Tái cơ cấu kinh tế: Ngổn ngang, dang dở

Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế. Điểm đáng chú ý là những đánh giá của Chính phủ về TCC với 3 trọng tâm TCC đầu tư công, ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang đối mặt quá nhiều thách thức khi hạn chót đang cận kề.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế. Điểm đáng chú ý là những đánh giá của Chính phủ về TCC với 3 trọng tâm TCC đầu tư công, ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang đối mặt quá nhiều thách thức khi hạn chót đang cận kề.

Không hoàn thành mục tiêu thoái vốn ngoài ngành

Báo cáo của Chính phủ cho biết việc thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Năm 2012 đạt 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng; năm 2013, thoái 874 tỷ đồng, thu 745 tỷ đồng; năm 2014, thoái 4.184 tỷ đồng, thu 4.292 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2015 thoái 7.522 tỷ đồng, thu 11.161 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, việc ban hành Nghị quyết 15 (đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại DN) được xem là giải pháp quan trọng giúp gỡ nút thắt cản trở việc thoái vốn những năm qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, sau năm 2015 các DNNN mới có thể thoái toàn bộ vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình.

Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng kết quả TCC DNNN còn chậm. Một số DN triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh nhiều DN chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh còn ít. Một số DN đã CPH nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn rất lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị DN.

Ông Nguyễn Văn Giàu,
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội

Như vậy, với đánh giá như trên, yêu cầu về việc thoái vốn đã không hoàn thành. Bởi lẽ, trước đó theo yêu cầu tại Nghị quyết 26 ban hành 9-7-2012, đến 2015 các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Số liệu đưa ra tại cuộc họp 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tính đến quý III vẫn còn gần 19.000 tỷ đồng các TĐ, TCT phải thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực trên, tương đương 85% khối lượng công việc cần thực hiện. Báo cáo mới nhất được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, cho biết thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng.

Bình luận về việc không hoàn thành mục tiêu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng những bộ, ngành, TĐ, TCT không hoàn thành yêu cầu đã đề ra phải quy trách nhiệm cụ thể.

“Chúng ta không thiếu văn bản pháp quy, vấn đề là trách nhiệm của con người, phương thức bán ra sao" - ông Kiên nói. Còn chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân phân tích việc thoái vốn ngoài ngành phụ thuộc vào tình hình của thị trường tài chính. Nếu thị trường phục hồi việc thoái vốn mới thuận lợi. Tuy nhiên, các quy định về việc thoái vốn ban hành chưa kịp thời nên chưa tháo gỡ nhanh các vướng mắc trên thực tế.

Đánh giá về TCC DNNN, Chính phủ thừa nhận tốc độ CPH vẫn còn chậm, đồng thời chất lượng CPH còn có nhiều vấn đề. Một số DN TCC nhưng thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang CTCP khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ; không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị DN.

Hạn chế, yếu kém lớn nhất của DNNN hiện nay là cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Những khoản đầu tư chưa thoái được chính là những khoản có vấn đề, thậm chí đã mất. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của DNNN và tiến trình hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.

Siết chặt kỷ luật đầu tư

Theo Chính phủ,  sau hơn 4 năm thực hiện đề án TCC DNNN giai đoạn 2011-2015, tình hình sắp xếp, đổi mới về cơ bản đã đạt được một số kết quả. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10-15%, nộp ngân sách tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu ngân sách, 32% GDP.

Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% DN lỗ. Vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng 26% so với năm 2011, năm 2013 tăng 4,1% so với năm 2012; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu so tương ứng là 16,37%.

Việc thoái vốn dưới mệnh giá bị vướng một thời gian khá dài mới có hướng dẫn. Do vậy thoái vốn không đạt kế hoạch có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan do cơ chế chính sách và tính thực thi của các đơn vị phải thoái vốn.

Ông Trần Hoàng Ngân,
Đại biểu Quốc hội

Kết quả trên, cộng với việc hoàn thiện các thể chế và triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm TCC đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Đó là vốn đầu tư công, nhất là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ được bố trí tập trung và có hiệu quả hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó đã tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thanh toán vốn ứng trước tồn tại trong nhiều năm qua, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bố trí vốn trong kế hoạch để trả nợ đọng và hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch.

Việc phân bổ vốn đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch, góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước; khuyến khích đầu tư theo các hình thức đối tác công tư (PPP) đối với những dự án lớn, quan trọng, có hiệu quả cao và tác động lan tỏa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội trong vùng...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, TCC đầu tư công mới dừng ở siết chặt kỷ luật đầu tư công, chưa tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Luật Đấu thầu và nghị định về hợp tác công tư đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để có thể áp dụng nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư công, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống do còn thiếu các văn bản hướng dẫn.

Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí thống nhất để phân bổ, giám sát, đánh giá nguồn vốn đầu tư công, do đó đến nay hiệu quả của đầu tư công vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Mối lo nợ đọng, nợ xấu

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng TCC đầu tư, trọng tâm là đầu tư công đã phân bổ và quản lý nguồn lực, ngân sách được bố trí tập trung hơn vào các dự án, công trình có hiệu quả kinh tế, xã hội...

Tuy nhiên, kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư. Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách khoảng 46.000 tỷ đồng và tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi 62.200 tỷ đồng.

Theo Chính phủ, thành công của TCC hệ thống NHTM là đáng ghi nhận. Nguy cơ lớn nhất của hệ thống NH khi tiến hành TCC là khủng hoảng thanh khoản và nợ xấu gia tăng. Trong 4 năm qua, hệ thống NHTM dần đi vào ổn định, nợ xấu cơ bản đã được kiềm chế, các NH yếu kém đã được sáp nhập vào NH mạnh hơn (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Phương Tây, Phương Nam...).

Một số NH yếu kém khác được NHNN mua lại với giá trị 0 đồng (Dầu khí, Đại Dương và Xây Dựng). Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH đã ổn định và thể hiện xu hướng đi xuống khá rõ nét kể từ tháng 10-2013. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất 4,93% vào tháng 9-2012, ổn định ở mức khá cao trên 4,5% vào tháng 10-2013. Xu hướng giảm tỷ lệ nợ xấu trở nên rõ rệt hơn khi cuối năm 2014 ở dưới 3,5% và đến tháng 9-2015 nợ xấu đã trở về dưới 3%.

Rất nhiều DNNN không thể thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch của Chính phủ đề ra ban đầu.

Rất nhiều DNNN không thể thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch
của Chính phủ đề ra ban đầu.

Cho đến nay hệ thống NHTM đã thu hẹp chỉ còn 35 NH. Sau khi đã xử lý 9 NH yếu kém năm 2014, năm 2015 NHNN tiếp tục xử lý 6 NH khác, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của các NH còn lại dựa trên quy mô lớn hơn, khả năng đầu tư chiều sâu cao hơn. Thành công lớn nhất của việc TCC hệ thống NHTM là đã xử lý được số lượng không nhỏ NH yếu kém nhưng không để xảy ra đổ vỡ, gây hoảng loạn hệ thống.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa thực sự hiệu quả.

Các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, dù nền kinh tế phục hồi, nhưng DN còn rất khó khăn nên việc xử lý nợ xấu chậm, chưa thông suốt.

Các tin khác