Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu cấp bách

Bên cạnh mục tiêu khôi phục tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, năm nay nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế được đặt ra bức thiết. Bởi lẽ càng kéo dài, những căn bệnh nội tại của nền kinh tế khó có thể chữa trị trong ngắn hạn chứ chưa nói đến dài hạn. Dự kiến cuộc họp Chính phủ vào ngày 5-9 tới đây, đề án tái cấu trúc nền kinh tế sẽ được đưa ra thảo luận. Theo đó, tái cấu trúc kinh tế với 3 trụ cột: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính khác.

Bên cạnh mục tiêu khôi phục tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, năm nay nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế được đặt ra bức thiết. Bởi lẽ càng kéo dài, những căn bệnh nội tại của nền kinh tế khó có thể chữa trị trong ngắn hạn chứ chưa nói đến dài hạn. Dự kiến cuộc họp Chính phủ vào ngày 5-9 tới đây, đề án tái cấu trúc nền kinh tế sẽ được đưa ra thảo luận. Theo đó, tái cấu trúc kinh tế với 3 trụ cột: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính khác.

Rốt ráo khu vực ngân hàng

Mặc dù đề án tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn khá chung chung, chưa cụ thể hóa và có lộ trình rõ ràng cho những vấn đề mấu chốt cần thực hiện. Tuy nhiên, có thể thấy từ đầu năm đến nay tái cơ cấu khu vực ngân hàng được thực hiện khá nhanh so với khu vực khác của nền kinh tế. NHNN là đơn vị được Chính phủ giao việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, chia làm 3 giai đoạn: củng cố thanh khoản, tái cơ cấu nợ và mua bán tài chính. 

Chính phủ đã cân nhắc và coi đây là nhiệm vụ của NHNN trong chương trình tái cấu trúc. Đến nay, NHNN đã thực hiện củng cố thanh khoản hệ thống NHTM và đang bước “một chân” vào mục tiêu tái cơ cấu nợ, trong đó nỗ lực của NHNN là chặn và xử lý ngay những NHTM yếu kém có nguy cơ đổ vỡ.

Mặc dù đến nay cơ cấu này chưa làm NHTM yếu kém trở thành lành mạnh ngay, nhưng cách làm này cũng gom lại, tiếp thêm những nguồn lực nhất định cho NHTM yếu kém, đồng thời kiểm soát và buộc NHTM yếu kém phải thay đổi căn bản tình trạng tài chính, cơ chế quản trị điều hành, phân bổ tín dụng…

Nếu nền kinh tế điều hành không tốt, hoạt động thị trường bất động sản vẫn chưa minh bạch, mối quan hệ giữa bất động sản với các ngân hàng vẫn chằng chịt như hiện nay, DNNN vẫn kinh doanh kém hiệu quả, vay vốn không trả nợ được do khả năng cạnh tranh kém... thì một thời gian sau nợ xấu sẽ tiếp tục quay trở lại với hệ thống NHTM. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu này đòi hỏi phải tái cơ cấu thực sự, triệt để với mục tiêu giúp nền kinh tế hoạt động hiệu quả... Có vậy mới giúp doanh nghiệp và ngân hàng tránh được tình trạng nợ xấu cao như hiện nay.

Cho đến nay còn ít nhất 3 NHTM yếu kém vẫn chưa lộ danh tính. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu khẩn trương công khai nợ xấu cũng như danh tính NHTM yếu kém.

Điều này là cần thiết, bởi NHTM yếu kém là “ung nhọt” của nền kinh tế và là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của thị trường.

Trong mục tiêu tái cơ cấu nợ, vấn đề quan trọng nhất là giải quyết nợ xấu khu vực ngân hàng. Đây là bài toán “hóc búa” và đến nay đã có nhiều quan điểm trái chiều về giải pháp tái cơ cấu nợ như thế nào hiệu quả nhất.

Để các NHTM tự tái cơ cấu nợ, thành lập công ty mua bán nợ xấu trực thuộc NHNN hay cơ quan trung ương là rất cần thiết. Bởi như vậy mới có thể giải quyết nhanh được vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay và đẩy được luồng tín dụng sạch ra nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, việc giải quyết nợ xấu chưa thể xong ngay được mà chỉ chuyển các khoản nợ xấu đang nằm rải rác tập trung tại một chỗ, nhờ đó có thể giúp cho quá trình xử lý nợ xấu được nhanh hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là hậu xử lý nợ xấu sẽ như thế nào.

Thực tế một trong những “rào cản” cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là tồn tại lợi ích nhóm. Chưa kể hầu hết các NHTM yếu kém trước đây do quản trị điều hành kém, tìm kiếm lợi ích riêng chi phối và làm trái các quy định trong hoạt động ngân hàng, như dùng vốn của mình đầu tư vào những dự án bất động sản không thu hồi được vốn…

Vì vậy, tái cơ cấu ngân hàng trọng tâm là phải thay đổi chuẩn mực quản trị. Đặc biệt, một trong những vấn đề quan trọng trong tái cấu trúc ngân hàng là triệt tiêu tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM.

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng vấn đề này, nhưng nhiều ông chủ NHTM đã tìm cách lách luật, thông qua người khác đứng tên hộ sử dụng tiền của NHTM để đầu tư và thâu tóm, trục lợi cho bản thân.

Vì không có bằng chứng pháp lý nên NHNN khó có thể thanh tra phát hiện ra mà chỉ có cơ quan công an mới thực hiện. Nếu vấn đề sở hữu chéo không được triệt tiêu một cách quyết liệt thì việc xử lý các NHTM yếu kém cũng sẽ khó triệt để. Điều này sẽ tiềm tàng nguy cơ mất an toàn hệ thống và tạo thêm sức ép với nền kinh tế vốn đã rất khó khăn như hiện nay.

Quyết liệt cải cách

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 929 phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Đây là đề án do Bộ Tài chính xây dựng theo sự chỉ đạo của Chính phủ và là một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế.

Có thể thấy tính cấp bách của việc kiên quyết thực hiện sắp xếp và cổ phần hóa DNNN, theo đó những doanh nghiệp tỏ ra không hiệu quả phải chuyển đổi thành các hình thức quy định trong Luật Doanh nghiệp, kể cả bán, khoán, cho thuê.

Giải quyết nợ xấu là bài toán hóc búa của các NHTM. Ảnh: LÃ ANH

Giải quyết nợ xấu là bài toán hóc búa của các NHTM. Ảnh: LÃ ANH

Đặc biệt, chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành của DNNN vì mục tiêu kinh doanh, tập trung hơn vào một số lĩnh vực đột phá, chống dàn trải, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm quan hệ hài hòa thành thị, nông thôn.

Không thể phủ nhận, khu vực DNNN đóng vai trò then chốt của nền kinh tế, nhưng nếu khu vực này không được cải cách quyết liệt, nước ta sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu dai dẳng với nguy cơ lạm phát quay lại cùng sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Không chỉ cải cách khu vực này mà còn phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, trong đó có quản lý các tập đoàn kinh tế, công ty quản lý vốn (SCIC)...

Riêng với tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, trước hết cần hoàn thiện và thông qua Luật Đầu tư công, chủ yếu dành cho các chi tiêu ngân sách trực tiếp. Ngoài ra, cần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống thông tin kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là khi đã có chủ trương chính thức về đầu tư.

Tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế, góp phần quan trọng xử lý gốc rễ vấn đề chống lạm phát ở Việt Nam. Đây là quá trình lâu dài, phức tạp và cũng có cả rủi ro cần phòng tránh.

Có thể thấy, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi có tư duy kinh tế phát triển đúng tầm, tạo ra bước ngoặt mang tính chiến lược.

Nước ta đang phải đối mặt với hai vấn đề. Bên ngoài là tư tưởng phát triển nhưng bên trong vẫn còn những điểm yếu căn bản. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đủ ý chí, năng lực tự thân đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn. Điều này liên quan đến tư duy về cải cách và lợi ích của các nhóm.

Lần cấu trúc này, phải dám xông vào những lĩnh vực được xem là nhạy cảm và thực sự phức tạp về chính trị, xã hội như: đầu tư công, khu vực DNNN, tài chính ngân hàng và sau đó là các nhóm lợi ích. Vì vậy, ý chí chính trị của nhà hoạch định chính sách phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Các tin khác