Tái cấu trúc NH: Quyết liệt tạo đột phá mới

Năm 2015 được xem là thời điểm mấu chốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mục tiêu kiên quyết xử lý NH yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc và hình thành một số NHTM quy mô lớn có khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, việc NHNN mua lại NH Xây dựng với giá 0 đồng, được xem là biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống NHTM.

Năm 2015 được xem là thời điểm mấu chốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mục tiêu kiên quyết xử lý NH yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc và hình thành một số NHTM quy mô lớn có khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, việc NHNN mua lại NH Xây dựng với giá 0 đồng, được xem là biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống NHTM.

Định danh rõ ràng

Không còn mập mờ như trước, đã có thêm một số tên NH đã được gọi trong chiến dịch tái cơ cấu hệ thống ngay trong những ngày đầu năm 2015. Trong đó cái tên đặc biệt được chú ý là NH Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) được chỉ đích danh có thể bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Được biết đây là NH cuối cùng trong 9 NH yếu kém được NHNN xác định từ năm 2011, đã tiến hành tái cấu trúc nhưng thất bại.

Theo đó, GPBank đã được bán cho một NH ngoại là United Overseas Bank (Singapore) nhưng đã không thành công. Nguyên nhân sự thất bại của thương vụ này đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tiếp theo đó có thông tin cho rằng GPBank có thể được sáp nhập vào VietinBank nhưng đến nay cũng chưa diễn ra.

Năm 2015 sẽ là bước chuyển quan trọng trong tái cơ cấu NH. Nếu 2013-2014 tạo bước đệm khắc phục những yếu kém, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, 2015 phải là năm tạo ra đột phá mới trong tái cơ cấu NH, kiên quyết xử lý yếu kém còn tồn tại về định chế, xử lý dứt điểm để đến năm 2016 tạo được bước chuyển mới khác biệt với tốc độ tăng trưởng khá hơn.

Ông Vũ Viết Ngoạn,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Việc NHNN trực tiếp tham gia tái cấu trúc các NH yếu kém đã đẩy làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong hệ thống sôi động hơn. Ngay đầu năm 2015, thương vụ sáp nhập đầu tiên được xác nhận là SaigonBank sẽ về với Vietcombank. Một NH khác thuộc dạng yếu kém đang gặp khó khăn là OceanBank cũng được đồn đoán sẽ về với VietinBank.

Trường hợp khác là BIDV với NH Nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Chưa dừng lại ở đó, các thương vụ sáp nhập các NHTMCP với nhau cũng được nhắc đến nhiều, như SacomBank với SouthernBank; NH Mê Kong (MDB) với NH Hàng Hải (MaritimeBank); Eximbank với NamABank; DongABank với ABBank…

Như vậy, sẽ có ít nhất 6-8 thương vụ sáp nhập sẽ được thúc đẩy tiến độ thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo nhận định của các chuyên gia, dù không quá bất ngờ bởi các NH yếu kém đã được xem xét trong một thời gian, nhưng việc công bố sớm danh sách này chứng tỏ NHNN đang thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc thúc đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống NH.

Trước đó, trong giai đoạn 1 (2012-2013) đã có 8/9 NH yếu kém lần lượt được sắp xếp, cấu trúc lại và chỉ còn lại GPBank. Thương vụ đầu tiên là 3 nhà băng gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa được chấp thuận hợp nhất thành NHTMCP Sài Gòn (SCB) diễn ra đầu năm 2012.

Tiếp theo, thương hiệu Habubank chính thức biến mất trên thị trường sau khi sáp nhập với SHB. Năm 2013, có 3 NH yếu kém khác gồm Navibank, TrustBank và Western Bank được tái cơ cấu bằng cách sáp nhập hoặc đổi tên.

Theo đó, Western Bank được hợp nhất với PVFC thành NH Đại Chúng (PvcomBank); Navibank tự tái cấu trúc bằng chính nguồn lực của mình và đổi tên thành NH Quốc Dân; TrustBank đổi tên thành NH Xây dựng (VNCB). Duy nhất chỉ có Tienphongbank tự tái cơ cấu và giữ nguyên tên cũ.

Chưa có tiền lệ

Ngày 5-3 vừa qua, NHNN chính thức công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của VNCB thành NHTM trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Vietcombank được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành VNCB để thực hiện quá trình tái cơ cấu toàn diện.

Về việc mua lại VNCB với giá 0 đồng, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Phước Thanh lý giải VNCB đủ điều kiện để phá sản, nhưng Nhà nước không chọn cách này và chưa cho phép trong điều kiện hiện tại để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Ông Thanh cũng khẳng định dù mua với giá 0 đồng nhưng NHNN phải có kế hoạch tăng vốn hỗ trợ, trong đó có việc cần hỗ trợ 40.000 tỷ đồng để NH này trở lại hoạt động bình thường. NHNN mua VNCB giá 0 đồng không phải là quốc hữu hóa mà là hoạt động mua bán thuần túy vì các cổ đông của NH này đã không tăng vốn lên được.

Việc NHNN đích thân đứng ra xử lý NH yếu kém bằng cách mua lại và tuyên bố chịu trách nhiệm với người gửi tiền là chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đây là giải pháp đem lại sự ổn định cho hệ thống và niềm tin người gửi tiền.

NHNN sẽ thực hiện nghiêm các giải pháp của Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Tái cơ cấu toàn diện các NHTM, kể cả các NH đang hoạt động tốt cũng phải hoạt động tốt hơn hoặc các NH chưa tốt sẽ hoạt động tốt hơn. Những NHTM có vấn đề, như vốn điều lệ âm nhiều so với vốn pháp định, có thể áp dụng một trong các giải pháp như NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần.

Nguyễn Thị Hồng,
Phó Thống đốc NHNN

Bởi chưa có tiền lệ nên trong giai đoạn 2 xử lý NH yếu kém, nhiều câu hỏi đặt ra liệu NHNN có tiếp tục với những NH đang rơi vào trường hợp như VNCB. Câu trả lời là có, bởi những NH tiếp theo được nhắc đến nhiều có thể bị NHNN mua lại bắt buộc là GPBank và OceanBank. Ngoài ra, các NH kinh doanh thua lỗ, vốn pháp định bị âm… cũng sẽ được Nhà nước mua toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

“NHNN sẽ tạo điều kiện tối đa để các NHTM có thời gian khắc phục. Nếu các cổ đông không kịp thời bổ sung vốn theo đúng quy định của pháp luật, NHNN sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của NH đó” - ông Thanh khẳng định.

Sự tham gia của các NH quốc doanh như BIDV, VietinBank, Vietcombank trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu cũng được xem là sự kiện mới. Với sự sắp xếp của NHNN, một trong số những NH yếu kém có thể tìm bến đỗ ở những ông lớn này.

Để giải tỏa băn khoăn khi các NH lớn có thể bị ảnh hưởng nếu tiếp nhận những NH yếu kém, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết: “Tham gia đợt tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2, các NHTM lớn không mất mát gì, chỉ phải bỏ công sức, uy tín, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, còn cơ chế chính sách, NHNN sẽ nghiên cứu để giúp các NH này không bị thua thiệt".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tái cơ cấu là quá trình gian nan, thậm chí đau khổ nhưng không còn cách nào khác. Quan trọng, những năm qua đã có chuẩn bị căn bản, đây là điều kiện thuận lợi để 2015 sẽ có nhiều cuộc “kết hôn”, sáp nhập NH.

Kỳ vọng

Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của Vietcombank hồi đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định tái cơ cấu mới đi qua giai đoạn 1 nhưng chỉ “vừa đi vừa dò”, dừng ở xử lý những NH yếu kém nhất trong hệ thống do kinh tế vĩ mô còn bất ổn. Thống đốc nhấn mạnh từ năm 2015, quá trình tái cơ cấu hệ thống NH bắt đầu bước vào giai đoạn 2 xử lý NH yếu kém với những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, sẽ có những tổ chức tín dụng (TCTD) yếu được TCTD mạnh hỗ trợ. Đặc biệt, sẽ có những TCTD do NHNN trực tiếp xử lý.

Hiện tại cả nước có trên 30 NHTM và mục tiêu từng bước giảm xuống còn 14-17 NH cho phù hợp với quy mô của nền kinh tế. Theo đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, NHNN sẽ rốt ráo xử lý căn bản tình trạng nợ xấu để đưa nợ xấu về mức an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng (phấn đấu về mức 3% như Nghị quyết Quốc hội phê duyệt); tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính; phấn đấu hình thành một số NHTM có quy mô và trình độ tương đương khu vực.

Dự kiến GPBank sẽ được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Dự kiến GPBank sẽ được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Riêng năm 2015, NHNN dự kiến thực hiện 6-8 thương vụ hợp nhất, sáp nhập NH, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các NHTM nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại những đơn vị yếu kém. Bên cạnh đó tiến thêm một bước cơ bản xử lý tình trạng sở hữu chéo, từ đó hình thành một số định chế có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao.

Trong quá trình này, quyền lợi của người gửi tiền luôn được ưu tiên hàng đầu. NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính các NHTM nhằm lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro đối với các đơn vị trong hệ thống.

Những thông điệp từ phía NHNN đã khá rõ ràng và quá trình tái cấu trúc NH đầu năm 2015 cũng diễn ra suôn sẻ. Điều này cùng với những bài học rút ra từ sự thành công và thất bại trong giai đoạn 1, cho phép thị trường kỳ vọng tái cấu trúc NH trong giai đoạn 2 sẽ thuận lợi và thành công hơn. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đẩy nhanh phục hồi đà tăng trưởng.

Các tin khác