Tái cấu trúc NH: Kỳ vọng cán đích đúng hẹn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) việc tái cơ cấu ngành NH đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng kể. Tuy nhiên, để lành mạnh hệ thống, hoạt động các NHTM ổn định và tăng trưởng, cần quyết liệt hơn trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) và xử lý nợ xấu.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) việc tái cơ cấu ngành NH đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng kể. Tuy nhiên, để lành mạnh hệ thống, hoạt động các NHTM ổn định và tăng trưởng, cần quyết liệt hơn trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) và xử lý nợ xấu.

Thực hiện đạt mục tiêu đề ra

Quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của NHNN là tái cơ cấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, kể từ năm 2015, hệ thống TCTD sẽ bước vào giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp và tái cơ cấu, trong đó nửa đầu năm 2015 được xác định là thời gian cao điểm và tất cả NH lớn phải vào cuộc.

Trước mắt, triển khai thực hiện Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 734 của Thống đốc NHNN, NHNN đã đánh giá, nhận diện những tồn tại, yếu kém của các NHTMCP trên cơ sở phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của từng NH.

Cơ quan thanh tra, giám sát NH tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra, giám sát để theo dõi chặt chẽ quá trình tái cơ cấu các TCTD. Qua công tác thanh  tra, giám sát, nếu phát hiện các TCTD thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết và phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Sau gần 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại phù hợp với từng loại hình TCTD, những kết quả đạt được cho thấy quá trình tái cơ cấu các NHTMCP đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình được duyệt. Trong đó thành công nổi bật là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong toàn ngành NH, góp phần ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.

Những rủi ro hệ thống đã được nhận diện đầy đủ, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế sự mất an toàn hệ thống, đồng thời khả năng chi trả của các NHTMCP được cải thiện rõ nét.

Quá trình cơ cấu lại các NHTM được thực hiện thành công như trường hợp hợp nhất NHTMCP Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa thành NHTMCP Sài Gòn (SCB). Đến nay, SCB đã giải quyết cơ bản những tồn tại, khó khăn trước khi hợp nhất, cải thiện cơ cấu tài sản có, nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, ổn định thanh khoản, mở rộng cho vay.

 Có thể nói, sau khi khoanh vùng khống chế các NHTM yếu kém, NHNN dần từng bước siết chặt kỷ cương hệ thống NH. Quá trình sáp nhập các NH nhỏ, yếu kém đã đi đúng hướng. Đến thời điểm này, NHNN đã có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, cũng như có nhiều nguồn lực khác hỗ trợ nên quá trình tái cơ cấu đang dần được đẩy mạnh hơn.

Nói cách khác, NHNN đã nắm được “đằng cán” nên việc sáp nhập NH nhỏ đang được thực thi rất quyết liệt. Vì mục tiêu là phải sáp nhập các NH yếu để tạo thành những NH lớn mạnh. Hệ thống NH sau tái cơ cấu dự kiến chỉ còn khoảng 20 NHTM. Điều này phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam, một đất nước đang trên đà phát triển nhưng có quá nhiều NH, nhất là sau làn sóng từ NH nông thôn lên NH đô thị cách đây vài năm.

Quyết liệt trong năm 2015

2015 là năm rất quan trọng để hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đồng thời cũng là nền tảng quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển ngành NH giai đoạn 2015-2020. Do đó, năm 2015, toàn hệ thống NH tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại đối với từng NHTMCP. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, NHNN đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt việc thực hiện M&A đối với ngành NH.

Chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành NH của Chính phủ và NHNN 3 năm qua đã thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra ban đầu. Quá trình tái cấu trúc ngành NH đang đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, cần kiên trì thực thi vì 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cấu trúc hệ thống NH.

TS. Trần Du Lịch,
chuyên gia NH

Theo đó, khuyến khích các NH lớn mua NH nhỏ để hình thành NH khỏe mạnh hơn; NHNN mua lại NH yếu kém không tự tái cơ cấu được với giá 0 đồng, kiểm soát tỷ lệ chia cổ tức của các NH… Trong bối cảnh hiện nay, đây là những phương án tối ưu đối với NHNN.

Bởi thực tế quá trình tái cơ cấu ngành trong 3 năm qua, chủ trương của NHNN khuyến khích các NH sáp nhập tự nguyện. Nhưng hiện còn một số NH nhỏ hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính, phải tìm kiếm đối tác để cùng hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động, NHNN chỉ định một số NH vào diện tái cơ cấu bắt buộc và thực hiện trong năm 2015. Với các NH yếu kém không thể tự thực hiện tái cơ cấu, NHNN đã kiên quyết xử lý bằng nhiều biện pháp phù hợp với thực tế khách quan như trường hợp của VNCB, OceanBank đã được NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá chỉ 0 đồng và chuyển đổi thành NH TNHH MTV do NHNN quản lý, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền.

Một vài NH yếu kém khác cũng thuộc đối tượng đang được NHNN xem xét mua lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số NH sẽ được hoàn tất sáp nhập. Cụ thể, hoàn tất sáp nhập Southern Bank vào Sacombank theo đúng chủ trương đã được NHNN phê duyệt; đồng thời sẽ hợp nhất, sáp nhập các NH có tình hình tài chính tương đối lành mạnh và không thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc…

Thời gian qua, có một số dư luận xã hội về việc hợp nhất, sáp nhập NamA Bank vào Eximbank, Saigonbank với Vietcombank… Về vấn đề này, NHNN nêu rõ quan điểm: Thứ nhất, đối với các NH có tình hình tài chính lành mạnh, không phải diện yếu kém, NHNN không bắt buộc phải thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập.

Thứ hai, việc hợp nhất các NH này trên tinh thần tự nguyện và đúng quy định của pháp luật. Thứ ba, cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định, nguồn gốc tiền sử dụng góp vốn, mua cổ phần phải rõ ràng, minh bạch, tránh vốn ảo.

Kiên quyết xử lý nợ xấu

Một trong những nhiệm vụ lớn của ngành NH trong quá trình tái cấu trúc là quyết liệt xử lý nợ xấu. Mục tiêu kiểm soát nợ xấu đến cuối năm 2015 về 3% như Chính phủ, NHNN đặt ra gắn với việc tái cấu trúc ngành NH trong năm nay, tạo sự phát triển bền vững cho hệ thống NHTM Việt Nam. Đây là mục tiêu cần thiết, không chỉ với việc xử lý nợ xấu của ngành NH mà còn khá quan trọng đối với nền kinh tế.

Một khi nợ xấu được kiểm soát xuống mức thấp, việc khơi thông dòng chảy tín dụng cũng sẽ tốt hơn. Điều này có nghĩa quá trình giải quyết nợ xấu phải gắn liền với việc tái cấu trúc hệ thống các NHTM. Trong quá trình tái cấu trúc có một mục tiêu lâu nay chúng ta vẫn đề cập là thu gọn những NHTM quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém và nợ xấu tăng cao để tạo ra những NH có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh cao trong hội nhập với khu vực.

Với định hướng xử lý nợ xấu trên, NHNN đã xác định cụ thể và giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM (gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC). Theo đó, các NH phải xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết và nghiêm túc triển khai thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN.

Cụ thể, đối với số nợ xấu NH tự xử lý đến 31-7, nếu NH không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu chưa xử lý được cho VAMC hoàn tất trong tháng 8 và 9-2015. Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30-6, NH phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho VAMC và đến 31-8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao.

HDBank là một trong những NH thành công trong việc tái cấu trúc khi sáp nhập DaiABank. Ảnh: LONG THANH

HDBank là một trong những NH thành công trong việc tái cấu trúc
khi sáp nhập DaiABank. Ảnh: LONG THANH

Theo TS. Trần Du Lịch, để thực hiện được mục tiêu này liên quan đến động thái của NHNN trong chủ trương tái cấu trúc ngành. Điều này được NHNN đặt ra trong thời gian gần đây khi nhấn mạnh đến vấn đề không chỉ sáp nhập tự nguyện, mà còn tính đến chuyện can thiệp bắt buộc để lành mạnh hệ thống.

Vì thế, một số NHTMCP quy mô nhỏ sẽ phải sáp nhập vào những NH có quy mô lớn. Trong đó, hướng đến các NHTMCP lớn có sự chi phối của NHNN đã được cổ phần hóa và niêm yết sáp nhập thêm một NHTM nhỏ khác, nhằm tạo sự minh bạch và ngày một lớn mạnh hơn. Cụ thể, PGBank sáp nhập VietinBank; Saigonbank sáp nhập Vietcombank; MHB sáp nhập BIDV.

Một khi sáp nhập các NH nhỏ vào NH lớn, nợ xấu sẽ được giãn ra. Đặc biệt với những NH nhỏ cho vay bất động sản nhiều trước đây và hiện đang vướng vào nợ xấu, sau sáp nhập nợ xấu sẽ được kéo giãn. “Dù mềm dẻo cũng phải xử lý quyết liệt hơn trong năm 2015, kể cả vấn đề xử lý nợ xấu để có thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cải thiện hệ thống và sức khỏe nội tại của các nhà băng” - TS. Lịch nói.

Thực tế, so với 3 năm trước, hiện sức khỏe của các NH sau M&A đã tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên, chúng ta chưa thể kỳ vọng sức khỏe của những nhà băng này đã cải thiện đáng kể và tăng trưởng mạnh, nhưng ít ra các NH sau M&A cũng đã làm sạch được sổ sách bằng cách đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới ngưỡng 3%.

Dù vẫn biết việc bán nợ xấu cho VAMC chưa thể xử lý triệt để ngay, nhưng đã kéo giãn được thời gian xử lý nợ, phần nào giảm được gánh nặng và áp lực nợ xấu trước mắt để có cơ hội hồi phục. Thực tế, 3 năm trước nhiều người nghi ngại việc tái cơ cấu ngành NH, nhưng kết quả sau thời gian đẩy mạnh tái cấu trúc cho thấy NHNN đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, để đưa được nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm buộc mạnh tay hơn trong sáp nhập.

Các tin khác