Tái cấu trúc CTCK: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xây dựng đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK). Dự kiến, đề án này sẽ ban hành vào cuối năm nay và đầu quý II-2012 sẽ thực hiện.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xây dựng đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK). Dự kiến, đề án này sẽ ban hành vào cuối năm nay và đầu quý II-2012 sẽ thực hiện.

> Còn bao nhiêu SME?

Yếu kém nhìn từ SME

Sau khi CTCK SME xảy ra việc mất thanh khoản và bị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) hủy lệnh giao dịch mua, đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký, SME đã có giải trình về vấn đề này.

Trong đó, CTCK SME cho rằng bản chất của sự việc là do lỗi hệ thống giao dịch giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản giao dịch chứng khoán. Việc phát hiện lỗi giao dịch muộn của nhân viên kế toán thanh toán khiến cho quá trình giải quyết quá thời gian quy định của VSD.

SME cho biết thời gian qua, hệ thống thanh toán của SME có một số lỗi kỹ thuật, đối tác nước ngoài chịu trách nhiệm xử lý nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn. Ngay sau khi việc này xảy ra, ban lãnh đạo của SME đã họp kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Năm 2011 những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã làm cho TTCK toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn. TTCK các nước châu Âu giảm 12-15%. Ở châu Á, TTCK Hồng Công giảm 17%, Trung Quốc 12-15%. Riêng TTCK Hoa Kỳ có lên, xuống nhưng nói chung cũng khó khăn. TTCK trong nước, quy mô giao dịch xuống thấp quá, bình quân từ đầu năm đến nay giảm 50% so với năm 2010, thậm chí có thời điểm chỉ còn tương đương 30% so với bình quân năm 2010. Vì vậy, nguồn thu của CTCK khó khăn, phí tư vấn và bảo lãnh cũng sụt giảm.

Ông VŨ BẰNG, Chủ tịch UBCKNN

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (UBCKNN), đây là việc tái diễn nhiều lần, chứng tỏ việc quản trị công ty và quy trình nghiệp vụ của CTCK SME có vấn đề.

UBCKNN đã không chấp nhận giải trình từ phía SME, đồng thời yêu cầu SME phải rà soát mọi quy trình nghiệp vụ liên quan đến giao dịch và thanh toán, với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao dịch và thanh toán an toàn cao nhất cho khách hàng.

Ông Sơn cũng khẳng định đây là sự việc nghiêm trọng và SME phải chịu trách nhiệm với khách hàng. Quan điểm của UBCKNN là việc thanh toán tiền của khách hàng thuộc trách nhiệm của CTCK, phải đảm bảo yếu tố an toàn cho khách hàng và hệ thống, không được gây ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch.

Nếu SME tiếp tục vi phạm, UBCKNN sẽ xem xét việc đình chỉ hoạt động môi giới của CTCK này để đảm bảo cho khách hàng và hệ thống.

Từ trường hợp của SME, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc liệu có hay không trường hợp tương tự SME và trách nhiệm giám sát của UBCKNN? Theo ông Sơn UBCKNN sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ việc thanh toán tiền của khách hàng tại tất cả CTCK.

Từ năm 2010, UBCKNN đã tích cực rà soát và giám sát tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại CTCK thông qua yêu cầu các CTCK thực hiện chế độ báo cáo 1 tháng 2 lần về số dư tiền gửi của khách hàng, qua đó UBCKNN kiểm soát việc chuyển tiền của khách hàng gửi tại CTCK.

Nếu CTCK nào có sự đột biến sẽ giám sát, có dấu hiệu bất thường thì có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Sơn cũng khẳng định việc đảm bảo thanh toán cho khách hàng thuộc về trách nhiệm của CTCK.

Nếu để xảy ra sai sót, CTCK hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua thời gian giám sát, UBCKNN đánh giá rằng cho đến nay hệ thống thanh toán của CTCK vẫn đảm bảo.

Rà soát CTCK yếu kém

Tuy nhiên, theo nhận xét của một số chuyên gia, trường hợp SME có thể chỉ là phần nổi trong hoạt động của các CTCK vốn đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế càng làm bộc lộ những CTCK yếu kém. Sự yếu kém, hoạt động “xé rào” còn thể hiện ở việc năm 2010, khi thị trường tương đối dễ dàng, một số CTCK sử dụng nhiều nghiệp vụ không được phép.

Vì thế, khi tín dụng bị thắt chặt càng khiến các CTCK gặp khó khăn trong thanh khoản, ngay cả khi việc thực hiện yêu cầu quỹ hỗ trợ thanh toán và đảm bảo tiền thanh toán cũng khó đáp ứng được. Thực tế này cho thấy với số lượng hơn 100 CTCK, đã đến lúc cần phải cơ cấu lại để các thành viên thị trường này hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.

Nhà đầu tư hoang mang trước những rủi ro bởi sự yếu kém của các CTCK mang lại. Ảnh: LÃ ANH

Nhà đầu tư hoang mang trước những rủi ro bởi sự yếu kém
của các CTCK mang lại. Ảnh: LÃ ANH

Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo UBCKNN cho rằng việc tái cơ cấu các CTCK là cần thiết để chấn chỉnh hoạt động của khối này. Thời gian gần đây, sau khi làm việc với vài chục CTCK, UBCKNN đã bóc tách khoảng 10 CTCK tương đối khó khăn và tiến hành kiểm tra những đơn vị này.

Tuy nhiên, có điểm khó là với những CTCK niêm yết trên sàn, báo cáo tài chính 6 tháng chỉ có soát xét, không có kiểm toán, khiến các đoàn thanh tra vẫn phải dựa nhiều vào báo cáo của CTCK, nên đã không nắm chắc được thực trạng về rủi ro an toàn tài chính. “Việc bóc tách mất rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, vừa qua chúng tôi cũng đã yêu cầu một số CTCK phải giải trình, thậm chí kiểm toán lại báo cáo trước đó, có bức tranh rõ hơn về hoạt động của mình để ứng xử” - vị này nói.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán trong phạm vi thẩm quyền, với tư cách quản lý thành viên và với tư cách quản lý CTCK niêm yết, phải rà soát báo cáo công bố thông tin, từ đó có ứng xử trong thẩm quyền, bảo vệ nhà đầu tư.

Ở góc độ bảo vệ khách hàng, với những khách hàng gửi tiền tại CTCK khó khăn, có thanh khoản thấp, UBCKNN đã cho phép VSD có quyền đình chỉ, hủy lệnh mà không phải xin phép UBCKNN với những trường hợp thiếu thanh khoản.

Khi VSD có quyết định cảnh cáo hoặc đình chỉ một CTCK nào đó (do mất thanh khoản chẳng hạn) thì đó là một tín hiệu với thị trường và nhà đầu tư để họ biết được tình trạng rủi ro của CTCK, từ đó có phương thức bảo vệ mình.

Với việc VSD tạo tín hiệu với khách hàng, UBCKNN cũng đồng thời yêu cầu các Sở Giao dịch chứng khoán tăng cảnh báo với cổ phiếu niêm yết, cảnh cáo với thành viên có vấn đề để nhà đầu tư hiểu.

Vị lãnh đạo UBCKNN cũng cho biết bên cạnh việc rà soát, phối hợp kiểm toán, kiểm tra tiếp, UBCKNN yêu cầu những CTCK yếu phải chuyển toàn bộ tài khoản khách hàng còn tiền sang Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và mở tách từng tài khoản để bảo vệ khách hàng. Việc này được áp dụng với những CTCK yếu nhất hoặc đang phải tạm thời thu hẹp hoạt động môi giới.

Phân loại, xử lý

Trên cơ sở khoảng 10 CTCK yếu kém, UBCKNN đang tính đến việc họp với các CTCK này lại để xem xét tạm ngừng hoạt động môi giới và tiến tới rút hẳn nghiệp vụ môi giới nếu thực sự khó khăn.

Việc xử lý các CTCK sẽ dựa trên nền tảng là chỉ tiêu an toàn tài chính. UBCKNN cũng đang dự thảo thông tư yêu cầu các CTCK hàng quý phải có kiểm toán và công bố các chỉ tiêu an toàn tài chính. Thừa nhận quy định này sẽ có phản ứng từ các CTCK vì chi phí tăng nhưng UBCKNN cho rằng việc này là cần thiết để tăng sự minh bạch và sẽ giám sát chặt chẽ hơn tình hình tài chính của CTCK, để từ đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Bởi nếu không làm như vậy, tỷ lệ an toàn tài chính đưa ra sẽ chỉ là một thứ trang điểm. Tinh thần của UBCKNN là phải thúc ép để nắm được thông tin chuẩn và để bản thân hội đồng quản trị, cổ đông sáng lập của công ty cũng phải dựa vào đấy biết độ rủi ro và biết khi nào CTCK yếu, khỏe để chủ động có giải pháp khắc phục.

Hiện nay, số lượng CTCK nước ta quá nhiều, số lượng công ty lỗ cũng lớn. Thị trường chỉ cần khoảng 20% số lượng CTCK hiện nay là đủ. Vì vậy, đến lúc phải siết chặt hoạt động các CTCK thông qua biện pháp sáp nhập, giải thể. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cơ quan quản lý cần có quỹ bảo hiểm những rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp CTCK phá sản hay mất khả năng thanh toán.

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI,
Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Để phân loại và có hướng xử lý các CTCK yếu kém, hiện dự thảo Đề án tái cấu trúc CTCK đã được UBCKNN xây dựng và định hình trên tinh thần phân loại CTCK thành 3 nhóm, dựa trên 2 tiêu chí: vốn khả dụng/tổng nợ, mức lỗ/vốn điều lệ.

Về nguyên tắc, đề án này sẽ có sự phân loại các CTCK, từ đó có giải pháp để buộc các CTCK phải tái cấu trúc nợ, tăng quản trị công ty, giảm danh mục đầu tư… thậm chí những CTCK yếu có thể sẽ phải theo hướng mua bán, sáp nhập hoặc có thể sẽ rút bớt nghiệp vụ nếu không tuân thủ các quy định mang tính nền tảng là Thông tư 226 về vấn đề các chỉ tiêu an toàn tài chính.

Liên quan đến việc mất thanh khoản của SME, lãnh đạo UBCKNN cho biết đang xây dựng đề án để VSD có chức năng như một ngân hàng thanh toán, tức có nhiệm vụ theo dõi từng tài khoản nhà đầu tư giống như theo dõi tài khoản cổ phiếu.

Đề án đó đang được triển khai và vừa qua VSD đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở Hungary vì đây là nước đang thực hiện mô hình này.

“Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt từ phía cơ quan quản lý trong lành mạnh hóa hoạt động khối CTCK, đẩy mạnh tái cơ cấu, khuyến khích CTCK sáp nhập, thị trường cũng cần có sự đồng cảm chia sẻ đối với các CTCK khi mà bối cảnh TTCK hiện đang gặp nhiều khó khăn” - vị lãnh đạo UBCKNN này nói.

Các tin khác