấu trúc sở hữu. Và ít nhất, những điểm đen rủi ro đã được khoanh vùng, chuyển giao quản lý hoặc được hòa vào thể trạng khác khỏe hơn.

Ông Nguyễn Kim Anh,
Phó Thống đốc NHNN

Thêm thông tin dồn dập đến thị trường tài chính, đó là Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay kết luận thanh tra tại Eximbank đã hoàn tất, và có thể NH sẽ họp đại hội bất thường trong tháng 8. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm NHNN thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ (8,2% vốn của Eximbank), có thể sẽ đưa nhân sự của NHNN vào điều hành, quản lý tại NH này.

Mặc dù phần góp vốn này của Vietcombank nằm trong lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36, nhưng theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank trong năm nay. Thông tin chính thức từ Tổng giám đốc Phạm Hữu Phú khẳng định, tình hình hoạt động của Eximbank vẫn ổn định, bền vững và hoàn toàn không có sự kiểm soát đặc biệt của NHNN.

Với mục tiêu ưu tiên ngăn chặn rủi ro có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, hệ thống NH và người dân, chỉ nửa đầu năm 2015, NHNN cũng đã ra quyết định đặc biệt là mua lại giá 0 đồng đối với 3 NH là VNCB, Oceanbank và GPBank để tránh tình trạng các NH phá sản.

NHNN cũng đứng ra chịu trách nhiệm đối với người gửi tiền tại các NH này. Trước đó, NHNN đã từng tạo điều kiện để các NH này tự tái cơ cấu nhưng không thành công. Điển hình là trước tên gọi NH Xây dựng (VNCB) là NH Đại Tín (TrustBank) nằm trong diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu, sau đó là sự tham gia góp vốn của Tập đoàn Thiên Thanh đã dính đến nhiều sai phạm.

Tương tự GPbank, Oceanbank là những NH thiếu nhiều số liệu thông tin tài chính trong thời gian dài và sau đó là các sai phạm của HĐQT. NHNN đã cho phép tổ chức đại hội để kêu gọi cổ đông góp đủ vốn pháp định nhưng không thành công. Có thể nói 2015 sẽ là năm đặc biệt, năm thanh lọc đối với hệ thống NH Việt Nam.

Sắp xếp lại hệ thống

Giai đoạn trước đây đã có sự bùng nổ thành lập NH, hoặc nhiều NH chuyển đổi mô hình từ nông thôn lên thành thị một cách dễ dàng. Nay NHNN giám sát chặt chẽ vấn đề này, thậm chí mạnh tay thanh lọc những NH yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Sự thanh lọc này cho thấy nhóm NHTMCP có sự tham gia của tư nhân đang thu hẹp lại và sự lớn mạnh, vững vàng của nhóm NHTMCP có gốc Nhà nước. Các NH lớn hiện nay như Vietcombank, VietinBank, BIDV đang thực hiện vai trò hỗ trợ tái cấu trúc những NH bị mua lại, những NH có vấn đề.

NHNN đã có quyết định đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt. Ảnh: LONG THANH

NHNN đã có quyết định đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ảnh: LONG THANH

Đề án 254 khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật. Xem ra trong việc sắp xếp lại các NH, công cụ M&A sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia tài chính, Việt Nam đã mở cửa đối với lĩnh vực tài chính - NH và nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể được mua 100% vốn khi có sự đồng ý của Chính phủ. Tỷ lệ 20-30% tuy chưa phải nhiều nhưng cũng đã nới so với trước đây. Điều quan trọng là xu hướng phát triển các thương vụ M&A trên thế giới đang dần gia tăng.

2015 sẽ là năm cuối cùng trong giai đoạn tái cấu trúc theo Đề án 254, theo đó từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn kết thúc, để hoàn tất cải cách hệ thống NH. Điều đó lý giải phần nào sự quyết liệt và mạnh mẽ của NHNN trong thời gian còn lại của năm.

Việc mua lại 3 NH với giá 0 đồng và đưa nhân sự vào tham gia quản trị, điều hành và hỗ trợ tài chính cho NH mua lại là động thái cương quyết của NHNN. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo không xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động NH ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Các tin khác